PV: Anh có thể cho biết vài nhận định về thơ trên báo hôm nay?
L.M.Q.: Theo tôi thì những bài thơ ưng ý của các tác giả hãy còn ở trên những trang bản thảo, chưa có điều kiện xuất hiện. Thơ trên báo luôn được lựa chọn rất khắt khe, mà lại theo gu của người biên tập, lắm khi người biên tập không phải là nhà thơ. Trái lại, các tập thơ in ra thì lại quá dễ dãi. Thơ hay thơ dở bây giờ lẫn lộn cả. Độc giả đứng trước quầy thơ ở nhà sách không biết đàng nào mà chọn.
PV: Đó có phải là một trong lý do khiến anh, một nhà thơ, lại bước sang lĩnh vực văn xuôi?
L.M.Q: Tôi không phải là “nhà” gì cả. Tôi sống bằng ngòi bút. Khi viết được là tôi viết, bất luận thơ, văn, báo chí, phê bình.
PV: Còn tiểu thuyết lịch sử?
L.M.Q: Vì tôi có đọc nhiều về các vị này. Nhân dự một hội nghị đánh giá lại Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi thấy những đóng góp tích cực của họ trong lịch sử đã được thừa nhận, tôi nảy ra ý định muốn viết để trả lại công bằng cho nhóm này, điều mà các nhà viết sử chưa làm. Tôi tìm tài liệu trong thư viện, gặp các nhân chứng. Vì là tiểu thuyết lịch sử nên cũng có hư cấu, nhưng hư cấu trên cơ sở sự kiện lịch sử.
PV: Một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ anh như Nguyễn Ngọc Thiện. Tô Thanh Tùng, Vũ Hoàng, Phạm Đăng Khương. Theo anh nghĩ, có phải âm nhạc giúp thơ được nhiều người biết đến hơn không?
L.M.Q: Nhờ bài thơ mà ca khúc nổi tiếng. Tôi nghĩ thế. Còn nhạc thì giúp phổ cập thơ đến quần chúng.
PV: Theo anh, tại sao thơ hay bây giờ người ta không nhớ, không thuộc như thơ thời tiền chiến?
L.M.Q: Có thể vì ngày hôm nay lượng thông tin mà con người thu thập thì ngày càng nhiều, càng nhanh mà để cảm một bài thơ thì cần phải có thời gian chiêm nghiệm. Một lý do khác nữa là sự lãng mạn của thời đại này đã khác trước nếu không muốn nói là đã nhuốm màu thực dụng hơn.
PV: Hình như ở các trường đại học, thơ vẫn được sinh viên đón nhận nồng nhiệt?
L.M.Q: Chắc là cũng trong chốc lát thôi, và rồi các bạn cũng sẽ quên đi để nhường chỗ cho những ưu tư khác.
PV: Còn riêng anh, nhà thơ…
L.M.Q: Tôi không còn viết cho sinh viên vì đã xa thời ấy rồi, không còn chất liệu nữa. Nhưng hướng đi tới của thơ vẫn là thơ: tằm vẫn nhả tơ, cho dù người ta có đón nhận hay không. Nhà thơ chịu áp lực bởi chính mình. Và tôi xin tặng độc giả Chuyên đề Nghệ thuật Thời trang của báo ảnh Đất Mũi mấy câu thơ này:
Em đã mang theo tất cả mọi niềm vui
Để tôi sống với nỗi buồn trống rỗng
Đêm tôi ngủ đắm chìm vào ác mộng
Đi tìm em trong mỗi giấc chiêm bao.
(trích Bài Tango li biệt)
PV: Xin cám ơn anh và chúc anh viết khỏe hơn.
Lê Quang Vinh (thực hiện)
(Nguồn: Tạp chí Đất Mũi số 5.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|