Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc là một người ham chơi đến nỗi lận đận chuyện vợ con. Anh sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, năm 1977 đến 1983 đi bộ đội chiến đấu ở Campuchia, năm 1984 bước chân vào giảng đường đại học. Từ năm 1988 theo nghề báo cho đến nay. Lê Minh Quốc đã in 9 tập thơ, 7 tập truyện dài, 5 tiểu thuyết lịch sử và 10 bộ sách biên khảo các loại. Có thể nói người đàn ông này làm việc “hùng hục” và luôn nghĩ ra các “trò chơi mới” để không bao giờ buồn. Bất ngờ gần đây, Lê Minh Quốc chuyển sang vẽ tranh, dự kiến cuối năm nay anh sẽ triển lãm cho riêng mình. Thế nhưng, người đàn ông Lê Minh Quốc đứng trước người mẹ tảo tần của mình vẫn còn rất “trẻ thơ”, vì rằng mẹ của anh dù tuổi đã cao vẫn lặn lội từ quê nhà Đà Nẵng vào TPHCM sống cạnh anh và thường xuyên thúc giục “Quốc ơi! Cưới vợ đi con!”
Thật hạnh phúc so với nhiều người, nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn được mẹ chăm sóc, yêu thương?
Lê Minh Quốc: Sao gọi là hạnh phúc. Đó là một bất hạnh. Đến lúc sắp bước qua cái cõi “tri thiên mệnh” mà vẫn còn như thế là… “bất bình thường”. Gần mười năm trước từ trong “nghịch cảnh” này, tôi có viết bài thơ “Tuổi thơ” mà nay đọc lại vẫn còn xúc động:
Thuở tôi còn nhỏ xíu
mẹ đầu tắt mặt tối ngoài chợ Cồn
giao tám anh chị em tôi cho chị Bốn
ngày ấy mẹ mới ngoài ba mươi
còn tôi nay hơn bốn chục
vẫn như trẻ con
sực nhớ ngày xưa được chị Bốn ẵm bồng
nay mẹ lưng còng
thay chị Bốn lo toan củi lửa
từng đêm ngồi tựa cửa
đợi tôi về ngật ngưỡng giữa cơn say…
Bạn đọc bài thơ thấy thế nào? Buồn quá đỗi. Trong hoàn cảnh này, không ai có thể gọi là hạnh phúc cả.
Phải chăng vì anh chưa tìm được người phụ nữ “tâm đầu ý hợp” nên chưa muốn “trọn đời bên nhau” hay là vì anh muốn sống một mình để “trọn nghĩa vẹn tình” báo hiếu mẹ già?
Lê Minh Quốc: Những cuộc tình đã đến rồi lại đi. Đi rồi sẽ quay về, tôi vẫn tin thế.
Trong những sáng tác thơ ca, những câu thơ nào anh thích nhất khi viết dành tặng mẹ và dành cho người yêu trong mộng tưởng?
Lê Minh Quốc: Gần mười tập thơ đã phát hành, trong đó có khá nhiều bài thơ tôi viết về mẹ và người tình. Chao ôi! Mẹ là Một, là Duy nhất; còn người tình thì nhiều vô số. Nay tôi mời các bạn đọc bài thơ “Mẹ” - một trong rất nhiều bài thơ tôi đã viết về mẹ mà nay tôi vẫn còn xúc động: “
Níu giữ anh ở lại với cuộc vui chỉ có thơ
Thơ viết hoa thì may ra
Chứ thơ viết thường cũng chẳng là gì cả
Nhưng anh là thi sĩ?
Thi sĩ là ai quái quỷ ở cõi đời
Huống chi anh là kẻ lạc loài
Em ạ,
Níu giữ anh chỉ có thể bằng tiếng hát
Giai điệu dịu êm kỷ niệm thuở trai tơ
Anh lắng nghe “với bao tà áo xanh đây mùa thu”
Anh thổn thức “lòng ta dăm con hạc gầy vút bay”
Xòe ra mười ngón tay
Anh vuốt mặt và nghiêng chai xuống rót
Giọt rượu giọt bia giọt ái tình đớn đau phiền muộn
Nốc cạn niềm vui lẫn lộn nỗi buồn
Anh ngồi lại mơ hồ tay vuốt mặt
Rưng rưng chiếc ghế cái mặt bàn ngổn ngang son phấn
Anh ngồi yên nghe từng nhịp đồng hồ
Trên đỉnh trời sao mọc như thơ
Chẳng là cái quái quỷ gì chỉ còn âm nhạc
Nhưng anh phải về
Chẳng có gì níu anh rời khỏi cơn mê
Ngoài một điều duy nhất
Mẹ
Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành nhẫn nại như đất
Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất
Còn thơ về người tình ư? Người tình nào đến với tôi vẫn là đầu tiên, vẫn là cuối cùng thì biết chọn thế nào nhỉ?
Hiện tại anh rất mê vẽ tranh, duyên cớ nào khiến một người cầm bút chuyển sang cầm cọ? Sức hút của sắc màu so với sức mạnh của ngôn từ đối với một nhà thơ ra sao?
