(bản in lần một)
http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to-quoc.html
Lời thưa,
Trong chuyên mục này tôi chon lại chừng mươi bài viết đã đánh giá về tập thơ in chung với Đoàn Tuấn. Đây là tập thơ của hai người lính, từng đứng chung một chiến hào, nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ họ viết, gần hai chục năm trời, đã thất lạc nhiều. May thay, còn lại chút ít trong nhật ký, trong trí nhớ, trong sổ tay ố vàng của bạn bè" - mà nhà biên kịch Thiên Phúc đã giới thiệu khi tập thơ vùa phát hành. Thơ in bằng tiền tôi nhận giải thưởng thơ về chủ đề con cọp do báo Văn Nghệ TP.HCM tổ chức. Lần tái bản, NXB Trẻ đầu tư.
VII.2012
(bản in lần hai)
*Gửi Tuấn gửi Quốc và...
Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như quãng những năm 81, 82 gì đó, tôi gặp Đoàn Tuấn. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Tổng hợp Văn, đang lang thang xin việc. Còn Tuấn vừa từ chiến trường Campuchia trở về, chuẩn bị vào học Tổng hợp Văn. Gặp nhau, thấy dễ mến anh chàng vóc dáng thư sinh này, lúc nào cũng cười với cái bắt tay thật chặt, thật ấm. Rồi Tuấn đoạt giải A cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rồi Tuấn đi học điện ảnh ở Liên Xô. Tốt nghiệp, Tuấn về làm biên kịch ở hãng phim truyện Việt Nam cùng với tôi. Tuấn lao động thật cần cù. Viết phim, viết thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết báo, dịch sách, dịch thơ... Cứ mỗi lần đến cơ quan, thấy Tuấn nháy mắt ra hiệu, tôi biết là mình sắp được tặng một cuốn sách mới rồi...
Cũng qua Tuấn, tôi biết Lê Minh Quốc. Một sáng ngồi quán uống nước trà, Tuấn đưa cho tôi một tập thơ. Tuấn nói: Đây là tập thơ tình của thằng bạn thân. Tặng anh. Tôi trân trọng đỡ lấy tập thơ. Đó là cuốn “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc.
Người thơ phong vận như thơ ấy! Cứ hình dung Lê Minh Quốc là một gã đàn ông nhiều tóc nhiều râu, ăn sóng nói gió, tức giận có thể văng tục chửi thề, nhưng xong thì thôi, không để bụng. Đọc thơ Quốc, bất giác mỉm cười, thấy rằng “cái mặt này” có thể chơi được...
Áp Tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè “Tặng anh tập thơ một thời trận mạc”. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Đây là tập thơ của hai người lính, từng đứng chung một chiến hào, nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ họ viết, gần hai chục năm trời, đã thất lạc nhiều. May thay, còn lại chút ít trong nhật ký, trong trí nhớ, trong sổ tay ố vàng của bạn bè.
Có lẽ, sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào một cuộc chiến nóng bỏng. Đây, chân dung của họ:
Tuổi 18
rời mái trường
trở thành người lính
mang lên rừng
chuông xe điện vang ngân...
(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)
Và đây là phút nhớ của chàng tân binh Lê Minh Quốc:
Chiều cuối năm ngồi một mình
Xôn xao trời đất gập ghềnh niềm tin
Bay qua hầm mấy cánh chim
Cho mòn con mắt dõi nhìn quê xa
Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...
Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở đất bên ngoài Tổ quốc.
Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tàu chuối rụng
Máu tuổi hai mươi gửi cho cỏ cho trời...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Họ “Những liệt sĩ trinh tiết” - chữ dùng của Lê Minh Quốc - ngã xuống:
Tiếng mìn K.82 nổ chát chúa
đinh tai nhức óc
sao lúc ấy không thể nào khóc?
sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi
từng mảnh linh hồn bay trăm nơi
Chiến tranh thật ác liệt. Nhưng những người lính trẻ như Tuấn, như Quốc không phải là những con thiêu thân lao mình vào lửa. Họ hiểu họ đang làm một nhiệm vụ cao cả. Lẽ nào có thể khoanh tay khi lửa bốc cháy bên nhà hàng xóm? Họ hiểu rằng:
Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc
Cho mai sau sông núi thở dịu dàng.
Vì vậy, những hy sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật ký một người lính đã hy sinh:
Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá đục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật ký một ngày - Lê Minh Quốc)
Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. 18 tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa”. Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?
Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi thanh xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:
Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)
Cho ra tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”, chắc chắn Tuấn và Quốc không tính đến chuyện lời lãi cả về danh và lợi. Như Tuấn và Quốc tâm sự “Một tập thơ ra đời, không dám mong được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau”. Đứng chung trong “Đất bên ngoài Tổ quốc”, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Đọc cả thơ văn của họ, thấy rằng trữ lượng chiến thuật của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kỹ lưỡng cái “mỏ vàng” ấy, các bạn sẽ có những tác phẩm (như ý).
Được đọc một tập thơ hay cũng là một niềm hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã cho tôi những phút giây hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn đã nhắc tôi và nhiều người đừng quên xương máu bao trai Việt đã hóa thành cỏ cây ở “Đất bên ngoài Tổ quốc”!
THIÊN PHÚC
(Báo Thể thao & Văn hóa số ra ngày 27.6.1998)
* Đất bên ngoài Tổ quốc
“Kỷ niệm tròn 20 năm, ngày đặt chân vào quân ngũ. Một tập thơ ra đời. Hai thằng từng đứng chung một chiến hào nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ này hầu hết được viết trước năm 1982, nay tìm lại được trong nhật ký, trong trí nhớ hoặc trong sổ tay của bạn bè” (Lê Minh Quốc).
