Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Nếp nhà LƯU QUANG VŨ |
* BỖNG MỘT NGÀY EM ĐẾN GIỮA LÒNG ANH |
* ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VÀ VUN ĐẮP TÌNH YÊU |
* CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC |
Tất cả các trang |
ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VÀ VUN ĐẮP TÌNH YÊU
Từ năm 1958, về sống ở căn nhà 96 A Phố Huế, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Thuận đã ươm mần và vun xới một tài năng của đất nước: Lưu Quang Vũ. Mới 13 tuổi, Vũ đã có truyện ngắn Đám trẻ con làng Á đăng báo và giành cả giải thưởng về văn và họa của Hà Nội. Không những thế, ngoài giờ học cậu còn tham gia buổi phát thanh Măng Non của Đài Tiếng nói Việt Nam, lồng tiếng cho phim hoạt hình thiếu nhi.
Bấy giờ, ông Thuận có hai vở chèo thành công là Tấm Cám, Mối tình Điện Biên rất thành công. Mỗi lần tập vở, ông thường dẫn Vũ theo, chắc chắn tình yêu sân khấu đã nẩy nở dần trong lòng Vũ. Là một học sinh luôn đạt nhiều thành tích trong học tập, theo quy chế, Vũ có thể được tuyển thẳng vào Đại học nhưng khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vũ lại xung phong đi bộ đội.
Do chỉ mới 17 tuổi nên không thể gia nhập quân đội, sau phải nhờ chú ruột là nhà thơ Lưu Trùng Dương - cán bộ sư đoàn 324 can thiệp nên Vũ mới toại nguyện. Trước ngày lên đường, Vũ đã viết tặng mẹ những câu thơ:
Từ giã những tà áo tuổi thơ, từ giã mẹ
Con khoác lên mình áo bộ đội xanh
Màu xứ sở ru con từ thuở bé
Nay cùng con gìn giữ đất quê mình
Thế nhưng chất nghệ sĩ tài hoa của Vũ không thích ứng được đời sống quân ngũ, dù trong hội diễn toàn quân chủng phòng không vở chèo Đôi bạn quê hương của anh được đơn vị đánh giá cao.
Với những chuyện vặt vãnh như trả phép không đúng hẹn, nói năng thiếu ý tứ đã khiến anh bị xếp vào loại thiếu gương mẫu. Đã thế, vị chỉ huy của Vũ lại xem việc làm thơ là biểu hiện của sự yếu đuối nên cấm ngặt. Làm sao cấm được mây bay trên và gió reo ngoài nội? Biết tâm trạng buồn phiền của con, ông Thuận viết thư động viên con, lời lẽ thật chí tình: “Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng. Nhưng bố mẹ luôn mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Một lần vấp ngã là một lần rút ra bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản…Vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hy vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống cũng đã là một việc khó khăn”.
Nhà thơ Phùng Quán có lần viết: “Có những lúc ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Với Vũ, anh đã “vịn” vào những lá thư của cha luôn kịp thời nhắc nhở và động viên anh. Trong sổ tay, anh còn ghi câu nói của thi sĩ Pháp Alfred de Musset: “Không có gì làm cho ta lớn bằng một nỗi đau khổ lớn, những tiếng hát tuyệt vọng là tiếng hát tuyệt vời nhất” - như một cách tự an ủi mình và dũng cảm vượt qua khó khăn lúc ấy.
Vài năm sau, Vũ xuất ngũ và đã có vợ là nghệ sĩ Tố Uyên. Thế nhưng hạnh phúc đổ vỡ chóng vánh. Hoàn cảnh đất nước chiến tranh, gia đình nghèo khó, làm gì để sống? Vũ ghi câu “tuyên ngôn” và dán ngay nơi góc bàn làm việc: “Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối”. Ít ai biết, những ngày này, Vũ có viết tập thơ rất hay Cuốn sách xếp nhầm trang đã phản ánh một tâm trạng dằn vặt, đớn đau:
Cuộc chiến tranh tàn ác
xô thàng ngày vỡ nát nối nhau trôi
điều anh tin không có ở trên đời
điều anh có không giúp gì ai được
gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
mối tình xưa anh cũng đã quên rồi…
Năm tháng dần dà trôi, Vũ bước sang một trang mới. Như sự sắp đặt của số phận, anh đã gặp nhà thơ Xuân Quỳnh. Nghe tin này, mẹ anh - bà Vũ Thị Khánh hoảng hồn. Con mình dở dang với người vợ diễn viên, nay lại kết duyên người văn nghệ sĩ, đã thế lại lớn tuổi hơn, liệu hạnh phúc có bền?
