Nếu trong đời có lần ta quá ngao ngán tình đời thốt lên “đời đáng chán”, muốn chết quách đi cho xong thì hãy vào... trại phong Bến Sắn! Lúc đó ta sẽ thấy những lời nguyền rủa, than thân trách phận ấy trở nên lố bịch. Ta sẽ thấy ở đây có những số phận bi thảm, phải gánh chịu căn bệnh ngặt nghèo, bi thảm hơn ta gấp triệu triệu lần thế nhưng họ vẫn níu lấy sự sống, thèm sống dẫu từng ngày đớn đau đến tột cùng. “Tháp tùng” theo nhà biên kịch, đạo diễn Lê Thu Hạnh (VTV) chúng tôi đã lên Bến Sắn để thực hiện bộ phim về một bệnh nhân nổi tiếng: thi sĩ Đơn Phương.
Hai chân của ông, từ đầu gối xuống bàn chân, một gửi lại trại phong Tuy Hòa, một gửi lại đây. Hai bàn tay của ông đã quắt queo, không còn ngón để cầm bút. Thế nhưng từng ngày ông vẫn làm thơ, đúng như câu thơ của Phùng Quán “vịn câu thơ đứng dậy”. Đến bây giờ, ông vẫn còn giữ cảm giác sung sướng đến rợn người khi được đọc những lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang giới thiệu về thơ ông trên báo, trên đài. Chuyện xẩy ra đã hơn 50 năm, nhưng niềm cảm thông, sự trìu mến của hai nhà văn đàn anh đã tiếp thêm trong ông một niềm vui sống.
Đến nay, Đơn Phương đã có nhiều tập thơ xuất bản, nhưng tạo được tiếng vang lớn nhất, khiến các nhà phê bình văn học trước năm 1975 không thể không chú ý đến đó là tập Quần tiên hội. Trước hết, hãy nói về số phận của tập thơ rất kỳ lạ này. Khi biết Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh nan y, đang sống trong tâm trạng sầu não thì nhà văn Trần Thanh Địch đã giới thiệu cho Hàn một nhan sắc có tên là Thương Thương. Từ hình bóng này, Hàn đã viết kịch thơ Quần tiên hội, nhưng chỉ để lại cho đời 41 câu thơ. Đơn Phương đã đọc với tâm trạng:
Tôi với người cùng thế giới đau thương
Thịt cùng ngấm một thứ hương kỳ quặc
Cũng cùng rưới lên rừng đời nước mắt
Nay bên mồ xin đặt một vòng hoa...
Thế là ông tự đặt cho mình “sứ mệnh” phải hoàn thành kịch thơ nay theo “đề cương” mà Hàn đã để lại. Vượt lên bệnh tật từng ngày giày xé thân xác, vượt lên những ngày bấp bênh bán vé số kiếm sống Đơn Phương đã viết được 700 câu thơ!
Khi đọc tập thơ này, chúng ta rợn người khi thấy thi pháp thơ của thiên tài Hàn Mặc Tử, từ hình ảnh đến vốn từ đã “nhập” vào Đơn Phương như một lẽ tự nhiên, khó tách bạch, ta có cảm giác như của một người viết.
Từ thuở gặp hồn em trên phím nhạc
Thơ luôn bay, mở rộng xứ Tương Tư
Vâng, đêm nay anh chôn niềm khao khát
Gần bên em, thục nữ động Huyền Hư...
là những câu thơ của Đơn Phương được nhiều người thuộc. Khi chúng tôi ngồi trước sân nhà tuềnh toàng của ông tại trại phong Bến Sắn, ông trầm ngâm: “Số phận người bệnh phong như chúng tôi là những người tù không bản án, vì phải sống hết đời trong sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Thời trẻ, đã có lần vì đớn đau, vì tuyệt vọng tôi đã dại dột tự tử, may mà các soeur cứu được. Nhờ có thơ mà tôi sống được đến hôm nay. Bao nhiêu nỗi niềm của tôi đều trút cả vào thơ”. Cứ thế, gia tài thơ của ông ngày một nhiều hơn.
Trước đây, đọc thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy có rất nhiều ánh trăng, thì ra, nay chúng tôi mới “say trăng” cũng là tâm trạng chung của người bệnh. Vợ của thi sĩ Đơn Phương là chị Liên, bà cũng mang bệnh quặt quẹo cho biết: “Hễ có trăng là ổng lại lang thang ra sân, ngồi bất động tại một gò cây cao để ngắm trăng cho đến sáng”. Kỳ lạ chưa? Ông bảo: “Lúc ấy, bốn bề rừng núi hoang vu chỉ có ánh trăng mới là niềm sẻ chia kỳ diệu nhất”. Và ông đã viết được những câu thơ về trăng đầy ám ảnh:
A ha! Mỹ tửu nấu toàn trăng
Sướng khắp châu thân, nhưng ngại rằng:
Lưỡng Nghi Trời Đất vô đầy ruột
Mê quá! Hồn ta suýt té lăn
Cảm thông cho số phận của ông, nhiều Mạnh Thường Quân đã ủng hộ ông một số tiền để in tập “Thơ Đơn Phương”. NXB Văn Nghệ TP.HCM hiện đang biên tập và cấp giấy phép. Ông sung sướng bảo: “Cuối đời, được in tập thơ này thì có chết cũng hả lòng hả dạ”.
LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: báo Phụ Nữ - 2007)
Ghi chú: Tập thơ của Đơn Phương sau đó đã in ấn và phát hành.Bộ phim về thi sĩ Đơn Phương của đạo diễn Lê Thu Hạnh cũng đã phát sóng.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|