* Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
Bởi đất ấy thấm đẫm máu bạn bè, đồng đội, thấm cả máu anh nữa. Chuyện lịch sử hãy để lịch sử và thời gian phán xét. Chuyện ấy trừu tượng. Nhưng máu thì thật, thật như máu. Tôi đọc tập thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc trong một ngày rất thanh bình, tự nhiên lòng chùng xuống với một nỗi buồn nặng nề. Tôi cũng đã từng ở Campuchia mấy năm, nhưng không phải thời điểm cuối những năm 70 và đầu những năm 80, một thời điểm gay gắt, bi thảm mà nhân vật chính là một binh nhì người Việt 18 tuổi.
Tuổi 18
bị thương
không khóc
nhưng lại rơi nước mắt
khi bạn bè bị thương
(Đoàn Tuấn)
Và tuổi mười tám “trong cơn khát/ ngửa cổ/ dốc bi đông/ tu một nụ hôn dài”. Khát, khát lắm, từ nước uống tới tình yêu. Và thiếu, thiếu lắm, từ một nắm cơm đến hình bóng người con gái.
Không có địa chỉ nào
Làm mẹ luôn lo lắng
Như địa chỉ hòm thư con
(Đoàn Tuấn)
Mười tám tuổi mà phải nghĩ tấm giấy báo tử của mình gửi về sẽ quật ngã mẹ mình như thế nào, lòng hiếu tử ấy như một tiếng thét.
Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc
Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi
Tôi mới thấy xót xa thương bạn
Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi
Tổ quốc - nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng bạn
Đất của đời tôi lại chính đất bên ngoài
(Đoàn Tuấn)
Từ phút ấy, đất bên ngoài đã bám vào đời anh, mãi mãi theo anh, ám ảnh suốt chặng đường còn lại có thể là rất dài của anh.
Mắt chúng tôi gầy như gương mặt núi
Hào phóng như trời xanh
Tính thẳng như nòng súng
Ăn cơm cục
Uống nước đục
Hồn như sông in mây trắng vô tư
(Đoàn Tuấn)
Nhưng đó mới là cái “hào khí” bên ngoài của ngươi lính tuổi mười tám. Còn tâm hồn, cái bên trong của họ ra sao? Tôi đọc bài thơ Điếu thuốc, một dạng Con cá chột nưa nhưng cảm động hơn nhiều, do nó là sự ân hận khôn nguôi từ một hành động ích kỷ nhỏ bé, khi đồng đội mình xin điếu thuốc mà trong túi mình chỉ còn duy nhất một điếu, mình lỡ nói không còn và bao nhiêu năm sau, tiếng “không” ấy khiến mình ân hận và xấu hổ mãi...
Và một câu chuyện nhỏ, khi Tuấn và Lê Minh Quốc cho một ông già Khmer tị nạn đôi giày rách và một nhúm muối, ông già đã biếu lại hai anh một vốc vàng, một vốc bạc, nhưng hai anh kiên quyết từ chối, không phải vì không biết giá trị của vàng bạc, nhưng chỉ vì một ý nghĩ đơn giản: “Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: lúc đi lính, mình không có vàng. Nhỡ mình lấy, đêm chết, đơn vị kiểm tra di vật tử sĩ, thấy có vàng trong ba-lô, không những mình không ra cái gì mà gia đình mình ở phía sau cũng không được anh em tôn trọng”. Chắc không cần bình luận thêm gì nữa!
Chúng tôi làm thơ để đọc
Như trồng thêm lúa để ăn
Như cắt tranh lợp nhà ở
(Lê Minh Quốc)
Người lính làm thơ cứ nói thật thà vậy, bởi thơ lúc ấy như chỗ thoát, như cứu cánh cho đời họ, như những
hớp nước quá hiếm trong mùa khô:
đồng đôïi tôi có người hoa mắt
lá khộp rơi quắt quéo trên lưng
dốc ngược bi-đông cạn nước
đau đáu nhìn trời...
(Lê Minh Quốc)
Lúc bấy giờ, thơ đến! Và một trăm lần như một, lại vẫn những câu thơ nhớ Mẹ. Có lẽ, không ai trên đời này thương nhớ mẹ mình như người lính, bằng người lính.
mùa đông xô vào cánh cửa
gió lạnh lẽo xẻo buốt xương
những cơn ho đục khoét hết đêm trường
mẹ trơ trọi biết lấy gì chống chọi?
(Lê Minh Quốc)
Người lính Việt trên chiến trường Campuchia, một đề tài còn hơi ít trong văn học Việt Nam, đang chờ đợi chính những người lính ấy viết ra bằng một ngòi bút trung thực tận cùng. Những trang viết ấy có thể khiến chúng ta bàng hoàng. Và sau bàng hoàng, ta sẽ yêu thương, thông cảm bao nhiêu với những người lính ấy.
THANH THẢO
(Báo Thanh Niên số 13.4.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|