* ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
I.
Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như quãng những năm 81, 82 gì đó, tôi gặp Đoàn Tuấn. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Tổng hợp Văn, đang lang thang xin việc. Còn Tuấn vừa từ chiến trường Campuchia trở về, chuẩn bị vào học Tổng hợp Văn. Gặp nhau, thấy dễ mến anh chàng vóc dáng thư sinh này, lúc nào cũng cười, với cái bắt tay thật chặt, thật ấm. Rồi Tuấn đoạt giải A cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rồi Tuấn đi học điện ảnh ở Liên Xô. Tốt nghiệp, Tuấn về làm biên kịch ở Hãng phim truyện Việt Nam cùng với tôi. Tuấn vẫn thế, mảnh khảnh, hiền lành, với cái cười dễ mến. Tuấn lao động thật cần cù. Viết phim, viết thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết báo, dịch sách, dịch thơ... Cứ mỗi lần đến cơ quan, thấy Tuấn nháy mắt ra hiệu, tôi biết là mình sắp được tặng một cuốn sách mới rồi...
Cũng qua Tuấn, tôi biết Lê Minh Quốc. Một sáng ngồi quán uống nước trà, Tuấn đưa cho tôi một tập thơ. Tuấn nói: “Đây là tập thơ tình của thằng bạn thân. Nó cho em một trăm cuốn, dặn: Tuấn thích ai thì cứ tặng. Tặng anh”. Tôi trân trọng đỡ lấy tập thơ Tôi vẽ mặt tôi (NXB Văn hóa Thông tin - 1994). Lật giở hú họa ra, những câu thơ ngông nghênh đập ngay vào mắt:
Em đa đoan nên đa ngôn nói láo
Tôi hồn nhiên trao cả xác lẫn hồn
Em gieo gió nhưng tôi gặt bão
Cuối đời đem về vỏn vẹn mấy môi son...
Chà! Gã thi sĩ này có vẻ ngồ ngộ đây. Tôi đã đọc hết tập thơ của Lê Minh Quốc. Người thơ phong vận như thơ ấy! Cứ hình dung Lê Minh Quốc là một gã đàn ông nhiều tóc nhiều râu, ăn sóng nói gió, tức giận có thể văng tục chửi thề, nhưng xong thì thôi, không để bụng. Đọc thơ Quốc, bất giác mỉm cười, thấy rằng cái mặt này có thể chơi được...
II
Áp tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ Đất bên ngoài Tổ Quốc của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè: “Tặng anh tập thơ một thời trận mạc”. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Ngay như mình đây, cầm tập thơ Tuấn tặng, cũng không khỏi thoáng nghi ngờ. Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Bận rộn mấy ngày tết, tập thơ Tuấn tặng, lãng quên. Ra giêng, một đêm lạnh, ngoài trời mưa rả rích. Bỗng thao thức, không ngủ được. Sực nhớ tới tập thơ của Tuấn và Quốc. Khẽ khàng trở dậy, tìm đọc. Ngay lập tức, tập thơ có mãnh lực hút chặt lấy tôi. Tôi đã đọc Đất bên ngoài Tổ Quốc liền một mạch. Đọc xong, lòng trào xúc động.
Đây là tập thơ của hai người lính, từng đứng chung trong một chiến hào, nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ họ viết, gần hai chục năm trời, đã thất lạc nhiều. May thay, còn lại chút ít trong nhật ký, trong trí nhớ, trong sổ tay ố vàng của bạn bè.
Có lẽ, sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội. Tuấn và Quốc không nói thừa, cũng không nói thiếu. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào cuộc chiến nóng bỏng. Đây chân dung của họ:
Tuổi 18
rời mái trường
trở thành người lính
mang lên rừng
chuông xe điện vang ngân...
Tuổi 18
đánh “tiến lên”
hò reo
vang dậy một góc rừng
những đêm
đế dép đốt sáng trưng
gõ thùng
hát đồng ca
“Ở đây chúng tôi ăn lương khô và xúc xích”
(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)
Và đây là phút nhớ nhà của chàng tân binh Lê Minh Quốc:
Chiều cuối năm ngồi một mình
Xôn xao trời đất gập ghềnh niềm tin
Bay qua hầm mấy cánh chim
Cho mòn con mắt dõi nhìn quê xa
Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...
Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở “đất bên ngoài Tổ quốc”
Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tầu chuối rụng
Máu tuổi hai mươi gửi cho cỏ cho trời
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Họ - “những liệt sĩ trinh tiết” - chữ dùng của Lê Minh Quốc - ngã xuống:
Tiếng mìn K.82 nổ chát chúa
đinh tai nhức óc
sao lúc ấy không thể nào khóc?
sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi
từng mảnh linh hồn bay trăm nơi
Tôi đã khóc khi đọc những dòng này:
Chiến dịch kết thúc rồi tôi quay về biên giới
Tìm xác bạn bè trên chốt cũ yêu thương
Không thể tìm ra một bộ xương
Đất cháy đen xỉ than
Xương cánh tay lẫn cành khô rơi vãi...
Hơn hai mươi chiếc túi mang theo dồn một túi không đầy...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Những dòng tự sự sau đây của Tuấn giúp tôi hiểu rõ cái giá rất đắt mà chúng ta đã phải trả để cho bạn tránh khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp: “Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hi sinh... Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào”.
