Cũng qua Tuấn, tôi biết Lê Minh Quốc. Một sáng ngồi quán uống nước trà, Tuấn đưa cho tôi một tập thơ. Tuấn nói: Đây là tập thơ tình của thằng bạn thân. Tặng anh. Tôi trân trọng đỡ lấy tập thơ. Đó là cuốn “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc.
Người thơ phong vận như thơ ấy! Cứ hình dung Lê Minh Quốc là một gã đàn ông nhiều tóc nhiều râu, ăn sóng nói gió, tức giận có thể văng tục chửi thề, nhưng xong thì thôi, không để bụng. Đọc thơ Quốc, bất giác mỉm cười, thấy rằng “cái mặt này” có thể chơi được...
Áp Tết Mậu Dần, Tuấn tặng tôi tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” của Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Tuấn nói, hơi có vẻ e dè “Tặng anh tập thơ một thời trận mạc”. Tôi hiểu sự e dè của Tuấn. Giữa nhan nhản những tập thơ tình, tập thơ trận mạc của Tuấn và Quốc liệu có lạc lõng? Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời trận mạc liệu mấy ai còn nhớ?
Đây là tập thơ của hai người lính, từng đứng chung một chiến hào, nay lại đứng chung trong một tập thơ. Những bài thơ họ viết, gần hai chục năm trời, đã thất lạc nhiều. May thay, còn lại chút ít trong nhật ký, trong trí nhớ, trong sổ tay ố vàng của bạn bè.
Có lẽ, sức hút của thơ Tuấn, thơ Quốc chính là sự chân thực. Sự chân thực của một cuộc chiến ác liệt, dữ dội. Họ, những chàng trai 17, 18 tuổi, má còn phính lông tơ, vừa rời ghế nhà trường, trong tim trong óc còn đầy mộng mơ, đã bước ngay vào một cuộc chiến nóng bỏng. Đây, chân dung của họ:
Tuổi 18
rời mái trường
trở thành người lính
mang lên rừng
chuông xe điện vang ngân...
(Tuổi 18 - Đoàn Tuấn)
Và đây là phút nhớ của chàng tân binh Lê Minh Quốc:
Chiều cuối năm ngồi một mình
Xôn xao trời đất gập ghềnh niềm tin
Bay qua hầm mấy cánh chim
Cho mòn con mắt dõi nhìn quê xa
Nửa đêm thức dậy nhớ nhà
Bỗng ôm mặt khóc như là trẻ con...
Những chàng lính trẻ ấy đối mặt ngay với cuộc chiến dã man, tàn bạo, với nạn diệt chủng ghê tởm. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống ở đất bên ngoài Tổ quốc.
Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tàu chuối rụng
Máu tuổi hai mươi gửi cho cỏ cho trời...
(Tìm bạn - Đoàn Tuấn)
Họ “Những liệt sĩ trinh tiết” - chữ dùng của Lê Minh Quốc - ngã xuống:
Tiếng mìn K.82 nổ chát chúa
đinh tai nhức óc
sao lúc ấy không thể nào khóc?
sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi
từng mảnh linh hồn bay trăm nơi
Chiến tranh thật ác liệt. Nhưng những người lính trẻ như Tuấn, như Quốc không phải là những con thiêu thân lao mình vào lửa. Họ hiểu họ đang làm một nhiệm vụ cao cả. Lẽ nào có thể khoanh tay khi lửa bốc cháy bên nhà hàng xóm? Họ hiểu rằng:
Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc
Cho mai sau sông núi thở dịu dàng.
Vì vậy, những hy sinh mất mát cùng những gian khổ không thể quật ngã ý chí bất khuất của họ. Dù đói, như Quốc từng thổ lộ: “Có ngày toàn ăn măng tươi. Ăn đến buồn nôn”. Hãy đọc dòng thơ ghi trong nhật ký một người lính đã hy sinh:
Thèm miếng thịt hộp
Sáu mươi người ăn chung một lon
Đói. Và khát, khát như đi trên sa mạc:
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Giành với thú rừng vũng suối đen lá đục
Vũng nước đục ngầu cùng nhau chen chúc
Môi rát buốt
Uống cầm hơi
(Nhật ký một ngày - Lê Minh Quốc)
Chiến tranh không dập tắt mộng mơ và khát vọng của họ. Giữa những ngày chiến sự ác liệt ấy, trong họ, tình yêu vẫn rực cháy. Xúc động làm sao trước những dòng tâm sự đến nghẹn thắt của Quốc: “Tôi nhớ đến phum Choăm Sre của những năm 1979. Đêm trăng sáng. Tôi cùng một cô bạn người Khơme gốc Chàm đi dưới lòng suối cạn. 18 tuổi, môi tôi run rẩy chạm vào môi nàng. Gục đầu trên vai tôi, tóc nàng khét nắng. Nàng xin tôi một ít xà phòng để gội đầu. Sau khi chia tay, khuya ấy, tôi đã lẻn vào hầm của chính trị viên lấy trộm một ít xà phòng để sáng mai tặng nàng. Hỡi ôi! Rạng sáng hôm sau đã có lệnh bí mật hành quân. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp nàng nữa”. Chuyện tình này, sao không thể làm phim được nhỉ?
Họ, những chàng lính trẻ đã không ngại ngùng hiến dâng tuổi thanh xuân cho nghĩa lớn. Vì vậy, nếu người nào may mắn còn sống, phải sống đừng phí hoài, phải sống cho cả những người đã chết. Chính vì vậy, tôi hiểu vì sao khi rời chiến trường trở về Hà Nội, Tuấn lại:
Dốc hết tiền
Mua một chiếc đồng hồ đeo tay
(Ngày tôi rời mặt trận - Đoàn Tuấn)
Cho ra tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”, chắc chắn Tuấn và Quốc không tính đến chuyện lời lãi cả về danh và lợi. Như Tuấn và Quốc tâm sự “Một tập thơ ra đời, không dám mong được nhiều công chúng đón nhận khi nó bày bán trên kệ sách. Chỉ mong đồng đội cũ đọc và nhớ đến những ngày tươi đẹp đã qua mau”. Đứng chung trong “Đất bên ngoài Tổ quốc”, Tuấn và Quốc đã làm thành một cặp song ca đẹp. Nếu Tuấn điềm đạm như than qua lửa thì Quốc lại hừng hực như lửa sắp thành than. Đọc cả thơ văn của họ, thấy rằng trữ lượng chiến thuật của Quốc và Tuấn còn phong phú lắm. Nếu các bạn bình tĩnh khai thác thật kỹ lưỡng cái “mỏ vàng” ấy, các bạn sẽ có những tác phẩm (như ý).
Được đọc một tập thơ hay cũng là một niềm hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn và Quốc đã cho tôi những phút giây hạnh phúc. Cảm ơn Tuấn đã nhắc tôi và nhiều người đừng quên xương máu bao trai Việt đã hóa thành cỏ cây ở “Đất bên ngoài Tổ quốc”!
THIÊN PHÚC
(Báo Thể thao & Văn hóa số ra ngày 27.6.1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|