TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà biên khảo "tay ngang" LÊ MINH QUỐC: Tôi Viết về Quảng Nam vì yêu & nhớ

Nhà biên khảo "tay ngang" LÊ MINH QUỐC: Tôi Viết về Quảng Nam vì yêu & nhớ

Trở về sau 6 năm tham gia chiến đấu trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, chàng trai gốc Đại Nghĩa (Đại Lộc), Lê Minh Quốc theo học Đại học Ngữ văn tại Thành phố Hồ Chí Minh, rồi ở lại đấy làm việc và cầm bút sáng tác. Anh khởi nghiệp bằng thơ, hiện đã in được 8 tập, từng nhận được nhiều giải thưởng về thơ. Từ năm 1990, anh viết thêm truyện dài, đến nay đã in được 6 tập; năm 1995 lại viết tiểu thuyết lịch sử và đã có 4 tập được in. Không chỉ có vậy, vào năm 1998, anh lại gây bất ngờ cho giới cầm bút khi “nhảy” sang viết biên khảo, lần lượt cho ra đời 8 bộ sách được đánh giá là “có tầm”… Cuộc trò chuyện với Lê Minh Quốc dưới đây được thực hiện tại Tòa soạn báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh đang công tác.

quangnam-RR

Khởi đi từ “cái duyên”

Khoảng 10 năm trở lại đây, anh được biết đến như là một người làm thơ và viết văn sung sức. Vậy, tại sao anh lại “nhảy” sang làm biên khảo?

Lê Minh Quốc: Thực ra chuyện viết lách là do “cái duyên”; nhờ nó mà mình có thể làm một cái gì đó để hiểu thêm và khám phá về chính bản thân mình. Khả năng mỗi con người rất khó nói trước sẽ phát huy đến đâu. Chỉ đến khi gặp dịp, tự nhiên khả năng tiềm ẩn được huy động, được đánh thức và phát huy. Trường hợp của tôi cũng vậy, nhờ “gặp duyên” nên từ chỗ làm thơ chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử rồi làm biên khảo.

Nhưng “cái duyên” đâu phải là tất cả?

Lê Minh Quốc: Đúng, “cái duyên” chỉ là cơ hội. Để phát huy được, người “gặp duyên” cần phải có một quá trình tích lũy kiến thức dài lâu. Ai thế nào tôi không biết, còn tôi tích lũy kiến thức bằng cách đọc sách. Nhà tôi có cả một kho sách nhiều hơn 2.000 cuốn về đủ mọi thể loại và không ngày nào tôi không đọc. Những thành quả, tạm gọi như vậy, trong viết lách của tôi, suy cho cùng là sự nảy mầm của cả một quá trình gieo kiến thức dài lâu và cần mẫn…

Và anh đã “gặp duyên” như thế nào?

Lê Minh Quốc: Khi tôi đang chung thủy với thơ thì bỗng có lần Nhà xuất bản Văn học mời tham gia viết truyện lịch sử cho tủ sách danh nhân của họ. Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu sao tôi lại nhận lời. Sau khi viết xong một tập về Nguyễn Thái Học, được đà, tôi viết tiếp về Nguyễn An Ninh, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết… Gần đây, tôi viết bộ sách Kể chuyện Danh nhân Việt Nam, cũng là do Nhà xuất bản Trẻ gợi ý. Bộ sách hiện in được 26 tập với khoảng 5 nghìn trang in….

Còn với bộ sách “Hỏi đáp nước non xứ Quảng” gặp duyên như thế nào?

Lê Minh Quốc: Riêng bộ sách này, tôi không gặp được những “cái duyên” như vậy. Tôi viết nó chỉ vì yêu và nhớ quê nhà. Tất nhiên, chỉ yêu và nhớ không thôi thì có lẽ cũng không viết được vì mình không chịu nhìn và bắt nhịp cùng nhịp sống quê nhà. Tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm nhưng chưa năm nào tôi ăn Tết ở đây mà luôn về ăn Tết ở quê. Những chuyến đi ấy đã giúp tôi gắn bó với quê hơn, và tự lòng tôi thôi thúc phải viết một cái gì đó cho thỏa nỗi nhớ quê nhà và cho thiên hạ biết thêm về quê nhà.

Dư luận, nhất là bà con người Quảng, đánh giá cao bộ sách này. Anh có định viết thêm để nối dài nó không?

Lê Minh Quốc: Tôi tự thấy những gì có trong 4 tập đã phát hành là chưa đủ. Mọi vùng đất, nhất là vùng đất đầy trầm tích văn hóa, và có nhịp sống ngày một năng động như Quảng Nam, không thể nói viết đến đâu và lúc nào thì hết chuyện. Bây giờ tôi đang viết tập 5, theo kiểu thu thập thêm được tư liệu đến đâu viết đến đó.

