Cái nhìn ngơ ngác của một gã nhà quê lên phố
Tạp bút là một thể loại không dễ viết. Nó đòi hỏi ở người viết phải ngạc nhiên trước những sự vật đã quen thuộc, phải có được cảm nhận tươi roi rói trước những cái cũ mèm ai ai cũng thấy. Nhưng anh lại thấy khác “người trần mắt thịt” đã thấy. Từ cái thấy của riêng mình, anh có một đôi điều phát hiện mà mọi người đọc xong phải ồ lên thích thú hoặc phải trầm ngâm chia sẻ với những điều anh cảm nhận. Muốn thế, anh phải có được cái nhìn ngơ ngác của trẻ thơ, có được cái nhịp đập của những giọt nước trong trẻo suối nguồn ẩn giấu trong ngực… Thế là đủ ư? Không. Anh còn phải có ít nhiều tri thức để cảm nhận thấu đáo hơn những sự vật mà anh đã thấy. Thấy và cảm nhận của riêng mình để làm nên những trang tạp bút tưởng chừng như lan man, nhưng lại tập trung vào một chủ đề nhất định.
Nhà văn Trần Nhã Thụy có đủ bản lĩnh để làm điều đó.
Cứ nhìn Thụy trong đời thường thì rõ. Giữa đám đông ồn ào, náo nhiệt của những cơn say tưởng chừng như bất tận, thì, lúc ấy Thụy vẫn lặng lẽ và kiệm lời. Những lúc ấy, tôi thấy anh thường ngước mắt nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Anh đang ngồi với chúng tôi, nhưng chỉ là cái xác vô hồn, còn cái linh hồn đa cảm, nhậy cảm kia đã bay mất hút đâu rồi. Có thể giữa niềm vui tầm thường, giữa những ham hố trần tục này anh đang lặng lẽ “gối đầu lên mây” để mơ về một cõi nào đó của riêng mình.
Cái cõi ấy là gì vậy?
Là một nỗi nhớ không nguôi của một người nhập cư trong sóng vỗ thời gian. Thời gian trôi nhanh như nước xiết, nhưng vẫn không cuốn được nỗi nhớ ấy ra khỏi tâm thức của Thụy. Thật vậy, bàng bạc trong từng trang tạp bút này là nỗi lòng của một gã nhà quê không đập được nhịp của nhịp điệu phố thị. Nó đập lạc nhịp, bởi, ai đời đang đi giữa Sài Gòn bụi bặm, nắng như tạt lửa xuống đầu mà vẫn “thỉnh thoảng nghe được tiếng rao của một người hàng rong, đồng hương Quảng Ngãi. Tiếng rao đó nghe lạc lõng giữa bao âm thanh….” (Về quê); hoặc lan man lại nhớ lúc “Mỗi khi bị cảm nắng, mệt mỏi, chỉ cần một nắm củ nắng nấu cháo ăn cho toát mồ là khỏi liền” (Củ nắng quê nhà); hoặc giữa hẻm chợ tẹp nhẹp lại gìn giữ cho riêng mình cái nhìn “Tôi nhìn cá và hoa. Tôi mơ giấc mơ của cá quẫy và hoa nở. Bơi đi và vươn lên” (Hẻm chợ, cá và hoa)…
Từng trang tạp bút này lôi cuốn được người đọc không bằng câu chữ. Câu chữ ư? Chả khó khăn gì với một gã viết văn chuyên nghiệp như Thụy, như bao người viết lách khác. Nhưng ở đây, Thụy vẫn tạo cho mình một tâm thế riêng là do cái hồn quê còn ẩn giấu trong tâm hồn của Thụy. Đã có lần anh thú nhận, không giấu giếm “Ngày nào cũng loanh quanh mãi ngoài đường. Nắng, mưa, gió, bụi… mệt nhoài suốt bao nhiêu năm tháng lấn chen nơi phố thị này, đã khiến tôi nhiều lần được trở lại sống ở quê nhà” (Đường xa). Nhờ cái hồn quê ấy, Thụy mới có thể hồi tưởng lại những điều bình dị. Chẳng hạn, lúc ăn củ khoai nướng, tôi tin rằng nhiều đã quên trong ngược xuôi cơm áo “Chúng tôi vừa ăn vừa thở ra những làn khói trắng thơm hương khoai” (Củ khoai nướng). Ừ nhỉ! Thụy đã nhắc lại một hình ảnh của tuổi thơ xa lăn lắc mà ai cũng từng có. Đọc tạp bút của Thụy là quay về dĩ vãng. Có một dĩ vãng lúc Thụy nhắc lại đã khiến tôi rưng rưng là, nhà của anh ở Quảng Ngãi có trồng cây Trúc Nhật, những người đàn bà đi chợ thường ngồi nghỉ chân ở đó và đôi lúc họ vào xin nước uống. “Có người kéo gáo ngoài ảng. Có người xách nước đổ vào nón lá rồi bưng bụm chạy ra cho nhiều người cùng uống. Mỗi người uống được một hớp thì nước trong nón đã chảy hết. Lại ngại ngần vào xin nón nữa…” (Nhà đẹp). Trời! Thụy viết đúng quá, khéo quá. Thì ra, cái miền quê miền Trung đâu đó cũng có những hình ảnh thân mật và cảm động đến vậy.
