TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ

ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ

Mục lục
ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
*Gửi Tuấn gửi Quốc và...
2. Đất bên ngoài Tổ quốc
3. Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”
4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim
5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính
6.Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời
8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ
9.Tiếng lòng của một thế hệ
10. Đất bên ngoài Tổ quốc
11. ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
Tất cả các trang

DU-LUAN-1

* Đọc thơ của những người cùng thế hệ


Tôi đọc một mạch cả hai phần thơ Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc. Rồi đọc lại. Đọc lại nữa. Cứ thấy mắt cay cay. Biết Tuấn và Quốc có ý định in chung tập thơ về thời lính từ lâu, nhưng không nghĩ thơ bạn làm mình xúc động như vậy. Lúc đó mới để ý đến lời ghi tặng “Tặng Giáng Vân - người bạn thơ cùng thế hệ”. Nhớ lại, hình như lúc ghi dòng đó, mặt Tuấn trông hơi khác đi, nghiêm trang hơn. Một thoáng thôi, rồi hắn lấy lại vẻ đùa tếu thường nhật.

Chúng tôi, tôi, Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc, là bạn cùng tuổi, cùng làm thơ, viết báo, viết văn, quý nhau, nhưng thường ngày bị cuốn theo cuộc sống và công việc làm báo lúc nào cũng đầy những sự kiện, nên chẳng có mấy khi dừng lại để ngắm nhìn vào một đời sống chìm sâu của mỗi người. Bởi vậy khi cầm trên tay mình tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” tôi sửng sốt nhận ra, có những phần đời ta không bao giờ biết tới, mà với bạn ta lại quan trọng dường nào. Thật ra vẫn là Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc mà tôi đã biết mà thôi, người thì dịu dàng, tinh tế, và người thì phóng khoáng, ngang tàng, nhưng trong “Đất bên ngoài Tổ quốc” là Tuấn và Quốc của tuổi hai mươi, mười tám, trong trẻo, ngời sáng, nồng nàn, quyết liệt, nhưng rất đỗi dịu dàng. Trong đó gồm tất cả những bài thơ (còn giữ được) các anh viết về những tháng năm khốc liệt trong đoàn quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Ở đó có tất cả, sự mơ mộng, những tình yêu đầu tiên, nỗi nhớ ở quê mẹ, thơ viết cho bạn bè, viết về những trận đánh, về cái chết của những đồng đội thân yêu... Bên cạnh những bài thơ chắc khỏe, gân guốc, mang âm hưởng khốc liệt, bi tráng của anh hùng ca, là những bài thơ thật dễ thương, trong trẻo, tươi tắn, tràn đầy tình yêu cuộc sống, và hồn nhiên đến độ làm cho người đọc rơi cả nước mắt. Thơ viết hồn nhiên tới mức đôi khi chẳng cần tới niêm luật, vần điệu, mà chỉ cốt viết ra được mạch cảm xúc đang tuôn trào:

Được đi tắm là một nỗi hân hoan
Dù phải hành quân cắt rừng mười cây số
HẾT NƯỚC CẤM NHÌN - dòng chữ đọc qua
Khách cứ nghĩ cậu nào đùa nghịch
Khoác cả ba lô xăm xăm bước đến
Chỉ thấy nóng ran tiếng gió xát đáy thùng
Đứng lặng một mình
Bỗng từ hầm bật ra chuỗi cười trêu tức
Khách cũng bật cười
Cơn khát bỗng nguôi quên...
(Đoàn Tuấn)

Không hiếm những câu thơ tinh tế và xao động thanh khiết như thế này:

Chiến hào đầy cỏ tai voi
Đang run rẩy reo trước gió
Nhủ thầm xuân về rồi đó
Tôi xôn xao nhánh cỏ hương
(Lê Minh Quốc)

Hoặc:
Anh cắt rừng đi từ sáng đến chiều
Lấy lục bình về phủ xung quanh gốc
Hoa đu đủ nở dịu hiền ánh mắt...