Tập thơ chan chứa những tình cảm cao đẹp - tươi rói và trẻ trung như tuổi 18 của họ với những ngày tháng cầm súng. Những tháng năm bi hùng, khốc liệt, sự sống và cái chết mong manh... Tuổi trẻ và chiến tranh... tất cả đều rõ ràng, đăm đắm, thương cảm, xúc động và thấm thía qua từng trang viết của họ. Đây là một tập thơ rất đáng “chú ý và đáng trân trọng”.
NGUYỆT THƯƠNG
(Văn nghệ trẻ 20.6.1998)
(bản in lần hai)
* Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”
20 năm, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để người ta có thể quên đi một thời trai trẻ đã sống hết mình cho Tổ quốc. Chiến tranh đã qua đi, nhưng trong ký ức của hai người từng khoác áo lính - Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn vẫn còn nguyên những cảm xúc của một thời họ đã sống cùng các đồng đội, cũng trẻ như họ, giữa mưa bom và bão đạn...
Anlungvieng, Đầm prạ, Kulen, Dangrek... hai người bạn ở hai miền đất nước: Lê Minh Quốc - Đà Nẵng và Đoàn Tuấn - Hà Nội đã vượt qua những tháng năm cận kề bên cái chết để sống và trở về với những bài thơ mà họ đem theo trong ký ức, trong những mảnh giấy nát nhàu ố vàng vì thời gian... Có những bài thơ họ viết khi nỗi nhớ quê hương dậy cồn cào trong trái tim. Cũng có những bài thơ họ viết gấp gáp như những nén nhang lòng cho phút tiễn biệt các đồng đội rất trẻ vừa nằm xuống, nơi đất khách quê người...
Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đầu năm 1998 gồm 62 bài thơ của hai nhà thơ lính trên, trong đó có gần 40 bài thơ đã được viết trong không khí đẫm mùi thuốc súng, trên đất bạn. Sau hai mươi năm, họ cùng nhau thực hiện tập thơ để vọng tưởng đến những đồng đội đã hy sinh và như một nhắc nhở với những người lính trẻ năm xưa về những kỷ niệm bi tráng của một thời chiến tranh.
P. THỤC
(Báo Sài Gòn giải phóng số 20.1.1998)
* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những cuộc giao tranh lần lượt xảy ra suốt một dải đất rừng biên giới từ Gia Lai - Kontum đến Tây Ninh, Hà Tiên, Châu Đốc. Và cũng gần phân nửa thời gian ấy, hình ảnh những người lính tình nguyện VN làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp đặt chân trở lại Tổ quốc với nụ cười hân hoan cứ sống mãi trong tôi.
Năm năm, mười năm trong đời một con người là thời gian không dài. Nhưng năm năm, mười năm ấy trong cuộc đời của người trai trẻ đã cầm súng chiến đấu là thời gian hoàn toàn không ngắn, là dấu ấn khó phai mờ trong quãng đời còn lại.
Hai mươi năm đã trôi qua. Trôi qua cái thời chúng tôi tin đất nước “mãi mãi hòa bình” vì đã thắng kẻ thù số một của thời đại, thế mà súng lại nổ, nhà lại cháy, người lại chết trên những bản làng biên giới Tây Nam. Chúng tôi lên biên giới với cả một hậu phương bao la hòa bình trong gian nan, vất vả.
Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi
hào phóng như trời xanh
tính thẳng như nòng súng
ăn cơm cục
uống nước đục
hồn như sông in mây trắng vô tư
(ĐOÀN TUẤN)
Những chàng trai tỉnh thành, những chàng trai thôn dã:
Đi qua mùa khô vừa hết tuổi con trai
chúng tôi thật sự trở thành người lính
chúng tôi sống những tháng năm không hề yên tĩnh
(LÊ MINH QUỐC)
Đầu năm 1979, chúng tôi tham gia đánh bọn diệt chủng Pôn Pôt và góp phần vào sự hồi sinh của nhân dân Campuchia anh em.
Đất và nước dưới chân chúng tôi đã không còn thân thuộc. Và cơn gió cũng khác vô chừng. Băng rừng, vượt suối, leo núi, lội đồng, chúng tôi sống như chưa từng được sống.
Tôi đến Campuchia từ ngày đầu giải phóng
làm người khổng lồ che lấp đau thương
làm con kiến bò trên từng kilômet
nhận về mình cay đắng lẫn yêu thương
(LÊ MINH QUỐC)
Đồng đội tôi, họ:
Vẫn nói cười, vẫn thổi mắt cho nhau, ôm súng xông lên và loạt DK dập xuống
Bạn bè tôi hóa trăm mảnh sao trời
(ĐOÀN TUẤN)
Qua hai bài viết giới thiệu về nhau của đôi bạn lính, bạn thơ Tuấn - Quốc, tôi có thêm cơ sở để tin rằng nhiều người lính làm thơ, viết văn trên chiến trường phải là những người lính phục vụ, dù phục vụ ở cấp thấp nhất là đại đội. Như Quốc là quản lý, Tuấn là lính bộ đàm (cũng như tôi thời mới vào lính và tập tành viết lách). Lính phục vụ có thời gian để sống, để chép, để suy ngẫm; chứ còn lính trực tiếp chiến đấu thì ngoài balô, súng đạn, ruột tượng gạo, họ không có lấy một mảnh giấy để vấn thuốc rê thì lấy đâu ra giấy bút mà ghi thơ, chép nhạc.
Những nhà thơ, nhà báo đại đội (báo tường) lớn dần lên trong gian khó thành cây bút này nọ âu cũng là chuyện hiển nhiên. Nhưng có buồn không khi trải qua mười năm chiến trận mà số cây bút chỉ được đếm trên đầu ngón tay, chưa tròn nửa bao thuốc lá. Dù sao, chúng tôi thì vẫn tâm nguyện:
Đã là lính còn phải là tráng nữa
Văng tục một câu cho nó nhẹ người
Bị thương rồi chẳng còn mơ mộng nữa
Nghĩ ngày về mình sống thế nào thôi!
