Không biết tự bao giờ, 12 con giáp xuất hiện trong đời sống con người. Tại sao lại chọn ngựa? Có phải xét vì tính cách của nó hay không? Tục ngữ Việt Nam có những câu “ác liệt”, “dữ dằn” như ngựa non háu đá; đầu trâu mặt ngựa; thẳng như ruột ngựa; mồm chó vó ngựa; ngựa quen đường cũ; ngựa bất kham; Thẳng (như) ruột ngựa; chạy như ngựa; lên xe xuống ngựa; thậm chí còn có cả… mó dái ngựa! Nếu tin những người tuổi Ngọ, có tính cách như… ngựa là hết sức tầm bậy, vô lý. Dù ở tuổi nào cũng có những người tài năng và bất tài. Nhìn qua các bậc nữ lưu trong lịch sử nước nhà, các đấng mày râu phải ngả nón khâm phục. Dù phụ nữ nhưng họ có những đóng góp lớn trong cộng đồng và trở thành niềm tự hào chung của nhiều thế hệ.
Từ ngàn xưa, những người phụ nữ Việt Nam đã giữ lấy nề nếp phổ biến, khi chồng chết thì không “đi bước nữa” mà cam chịu góa bụa để nuôi con nên người. Một trong hằng triệu người phụ nữ thủy chung như thế, có thể kể đến bà Lý Ngọc Kiều sinh năm 1042 (Nhâm Ngọ) - ngay từ thuở nhỏ, bà đã được vua Lý Thánh Tông nuôi dạy trong cung. Đến tuổi trưởng thành, bà được nhà vua gả chồng cho. Sau khi chồng mất nhà cho tái giá nhưng bà không chịu. Một hôm bà than:
- Ta xem tất cả mọi điều trong thế gian này như mộng ảo, huống gì các thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy mãi được hay sao?
Từ đó, bà đem tất cả tư trang vàng vòng châu báu ra bố thí cho kẻ nghèo hèn, rồi xuống tóc xuất gia. Thiền sư Chân Không ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du cùng quê với bà đặt cho pháp danh Diệu Nhân. Đến lúc bà đã hiểu được những điều tâm yếu của đạo Phật, thiền sư Chân Không đưa bà đến trụ trì ở Ni viện Hương Hải (tức chùa Linh Ứng hiện nay ở Bắc Ninh). Tại đây, ngoài thời gian tu tập bà thường vào làng đàm đạo kinh sách với các cụ già, khuyên bảo các em nhỏ những lời hay lẽ phải. Không những thế, bà còn tổ chức trồng những vườn cây thuốc Nam để chữa bệnh cho dân trong làng. Ai ai cũng kính phục tâm đức từ bi của bà. Ngày mồng 1.6.1113, lúc ấy đang lâm bệnh, bà gọi đệ tử đến và truyền lại bài kệ:
- Sinh, lão, bệnh, tử
Lẽ thường tự nhiên
Muốn cầu siêu thoát
Càng trói buộc thêm
Mê muội: cầu Phật
Lầm lẫn : cầu Thiền
Chẳng cầu Thiền, Phật
Mím miệng ngồi yên.
Đọc xong bài kệ thì bà nhắm mắt viên tịch. Với bài kệ nổi tiếng này, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã xếp bà vào hàng các nữ tác gia tiêu biểu của thời Lý. Hiện nay, trong chùa Linh Ứng còn có tượng thờ Ni sư Diệu Nhân.
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm nổi tiếng trong văn học nước nhà, nhưng ít ai biết, bà có cô cháu cũng tài hoa không kém. Đó là bà Đoàn Lệnh Khương, sinh năm 1726 (Bính Ngọ) gọi nữ sĩ là cô ruột, quê xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, (Hưng Yên). Biết bà vừa có nhan sắc vừa thông tuệ nên có ngườI tiến cử bà vào cung làm vợ hoàng tử Duy Diêu (tức vua Lê Hiển Tông sau này), nhưng rồi do thời thế loạn lạc nên mọi việc không như ý muốn. Mãi đến năm 31 tuổi, bà nhận lời làm thiếp của quan Đốc đồng Sơn Nam là Nguyễn Xuân Huy. Bà sinh được một gái, nhưng mới được hai tuổi thì con mất; rồi chỉ được non bảy năm, chồng mất, bà đau xót khôn nguôi và đã viết đôi câu đối khóc (tạm dịch):
Dưới suối vàng vui vầy, người ta đều biết chàng có con;
Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng.
Sau đó, bà lên kinh đô dạy học tại tư gia. Nghe tiếng, học trò từ các nơi về học rất đông, nhiều người đỗ đạt. Đương thời, bà được nhân dân kinh thành Thăng Long yêu mến, trân trọng gọi là Nữ học sư. Theo GS Vũ Khiêu, Nữ học sư Đoàn Lệnh Khương là một trong những nhà giáo dục nổi tiếng nhất của Thăng Long từ thời dựng nước đến thế kỷ XIX, bên cạnh các danh nhân Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Văn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý…
Không phải ngẫu nhiên mà tên Từ Dũ được đặt cho một bệnh viện phụ sản tài Sài Gòn, bà sinh năm 1810 (Canh Ngọ) vợ của vua Thiệu Trị và là mẹ của vua Tự Đức. Bà nổi tiếng là người mẹ hiền thục, mẫu mực, dạy con chu đáo.
