Lời Tựa tập sách LƯỢC SỬ TỘC DƯƠNG VÀ SỰ HÌNH THÀNH LÀNG GIA BÌNH, TRẢNG BÀNG (TÂY NINH)
Đọc xong bản thảo của ông Hoằng Vy Dương Công Đức, bất chợt trong trí óc tôi hiện lên những chân dung mà tôi hằng yêu mến và kính trọng. Tôi nhớ đến Sơn Nam của Nam bộ, Quách Tấn của Bình Định, Toan Ánh của Bắc Ninh, Nguyễn Văn Xuân của Quảng Nam, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Văn Uẩn của Hà Nội...
Đó là những người cầm bút lương thiện đã dành tâm huyết, trí lực cả một đời để tìm hiểu, khai phá vùng đất mà mình đã sống. Đã thế, tôi lại như nghe văng vẳng bên tai lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Xuân, việc nghiên cứu xã hội, không phải là chép chỗ này một ít, chỗ kia một ít, mà phải nghiên cứu thực tế sự việc, phong tục, văn hóa... Và ông Xuân cũng cho biết thêm, hồi trước khi đọc một tác giả người Pháp, ông sững sờ vì cái nhận xét mang tính phương châm này: sự nghiên cứu về cả thế giới nên bớt đi, sự nghiên cứu về địa phương nên tăng lên. Bởi lịch sử địa phương quan hệ mật thiết với lịch sử của đất nước. Từ đó, ông yên tâm tập trung tối đa vào nghiên cứu địa phương, lấy việc nghiên cứu ấy làm quan trọng.
Thật vậy, để hiểu lịch sử của một nước, không thể không quan tâm đến lịch sử của từng địa phương. Chính những trang sử này sẽ khắc họa, bổ sung cho diện mạo của chính sử. Dù ý thức như thế, nhưng mấy ai dám dành trọn một đời để khám phá lịch sử của vùng đất mà mình đang sống? Đọc sử của một đất nước, nếu chỉ đọc phần chính sử thì ta sẽ không rõ sinh hoạt, đời sống bình thường của người dân thuở ấy. Điều này chỉ có thể khắc phục được khi ta được đọc những trang gia phả, trang sử địa phương mà qua đó, những con người cụ thể gắn với những số phận thăng trầm sẽ góp phần không nhỏ để bổ sung chính sử.
Tập sách nghiên cứu điền dã của ông Dương Công Đức đã tiếp nối tâm huyết của thế hệ đàn anh đi trước. Thú vị nhất của tập sách này, theo tôi, chính là ở những ghi nhận thực tế, mắt đã thấy, tai đã nghe và tay đã sờ vào hiện vật, chứ không phải phỏng đoán chúng chung. Khi đến nghĩa địa Bàu Cheo, ông Dương Công Đức ghi nhận: “Do chiều cao của cổng vòm chỉ khoảng 1,2 mét vì vậy bất kỳ người nào muốn bước vào khuôn viên ngôi mộ, nếu không muốn vô lễ leo qua qua các tảng đá phải cúi đầu chui qua vòm cổng. Điều này có thể lý giải rằng người xưa do kính trọng người quá cố nên xây cổng vòm thấp để bất kỳ ai vào mộ phải cúi sát đầu kính cẩn Ngài”. Sực nhớ, có lần cùng nhà văn Sơn Nam ra Hà Nội, đi ngang qua Văn Miếu, “ông già Nam bộ” đã chỉ cho tôi thấy tấm bia “Hạ mã”, nghĩa là dù là quan hay dân khi ngang qua đó phải xuống ngựa để tỏ lòng kính trọng người đã khuất. Chi tiết của ông Dương Công Đức cho thấy ngay cả trong khu vực mộ cũng có “luật lệ” tương tự. Há chẳng phải thú vị đó sao? Nhân đây cũng xin nói, khi ông Đức gọi Bàu Cheo, theo tôi là đúng, Nói như thế, vì gần đây khi ra đến Bình Định tôi thấy hầu hết các bảng hiệu đều viết tên loại rượu nổi tiếng là Bầu Đá (!?). Thật ra phải là Bàu Đá. Tại sai là “Bàu”? Trong tập sách của ông Dương có nói qua, tôi xin không nhắc lại.
Đọc tập sách nghiên cứu của ông Đức, tôi thấy còn hiện lên ở đó một cái tình với văn hóa truyền thống. Nói đúng hơn cái tình ấy đau xót với sự lãng quên, vô cảm của con người “hiện đại”. Chẳng hạn, tài liệu của Đình Trung Gia Bình nay ở đâu? Ông ngậm ngùi, chua chát: “Người sau đã lưu giữ vật quý hơn 250 năm, nhưng con cháu chỉ trong vòng 30 năm cuối đã không giữ được”. Sự tắc trách này đâu chỉ ở địa phương này, vùng đất kia mà hầu như đã diễn ra khá phổ biến, vì thế, những người nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Muốn nghiên cứu, thì việc đi cứu điền đã không thể thiếu, nếu không muốn nói là rất quan trọng đối với người viết sử địa phương. Mà sự đời cũng lạ, tường rằng chỉ viết sử gói gọn trong phạm vị địa phương, ta lại bắt gặp những chi tiết, những dấu vết thuộc tầm vóc tư liệu cấp quốc gia.