(ĐOÀN TUẤN)
Cảm ơn Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, trong những ngày đầu năm 1998 đã gợi cho tôi và đồng đội nhớ về những năm tháng chưa xa, những năm tháng sống ở đất bên ngoài mà Tổ quốc thì vẫn rộn trong tim.
PHẠM SỸ SÁU
(Báo Tuổi trẻ chủ nhật 22.2.1998)
* Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính
Thời gian như ngưng đọng lại khi tôi nhìn vào hai tấm hình của hai người bạn: Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc - một gầy gò non choẹt, một hiền như con gái... Dường như họ cũng chính là chân dung những người lính mà tôi đã từng gặp trên chiến trường Campuchia trong những năm 1979-1989?
Từ nơi xa xôi trở về, hai bạn đã mang vần thơ của lửa máu về theo:
Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tàu chuối rụng
Máu tuổi hăm hai gửi cho cỏ cho trời
Đó là những câu thơ buồn trong bài Vận ơi của Đoàn Tuấn. Có lẽ chỉ có những người đi qua chiến tranh, phải chứng kiến nhiều cái chết mới có thể thấu hiểu nỗi ước mơ khắc khoải, thiêng liêng của người lính:
Ước gì Vận vẫn nằm đội điều trị tiền phương
Như dạo nọ
Chúng mình chạy về thăm
Được cởi trần tung tăng trên trảng cỏ
Tuổi thơ nào mây trắng trời xanh...
Cứ tuôn trải, như một nhu cầu được giãi bày, tâm sự, tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc mang đến cho bạn đọc những cồn cào của người lính, những ngày khát đêm mưa, những rừng sâu và viên đạn như những bóng ma vô hình... Cả nỗi cồn cào về những đơn côi, về giấc mơ mong đoàn tụ với mẹ, với em.
Tôi không thể sống thiếu người đã mất
Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi
Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất
Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!
(Đất bên ngoài Tổ quốc - Đoàn Tuấn)
Nếu như Đoàn Tuấn để lại nhiều vần thơ như lửa con tim, ở đó có lý tưởng, có chân lý và cả sự giải thích tại sao những người lính chấp nhận sự hy sinh, thì Lê Minh Quốc - chàng lính mộng mơ - lại bắt đầu lấp lánh những vần thơ dịu ngọt:
Đã từng bốn mùa ngang dọc
Áo toạc vai súng lội qua rừng
Bên cánh võng có lần nghe cỏ hát
Mường tượng về đôi mắt người thương
...
Mai xa rồi riêng anh vẫn nhớ
Chiều vàng bình yên em chải tóc bên thềm
(Bài thơ về hoa cúc)
Thế rồi đến cái đêm từ biệt “Đất bên ngoài Tổ quốc”, người thi sĩ trong người lính của anh lại bồng bềnh một nỗi niềm:
Chỉ còn đêm nay, đừng vội đánh thức ban mai
Xin yên tĩnh cho cánh rừng đang ngủ
...
Kỷ niệm chất đầy trong chiếc ba lô
Tuổi trẻ đi qua ngọn gió rừng phóng khoáng
Chậm chút nữa đêm ơi! Trời đừng vội sáng
Lần đầu tiên chúng tôi biết tương tư
(Trời đừng vội sáng)
Trong tập thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc có rất nhiều bài thơ hay và cũng không ít những dòng thơ như những dòng lưu bút của một đời lính. Sau này, cả hai người lính ấy đều đã thành đạt trên con đường thơ văn. Đoàn Tuấn đã có vài đầu sách thơ, tiểu thuyết, sách dịch và một số kịch bản đã được dựng thành phim. Lê Minh Quốc thì ngược xuôi với nghề báo, in khá nhiều sách, thơ, truyện thiếu nhi, và gần đây là một số đầu sách về danh nhân lịch sử.
Dẫu có thể gọi hai anh bạn lính này là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, nhưng trong cái mênh mông của đời sống trần trụi ấy, họ vẫn đậm đặc chất lính. Đọc Đất bên ngoài Tổ quốc, các bạn trẻ có thể sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời theo cách cảm nghĩ riêng của một thế hệ, một thời không thể nào quên.
VIỆT NGA
(Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh số 25.2.1998)
* Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
Bởi đất ấy thấm đẫm máu bạn bè, đồng đội, thấm cả máu anh nữa. Chuyện lịch sử hãy để lịch sử và thời gian phán xét. Chuyện ấy trừu tượng. Nhưng máu thì thật, thật như máu. Tôi đọc tập thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc trong một ngày rất thanh bình, tự nhiên lòng chùng xuống với một nỗi buồn nặng nề. Tôi cũng đã từng ở Campuchia mấy năm, nhưng không phải thời điểm cuối những năm 70 và đầu những năm 80, một thời điểm gay gắt, bi thảm mà nhân vật chính là một binh nhì người Việt 18 tuổi.
Tuổi 18
bị thương
không khóc
nhưng lại rơi nước mắt
khi bạn bè bị thương
(Đoàn Tuấn)
Và tuổi mười tám “trong cơn khát/ ngửa cổ/ dốc bi đông/ tu một nụ hôn dài”. Khát, khát lắm, từ nước uống tới tình yêu. Và thiếu, thiếu lắm, từ một nắm cơm đến hình bóng người con gái.
Không có địa chỉ nào
Làm mẹ luôn lo lắng
Như địa chỉ hòm thư con
(Đoàn Tuấn)
Mười tám tuổi mà phải nghĩ tấm giấy báo tử của mình gửi về sẽ quật ngã mẹ mình như thế nào, lòng hiếu tử ấy như một tiếng thét.
Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc
Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi
Tôi mới thấy xót xa thương bạn
Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi
Tổ quốc - nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng bạn
Đất của đời tôi lại chính đất bên ngoài
(Đoàn Tuấn)
Từ phút ấy, đất bên ngoài đã bám vào đời anh, mãi mãi theo anh, ám ảnh suốt chặng đường còn lại có thể là rất dài của anh.