Khác với vợ, bằng sự linh cảm và tình cảm cha con, ông Thuận biết Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau chỉ vì tình yêu nên không việc gì phải âu lo và ông tán thành cuộc tình này. Năm 1973, Vũ và Quỳnh tổ chức “đám cưới” giản dị tại cửa hàng Mỹ Kinh ở phố Hàng Buồm. Hôm ấy chỉ có người thân trong gia đình và 2 người bạn chí cốt.
Ông Thuận thường bảo với vợ: “Mình phải hết sức yêu quý con dâu vì không mất công đẻ, không mất công nuôi mà bỗng dưng lại được thêm đứa con”. Những lúc đọc báo thấy có in thơ, bài phê bình thơ của con dâu là ông cất giữ cẩn thận, trao lại cho con. Cảm động trước tình cảm của bố mẹ chồng, Xuân Quỳnh đã viết được những vần thơ rất hay thuộc loại “gối đầu giường” của nhiều thế hệ:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…
Thật lạ lùng, nếu Xuân Quỳnh dành cho mẹ chồng những vần thơ nặng tình như vậy thì bố chồng của chị cũng từng nghĩ về mẹ vợ:
Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy
Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em
Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn
Cám ơn mẹ những năm dài vất vả...
Một sự trùng hợp độc đáo trong gia đình văn nhân của nước ta. Khi viết những truyện ngắn thiếu nhi như Ông nội, ông ngoại là Xuân Quỳnh xây dựng từ hình ảnh của bố chồng. Chị viết: “Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa, không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở bờ hồ là Minh thích nhất, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng, nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười?”. Minh là hình ảnh của Lưu Quang Vũ ngày thơ ấu.
Ngay sau cưới nhau, Lưu Quang Vũ viết trong thư gửi em trai đang học ở nước ngoài: “Sau bao nhiêu sóng gió, thế là anh Vũ, chị Quỳnh đã được sống bên nhau. Chị Quỳnh là người tốt, rất hiểu và yêu anh. Mong và tin rằng sẽ sống được bên nhau suốt đời, sẽ làm được nhưng việc có ích”. Từ hai bàn tay trắng, Lưu Quang Vũ kiếm sống bằng nghề vẽ pa-nô, in bưu thiếp, xếp đặt cho các cuộc triển lãm, rồi làm thơ viết kịch, vẽ tranh minh hạo cho báo, bồi giấy làm bìa… Anh làm việc với một sức lực phi thường. Động lực thúc đẩy anh chính là từ tình yêu mới.
Năm 1979, từ sự gợi ý của đạo diễn Phạm Thị Thành, Lưu Quang Vũ hoàn thành Sống mãi tuổi 17, dựa trên kịch bản Ông Nhỏ - viết về Lý Tự Trọng của Đào Duy Kỳ và nhận được Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Vở diễn đầu tay đã báo hiệu sự chín muồi của một tài năng lớn. Thực hiện câu nhắc nhở “Phải sống có ích” từ người cha mà anh rất mực kính yêu, Vũ đã làm việc miệt mài và đạt kết quả phi thường. Đúng như nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo nhận định: “Bóng rợp của tài năng Lưu Quang Vũ đã trùm lên che mát cho cả một vùng sân khấu rộng lớn trải dài theo chiều dài đất nước trong một thập niên”. Mãi đến nay vẫn chưa ai có thể thay thể vai trò của Lưu Quang Vũ với sức lao động kinh khiếp ấy.
Thật éo le, khi con bước lên trên đỉnh vinh quang chói lọi thì ông Thuận không có dịp chứng kiến. Ông mất đúng vào lúc mở màn vở kịch Kẻ đốt đền ở Nhà hát lớn Hà Nội - vì cơn đau tim đột ngột. Tựa dịu dàng vào vai vợ, ông đã đi về cõi hư vô. Kim đồng hồ chỉ đúng 19g 40 phút ngày 21.2.1981, lúc ấy, Lưu Quang Vũ đang làm việc với đạo diễn Dương Ngọc Đức sau Nhà hát lớn.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|