Đó là trường hợp của ông Dương Công Đức về ngôi mộ của Cai cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đến nay giới nghiên cứu đã xác định hai địa danh an táng Ngài là Cù Lao Phố và Quảng Bình, nhưng không ngờ ở Gia Bình cũng có! Đây là một chí tiết rất đắc giá. Phát hiện của ông Đức là gì? “Tiếp chúng tôi là một cụ già 84 tuổi với đầy đủ sự minh mẫn và lịch thiệp của một người từng mấy mươi năm gõ đầu trẻ ở làng. Ông cho biết, thật ra ngôi mộ của Lê Thành Hầu chỉ là mộ “gió”, phần mộ thật chỉ là phần của bà vợ thứ ba của Ngài là bà Đinh Liễu Sốt. Tuy nhiên nói rằng, phần mộ “gió” cũng chưa hẳn đã đúng, vì bên dưới ngôi mộ, có táng cây gươm lệnh, là vật sử dụng của Lễ Thành hầu do bà Đinh Liễu Sốt mang theo. Theo gia phả nhà ông còn ghi rõ và ông có cho chúng tội xem tận mắt một bản bằng chữ viết tay, được viết nắn nót công phu hơi màu nhạt và một bản in bằng máy vi tính, thì nguyên trước đây, bà Đinh Liễu Sốt là người thiếp thứ ba của Lê Thành Hầu v.v...”. Những chi tiết này, không chỉ góp thêm tư liệu về Ngài Nguyễn Hữu Cảnh mà còn phần nào nói lên vị trí của vùng đất Gia Bình từ trong quá khứ, từ các thế kỷ trước.
Lâu nay, khi khảo sát thực tế, đi điền dã để tìm hiểu một vấn đề, tôi luôn quan niệm rằng: Muốn tìm lại một dấu tích nào đó của quá khứ, có nhiều cách, tôi vẫn thích tìm bằng cách khảo sát ở “ở ăn tiếng nói” của dân gian. Nó ẩn trong ca dao, tục ngữ, phương ngôn… “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Đó là những cứ liệu, những bằng chứng hùng hồn, dù ngọn gió thời gian có khắc nghiệt, dữ dội đến bao nhiêu cũng không thể đánh bật ra khỏi tâm thức của con người, để từ đó, dấu tích ấy lưu truyền từ đời này sang đời sau.
Không ngờ, nay ông Đức đã chứng minh quan niệm đó có sự hợp lý của nó. Sau khi đã xác định dòng họ Dương Tấn là từ miền Trung vào Nam lập nghiệp, nhưng cụ thể là vùng đất nào? Theo ông Đức cụ thể là Quảng Nam - quê hương của những bậc hiệt kiệt lừng danh Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân... Sở dĩ có kết luận như thế là ông đã khảo sát “qua cách của dụng phương ngữ tương đồng” của người dân giữa vùng đất Trảng Bàng (Tây Ninh) với xã Điện Phương, Điện Bàn (Quảng Nam). Nếu phần này, được viết kỹ hơn, có sự so sánh cụ thể hơn thì chắc chắn sẽ tìm được sự đồng thuận cao nhất của người đọc. Chỉ riêng chi tiết này, cho thấy tập sách của ông Đức đã là một sự đóng góp, hoặc ít ra cũng là một gợi mở đáng chú ý cho con cháu dòng tộc Dương Tấn khi muốn tìm về cội nguồn của mình.
Trong tập sách biên khảo Người Quảng Nam, tôi tâm niệm: “Suốt một đời người chỉ sống và viết về lịch sử địa phương của mình dưới nhiều thể loại từ sáng tác đến biên khảo... bằng tất cả tâm huyết và lòng nhiệt thành yêu nước thì những đóng góp ấy không còn thu gọn trong một địa phương cụ thể nữa. Nó còn hữu ích, còn đóng góp cho lịch sử của một đất nước khi ta đặt những trang viết ấy trong mối quan hệ của tổng thể”. Nay, được đọc LƯỢC SỬ TỘC DƯƠNG VÀ SỰ HÌNH THÀNH LÀNG GIA BÌNH, TRẢNG BÀNG (TÂY NINH) của ông Duong Công Đức, tôi vui mừng nhận thấy một tri kỷ, tri âm đã có tâm thế ấy.
LÊ MINH QUỐC
VIII.2010
(nguồn: Tập sách Lịch sử tộc Dương và sự hình thành làng Gia Bình, Trảng Bàng (Tây Ninh) của Dương Công Đức)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|