Mắt chúng tôi gầy như gương mặt núi
Hào phóng như trời xanh
Tính thẳng như nòng súng
Ăn cơm cục
Uống nước đục
Hồn như sông in mây trắng vô tư
(Đoàn Tuấn)
Nhưng đó mới là cái “hào khí” bên ngoài của ngươi lính tuổi mười tám. Còn tâm hồn, cái bên trong của họ ra sao? Tôi đọc bài thơ Điếu thuốc, một dạng Con cá chột nưa nhưng cảm động hơn nhiều, do nó là sự ân hận khôn nguôi từ một hành động ích kỷ nhỏ bé, khi đồng đội mình xin điếu thuốc mà trong túi mình chỉ còn duy nhất một điếu, mình lỡ nói không còn và bao nhiêu năm sau, tiếng “không” ấy khiến mình ân hận và xấu hổ mãi...
Và một câu chuyện nhỏ, khi Tuấn và Lê Minh Quốc cho một ông già Khmer tị nạn đôi giày rách và một nhúm muối, ông già đã biếu lại hai anh một vốc vàng, một vốc bạc, nhưng hai anh kiên quyết từ chối, không phải vì không biết giá trị của vàng bạc, nhưng chỉ vì một ý nghĩ đơn giản: “Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: lúc đi lính, mình không có vàng. Nhỡ mình lấy, đêm chết, đơn vị kiểm tra di vật tử sĩ, thấy có vàng trong ba-lô, không những mình không ra cái gì mà gia đình mình ở phía sau cũng không được anh em tôn trọng”. Chắc không cần bình luận thêm gì nữa!
Chúng tôi làm thơ để đọc
Như trồng thêm lúa để ăn
Như cắt tranh lợp nhà ở
(Lê Minh Quốc)
Người lính làm thơ cứ nói thật thà vậy, bởi thơ lúc ấy như chỗ thoát, như cứu cánh cho đời họ, như những
hớp nước quá hiếm trong mùa khô:
đồng đôïi tôi có người hoa mắt
lá khộp rơi quắt quéo trên lưng
dốc ngược bi-đông cạn nước
đau đáu nhìn trời...
(Lê Minh Quốc)
Lúc bấy giờ, thơ đến! Và một trăm lần như một, lại vẫn những câu thơ nhớ Mẹ. Có lẽ, không ai trên đời này thương nhớ mẹ mình như người lính, bằng người lính.
mùa đông xô vào cánh cửa
gió lạnh lẽo xẻo buốt xương
những cơn ho đục khoét hết đêm trường
mẹ trơ trọi biết lấy gì chống chọi?
(Lê Minh Quốc)
Người lính Việt trên chiến trường Campuchia, một đề tài còn hơi ít trong văn học Việt Nam, đang chờ đợi chính những người lính ấy viết ra bằng một ngòi bút trung thực tận cùng. Những trang viết ấy có thể khiến chúng ta bàng hoàng. Và sau bàng hoàng, ta sẽ yêu thương, thông cảm bao nhiêu với những người lính ấy.
THANH THẢO
(Báo Thanh Niên số 13.4.1998)
* Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời
Áp tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè: Tặng anh tập thơ một thời trận mạc. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Ngay như mình đây, cầm tập thơ Tuấn tặng, cũng không khỏi thoáng nghi ngờ. Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Có lẽ sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội, Tuấn và Quốc không nói thừa, cũng không nói thiếu. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào một cuộc chiến nóng bỏng. Đây, chân dung của họ:
Tuổi 18
Rời mái trường
Trở thành người lính
Mang lên rừng
Chuông xe điện vang ngân...
Tuổi 18
Đánh “tiến lên”
Hò reo
Vang dậy một góc rừng
Những đêm
Đế dép đốt sáng trưng
Gõ thùng
Hát đồng ca
(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)
“Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...”
(Lê Minh Quốc)
Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở “đất bên ngoài Tổ quốc”. Tôi đã khóc khi đọc những dòng này:
Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới
Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương
Không thể tìm ra đầy đủ một bộ xương
Đất cháy đen xỉ than
Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi...
Hơn hai mươi chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Những dòng tự sự sau đây, của Tuấn giúp tôi hiểu rõ cái giá rất đắt mà chúng ta đã phải trả để cho bạn tránh khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp: “Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh... Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào”.
Tôi đọc. Mắt nhạt nhòa trước những địa danh lạ hoặc mà Tuấn và Quốc đã trải qua: Tôn lê Sáp đêm 5-1-1979, An-lung năm 1981, Uzađao 1979, Anlung-veng 1980... Bao nhiêu, bao nhiêu những chàng liệt sĩ trinh tiết của đất Việt đã ngã xuống, để trên đất bạn, cây thốt nốt lại yên lành tỏa hương vị ngọt thơm?
Nhưng những hy sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật ký một người lính đã hy sinh:
Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá mục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật ký một ngày - Lê Minh Quốc)
Tưởng chừng chết chóc cùng trăm ngàn gian khổ sẽ bóp nát họ. Nhưng người lính vẫn trụ vững, vẫn mộng mơ, vẫn cười nói.
Khi đại bác gầm thì chim họa mi im tiếng. Nhưng những tiếng đại bác kia vẫn không thể dập tắt tiếng hót của những chú họa mi như Tuấn và Quốc. Giữa chiến trường, đêm ở rừng họ vẫn nghe thơ, vẫn bâng khuâng trước một “tối thứ bảy”, họ vẫn có ngàn “giấc mơ xanh”. Họ “đọc lại Truyện Kiều”, đọc “Bạch Vân thi tập”, “đêm trú quân ở Xam Công Thơmây nhớ Hàn Mặc Tử”... Nếu như Tuấn có phút nao lòng nhớ về Hà Nội:
Bạn thân yêu nghĩ đến ngày mai
Cầm tay người yêu đi trong vườn bách thảo
Gió Hồ Tây hương thơm đầy vạt áo
Thì Quốc đâu có kém mộng mơ:
Hoa xoài trên vai binh nhất
Thơm hoài trong gió mùi hương
Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa.” Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?
