THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: KIÊN GIANG - Hồn thơ của miền Nam đất Việt

LÊ MINH QUỐC: KIÊN GIANG - Hồn thơ của miền Nam đất Việt

 

Sinh nhật thứ 70 của nhà thơ Kiên Giang (1927- 1997)

Hồn thơ của miền Nam đất Việt

 

Khi tôi xuất hiện trên văn đàn với tư cách một nhà thơ, lúc ấy, nhà thơ Kiên Giang đã hoạt động hẳn bên sân khấu. Rồi tình cờ một buổi sáng nọ, Kiên Giang đã tặng tôi tập thơ tuyển Hoa trắng thôi cài trên áo tím (NXB Văn Học), in theo khổ 20x 26cm. Điều này khiến tôi cảm động hết sức, vì tôi đã tìm lại được ở đó nguyên vẹn những cảm xúc của tuổi nhỏ qua những tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Quê hương thơ ấu, Lúa sạ miền Nam… do NXB Phù Sa in từ thập niên 60 mà tôi đã từng đọc.

 

KIENGIANG-2

 

Có những nhà thơ đã để lại những vần thơ mà thế hệ sau cứ ngỡ là ca dao. Đó là những câu lục bát của Á Nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà, Bàng Bá Lân… rồi bây giờ là Kiên Giang. Ít ai ngờ rằng, những câu hát quen thuộc trong trí nhớ nhiều thế hệ:

“Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương”

hoặc;

“Ong bầu đậu đọt mù u

Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”….

Chính là thơ của Kiên Giang. Nhà văn Sơn Nam từng tâm sự: “Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”. Thời kháng chiến chín năm, Kiên Giang đã được gặp nhà thơ lừng danh Nguyễn Bính mà ông kính trọng như người thầy. Sự gặp gỡ này đã giúp ích nhiều cho Kiên Giang trong sáng tác. Nhiều bài thơ của ông viết trong thời gian này như Tiền và lá - nhiều người lại lầm tưởng là thơ Nguyễn Bính!

 

kien-giang-1

 

Trong dòng văn học yêu nước trước 1975, gương mặt thơ Kiên Giang không lẫn lộn với một ai khác. Nhà văn Sơn Nam hoàn toàn có lý khi nhận xét: “Kiên Giang nhúng hồn thơ trong niềm đau và hào khí của người miền Nam đã dày công khai phá đất đai mở rộng chân trời xanh, phản ánh ít nhiều đường nét linh động thâm trầm của nền văn minh miệt vườn”. Thật vậy, những vần của ông ngùn ngụt sức sống và bát ngát hào khí của vùng đất:

Lúa lặn xuống tránh mùi tanh thuốc súng

Thân lúa mềm nhưng dẻo bền chân đứng

Đứng cùng người cùng lịch sử miền Nam

Dù đớn đau bầm giập chẳng rên than

Khi gục xuống là hẹn hò quật khởi

Chính vì thế những vần thơ ái quốc của ông đã không thoát được lưỡi kéo kiểm duyệt khắc nghiệt của chế độ cũ. Lật lại Lúa sạ miền Nam thì thấy bài thơ này bị kiểm duyệt 43 câu, bài Bàn tay phấn bị bỏ nguyên bài 36 câu, bài Giở bài chòi bị bỏ trọn bài 14 câu, bài Tiếng ru ba miền bị bỏ 13 câu, v.v… Thế đó, không nao núng và thỏa hiệp, Kiên Giang vẫn bền chí hướng vần thơ của mình theo con đường đã chọn - dù đôi ba lần cũng ngồi tù chính trị như những người cầm bút chân chính khác. Ông là người đầu tiên dùng thơ để tôn vinh cái chết của nữ liệt sĩ Quách Thị Trang là người đã công khai tuyên bố:

Người và lúa từ đầu mùa kháng chiến

Ôm ghì nhau dựng trường thành chiến tuyến

Ngọn tầm vông đối diện với giày đinh

Súng pháo tre át tiếng súng đồng

Khi trái tim cản đầu xe thiết giáp

Điều lạ lùng ở thơ Kiên Giang là bao giờ trong những vần thơ hào khí ấy, chúng ta cũng đều thấy hiện lên bà mẹ Việt Nam hồn hậu, nhân ái - mà lúc tuyệt vọng nhất “Men đời đắng lắm mẹ hiền ơi!” thì ông đều tìm sự an ủi, vỗ về của mẹ. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà bài thơ “Ngủ bên chân mẹ” được bạn đọc Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay bình chọn là bài thơ hay nhất của năm 1992. Nếu bà mẹ của thi hào Baudelaire ngửa mặt lên trời mà gào: Tại sao trời bắt con bà phải làm thi sĩ, thì mẹ Kiên Giang chỉ nhỏ nhẹ: “Mẹ biết con làm cái nghề này, chết đói, nhưng mẹ nghe được bài thơ rồi thì quý lắm, không có gì đổi được”. Ngẫm nghĩ lại mà rưng nước mắt.

thubut-kien-giang

Thủ bút nhà thơ Kiên Giang

Bây giờ, nhà thơ Kiên Giang của chúng ta đã bước sang tuổi 70. Rất vui khi biết vào đêm 15-1-1997 tại Trung tâm văn hóa Q. Phú Nhuận đã tổ chức đêm thơ mừng thọ ông. Năm tháng đã đi qua, có một điều chắc chắn: Kiên Giang – hồn thơ của miền Nam đất Việt – đã không đi chệch hướng “Lành mạnh, thanh cao, vị tha và ái quốc” mà nhà phê bình văn học Thiếu Sơn (1907-1978) đã nhận định từ thập niên 60.

 

L.M.Q

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 18.1.1997)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com