Nhiều nhất vẫn là thơ viết về đồng đội. Có thể mường tượng thấy bao nhiêu gương mặt, dáng hình với bao nhiêu tính cách buồn, vui. Những đồng đội của các anh đều có gương mặt thật sáng, gương mặt của tình yêu thương và lòng ham sống:

Một trăm đứa thương
Nhưng không đứa nào hình dung được nỗi đau của mẹ
Nếu mẹ biết trong gia tài nhỏ bé
Còn ít tiền, thương mẹ thiếu áo bông
(Đoàn Tuấn)

Hoặc:

Đêm ngủ rừng già
Ngày đi qua rừng trẻ
Bước vào chiến dịch nhận thư nhà
Không đọc vội để lòng thêm náo nức
Áp lá thư vào ngực
Làm hành trang đi dưới mặt trời
(Lê Minh Quốc)

Rồi thế này nữa:
 

Đêm ngủ đất là những đêm trinh sát
Gió chạy về lạnh buốt sau lưng
Nằm như sâu cuộn tròn trong lá
Chập chờn mơ thấy mẹ khóc rưng rưng
(Lê Minh Quốc)

Rồi ai mất ai còn sau những ngày khốc liệt đó, chỉ thấy hiện lên những gương mặt ngời sáng. Dường như vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống của mỗi con người còn sống, trong những cánh rừng khi xưa họ đã đi qua, trong những ước vọng gửi lại:

Ôi tôi nhớ mùa mưa năm 81
Dân “lùn” dặn tôi duy nhất một điều:
“Nếu mình chết đồng hương nhớ chôn mình đầu quay về Tổ quốc”
Tôi cũng thầm dặn lại bấy nhiêu
(Đoàn Tuấn)

Điều kỳ lạ là bom đạn như thế, chết chóc rình rập như thế, đói và khát như thế, nhưng trong thơ của Tuấn và Quốc, những người lính lại chỉ mơ về những gì tươi sáng. Đó là một màu mây, một khoảng sân nắng, một mùi hương, cùng với hình ảnh người thân, và mẹ. Lúc nào họ cũng nhớ về mẹ, lo cho mẹ mà chẳng hề sợ rằng mình có thể sẽ chết:

Tưởng tượng một ngày kia
Trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya
Mẹ khỏe mạnh giã gạo
Hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại
(Lê Minh Quốc)

Tôi thầm tự hỏi mình, ngoài những hình ảnh đẹp đẽ, như khí trời như ánh sáng của tâm linh kia, tuổi mười tám của những người lính hiện còn có gì được. Họ lấy gì để sống, chiến đấu và làm thơ. Tuấn và Quốc à, tôi cũng hiểu vì sao, một tập thơ ở giữa chiến trường, Tuấn cho Quốc mượn đã bị đồng đội xé chia nhau mỗi người một bài. Đúng thế, khi mà cái sống cận kề với cái chết, thì con người ta sống thật nhất với mình. Khi đó, những giá trị của đời sống cũng được nhìn nhận đúng nhất. Và cũng thật hạnh phúc cho ai, nếu như trong cuộc đời được một lần hiểu đúng những giá trị thật của cuộc sống. Quốc cũng tin rằng mình có hạnh phúc đó, nên đã hai mươi năm rồi, thơ Quốc vẫn viết:

Cho tôi được sống lại
Ngày đầy tuổi hai mươi
Kỷ niệm tan trong máu
Nuôi dưỡng tôi làm người
(Lê Minh Quốc)

Khép lại tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”, ta vẫn hình dung được gương mặt thật sáng của những người lính. Tôi tin rằng, Quốc và Tuấn đã làm được điều mà các anh tâm nguyện: viết cho những đồng đội của anh, những người của hòm thư 5A-2106 Pleiku. Hơn thế nữa, các anh còn viết cho cả những ai từng mang trong mình ánh sáng nguyên khiết của tình yêu thương.

GIÁNG VÂN
(Báo Văn Nghệ TPHCM 26.2.1998)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com