Tôi đọc. Mắt nhạt nhòa trước những địa danh lạ hoắc mà Tuấn và Quốc dã trải qua: “Tôn Lê Sáp đêm 5-1-1979, An-Lung năm 81, Uzađao 1979, An Lung-veng 1980...”. Bao nhiêu, bao nhiêu những chàng liệt sĩ trinh tiết của đất Việt đã ngã xuống, để trên đất bạn, cây thốt nốt lại yên lành tỏa hương vị ngọt thơm?
Chiến tranh thật ác liệt. Nhưng những người lính trẻ không phải là những con thiêu thân lao mình vào lửa. Họ hiểu họ đang làm một nhiệm vụ cao cả. Lẽ nào có thể khoanh tay khi lửa bốc cháy bên nhà hàng xóm? Họ hiểu rằng:
Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc
Cho mai sau sông núi thở dịu dàng
Vì vậy những hi sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật kí một người lính đã hi sinh:
Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá mục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật kí một ngày - Lê Minh Quốc)
Đói. Khát. Ngay giấc ngủ cũng không được trọn giấc:
Không đủ ngón tay
Để mà đếm bao nhiêu kiểu ngủ
Sốt rét nằm co
Ngủ hầm lưng đau nhức
Có giấc ngủ lưng chừng đỉnh đốc
Chân quặp vào hòn đá khỏi lăn
Ngủ cho quần áo khô
Ngủ cho qua cơn đói
(Giấc ngủ - Đoàn Tuấn)
Tưởng chừng chết chóc cùng trăm ngàn gian khổ sẽ bóp nát họ. Nhưng người lính vẫn trụ vững, vẫn mộng mơ, vẫn cười nói. Hãy nghe Đoàn Tuấn kể: “Thỉnh thoảng, anh Lâm Xuân Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, lại rủ tôi sang chỗ Quốc uống rượu. Đi uống rượu nào có an toàn. Khoác AK, đội mũ cối, mặc áo mưa, phải bò qua hai vọng gác, bò qua nghĩa trang. Khi qua đó, tôi thấy anh Liễm lại lầm rầm khấn anh em phù hộ cho mình được sống. Tôi cũng thầm khấn như vậy”...
Khi đại bác gầm thì chim họa mi im tiếng. Nhưng những tiếng đại bác kia vẫn không thể dập tắt tiếng hót của những chú họa mi như Tuấn và Quốc. Giữa chiến trường, đêm ở rừng họ vẫn nghe thơ, vẫn bâng khuâng trước một “tối thứ bẩy”, họ vẫn có ngàn “giấc mơ xanh”. Họ “đọc lại truyện Kiều”, đọc ‘Bạch Vân thi tập”, “đêm trú quân ở Xam Công Thơmây nhớ Hàn Mặc Tử”... Nếu như Tuấn có phút nao lòng nhớ về Hà Nội:
Bạn thân yêu nghĩ đến ngày mai
Cầm tay người yêu đi trong vườn bách thảo
Gió Hồ Tây hương thơm đầy vạt áo
thì Quốc đâu có kém mộng mơ:
Hoa xoài trên vai binh nhất
Thơm hoài trong gió mùi hương
Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. Mười tám tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa.” Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?
Tôi đã đọc Đất bên ngoài Tổ quốc liền một mạch, đọc đến tận lúc gà gáy sáng. Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:
Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)
III
Cho ra tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, chắc chắn Tuấn và Quốc không tính đến chuyện lời lãi cả về danh và lợi. Như Tuấn và Quốc tâm sự: “Một tập thơ ra đời, không dám mong được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau”. Vâng, tập thơ của họ nóng hổi những kỉ niệm, có phút giây khắc nghiệt, có phút giây thật thú vị:
Mười hai giờ đêm ăn cháo khỉ xì xòm...
...
Các cô gái đánh răng bằng cát
Vắt bí đao lấy bọt giặt quần...
...
Đồng đội tắm tóc chưa kịp ướt
đã có lệnh hành quân...
Tôi yêu những câu thơ tươi ròng ấy. Những câu thơ ấy tràn đầy sức sống, thật khác xa những câu thơ tình èo uột hay những câu thơ bí hiểm nhan nhản bây giờ.
Đứng chung trong Đất bên ngoài Tổ quốc, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca thật đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Một điểm độc đáo của tập thơ là sự trộn lẫn giữa thơ và những dòng văn tự sự của họ. Thơ nói chưa thỏa, thì họ đã có văn xuôi giãi bày. Đọc những dòng văn của họ, càng hiểu thêm những câu thơ họ viết. Đọc cả thơ văn, thấy rằng trữ lượng chiến trận của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Các bạn, nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kĩ lưỡng các mỏ ấy, tôi tin các bạn sẽ có những tác phẩm như ý.
Đọc xong tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, tôi đã buột miệng reo lên: “Lâu lắm rồi mới được đọc tập thơ hay”. Được đọc một tập thơ hay cũng là một niềm hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã cho tôi những phút giây hạnh phúc ấy. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã nhắc tôi và nhiều người đừng quên xương máu bao trai Việt đã hóa thành cỏ cây ở Đất bên ngoài Tổ quốc.
THIÊN PHÚC
(Tạp chí Tác phẩm mới số tháng 4.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|