Hiện nay, Y miếu Thăng Long là di tích lịch sử có tính chất quốc gia duy nhất của nền y học cổ truyền dân tộc. Hằng năm, vào tháng giêng âm lịch các thầy thuốc Đông y và cán bộ y tế đã họp mặt ở đây để tưởng nhớ và nguyện phấn đấu theo gương các đại danh y.
Uống nước nhớ nguồn. Đó là đạo lý của con người. Là một nước văn hiến , dân tộc ta đã xây dựng đạo lý ấy thành một truyền thống tốt đẹp. Chỉ 60 năm sau khi dời kinh đô ra Thăng Long, năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử cùng tạc tượng 72 vị tiền hiền là học trò giỏi của Khổng Tử. Rồi sáu năm sau, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc tử giám. Đây là hành động tích cực nhằm đề cao tinh thần hiếu học của một dân tộc hiếu học. Cùng với tinh thần hiếu học, dân tộc ta đã có một nền y học lâu đời từ thời Hùng Vương dựng nước. Trong bia của Y miếu nước ta có ghi rõ:
“Nguyên lúc mới có loài người chưa biết thuốc thang, thời ấy có Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế nối nhau làm vua lo đời cứu dân, nghiên cứu sâu rộng, biên chép sách thuốc, làm ra phương thư, diễn sách Linh Khu, sử dụng thuốc men, từ đó đạo y mới được sáng lập. Nhờ có y học mà gầy gò trở lại béo tốt, tàn tật được lành mạnh, người ta khỏi bị chết non, sống đến cõi thọ, muôn đời sau có thầy dạy cho học tập, phát huy rộng rãi phương pháp chữa bệnh cứu người được đầy đủ.
Tới nay, nhân dân được chịu công ơn các bậc thánh ấy thật là to lớn, mà từ xưa đến nay chưa ai làm miếu thờ các bậc thánh đó để xuân thu tứ thời hưởng sự báo đáp của dân. Thế mà những thần tượng dị đoan lại chiếm những nơi đất đẹp làm đền lộng lẫy, cúng thờ nhảm nhí, còn những bậc thánh nhân chân chính thì không có nơi thờ. Những người hiểu biết phải lấy thế làm buồn. Đó không phải là một sự thiếu sót ư?”.
Nước ta, các đấng vua trước chỉnh đốn việc thờ cúng, lúc đầu có để ý xét đến, truyền cho Viện Thái y tìm đất, lãnh tiền công để xây dựng Y miếu, không phải là không dốc lòng tôn trọng, nhưng các bậc ở thời ấy không lấy làm cẩn, không Vâng lệnh làm ngay, để đến nổi nhân dân không có chỗ chiêm ngưỡng”.
Vậy Y miếu của dân tộc ta được xây dựng vào năm nào?
Sứ mệnh vẻ vang này được lịch sử trao cho danh y Trịnh Đình Ngoạn. Ông là người làng Định Công, huyện Thanh Trì (Hà Nội) sống trong thế kỷ XVIII dưới thời vua Lê Hiển Tông (11740-1786), tự là Nghiêm Thận Ngoạn, tước Ngoạn Trung Hầu, giữ chức Thái Y Viện chưởng viện là tác giả quyển sách thuốc có giá trị Cương mục yếu ước chân kinh điêu luận. Với tác phẩm này, ông có công bổ sung các phương thuốc chữa thương hàn và một số bệnh do khí táo phát sinh. Suốt đời tận tuỵ với công việc, ông ý thức việc xây dựng Y miếu nhằm tôn vinh các bậc tiên thánh trong ngành là một trong những “việc cần làm ngay”. Trước hết ông, tìm một khu đất công ở phường Bích Câu, về phía tây Phương Thành, phía trái Văn Miếu và có một cái ao trong suốt vòng quanh rất hữu tình hợp lý:
Xanh xanh dãy liễu ngàn thông
Cỏ hoang lối mục rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước đìu hiu
Phất phơ gió trúc dập dìu mưa hoa
(Bích Câu kỳ ngộ)
Ý muốn của ông là Y miếu xây dựng cạnh Văn Miếu sẽ nhắc nhở những cho thiên hạ rằng, công đức của thầy thuốc cũng được sánh ngang với thầy dạy chữ vậy. Việc làm này xuất phát từ tấm lòng của một cá nhân, chứ không phải từ chỉ đạo của triều đình nên Trịnh Đình Ngoạn e rằng không đủ kinh phí để thực hiện. Do đó, ông mới tâu lên nhà vua. May mắn, nhà vua không những đã chuẩn y đề xuất của ông mà còn ban thêm 10 mẫu ruộng làm tự điền cho việc hương khói tế tự. Còn bà Hoàng thái hậu ban cho 2 nén bạc. Noi theo gương tốt này các cung tần mỹ nữ cũng ủng hộ thêm- người cho 1 nén bạc, kẻ cho 10 quan tiền v.v… Còn những vị lang y trong Thái y viện “mừng thấy công việc hiếm có này” cũng kẻ ít, người nhiều “đem hết hằng tâm” mà đóng góp. Cuối cùng, Trịnh Đình Ngoạn bỏ thêm 600 quan tiền riêng nữa là đủ để lo xây cất.
