BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập truyện của BÍCH NGÂN

LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập truyện của BÍCH NGÂN

NHÀ VĂN BÍCH NGÂN... TRĂNG MẬT Ở ĐẢO

small_1296915760.nv

 

1.

Như một con mọt sách, tháng ngày qua tôi đã lầm lũi, vén từng hạt bụi thời gian trên từng trang sách để tìm lại những cây bút viết trào phúng Việt Nam. Quái lạ, tôi không hề thấy một tác giả nữ. Chẳng lẽ, phụ nữ không biết cười, không biết bỡn cợt, không biết hí lộng giang hồ như các đấng tu mi nam tử? Vô lý quá.

Không riêng gì văn xuôi, mà ngay cả thơ trào phúng cũng thế. Vắng bóng các gương mặt nữ. Họ không có mặt ở sân chơi này.

Chính vì thế, khi cầm bản thảo Trăng mật ở đảo của Bích Ngân, bỗng dưng trong tôi vọng lên một niềm vui. Thì ra, ở thế kỷ này, đã có một nhà văn nữ “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Đây cũng chính là câu thơ, theo tôi, hay nhất trong 3254 câu thơ bất hủ của Truyện Kiều. Khác với Kiều, Bích Ngân “băng lối” ở thể loại trào phúng cũng chỉ một ngả rẽ của một nhà văn trữ tình chuyên nghiệp.

Nhưng xem ra, ở ngả rẽ này, chị cũng đã tạo cho mình một dấu ấn riêng.

2.

Viết trào phúng là một cuộc chơi cần có nội công thâm hậu. Có lúc tuyệt chiêu, có lúc hư chiêu. Vũ Trọng Phụng gặt lấy từng tràng cười sảng khoái của người đọc bằng chữ. Chữ ngộ nghĩnh, so sánh lắt léo, chữ nhảy múa bông phèng cà rỡn. Trong khi đó, Nguyễn Công Hoan lại quyết “ăn thua đủ” ở cái kết rất bất ngờ, thâm hậu. Tôi ngờ rằng, Bích Ngân gần với Nguyễn Công Hoan.

Tục ngữ có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, trường hợp này chưa hẳn đúng với Bích Ngân. Nhìn chị, thấy chị nghiêm nghị, ít cười đùa. Thế nhưng ai biết rằng, đàng sau cái sự “lạnh lùng” ấy lại là một tâm hồn khoáng đạt biết bao nhiêu. Vui ra phết. Vui lắm chứ cái anh chàng đi du hí với vợ, lúc nào cũng tìm cách “thoát thân” để mua cho “mèo” một món quà, nhưng cuối cùng lại bị vợ “tịch thu” vì nàng tưởng chồng... mua cho mình! (Phút xao lòng). Lại nữa, có cô nàng hí hửng nghe tin mình trúng giải thưởng trị giá 3 tỷ. Cả cơ quan xôn xao như ong vỡ tổ. Ai nấy đều chăm bẳm “cấu” vào đó, nhưng cuối cùng mọi người mới bật ngửa rằng tổng giá trị của các giải thưởng là 3 tỷ, cón cô nàng chỉ được... một cái đầu DVD! (Trúng thưởng).

Cái khéo của Bích Ngân là ở chỗ chị giấu được “bí mật” đến phút cuối. Chính vì thế, cái kết thúc của nó mới thật sự “ra đòn” một cách oanh liệt nhất. 22 truyện trào phúng được tuyển chọn trong tập này, hầu như Bích Ngân đều sử dụng thủ pháp nghệ thuật này. Người đọc “choáng váng” bởi không lường trước những tình huống oái oăm có thể xẩy ra. Mà tôi tin rằng, cái kết thúc nào cũng tạo cho người đọc một “ấn tượng” khiến ta phải phì cười một cách vui vẻ.

3.

Ngẫm lại mà xem, hầu như các tác phẩm trào phúng thường lấy cái nhố nhăng từ hiện thực của xã hội để làm chất liệu sáng tác. Hiện thực đó được nhìn qua lăng kính khi hài hước, khi cay độc, khi cà rởn, khi bông phèng... nhằm đạt đến bản chất của tiếng cười. Lối đi này, thoạt nhìn có lẽ “hợp lý”, bởi tiếng cười phải phản ánh hiện thực của thời đại đó. Nhưng nếu nhà văn không “cao tay ấn” trong thủ pháp nghệ thuật, liệu khi thời sự đi qua thì tác phẩm ấy có đủ sức đứng vững trước cơn lốc lãng quên khốc liệt của thời gian?

Với Bích Ngân, chị không chọn lối đi này, chị thâm trầm và kín đáo với những sự việc mà“thời nào cũng có”. Có thể là bi hài của cuộc hẹn hò của cô gái nọ. Họ quen nhau trên mạng, nhưng cuối cùng là... lão sếp bụng phệ cơ quan mình! (Trái đất ngừng quay). Có thể là cái nỗi dở khóc dở cười của đôi vợ chồng son đi du lịch nghỉ mát, nhưng lại bị nơi đó “chém đẹp” vì mọi dịch vụ này diễn ra thơi thời điểm... thi hoa hậu! (Chẹt) v.v...

Chị cứ viết nhẹ nhàng như không.

4.

Với “Trăng mật ở đảo” (20 truyện đã đăng trên Tuổi Trẻ cười), tôi tin rằng bạn đọc sẽ hài lòng với cuộc “trăng mật” giữa nhà văn trữ tình Bích Ngân với cây viết trào phúng Bích Ngân. Một cuộc xe duyên đã mở ra tín hiệu mới từ một sức viết đang thanh xuân. Và đang sung sức.


Lê Minh Quốc

(nguồn: Tập truyện ngắn Trăng mật ở đảo của Bích Ngân/

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7790

)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com