TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC QUA CÁI NHÌN CỦA NHÀ BÁO PHẠM QUỐC TOÀN

LÊ MINH QUỐC QUA CÁI NHÌN CỦA NHÀ BÁO PHẠM QUỐC TOÀN

dam-me-va-1-chu-tinn-h-1-RRbis

 

Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Lê Minh Quốc (Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) là một người con xứ Quảng. Anh là một người rất đa tài và có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Tôi quen thân Lê Minh Quốc mấy chục năm, từ thuở cầm chịch tờ Vũng Tàu Chủ nhật. Mấy năm nay ít có dịp gặp anh hàn huyên tình xưa nghĩa cũ, nhưng hai anh em hiểu nhau, vẫn thư từ, điện thoại cho nhau. Nhớ Lê Minh Quốc thì vào nhà sách “khuân” tác phẩm anh viết về đọc.

Lê Minh Quốc sung sức, viết khỏe; ngoài sáng tác thơ, hàng trăm bài báo, chuyên khảo, chuyên luận, năm nào anh cũng có dăm ba đầu sách, không lúc nào ngưng nghỉ. Anh là tác giả của 3.000 trang sách in thành 10 tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Bộ sách này hơn 10 năm trước được Bộ GD&ĐT chọn làm sách tham khảo cho môn học lịch sử trong các trường THPT toàn quốc. Anh cũng là tác giả các cẩm nang: Hỏi đáp về báo chí Việt Nam, Giáo dục Việt Nam, Doanh nhân Việt Nam. Lê Minh Quốc còn là nhà viết tiểu thuyết lịch sử, với các bộ sách về Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh…

Lê Minh Quốc ở đâu, làm gì, cứ đọc nhật ký hằng ngày đều đặn trên trang thông tin điện tử cá nhân của anh là biết hết niềm vui và cả những việc chưa vui gắn với đời và nghề. Người ta viết nhật ký cho riêng mình đọc nỗi niềm riêng tư.

Lê Minh Quốc thì viết nhật ký cho thiên hạ đọc, thế mới khó! Mở cuốn Tình éo le mà lý oái oăm (NXB Phụ nữ) được xuất bản vào năm ngoái, lật từng trang sách, tôi thủ thỉ một mình: “Lê Minh Quốc viết “bợm”. Khá lắm Quốc ơi!”. Cuốn sách này tiếp nối cùng chủ đề các cuốn đã xuất bản vài ba năm trước của anh: Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada.

Lê Minh Quốc kém tôi chục tuổi, gia nhập quân đội vào năm 1977, có 5 năm làm lính Sư đoàn 307 đánh bọn diệt chủng Pol Pot trên chiến trường nước bạn Campuchia, cũng vào sinh ra tử lắm. Làm báo, anh là “hoa khôi” của Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.

Đàn ông mà lại đi làm báo cho phụ nữ đọc, gỡ rối chuyện tình duyên cho phái đẹp giữa một “rừng” đồng nghiệp nữ, không là “hoa khôi” thì là gì? Lê Minh Quốc sống độc thân mà sao viết về tình yêu - cuộc sống gia đình “bợm” đến thế. Chuyện về tình yêu đôi lứa, chuyện vợ chồng trong phòng kín được anh lý giải đâu ra đấy, đưa vào truyện ngắn, tiểu thuyết không chê vào đâu được. Thế mới kỳ tài!

Đọc Ngày trong nếp ngày (NXB Hội Nhà văn, 2015) của Lê Minh Quốc mới biết cuộc đời anh hình như chỉ có đi, đọc, ghi chép và viết. Anh yêu báo chí, sống bằng nghề viết, chứ chẳng làm gì thêm. Nói không ngoa, Lê Minh Quốc ngồi viết, đi viết, nằm viết mà khi ngủ, khi yêu cũng… viết.

Trang mạng của anh, xem kỹ có khác gì một tờ báo. Viết đàng hoàng, ngay ngắn, chững chạc, xây dựng và có tính định hướng ra phết. Gần 500 trang sách Ngày trong nếp ngày là những trang nhật ký, những trang làm nghề. Vốn sống được Lê Minh Quốc tích lũy mỗi ngày qua những trang nhật ký của mình trước khi anh kịp kết nối, hoàn thiện thành những tập bản thảo in thành sách. Đọc nhật ký của Lê Minh Quốc, ta thấy ngồn ngộn trong đó những chi tiết báo chí sống động tình éo le mà lý oái oăm.

Lê Minh Quốc cho biết, anh luôn cố gắng tìm tòi cách thể hiện mới để có thể chia sẻ từ việc làm đến suy nghĩ hằng ngày của riêng mình mà vẫn được bạn đọc tìm đọc. Còn Lê Minh Quốc trong Tình éo le mà lý oái oăm được nhà văn Ý Nhi lý giải: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy về một đề tài đã được nhiều người luận bàn”.

Trần Ngọc Châu trạc tuổi tôi, sinh trước Lê Minh Quốc gần một con giáp. Nhưng Trần Ngọc Châu và Lê Minh Quốc cùng là dân gốc Quảng Nam-Đà Nẵng, yêu văn thơ và báo chí. Tôi hỏi chuyện Trần Ngọc Châu về mấy cuốn sách của Lê Minh Quốc, Trần Ngọc Châu cười vui: “Lê Minh Quốc làm thơ hay, lý giải lịch sử có sức lôi cuốn, viết về cái chữ tình giỏi!”.

 

PHẠM QUỐC TOÀN
(nguồn: trích bài viết ĐAM MÊ VÀ MỘT CHỮ TÌNH -  Báo Đà Nẳng số 5706 ngày 23.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com