THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Bóng đá & nhà thơ

LÊ MINH QUỐC: Bóng đá & nhà thơ


Mê xem bóng, nhất là các trận tranh tài tầm cỡ thế giới như World Cup đã là thú vui thời thượng, sáng giá của nhiều người. Thế nhưng, trong đám đông ấy, lúc bàn chuyện rôm rã ngoài quán cóc vỉa hè, ầm ĩ tại bàn nhậu hoặc trong công sở hoàn toàn toàn không có mặt y. Y từ hành tinh khác rơi xuống bởi không biết chút tẹo tèo teo gì môn bộ môn nghệ thuật đang “hot” nhất của nhân loại. Nói nôm na, khi nhìn thấy y, bạn bè vội sua tay “đi chỗ khác chơi”. Chẳng tội nghiệp gì. Bởi nghe những lời bàn luận, đấu hót về các đội Tây Ban Nha, Ý bị loại ngay vòng đầu, Brazin lọt vào tứ kết và đội Đức vô địch v.v… thì y biết gì về đấu pháp, kỹ thuật sút bóng, chuyền bóng mà hóng chuyện?

 

camhungbong-da

 (Ảnh: Internet)

 

Giữa lúc cả triệu triệu con người đang chong mắt, đang hào hứng, đang gật gù trước màn ảnh nhỏ thì lúc ấy y đã ngáy khò khò. Rạng sáng, những tiếng ngáy của các “túc cầu giáo” còn rền vang giường ngủ, y đã thức dậy như mọi ngày với phong thái tỉnh táo như mọi ngày. Hoàn toàn không rõ đêm qua đã diễn ra những gì khiến người ta hò reo ầm ĩ hoặc thất vọng não nùng… Tóm lại, nếu nhân vật Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan có thể mùi mẩn xuống xề 6 câu vọng cổ thì y một nốt nhạc bẻ làm đôi cũng bù trất.

Y hoàn toàn toàn không biết gì về bóng đá, nhưng lại có thể làm thơ về bóng đá.

Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Cứ nghĩ mà xem, điều gì làm nên sức hấp dẫn của bóng đá? Câu trả lời này, nếu chỉ được phép gói gọn trong 2 từ. Bạn chọn gì? Xin thưa, chỉ có thể “bất ngờ”. Vâng, chính yếu tố “bất ngờ” không ai có thể đoán trước điều gì nên môn thể thao này càng có sức hấp dẫn ghê gớm. Tựa như thời báo cấp mua bia hơi có bán kèm mồi, vậy ngoài “bất ngờ” còn phải còn phải kèm theo 2 từ nữa: “may mắn”. Khi nhìn gái đẹp, khách tình si bị mê hoặc, hấp dẫn rồ dại, điên cuồng nhớ, thao thức yêu bởi lẽ gì? Bởi họ chưa thể “giải mã” được ma lực của cái đẹp ấy. Nếu biết tỏng đến độ “con ong đã tỏ đường đi lối về”, còn gì say đắm nữa không? Không. Người mê xem bóng đá cũng thế. Mê bởi họ còn mù mờ những gì sẽ diễn ra trên sân cỏ, dù có đặt ra nhiều giải thuyết thì cuối cùng không ai có thể biết trước được phút 89 của sự bất ngờ ấy diễn ra thế nào?

Trên đời có những thứ có thể cậy nhờ kẻ khác thay thế, tuy nhiên vẫn còn có ngoại lệ, chẳng hạn tình yêu và bóng đá. Làm sao có thể nhờ ai khác yêu giúp mình? Làm sao có thể nhờ ai khác thể hiện những vũ điệu khỏe khoắn, trẻ trung nhất bằng chính thể xác và tâm hồn của gã cầu thủ đã hiến dâng đời mình cho trái bóng? Nhà thơ rất gần với cầu thủ. Như một sự song sinh. Bởi cả hai cùng có chung khả năng sáng tạo từ trong tiềm thức:

Đó là phút xuất thần trong ý tưởng

Trái bóng lao toang hoác phía khung thành

Hàng triệu người trên hành tinh gào thét

Như thơ vừa chạm đến giấc mơ xanh

Chắc chắn một điều, cảm hứng hưng phấn nhất của cầu thủ chính là lúc anh làm chủ đường bóng, vượt qua bao bủa vây trùng trùng điệp điệp để rồi chọn thời cơ thuận lợi nhất, hít hơi thở thật sâu đến căng lồng ngực rồi tung một cú sút quyết định. Giây phút ấy có thể trái bóng vượt ra khỏi sức hút của trái đất, cũng có thể chỉ lè lè rơi thỏm xuống lỗ chân trâu. Giây phút xuất thần ấy, nếu thủng lưới đối phương nào khác gì lúc nhà thơ chạm đến “giấc mơ xanh” trong trùng trùng ngôn ngữ? Làm thơ, bóng đá thậm chí làm tình đi nữa, có khác gì nhau? Làm sao có thể so sánh đâu “chân tơ” đâu  “kẽ tóc’, cái gì ràng rịt, chằng chịt, bền chặt hơn cái nào?

Thi sĩ soi mặt vào trang giấy mới

Thấy trầm luân ẩn hiện lẽ sinh tồn

Cầu thủ gặp chính mình trong trái bóng

Lúc làm bàn sút bóng thẳng vào gôn

Ai lại chưa từng có cảm giác ấy khi chung chạ với chăn gối trăm năm?  Bóng đá hấp dẫn còn một lẽ chính qua đó, nó lại là sự phản chiếu lại ý thức của đời sống. Cuộc chạy bền bĩ, nhẫn nại trên sân bóng không phải hành trình của một kiếp người đó sao? Có “thẻ vàng”, có “thẻ đỏ”, có “phạt đền”…. thì kiếp trần luân nhân sinh cũng không gì khác. Từ cách chơi của bóng đá, nhiều tầng lớp con người có thể tự soi rọi lấy mình. Ít ra, trong cuộc chơi này, dù minh bạch, dù trong sáng, dù chỉnh chu luật lệ đến đâu đi nữa cũng không thể gạt đi yếu tố “bất ngờ” vào phút 89. Phát bất ngờ ấy, có phải chỉ nỗ lực tự thân hay trong đó còn có cả “may mắn” nữa?

Và bây giờ, dù chưa hề có một chút kiến thức gì về bóng đá nhưng y, nghĩ rằng, thi sĩ làm thơ bằng con chữ tung tăng trên trang giấy, tâm thế ấy, chẳng khác gì cầu thủ tung hứng cùng trái bóng trên sân cỏ. Chỉ khác một điều: một bên chỉ đơn độc lầm lũi một mình; một bên có hàng triệu triệu người hò reo cổ vũ. Lúc ấy, làm nên sự sáng tạo cuối cùng vẫn là tài năng của chính họ…

 

L.M.Q


Cùng một chủ đề:

Lê Minh Quốc: Thơ và bóng đá

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com