THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Vua Quang Trung dự định đóng đô tại đâu?

LÊ MINH QUỐC: Vua Quang Trung dự định đóng đô tại đâu?

 

Kỷ niệm 210 năm (1.10.1788-1998) Phượng Hoàng Trung Đô - TP. Vinh:

Tháng chín năm 1998 có dịp ghé lại TP. Vinh, chúng tôi được nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Vinh và anh Bùi Đình Lân - phó ban tuyên giáo Thành ủy Vinh - dẫn đi chơi núi Quyết để chiêm ngưỡng di tích còn sót lại của Phượng Hoàng Trung Đô. Nơi đây đã chứng kiến một sự kiện lịch sử các đây 210 năm mà nay Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An quyết định lấy ngày 1 – 10 – 1998 làm mốc kỷ niệm. Đứng trên ngọn núi cao hơn 96 mét so với mặt biển, tôi đã được nhìn một vùng rộng lớn gắn liền với hình ảnh phi thường của anh hùng áo vải Tây Sơn.

VUA-QUANG-TRUNG-du-dinh-dong-do-o-dau

 

Năm 1786 sau khi đập tan quân Chúa Nguyễn ở đàng Trong, Nguyễn Huệ tiếp tục kéo quân ra Bắc dẹp Chúa Trịnh. Trong chuyến ra Bắc lần này, Ngài đã phát hiện và chú ý đến địa thế của vùng đất Yên Trường (TP. Vinh ngày nay). Sau khi thống nhất đất nước. Ngài đã quyết định chọn vùng đất này để làm nơi đóng đô lâu dài. Kế hoạch đó, Ngài đã nhiều lần hỏi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Lần đầu tiên, ngày 1- 6 - 1788 Ngài xuống chiếu “tờ chiếu không có dấu son. Ấy vì không cần, bởi lẽ chữ viết bằng son là chữ dành riêng cho vua viết” “Lời tuy Nôm, nhưng dùng những câu toàn chữ xen vào. Hay là nói cho đúng, thì đó là văn chữ có xen Nôm. Như thế tỏ ra rằng, Nguyễn Huệ không phải hoàn toàn vô học” (*).

Trong chiếu có đoạn: “Ngày trước ủy cho Phu tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đó thấy chưa được việc gì? Nên ta hồi giá về Phú Xuân cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy chiếu ban xuống cho Phu tử nên sớm cùng ông trấn thủ Thận tính toán mà làm việc, xem đất đóng đô tại Phù Thạch. Hành cung thì để phía sau khá gần núi. Chọn đất hoặc ở chỗ có dân cư, hoặc chỗ nào đất tốt có thể đóng đô được, là tùy Phu tử lấy con mắt tinh mà xét định. Sơm sớm chọn lấy, giao cho trấn thủ Thận chóng dựng cung điện. Hẹn trong ba tháng thì xong, để tiện việc giá ngự. Vậy Phu tử chớ để chậm chạp không chịu xem”. Nhận được chiếu, Phu tử xét thấy Phù Thạch (nay Hưng Lam - Hưng Nguyên) gần sông Lam, sợ sụt lở nên do dự. Phu tử đã viết tờ khải dâng lên - Sau khi đọc xong Nguyễn Huệ nhận xét: “Lại lấy cách ngôn và sự tích của cổ nhân mà răn ta. Lời bàn ấy, như liều thuốc hay, rất xứng với ý ta”.

Do đó, hơn nửa tháng sau, đúng ngày 19 - 6 - 1788 Ngài lại xuống chiếu thứ hai: “Nếu không lấy đất Nghệ An để chống thượng du, thì lấy đâu để khống chế trong ngoài. Chắc Phu tử đã xét rõ như vậy”. Thế nhưng lần này Phu tử vẫn lần lữa. Thấy vậy, qua tháng sau, ngày 4 - 7 - 1788, Nguyễn Huệ xuống chiếu lần thứ ba: “Đã truyền cho các huyện, xã bắt phu tới xây đắp. Kính mời Phu tử phiền dời gót ngọc tới Hành cung, nhằm định phương hướng, để kịp kỳ xây dựng. Chớ để dân đinh ở lại lâu mà phí của vô ích”. Phu tử vẫn im lặng, vì vậy hai tháng sau, Nguyễn Huệ xuống chiếu trách móc: “Nhiều lần phiền nhờ Tiên sinh xem đất. Những chỗ núi sông kết phát ở xứ này. Tiên sinh đã từng chú ý xét nhận, thế mà lâu chưa thấy trả lời”.

Nhưng vốn là người quả quyết và có tầm nhìn chiến lược nên Quang Trung vẫn cương quyết chọn Nghệ An làm nơi đóng đô. Tầm nhìn này, Ngài đã phân tích trong chiếu gửi cho Phu tử ngày 3 - 9 - 1788: “Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. Ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về”. Và Ngài quyết định chọn vị trí đóng đô ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường (nay TP. Vinh) vì nhận thấy “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng”. Trong chiếu này cũng nói rõ: “Đã sức cho quan trấn sửa sọan gỗ ngói, khí cụ, hẹn ngày làm việc, chỉ có việc xem kiểu đất, thì phải hỏi đến Phu tử. Tiên sinh nên mau mau đến chốn ấy, ở tạm lại vài tháng, xét rõ vũng cồn, chọn lấy vượng địa để làm ngự điện, chỉ định phương hướng để tiện cho quan Trấn theo mà làm. Rồi vẽ địa đồ dâng nộp”.