Tôi đã đọc “Đất bên ngoài Tổ quốc” liền một mạch, đọc đến tận lúc gà gáy sáng. Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:
Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)
Đứng chung trong “Đất bên ngoài Tổ quốc”, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca thật đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Một điểm độc đáo của tập thơ là sự trộn lẫn giữa thơ và những dòng văn tự sự của họ. Thơ nói chưa thỏa, thì họ đã có văn xuôi giãi bày. Đọc những dòng văn của họ, càng hiểu thêm những câu thơ họ viết. Đọc cả thơ văn, thấy rằng trữ lượng chiến trận của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Các bạn, nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kỹ lưỡng các mỏ ấy, tôi tin các bạn sẽ có những tác phẩm lớn!
THIÊN PHÚC
(Báo Phụ nữ Thủ đô số 13.5.1998)
* Đọc thơ của những người cùng thế hệ
Tôi đọc một mạch cả hai phần thơ Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc. Rồi đọc lại. Đọc lại nữa. Cứ thấy mắt cay cay. Biết Tuấn và Quốc có ý định in chung tập thơ về thời lính từ lâu, nhưng không nghĩ thơ bạn làm mình xúc động như vậy. Lúc đó mới để ý đến lời ghi tặng “Tặng Giáng Vân - người bạn thơ cùng thế hệ”. Nhớ lại, hình như lúc ghi dòng đó, mặt Tuấn trông hơi khác đi, nghiêm trang hơn. Một thoáng thôi, rồi hắn lấy lại vẻ đùa tếu thường nhật.
Chúng tôi, tôi, Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, là bạn cùng tuổi, cùng làm thơ, viết báo, viết văn, quý nhau, nhưng thường ngày bị cuốn theo cuộc sống và công việc làm báo lúc nào cũng đầy những sự kiện, nên chẳng có mấy khi dừng lại để ngắm nhìn vào một đời sống chìm sâu của mỗi người. Bởi vậy khi cầm trên tay mình tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” tôi sửng sốt nhận ra, có những phần đời ta không bao giờ biết tới, mà với bạn ta lại quan trọng dường nào. Thật ra vẫn là Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc mà tôi đã biết mà thôi, người thì dịu dàng, tinh tế, và người thì phóng khoáng, ngang tàng, nhưng trong “Đất bên ngoài Tổ quốc” là Tuấn và Quốc của tuổi hai mươi, mười tám, trong trẻo, ngời sáng, nồng nàn, quyết liệt, nhưng rất đỗi dịu dàng. Trong đó gồm tất cả những bài thơ (còn giữ được) các anh viết về những tháng năm khốc liệt trong đoàn quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Ở đó có tất cả, sự mơ mộng, những tình yêu đầu tiên, nỗi nhớ ở quê mẹ, thơ viết cho bạn bè, viết về những trận đánh, về cái chết của những đồng đội thân yêu... Bên cạnh những bài thơ chắc khỏe, gân guốc, mang âm hưởng khốc liệt, bi tráng của anh hùng ca, là những bài thơ thật dễ thương, trong trẻo, tươi tắn, tràn đầy tình yêu cuộc sống, và hồn nhiên đến độ làm cho người đọc rơi cả nước mắt. Thơ viết hồn nhiên tới mức đôi khi chẳng cần tới niêm luật, vần điệu, mà chỉ cốt viết ra được mạch cảm xúc đang tuôn trào:
Được đi tắm là một nỗi hân hoan
Dù phải hành quân cắt rừng mười cây số
HẾT NƯỚC CẤM NHÌN - dòng chữ đọc qua
Khách cứ nghĩ cậu nào đùa nghịch
Khoác cả ba lô xăm xăm bước đến
Chỉ thấy nóng ran tiếng gió xát đáy thùng
Đứng lặng một mình
Bỗng từ hầm bật ra chuỗi cười trêu tức
Khách cũng bật cười
Cơn khát bỗng nguôi quên...
(Đoàn Tuấn)
Không hiếm những câu thơ tinh tế và xao động thanh khiết như thế này:
Chiến hào đầy cỏ tai voi
Đang run rẩy reo trước gió
Nhủ thầm xuân về rồi đó
Tôi xôn xao nhánh cỏ hương
(Lê Minh Quốc)
Hoặc:
Anh cắt rừng đi từ sáng đến chiều
Lấy lục bình về phủ xung quanh gốc
Hoa đu đủ nở dịu hiền ánh mắt...