Trong các tập trước, bố cục nội dung hình như hơi lộn xộn, gây khó khăn cho ai muốn tra cứu. những tập tiếp theo, anh sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn?

Lê Minh Quốc: Thú thật là tôi rất muốn sắp xếp tuần tự trước sau nhưng… không thể. Có một điều rất tế nhị và cũng hơi ngặt là, nhà xuất bản buộc mình phải sắp xếp sao cho mỗi tập đều có một cái gì đó mà người đọc chịu bỏ tiền ra mua. Nếu cứ xếp theo đề tài, lĩnh vực hoặc thời gian, có thể sẽ xảy ra hiện tượng tập này có người mua, còn tập kia thì xếp xó… Tuy nhiên, sau này khi có điều kiện tái bản, tôi sẽ bố cục lại theo logic khoa học chứ không theo đòi hỏi của thị trường nữa: http://www.leminhquoc.vn/lmq/le-minh-quoc/750-nguoi-quang-nam.html

Những trăn trở về văn hóa

Như anh nói, năm nào anh cũng về quê ít nhất một lần. Vậy, anh cảm nhận thế nào về một Quảng Nam nhìn gần – khi anh ở Quảng Nam và một Quảng Nam, nhìn từ xa - khi anh ở Thành phố Hồ Chí Minh?

Lê Minh Quốc: Tôi chỉ xin nói vài điều về chuyện làm văn hóa. Theo tôi, bên cạnh những cái rất được cũng còn vài điểm khiến người xa quê cảm thấy chạnh lòng. Như Mỹ Sơn chẳng hạn, nhiều du khách đến đó giữa trưa nắng, muốn ở lại lắm nhưng rồi đành phải quay về. Có chỗ nào để họ dừng chân, nghỉ ngơi, chiêm bái và suy ngẫm về nó đâu?... Chúng ta nên đặt ra câu hỏi: “Tại sao một vài thành phố trẻ, hiện đại “không có cổ tích” nhưng vẫn níu được chân du khách, còn Quảng Nam là mảnh đất tầng tầng cổ tích lại chưa làm được việc này một cách tương xứng, trong khi xu hướng du lịch bây giờ là thiên về văn hóa.

Nếu vậy thì anh thử hiến một kế cho Quảng Nam?

Lê Minh Quốc: Về chuyện làm văn hóa, theo tôi, Quảng Nam vẫn chưa có một nhà Quảng Nam học thật sự; chưa có một người như Sơn Nam của Nam Bộ, một Võ Hồng của Nha Trang hay một Ninh Viết Giao của Nghệ Tĩnh… Quảng Nam làm được nhiều hội thảo lớn về văn hóa, điều này rất quý, song tiếc là những gì các nhà nghiên cứu mang đến phần nào còn mang tính lắp ghép và nếu tinh ý có thể nhận ra một số cái người ta viết theo đơn đặt hàng hơn là vì tâm huyết 100%....

Xin lỗi, hình như anh chưa “hiến kế” như đề nghị?

Lê Minh Quốc: Những điều tôi vừa nói chỉ là nỗi trăn trở của chính tôi. Hiến kế ư, khó quá. Tôi chỉ xin nói thế này: Quảng Nam đang sống trên vàng son của quá khứ, có điều chưa đủ sức để làm sống dậy các giá trị ấy. Tôi đi nhiều nơi, thấy vài di tích không có gì đặc biệt nhưng lại nổi tiếng, hỏi ra mới biết ấy là nhờ người ta giỏi quảng bá. Đừng tưởng văn hóa là cái cứ để đấy rồi tự nhiên nó thấm… Tôi vừa đi Hà Lan về và viết sắp xong cuốn du ký Du lịch của người câm, http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao/652-du-lich-cua-nguoi-cam.html phân tích khá kỹ tại sao đất nước Hà Lan chỉ có cối xay gió, hoa tuy lip và giày gỗ mà lại cuốn hút đến vậy, còn chúng ta có nhiều di sản nổi tiếng mà sức hút không bằng… Tôi cũng đang suy nghĩ để viết thêm một cái gì đó nữa về Quảng Nam, cho Quảng Nam.

Chắc lại là biên khảo?

Lê Minh Quốc: Có lẽ thế. Tôi đang “được đà” mà.

Vậy, nên gọi anh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo hay nhà biên khảo?

Lê Minh Quốc: Thích gọi tôi cái gì cũng được. Nhưng nên nhớ, đến giờ tôi vẫn thấy mình chỉ là người làm biên khảo “tay ngang”….

Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này.

Phan Chí Anh

(nguồn: báo Quảng Nam cuối tuần số 1698 (4920) - 2008

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com