Có lẽ, trong lịch sử nước nhà chỉ có một trường hợp lạ lùng thế này: Ngày nọ, giải quyết xong công việc triều chính, vua Tự Đức cùng hạ thần vào rừng săn bắn. Về chiều trời đất u ám, mưa trút xuống như thác đổ. Ngồi trong cung, thấy con chưa về kịp, bà Từ Dũ rất lo lắng. Bà sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Mãi đến lúc trời sụp tối thì họ mới về đến cung. Vua Tự Đức vội vã đi thẳng vào cung Diên Thọ để chịu lỗi với mẹ. Đang giận con, bà ngồi quay mặt vào màn, không nói một lời. Vua Tự Đức biết mẹ không vui nên tự lấy cây roi mây đặt trên tràng kỷ, rồi nằm dài xuống xin chịu đòn. Giây lát sau, bà quay mặt ra, bảo con ngồi dậy rồi nghiêm khắc nói:
- Mẹ đã nói với con, con vật cũng như con người, bắn chết con trống thì con mái lẻ bạn thương xót không nguôi; bắn con con thì con mẹ buồn thảm, đau khổ. Vậy thì săn bắn để làm gì? Muốn tập bắn thì nên bắn bia chẳng hay hơn sao? Từ rày về sau, con không nên sát sanh thú vật nữa.
Lại có lần vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều, bà giận lắm. Lúc về, nhà vua đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Nhà vua phải đứng chờ cả tiếng đồng hồ, sau bà mới cho gọi vào và dạy:
- Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính. Thôi, hay mau về triều cùng các quan bàn quốc kế…
Bà mất ngày 5.4.1902, thọ 92 xuân, an táng ở Xương Thọ lăng, được thờ trong Thế Miếu.
Những phụ nữ tuổi Ngọ hiền thục, giỏi giang còn nhiều, không chỉ giỏi việc nhà, họ còn chung tay lo việc nước. Ta có thể kể Cô Giang sinh 1906 (Bính Ngọ), người đã cùng nhà cách mạng Nguyễn Thái Học thực hiện khát vọng “Không thành công cũng thành nhân”. Hoặc bà Nguyễn Thị Suốt, thường gọi “mẹ Suốt” cũng sinh năm 1906 (Bính Ngọ) tại thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) trong một gia đình ngư dân nghèo. Thuở nhỏ, bà phải đi ở đợ; sau khi có chồng, làm nghề chèo đò. Bà nổi tiếng chèo đò đưa bộ đội vượt qua tuyến lửa. Ngày 1.1.1967, bà được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên dương công trạng Anh hùng. Hiện nay, tại thị xã Đồng Hới có dựng tượng đài Mẹ Suốt.
Trong giới sân khấu nước nhà, nghệ sĩ Nam Phỉ là một tên tuổi lớn, bà sinh năm 1906 (Bính Ngọ). Đánh giá sự nghiệp của bà, NSND Ba Vân cho rằng: “Theo tôi, cô Năm là thiên tài trong lĩnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất thật không quá đáng. Mỗi khi nhận vai tuồng, cô Năm thường suy nghĩ rất nhiều về cách diễn, nghiên cứu từng bước đi, ngồi đứng, di động trên sân khấu làm sao cho mỗi động tác đều thể hiện rõ và đúng tâm trạng của nhân vật. Với vóc dáng mảnh mai và một giọng ca tuy không phong phú lắm nhưng rất đặc biệt thuộc loại giọng hiếm có, hơi khàn khàn nghe rất thảm, rất thích hợp với những vai đào thương”. Nhà giáo nhân dân, GS Hoàng Như Mai khẳng định: “Nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương”.
Nghệ sĩ Năm Phỉ đã để lại dấu ấn trong các vở như Tham phú phụ bần, Ơn đến oán trả, Thiện ác hữu báo, Bội thê thiên xử, Lan và Điệp, Sắc đẹp giết người, Phụng Nghi Đình v.v... Trong vở Sĩ Vân công chúa, bà đóng chung với danh tài Phùng Há đã tạo nên đôi uyên ương độc nhất vô nhị của thời bấy giờ. Trong vở Tứ đổ tường qua vai Thị Anh, vợ tên nghiện Hà Công Yên (Tám Danh), bà đã lấy của thiên hạ biết bao tiếng vỗ tay vang dội...
Có thể nói, cùng với những tên tuổi tiền bối như Phùng Há, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Tám Mẹo, Ba Du, v.v... nghệ sĩ Năm Phỉ đã có công lớn kéo khán giả đến với sân khấu cải lương và tin tưởng ở tiền đồ của của loại hình nghệ thuật này. Năm 1954, Năm Phỉ cùng người bạn đi xem hát ở rạp Nam Quang. Xem nửa chừng, bà bị xỉu phải đưa vào bệnh viện Grall, nằm tại đây được một hôm thì bà mất vì đứt mạch máu não, lúc đó bà mới 48 xuân.
Qua một vài nhân vật đã nêu trên, chúng ta thấy rằng, những bậc nữ lưu tuổi Ngọ đã có nhiều cống hiến trên mọi lãnh vực và trở thành niềm tự hào chung của nước nhà. Thật ra dù sinh vào năm của con giáp nào, lịch sử nước ta cũng có nhiều phụ nữ tài năng không thua kém nam giới.
L.M.Q
(nguồn: Thanh Niên tuần san XUÂN 2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|