Nhiều nhất vẫn là thơ viết về đồng đội. Có thể mường tượng thấy bao nhiêu gương mặt, dáng hình với bao nhiêu tính cách buồn, vui. Những đồng đội của các anh đều có gương mặt thật sáng, gương mặt của tình yêu thương và lòng ham sống:
Một trăm đứa thương
Nhưng không đứa nào hình dung được nỗi đau của mẹ
Nếu mẹ biết trong gia tài nhỏ bé
Còn ít tiền, thương mẹ thiếu áo bông
(Đoàn Tuấn)
Hoặc:
Đêm ngủ rừng già
Ngày đi qua rừng trẻ
Bước vào chiến dịch nhận thư nhà
Không đọc vội để lòng thêm náo nức
Áp lá thư vào ngực
Làm hành trang đi dưới mặt trời
(Lê Minh Quốc)
Rồi thế này nữa:
Đêm ngủ đất là những đêm trinh sát
Gió chạy về lạnh buốt sau lưng
Nằm như sâu cuộn tròn trong lá
Chập chờn mơ thấy mẹ khóc rưng rưng
(Lê Minh Quốc)
Rồi ai mất ai còn sau những ngày khốc liệt đó, chỉ thấy hiện lên những gương mặt ngời sáng. Dường như vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống của mỗi con người còn sống, trong những cánh rừng khi xưa họ đã đi qua, trong những ước vọng gửi lại:
Ôi tôi nhớ mùa mưa năm 81
Dân “lùn” dặn tôi duy nhất một điều:
“Nếu mình chết đồng hương nhớ chôn mình đầu quay về Tổ quốc”
Tôi cũng thầm dặn lại bấy nhiêu
(Đoàn Tuấn)
Điều kỳ lạ là bom đạn như thế, chết chóc rình rập như thế, đói và khát như thế, nhưng trong thơ của Tuấn và Quốc, những người lính lại chỉ mơ về những gì tươi sáng. Đó là một màu mây, một khoảng sân nắng, một mùi hương, cùng với hình ảnh người thân, và mẹ. Lúc nào họ cũng nhớ về mẹ, lo cho mẹ mà chẳng hề sợ rằng mình có thể sẽ chết:
Tưởng tượng một ngày kia
Trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya
Mẹ khỏe mạnh giã gạo
Hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại
(Lê Minh Quốc)
Tôi thầm tự hỏi mình, ngoài những hình ảnh đẹp đẽ, như khí trời như ánh sáng của tâm linh kia, tuổi mười tám của những người lính hiện còn có gì được. Họ lấy gì để sống, chiến đấu và làm thơ. Tuấn và Quốc à, tôi cũng hiểu vì sao, một tập thơ ở giữa chiến trường, Tuấn cho Quốc mượn đã bị đồng đội xé chia nhau mỗi người một bài. Đúng thế, khi mà cái sống cận kề với cái chết, thì con người ta sống thật nhất với mình. Khi đó, những giá trị của đời sống cũng được nhìn nhận đúng nhất. Và cũng thật hạnh phúc cho ai, nếu như trong cuộc đời được một lần hiểu đúng những giá trị thật của cuộc sống. Quốc cũng tin rằng mình có hạnh phúc đó, nên đã hai mươi năm rồi, thơ Quốc vẫn viết:
Cho tôi được sống lại
Ngày đầy tuổi hai mươi
Kỷ niệm tan trong máu
Nuôi dưỡng tôi làm người
(Lê Minh Quốc)
Khép lại tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”, ta vẫn hình dung được gương mặt thật sáng của những người lính. Tôi tin rằng, Quốc và Tuấn đã làm được điều mà các anh tâm nguyện: viết cho những đồng đội của anh, những người của hòm thư 5A-2106 Pleiku. Hơn thế nữa, các anh còn viết cho cả những ai từng mang trong mình ánh sáng nguyên khiết của tình yêu thương.
GIÁNG VÂN
(Báo Văn Nghệ TPHCM 26.2.1998)
* Tiếng lòng của một thế hệ
Giữa lúc thơ tình đang “ngự trị” khắp nơi, sự xuất hiện Đất bên ngoài Tổ quốc - một tập thơ đầy chất lính, đã gây được sự chú ý mạnh mẽ. Tiếng lòng của Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn, hai nhà thơ mặc áo lính may mắn sống sót trở về từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cũng là nỗi niềm của cả một thế hệ!
“Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào” (Đoàn Tuấn). Đặt mình vào dòng hồi ức ấy, tôi “dọc ngang” trên từng trang Đất bên ngoài Tổ quốc và bắt gặp “từng mảnh linh hồn bay trăm nơi” từ một “quá khứ bừng lên như chiếc gương soi - lấp lánh nụ cười những người lính trẻ” (Lê Minh Quốc) Tôi cũng bắt gặp ở đó “Tiếng ru mảnh như tơ chùng bên suối - mang gương mặt âm hồn của đất nước khổ đau?” mà người lính vốn chẳng hề nao núng trước cái chết nhưng giữa rừng đêm tình cờ “nghe lời ru bỗng sợ” (Đoàn Tuấn)...
Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đau đáu trong nhiều gia đình, trong trái tim các mẹ già và trong tâm khảm của cả một thế hệ cầm súng. Âm hưởng bi hùng ấy vẫn sống động trên từng trang thơ của những người lính thế hệ thứ tư, với ba gương mặt tiêu biểu ở ba miền: Phạm Sĩ Sáu - miền Nam, Lê Minh Quốc - miền Trung và Đoàn Tuấn - miền Bắc. Đất bên ngoài Tổ quốc như nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự, “là nén hương, là nỗi lòng của những người còn sống đối với những đồng đội đã ngã xuống - những liệt sĩ trinh tiết”. Và tôi tin tập thơ nhất định có một sức sống trong lòng bạn đọc.