Y miếu Thăng Long là một di tích lịch sử củøa nền y học cổ truyền còn tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử. Trong quyển Góp phần xây dựng ngành dược Việt Nam (NXB Y Học 1985) của D.S Trương Xuân Nam cho biết: “Nó nằm trên đường số 9A số 224 khu phố Đống Đa - song song với đường Trần Quý Cáp hay đường Ngô Sĩ Liên, thông qua đường Quốc tử giám. Khu đất này rộng 747 mét vuông, thửa số 420, tờ bản đồ số 13 khu K, bằng khoán số 380 của Sở quản lý nhà đất Hà Nội” (tr. 78). Tham khảo thêm tác phẩm Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn (NXB Hà Nội - 1995) thì: “Y miếu cũng chỉ mới được xây dựng vào năm 1930 do giới Đông y quyên tiền để làm, không phải ở nền Y miếu thời Hậu Lê tức là chỗ đã thay bằng chùa Phổ Giác, mà tại một chỗ đất khác gần đó. Miếu làm giữa vườn rộng trồng cây thuốc Nam” (tr. 862, tập II). Như vậy, Y miếu hiện nay nằm khiêm tốn ở số 9 Ngô Sĩ Liên, sát bên chùa khoảng chục mét, phía trước có gắn tấm bảng Di tích lịch sử đã được xếp hạng là Y miếu đã được xây dựng sau này. Còn Y miếu thời Lê Hiển Tông thì hoàn thành vào năm 1774 mà trong bia có ghi lại: “Trong mấy tháng đã xây xong, phượng múa rồng ngoi, cung tường lộng lẫy, rường cột hiên ngang, có nơi chiêm ngưỡng thật tôn kính” - gồm hai lớp nhà thượng đường và hạ đường nối liền nhau, tường gạch vách ngói. Trong miếu, có bài vị giữa thờ Tam thánh tiên hiền là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế - tương truyền là ba vị tổ Đông y của Trung Quốc. Còn tả hữu hai bên thờ tiên y Việt Nam là Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Việc làm của danh y Trịnh Đình Ngoạn đã được người đương thời ca ngợi: “Việc như thế, các bậc danh y thời đại trước chưa ai làm được, mà nay chỉ có quan tước Hầu làm được, thực là có công với đạo Y không phải là ít”; và họ đã dựng bia vì: “Thường nói, bia là để ghi công lạ, truyền việc hay, không phải là không có tác dụng. Ở đời có những người có hoài bão khác thường, công lao hiếm có, chẳng những khen không ngớt miệng mà còn khắc vào bia đá, vì rằng muốn cho bền như vàng ngọc để lưu truyền mãi mãi, thì chính nay thấy có quan Chưởng viện họ Trịnh được xứng đáng làm việc ấy. Việc dựng bia này có thể thôi không làm được ư !”. Và cũng theo văn bia này thì chúng ta có thể thấy được đôi nét về công nghiệp của danh y Trịnh Đình Ngoạn: “Dòng dõi nho y rộng thông kinh sử, sánh với các bậc Nho, Minh, Thế, Đức, nghiên cứu tinh phương thuốc của các nhà - ngang với hàng Chu, Lý, Trương, Lưu (1) am hiểu hết quy mô về y đạo. Cứu người chữa bệnh, thực chân truyền Kim quỷ, Thanh nang. Tích đức lập công, thực nhân thuật Hạnh lâm, Quýt tĩnh. Thường ngày đem tâm đắc chữa bệnh cho nước cho dân từ các triều trước, ơn trên đề bạt thường được khen thưởng, nay phục vụ thuốc thang được vua cho là Quốc thủ danh y và ban cho chức Chưởng lục cung Thái y viện, thật là đặc ân đó trên đời hiếm có”. Và dưới văn bia còn có khắc bài Minh:
Tước hầu vĩ đại
Tài giỏi tuyệt vời
Quốc thủ nổi tiếng
Gia truyền lâu đời
Miếu thờ tiên thánh
Để tiếng lâu dài
Từ trước hiếm có
Việc này sáng ngời
Xin khắc bia đá
Để nhớ công người
Căn cứ vào tác phẩm Cương mục yếu ước chân kinh điêu luận thì danh y Trịnh Đình Ngoạn đã chế ra một số phương thuốc như: Nhuận phế cứu tảo thang chữa bệnh ho khan thổ huyết; Sinh âm khoan kết thang chữa bệnh hỏa uất, đại tràng táo kết, táo bón; Nhuận chi thang chữa bệnh táo cực sinh phong, tay chân co giật; Kiêm nhuận hoàn chữa miệng lưỡi sinh viêm, đại tiểu tiện ra máu v.v… Công đức của ông thật lớn lao.
Hiện nay, Y miếu Thăng Long là di tích lịch sử có tính chất quốc gia duy nhất của nền y học cổ truyền dân tộc. Hằng năm, vào tháng giêng âm lịch các thầy thuốc Đông y và cán bộ y tế đã họp mặt ở đây để tưởng nhớ và nguyện phấn đấu theo gương các đại danh y.
Nhìn lại việc làm của Quốc thủ danh y Trịnh Đình Ngoạn với những công trình nghiên cứu về y học của ông, chúng ta càng tự hào về ông, về những thầy thuốc chân chính.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Sức khỏe & đời sống của Bộ Y tế số XUÂN 2014)
Chú thích:
(1) Danh y Trung quốc: Chu Đại Khê, Lý Đông Viên, Trương Cảnh Nhạc, Lưu Hoàn Tố.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|