Nhìn vào trang giấy trắng
Thấy gương mặt cuộc đời
Tham, sân, si, ái, ố
Chứ nào phải chuyện chơi
Có gan chơi như thật
Là ám sát con người
Bịa chuyện rồi thêm thắt
Bao số phận chết tươi?
Có gan chơi như thật
Từ những chuyện đùa chơi
Đưa vô danh dưới đất
Vụt bay lên cõi trời?
Có gan chơi như thật
Mà thôi, cái cõi đời
Nợ có vay có trả
Máu ngàn đời vẫn tươi
Hoa một ngày đã héo
Người muôn năm vẫn người
Làm sao anh dám viết
Nửa thật với nửa chơi
Ngồi trước trang giấy trắng
Là đối diện cuộc đời
Lê Minh Quốc
Lời bình
Nhà thơ Lê Minh Quốc là một nhà báo. Và cái sứ mệnh của ngòi bút luôn là nỗi ám ảnh trong ông. Đó là sự trung thực khi “Nhìn vào trang giấy trắng/ thấy gương mặt cuộc đời”. Thật ra trang giấy trắng thì quá mỏng manh với một mặt phẳng hai chiều ngang và dọc nhưng cuộc đời thì không đơn giản thế. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ví người viết văn, viết báo “Ngồi trước trang giấy trắng như ngồi trước pháp trường trắng”. Một pháp trường của lương tâm luôn đối diện với mình. Lê Minh Quốc thật có lý khi ông chọn cho mình một giọng thơ nhiều khẩu khí ngỡ như đồng dao mà chứa đựng bao ngụ ngôn ký thác.
Với lối nói ấy ông đã dân dã hóa khi viết về những điều hệ trọng, những day dứt, những ám thị trong mình mà gương mặt cuộc đời còn lắm tham, sân, si, ái, ố… Bao cung bậc, bao tâm trạng chứa chất sẵn có trong một con người đó là điều bình thường. Bác Hồ - một nhà báo xuất sắc từng chiêm nghiệm từ “hạt gạo”: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Nhà báo là người phát hiện sự thật và viết về sự thật. Nhà báo cũng phải rèn luyện để ngòi bút thêm sắc từ tu dưỡng cái tâm trong sáng.
Lê Minh Quốc đã nói lên sự thật: “Bịa chuyện rồi thêm thắt/ Bao số phận chết tươi”. Gần đây công lý đã giải thoát minh bạch cho bao số phận con người bị tù oan như một hồi chuông cảnh tỉnh. Đạo đức của một nhà báo bắt đầu từ phẩm chất trung thực là điều cốt lõi.
Tôi có cảm giác khi viết bài thơ này nhà báo Lê Minh Quốc như đang được trò chuyện với người vô hình và đang độc thoại với chính mình: “Đưa vô danh dưới đất/ Vụt bay lên cõi trời”. Chỉ một ẩn dụ nới rộng không gian so sánh ông đã tạo ra thế hụt hẫng chênh chao đối trọng ngay cả trong tâm trạng phức hợp của mình. Ông không nói đổi trắng thay đen như ngạn ngữ dân gian mà dùng hình ảnh từ đất lên trời như đó là thổi phồng sự thật. Ở đây lối nói phúng dụ đã tạo ra cái lấp lánh nỗi niềm mà canh cánh ưu tư: “Hoa một ngày đã héo/ Người muôn năm vẫn người/ Làm sao anh dám viết/ Nửa thật với nửa chơi”. Một sự tự vấn chăng? Một lời cật vấn chăng? Tất cả đều có sự lay thức đồng cảm bởi ở sự chân thành bộc bạch cái tâm người viết. Anh nói với đồng nghiệp nhưng trước hết anh nói với chính mình. Từ kinh nghiệm sống của mình: “Nợ có vay có trả/ Máu ngàn đời vẫn tươi”.
Thơ viết về nghề báo, chân dung nhà báo thật khó. Bởi sự ký thác tâm tình ở đây với bao thổn thức truyền tải bao thông điệp như muốn đòi được đối thoại chất vấn. Đối thoại để đi đến tận cùng vẻ đẹp bản chất sự thật. Đối diện với lương tâm với đạo đức nghề nghiệp chính mình và đối diện với cuộc sống bao biến động phức tạp của xã hội. Trang giấy trắng phấp phỏng mà chẳng mỏng manh trượt phẳng bao giờ bởi: “Ngồi trước trang giấy trắng/ Là đối diện với đời”. Với lối gieo vần ơi cuối câu thì bài thơ đã dừng nhưng dư âm vẫn còn lay động day dứt tạo ra một âm ba cộng hưởng đồng cảm trong lòng người đọc . . .
NGUYỄN NGỌC PHÚ
(nguồn: Báo Lâm Đồng ngày 22.6.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|