Như vậy, từ năm 1788 kinh đô mới được xây dựng dưới thời vua Quang Trung. Nay chỉ còn lại một khu di tích rộng khoảng mười mẫu, nằm sát dưới chân núi Quyết. Núi này còn có tên là Dũng Quyết dưới thời Lê và người xưa gọi địa thế nơi đây là tứ linh. Truyền thuyết địa phương đã kể lại mà tôi ghi chép được: Tục truyền vào một thời đói kém, dân tình xiêu tán, Thượng đế sai bảo các con chim phượng hoàng mang thóc đến phân phát cho các nhà dân. Nhưng các con chim phượng hoàng lại bay vào các nhà giàu. Thấy vậy, Thượng đế bèn thu đôi cánh, nên phượng hoàng không về trời được, đi kiếm ăn trên mặt đất. Lâu ngày một con phượng hoàng hóa đá tại đây. Do đó, núi Quyết còn có tên là núi Phượng Hoàng.

Về vị trí chiến lược thì vua Quang Trung đã nhìn thấy Phượng Hoàng Trung Đô là điểm chốt quan trọng trên đường thiên lý độc đạo. Trước mặt có thể quan sát một vùng không gian rộng lớn từ núi Thành (Hưng Nguyên) đến núi Đò Cấm (Chân Lộc - nay Nghi Lộc). Phía sau lưng là dòng sông Lam đổ ra biển Đan Nhai (nay là Cửa Hội) - như một con hào hiểm trở đầy lợi hại và núi Hồng Lĩnh như một bức trường thành che chở cho Phượng Hoàng Trung Đô. Nó có hai lần thành gọi là Thành ngoại và Thành nội. Thành ngoại hình tứ giác, kiểu hình thang, chu vi dài 2.820 mét, trong đó cạnh dài nhất dựa vào sườn núi, do đó, chỉ có ba cạnh của Thành ngoại được xây đắp cao chừng 3 đến 4 mét. Còn Thành nội xây dựng bằng đá ong, có chu vi 1.680 mét, giữa thành có lầu rồng 3 tầng…

Ngày 5 - 10 - 1789 sau khi ra Bắc lần thứ 3, vua Quang Trung đã dừng chân nghỉ tại Phượng Hoàng Trung Đô và xuống chiếu cho Phu tử: “Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng Tiên sinh gần gụi. Rồi đây Tiên sinh hãy ra mà giúp nhau để trị nước…”. Có thể nói, dự định của vua Quang Trung là lấy Phượng Hoàng Trung Đô để thay thế Phú Xuân, tiếc rằng, Ngài mất sớm (16 - 9 - 1792) nên kế hoạch ấy không thành. Quang Toản lên ngôi lúc 10 tuổi vẫn đóng đô ở Phú Xuân. Năm 1802 quân Nguyễn Ánh tấn công thành Phượng Hoàng. Sau khi thắng được quân Tây Sơn, thành đã bị phá hủy. Về sự kiện trọng đại này, Hoàng Lê nhất thống chí có ghi: “Vua Quang Trung cho rằng, Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra Bắc đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chỡ gỗ, đá, gạch, ngói để xây dựng cung phủ lâu dài. Đắp thành đất chung quanh và sai quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành nội. Dựng tòa lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái Hòa hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung Kinh Phượng Hoàng thành” (bản in của NXB Văn học - 1984, trang 203 - 204).

Hai trăm năm sau, chúng tôi có mặt ở di tích “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Đâu rồi bóng dáng Phượng Hoàng Trung Đô ? Chỉ còn thấy những bờ thành ẩn chìm trong núi. Leo lên tận núi Quyết, chúng tôi thấy công nhân đang thi công. Nhà tưởng niệm lâm viên núi Quyết. Công việc bắt đầu từ ngày 6 - 6 - 1998 và dự kiến hoàn thành vào ngày 25 - 9 - 1998. Theo đồ án của KTS Nguyễn Khắc Dung (Viện nghiên cứu kiến trúc) thì ở đây sẽ có nhà bát giác (8 mái, 8 cổng), cột cờ cao 12, 5 mét và nhà bia ghi lại trang sử vẻ vang của Quang Trung khi cho dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Bản - Bí thư tỉnh ủy Vinh - tự hào nói: “Vinh là nơi hội tụ khí thiêng sông núi xứ Nghệ. Nếu ta lấy Vinh làm tâm, quay cung tròng bán kính chừng 30 cây số, đã thấy vùng này có bao nhiêu sự kiện lịch sử hào hùng. Từ thời vua Hùng đến vua Mai Thúc Loan (722), đến vua Trần Trùng Quang (1409) và sau này là Quang Trung (1788) đã 4 lần chọn Vinh và vùng phụ cận để đóng đô. Đặc biệt, Vinh là trung tâm của vùng văn hóa nổi tiếng Lam Hồng mà tiêu biểu là Kim Liên quê Bác và Tiên Điền quê thi hào Nguyễn Du. Quả đây là một vùng địa linh nhân kiệt”. Vâng, đúng vậy. Vinh còn là nơi đầu tiên - ngày 12 - 9 - 1930 thành lập Xô viết công nông ở nước ta. Đứng trên ngọn núi Quyết, nhìn một vùng không gian rộng lớn, chúng tôi tưởng như còn được nghe vó ngựa thuở nào của nghĩa quân Tây Sơn với tất cả sự tự hào…

 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay số 294 (Ngày 1/10/ 1998).- Tr.12 – 15 (1.810)

------

(*) Có tham khảo tác phẩm “La Sơn Phu Tử” của Hoàng Xuân Hãn (bản in Minh Tân 1952 do NXB Văn học tái bản năm 1993).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com