“Đỉnh cao” của nỗi nhớ quê, của cái nhìn ngơ ngác của một gã nhà quê trong tạp bút này, nếu chọn lấy một, tôi sẽ nâng niu với Đồng cỏ… trên trời. Bạn đọc chưa? Chưa ư? Thì hãy đọc đi. Ở đó có cấu trúc của một truyện ngắn mà chữ nghĩa đẹp như những câu thơ. Ấy là một đôi vợ chồng dân lao động nhập cư, do nghèo, lúc “yêu” nhau, họ thường chọn một bãi cỏ ở ngoại thành. Rồi sau khi “khai hoa nở nhụy”, người vợ ấy qua đời vì căn bệnh ung thư. Một ngày kia, người chồng lấy chiếc xe đạo cà rịch cà tàng chở đứa con gái ra thăm lại vạt cỏ ngày xưa, nhưng than ôi, nơi ấy đã mọc lên những ngôi biệt thự xinh xắn. “Thấy anh dừng xe ngơ ngác, đứa con hỏi: “Ba ơi, ba nói chở con ra đồng cỏ của ba, mẹ. Thế đồng cỏ ở đâu ba?”. Anh nhìn đứa con gái bé bỏng, rồi bất chợt ngước mắt nhìn lên trời. Đứa con gái lém lỉnh, nhìn theo ánh mắt của người cha, hỏi: “Cánh đồng ở trên trời hả ba?”. Ôi, suy nghĩ và ngôn ngữ của một đứa trẻ. Anh cúi xuống bế xốc đứa con lên, dụi mặt vào ngực nó, thì thầm: “Ừ, nếu như có một đồng cỏ trên trời thì mẹ con đang ở đó và mỉm cười nhìn chúng ta, con ạ!”. Buồn quá đỗi. Không phải buồn mà ấy là một kết thúc đầy mơ mộng và khoáng đạt biết chừng nào.
Chính cái hồn quê ấy, suy tưởng ấy còn giúp anh có được cái nhìn tươi rói, ngơ ngác đầy thi vị khi nhìn vào đời sống của Sài Gòn, tưởng chừng đã quen thuộc, nhưng với anh lại khác hẳn qua Một thoáng nhà thờ Sài Gòn, Người đánh bóng trên hè phố Sài Gòn… Chúc anh trong những ngày sắp đến vẫn giữ được trong sâu thẳm tâm hồn một nỗi lòng, một tình cảm “Nhớ nhà quá. Là ngôi nhà ở quê hương miền Trung của tôi. Là một không gian cụ thể nhưng đồng thời cũng là một không gian hình dung trong trí nhớ. Tôi nhớ nhà ngay cả khi ở tại quê nhà. Đó là nỗi nhớ về những ngày xa lắc. Nhớ con chuồn chuồn cắn rốn, tập bơi. Nhớ giếng làng, buổi trưa hoa khế rụng. Nhớ mùi hường cỏ mật thơm vào giấc mơ… (Nhớ nhà). Nếu ngày nào, Thụy vẫn còn giữ được cái hồn quê mùa lãng đãng như thế, thì anh vẫn có những trang tạp bút hấp dẫn người đọc.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Tập sách Gồi đầu lên mây của Trần Nhã Thụy)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|