Lê Minh Quốc: Trên đời có những thú chơi buộc người ta phải “tự thân vận động”, phải “thật” như đời sống của anh đang sống, nếu không thiên hạ sẽ phát hiện ra cái giả ngay. Vẽ tranh cũng giống như làm thơ vậy thôi. Chẳng có gì khác. Linh hồn của bài thơ là con chữ. Linh hồn của hội họa là sắc màu. Khi vẽ, tôi cũng có cảm giác như mình đang làm thơ. Là phiêu bồng một thế giới khác mà mình chưa hề biết trước. Vì thế, tôi không xác lập một khuynh hướng nào cả. Với một người mù, khi đi, họ đi theo sự chỉ bảo của linh cảm. Nếu đi theo thói quen chỉ là sự tập đi. Tôi vẽ theo sự chỉ bảo của cái “gu” thẩm mỹ mà tôi đang có. Nhờ thế, tôi tin rằng, tôi tạo cho tôi một phong cách. Có thể người ta sẽ thích hoặc không, nhưng điều đó cũng bình thường trong sáng tạo. Thậm chí khi anh vẽ A, nhưng người ta lại nghĩ đến B thì cũng là lẽ tự nhiên. Đừng bận lòng.
Gương mặt phụ nữ trong tranh của anh hiện hữu như thế nào, họ hiện lên bằng hình dáng thực hay bằng tâm hồn? Anh yêu phụ nữ bằng mắt hay bằng tai hoặc bằng các giác quan khác?
Lê Minh Quốc: Tôi thường vẽ chân dung. Từng đường nét trên gương mặt không chỉ là những đường nét cụ thể mà nó còn phản ánh một tâm trạng. Tôi thường vẽ hoa. Bởi mỗi bông hoa là một số phận người. Tôi thường vẽ phụ nữ khỏa thân. Bởi, phụ nữ - nghĩ cho cùng cũng hình ảnh những bông hoa, những chân dung tiêu biểu nhất cho một kiếp người. Với tôi đó là những ám ảnh không cùng trong đời sống. Mà đời sống này đáng yêu quá, vậy tại sao ta không tái hiện lại niềm vui ấy bằng những sắc màu!
Nếu tự đánh giá tranh mình anh sẽ nói gì? Có phát triển sự nghiệp hội họa song hành với sự nghiệp thi ca?
Lê Minh Quốc: Tôi không biết. Tôi tuổi Kỷ Hợi, tôi tin rằng những người cầm tinh như tôi chỉ thành công trong sự ngẫu hứng. Mọi sắp xếp, toan tính trước một cách chu đáo nhất, hoàn hảo có khi lại là đường vào ngõ cụt. Chẳng dại gì tôi làm như thế. Tôi thích vẽ thì vẽ, lúc nào thích làm thơ thì làm. Chẳng ai bắt buộc cả. Mà trong sự đánh đu với trò chơi sáng tạo, có người được và cũng có người chẳng được gì. Nói như thế chưa đúng. Với tôi, ai chơi cũng là “được”. Miễn chơi là chơi, chơi như một sự tự thân, chứ không phải chuẩn bị để rồi chơi hoặc bắt chước chơi như kẻ khác.
Người nghệ sĩ thường cô đơn và họ sáng tạo phần nhiều do khai thác từ chính sự cô đơn này. Lê Minh Quốc cô đơn trong thơ ca, hội họa… đã đành còn Lê Minh Quốc cô đơn trong đời thường đã được anh “hóa giải” ra sao?
Lê Minh Quốc: Trong đời thường tôi không cô đơn. Tôi là người của công việc. Tôi tận hiến, tận dụng, tận tình từng giây phút trong công việc.
Nếu một ngày tình cờ có người con gái đến bên anh và chủ động “ngỏ lời” trước, gã đàn ông Lê Minh Quốc sẽ phản ứng lại bằng cách…?
Lê Minh Quốc: Chẳng phải “nếu” gì cả, đó là sự thật. Tôi gặp không ít lần như thế. Nhưng rồi, sau đó tôi từ chối. Có lẽ do nhiều lý do. Nhưng lý do lớn nhất là đôi bên vẫn chưa đạt đến chữ “duyên” chăng? Toàn bộ sự vận hành trong vũ trụ này, theo tôi chỉ gói gọn trong mỗi một chữ. Đó là chữ “duyên”. Chính vì thế, tình yêu và hôn nhân cũng phải từ chữ “duyên” mà thôi.
Nằm trên giường trong đêm một mình, xuống bếp nấu ăn một mình, ngôi nhà không có tiếng cười trẻ con… anh có thấy xung quanh thiếu vắng “một miền thơ”?
Lê Minh Quốc: Không chỉ thế, nó còn thiếu cả một đời sống. Vì thế, đó là những lúc tôi có cảm giác như mình là một con cá ướp lạnh.
THANH KIỀU
(nguồn: tạp chí Kiến thức Gia đình số tháng 10.2007)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|