PHAN HOÀNG
(Báo Đại đoàn kết 28.3.1998)
* Đất bên ngoài Tổ quốc
Có lẽ vì tôi cũng đã mấy lần rong ruổi trên mảnh đất Campuchia với những ấn tượng không thể quên về con người và cuộc sống nơi đây, về những người lính tình nguyện Việt Nam với cuộc chiến đấu kỳ lạ của họ - một cuộc chiến vừa giống lại vừa khác rất nhiều với những cuộc chiến trước đó, một cuộc chiến thực sự, mang ý nghĩa vô cùng to lớn mà không hiểu sao có những người bây giờ lại cứ muốn quên đi... Có lẽ vì như thế, nên khi đọc tập thơ chung của hai anh Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, hai người lính thi sĩ trở về từ “Cánh đồng chết” có tên là Campuchia, tôi đã xúc động đến ứa nước mắt. Không thể bàn nhiều đến giá trị nghệ thuật, những thành công hay bất cập của tập thơ trong mấy dòng này, tôi chỉ ghi nhận cảm giác - gần như là trực giác, rằng các anh đã làm sống lại trước mắt người đọc khung cảnh chiến trường ở “bên ngoài Tổ quốc” ấy cụ thể như có thể nắm bắt được từ những chi tiết trong cuộc sống gian lao, ác liệt của người lính tình nguyện, đến thế giới tâm hồn trong trẻo, thơ ngây, khao khát sống, khao khát yêu của những chàng trai thoạt bước vào đời đã phải đối đầu với cảnh sống đầy máu, lửa, chết chóc, với gương mặt lạnh lùng tàn nhẫn của chiến tranh vốn không hề thương xót một ai. Làm được điều ấy trước hết chính vì các tác giả đã trung thực hết mình với thực tế cuộc sống mà các anh đã nếm trải, với mọi biểu hiện lớn lao hay bé nhỏ diễn ra trong lòng mình những năm tháng ấy, không giấu giếm, cũng không khoe mẽ, nghĩa là đúng như chúng vốn có. Và đương nhiên, sau đó là khả năng điều khiển đạo quân chữ nghĩa để có thể chuyển tải được các ý tưởng và nhất là các cảm xúc lên mặt giấy. Nếu có điều gì cần nói thêm, thì đấy là: Hai tác giả có nhiều điểm giống nhau trong cách nghĩ, cách cảm và cả cách biểu hiện - một điều dễ hiểu. Còn chỗ khác nhau: Đoàn Tuấn quan tâm đưa nhiều chi tiết vào thơ, có vẻ như đấy là báo hiệu trước cho khả năng anh có thể viết văn xuôi và làm cả điện ảnh sau này; còn Lê Minh Quốc lại tràn ngập cảm xúc, thứ cảm xúc đã xô đẩy các câu chữ của anh đến ranh giới của thực và hư...
ANH NGỌC
(Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số tháng 8.1998)
* ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
I.
Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như quãng những năm 81, 82 gì đó, tôi gặp Đoàn Tuấn. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Tổng hợp Văn, đang lang thang xin việc. Còn Tuấn vừa từ chiến trường Campuchia trở về, chuẩn bị vào học Tổng hợp Văn. Gặp nhau, thấy dễ mến anh chàng vóc dáng thư sinh này, lúc nào cũng cười, với cái bắt tay thật chặt, thật ấm. Rồi Tuấn đoạt giải A cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rồi Tuấn đi học điện ảnh ở Liên Xô. Tốt nghiệp, Tuấn về làm biên kịch ở Hãng phim truyện Việt Nam cùng với tôi. Tuấn vẫn thế, mảnh khảnh, hiền lành, với cái cười dễ mến. Tuấn lao động thật cần cù. Viết phim, viết thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết báo, dịch sách, dịch thơ... Cứ mỗi lần đến cơ quan, thấy Tuấn nháy mắt ra hiệu, tôi biết là mình sắp được tặng một cuốn sách mới rồi...
Cũng qua Tuấn, tôi biết Lê Minh Quốc. Một sáng ngồi quán uống nước trà, Tuấn đưa cho tôi một tập thơ. Tuấn nói: “Đây là tập thơ tình của thằng bạn thân. Nó cho em một trăm cuốn, dặn: Tuấn thích ai thì cứ tặng. Tặng anh”. Tôi trân trọng đỡ lấy tập thơ Tôi vẽ mặt tôi (NXB Văn hóa Thông tin - 1994). Lật giở hú họa ra, những câu thơ ngông nghênh đập ngay vào mắt:
Em đa đoan nên đa ngôn nói láo
Tôi hồn nhiên trao cả xác lẫn hồn
Em gieo gió nhưng tôi gặt bão
Cuối đời đem về vỏn vẹn mấy môi son...
Chà! Gã thi sĩ này có vẻ ngồ ngộ đây. Tôi đã đọc hết tập thơ của Lê Minh Quốc. Người thơ phong vận như thơ ấy! Cứ hình dung Lê Minh Quốc là một gã đàn ông nhiều tóc nhiều râu, ăn sóng nói gió, tức giận có thể văng tục chửi thề, nhưng xong thì thôi, không để bụng. Đọc thơ Quốc, bất giác mỉm cười, thấy rằng cái mặt này có thể chơi được...
II
Áp tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ Đất bên ngoài Tổ Quốc của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè: “Tặng anh tập thơ một thời trận mạc”. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Ngay như mình đây, cầm tập thơ Tuấn tặng, cũng không khỏi thoáng nghi ngờ. Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Bận rộn mấy ngày tết, tập thơ Tuấn tặng, lãng quên. Ra giêng, một đêm lạnh, ngoài trời mưa rả rích. Bỗng thao thức, không ngủ được. Sực nhớ tới tập thơ của Tuấn và Quốc. Khẽ khàng trở dậy, tìm đọc. Ngay lập tức, tập thơ có mãnh lực hút chặt lấy tôi. Tôi đã đọc Đất bên ngoài Tổ Quốc liền một mạch. Đọc xong, lòng trào xúc động.
Đây là tập thơ của hai người lính, từng đứng chung trong một chiến hào, nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ họ viết, gần hai chục năm trời, đã thất lạc nhiều. May thay, còn lại chút ít trong nhật ký, trong trí nhớ, trong sổ tay ố vàng của bạn bè.
Có lẽ, sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội. Tuấn và Quốc không nói thừa, cũng không nói thiếu. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào cuộc chiến nóng bỏng. Đây chân dung của họ:
Tuổi 18
rời mái trường
trở thành người lính
mang lên rừng
chuông xe điện vang ngân...
Tuổi 18
đánh “tiến lên”
hò reo
vang dậy một góc rừng
những đêm
đế dép đốt sáng trưng
gõ thùng
hát đồng ca
“Ở đây chúng tôi ăn lương khô và xúc xích”
(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)
Và đây là phút nhớ nhà của chàng tân binh Lê Minh Quốc:
Chiều cuối năm ngồi một mình
Xôn xao trời đất gập ghềnh niềm tin
Bay qua hầm mấy cánh chim
Cho mòn con mắt dõi nhìn quê xa
Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...
Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở “đất bên ngoài Tổ quốc”
Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tầu chuối rụng
Máu tuổi hai mươi gửi cho cỏ cho trời
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Họ - “những liệt sĩ trinh tiết” - chữ dùng của Lê Minh Quốc - ngã xuống:
Tiếng mìn K.82 nổ chát chúa
đinh tai nhức óc
sao lúc ấy không thể nào khóc?
sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi
từng mảnh linh hồn bay trăm nơi
Tôi đã khóc khi đọc những dòng này:
Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới
Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương
Không thể tìm ra một bộ xương
Đất cháy đen xỉ than
Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi...
Hơn hai mươi chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Những dòng tự sự sau đây của Tuấn giúp tôi hiểu rõ cái giá rất đắt mà chúng ta đã phải trả để cho bạn tránh khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp: “Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hi sinh... Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào”.
Tôi đọc. Mắt nhạt nhòa trước những địa danh lạ hoắc mà Tuấn và Quốc dã trải qua: “Tôn Lê Sáp đêm 5-1-1979, An-Lung năm 81, Uzađao 1979, An Lung-veng 1980...”. Bao nhiêu, bao nhiêu những chàng liệt sĩ trinh tiết của đất Việt đã ngã xuống, để trên đất bạn, cây thốt nốt lại yên lành tỏa hương vị ngọt thơm?
Chiến tranh thật ác liệt. Nhưng những người lính trẻ không phải là những con thiêu thân lao mình vào lửa. Họ hiểu họ đang làm một nhiệm vụ cao cả. Lẽ nào có thể khoanh tay khi lửa bốc cháy bên nhà hàng xóm? Họ hiểu rằng:
Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc
Cho mai sau sông núi thở dịu dàng
Vì vậy những hi sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật kí một người lính đã hi sinh:
Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá mục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật kí một ngày - Lê Minh Quốc)
Đói. Khát. Ngay giấc ngủ cũng không được trọn giấc:
Không đủ ngón tay
Để mà đếm bao nhiêu kiểu ngủ
Sốt rét nằm co
Ngủ hầm lưng đau nhức
Có giấc ngủ lưng chừng đỉnh đốc
Chân quặp vào hòn đá khỏi lăn
Ngủ cho quần áo khô
Ngủ cho qua cơn đói
(Giấc ngủ - Đoàn Tuấn)
Tưởng chừng chết chóc cùng trăm ngàn gian khổ sẽ bóp nát họ. Nhưng người lính vẫn trụ vững, vẫn mộng mơ, vẫn cười nói. Hãy nghe Đoàn Tuấn kể: “Thỉnh thoảng, anh Lâm Xuân Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, lại rủ tôi sang chỗ Quốc uống rượu. Đi uống rượu nào có an toàn. Khoác AK, đội mũ cối, mặc áo mưa, phải bò qua hai vọng gác, bò qua nghĩa trang. Khi qua đó, tôi thấy anh Liễm lại lầm rầm khấn anh em phù hộ cho mình được sống. Tôi cũng thầm khấn như vậy”...
Khi đại bác gầm thì chim họa mi im tiếng. Nhưng những tiếng đại bác kia vẫn không thể dập tắt tiếng hót của những chú họa mi như Tuấn và Quốc. Giữa chiến trường, đêm ở rừng họ vẫn nghe thơ, vẫn bâng khuâng trước một “tối thứ bẩy”, họ vẫn có ngàn “giấc mơ xanh”. Họ “đọc lại truyện Kiều”, đọc ‘Bạch Vân thi tập”, “đêm trú quân ở Xam Công Thơmây nhớ Hàn Mặc Tử”... Nếu như Tuấn có phút nao lòng nhớ về Hà Nội:
Bạn thân yêu nghĩ đến ngày mai
Cầm tay người yêu đi trong vườn bách thảo
Gió Hồ Tây hương thơm đầy vạt áo
thì Quốc đâu có kém mộng mơ:
Hoa xoài trên vai binh nhất
Thơm hoài trong gió mùi hương
Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa.” Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?
Tôi đã đọc Đất bên ngoài Tổ quốc liền một mạch, đọc đến tận lúc gà gáy sáng. Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:
Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)
III
Cho ra tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, chắc chắn Tuấn và Quốc không tính đến chuyện lời lãi cả về danh và lợi. Như Tuấn và Quốc tâm sự: “Một tập thơ ra đời, không dám mong được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau”. Vâng, tập thơ của họ nóng hổi những kỉ niệm, có phút giây khắc nghiệt, có phút giây thật thú vị:
Mười hai giờ đêm ăn cháo khỉ xì xòm...
...
Các cô gái đánh răng bằng cát
Vắt bí đao lấy bọt giặt quần...
...
Đồng đội tắm tóc chưa kịp ướt
đã có lệnh hành quân...
Tôi yêu những câu thơ tươi ròng ấy. Những câu thơ ấy tràn đầy sức sống, thật khác xa những câu thơ tình èo uột hay những câu thơ bí hiểm nhan nhản bây giờ.
Đứng chung trong Đất bên ngoài Tổ quốc, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca thật đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Một điểm độc đáo của tập thơ là sự trộn lẫn giữa thơ và những dòng văn tự sự của họ. Thơ nói chưa thỏa, thì họ đã có văn xuôi giãi bày. Đọc những dòng văn của họ, càng hiểu thêm những câu thơ họ viết. Đọc cả thơ văn, thấy rằng trữ lượng chiến trận của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Các bạn, nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kĩ lưỡng các mỏ ấy, tôi tin các bạn sẽ có những tác phẩm như ý.
Đọc xong tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, tôi đã buột miệng reo lên: “Lâu lắm rồi mới được đọc tập thơ hay”. Được đọc một tập thơ hay cũng là một niềm hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã cho tôi những phút giây hạnh phúc ấy. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã nhắc tôi và nhiều người đừng quên xương máu bao trai Việt đã hóa thành cỏ cây ở Đất bên ngoài Tổ quốc.
THIÊN PHÚC
(Tạp chí Tác phẩm mới số tháng 4.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|