* Tiếng lòng của một thế hệ
Giữa lúc thơ tình đang “ngự trị” khắp nơi, sự xuất hiện Đất bên ngoài Tổ quốc - một tập thơ đầy chất lính, đã gây được sự chú ý mạnh mẽ. Tiếng lòng của Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn, hai nhà thơ mặc áo lính may mắn sống sót trở về từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cũng là nỗi niềm của cả một thế hệ!
“Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào” (Đoàn Tuấn). Đặt mình vào dòng hồi ức ấy, tôi “dọc ngang” trên từng trang Đất bên ngoài Tổ quốc và bắt gặp “từng mảnh linh hồn bay trăm nơi” từ một “quá khứ bừng lên như chiếc gương soi - lấp lánh nụ cười những người lính trẻ” (Lê Minh Quốc) Tôi cũng bắt gặp ở đó “Tiếng ru mảnh như tơ chùng bên suối - mang gương mặt âm hồn của đất nước khổ đau?” mà người lính vốn chẳng hề nao núng trước cái chết nhưng giữa rừng đêm tình cờ “nghe lời ru bỗng sợ” (Đoàn Tuấn)...
Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đau đáu trong nhiều gia đình, trong trái tim các mẹ già và trong tâm khảm của cả một thế hệ cầm súng. Âm hưởng bi hùng ấy vẫn sống động trên từng trang thơ của những người lính thế hệ thứ tư, với ba gương mặt tiêu biểu ở ba miền: Phạm Sĩ Sáu - miền Nam, Lê Minh Quốc - miền Trung và Đoàn Tuấn - miền Bắc. Đất bên ngoài Tổ quốc như nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự, “là nén hương, là nỗi lòng của những người còn sống đối với những đồng đội đã ngã xuống - những liệt sĩ trinh tiết”. Và tôi tin tập thơ nhất định có một sức sống trong lòng bạn đọc.
PHAN HOÀNG
(Báo Đại đoàn kết 28.3.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|