THƠ Suy nghĩ về Thơ Nhạc sĩ PHẠM ĐĂNG KHƯƠNG - Thơ karaoke

Nhạc sĩ PHẠM ĐĂNG KHƯƠNG - Thơ karaoke

phamdangkhuongR

Nhạc sĩ PHẠM ĐĂNG KHƯƠNG

 

Hỡi những cuộc tình buồn như cái chết
Đi qua đời tôi một nỗi đau dài....
(thơ Lê Minh Quốc)

Ngồi buồn, nghĩ ra cái chuyện Thơ Karaoke. Mình tạm đặt như vậy cho vui.

Thay vì những bài thơ đã phổ nhạc thì làm karaoke đã đành, ở đây bài thơ còn nguyên mẫu, mình bèn làm thử vài bài thể nghiệm chơi cho vui.

Nghĩ như vậy, nên mình mời Nhà thơ Lê Minh Quốc và Trương Nam Hương đến phòng thu đọc, sau đó lồng thêm nhạc nền, lồng phim, làm chữ karaoke. Riêng bài của anh Quốc, mình muốn tác giả xuất hiện một chút để cho người xem thấy cái phong cách bụi bụi của anh.

Sau đó Báo Phụ Nữ có viết một bài như thế này:

http://phunuonline.com.vn/giai-tri/san-khau/karaoke-tho/a94591.html: "Có phải thể loại thơ đã đến lúc “cáo chung”? Thật ra, vấn đề nằm ở chỗ phải nghĩ ra hình thức mới để công chúng dễ dàng tiếp cận với thơ hơn. Trường hợp của nhà thơ Nguyễn Phong Việt là một. Anh đã phổ biến những bài thơ của mình trên mạng xã hội, cụ thể facebook, người đọc có thể comment bày tỏ ý kiến của mình về bài thơ ngay tức thì, tạo ra một “diễn đàn” cho mọi người cùng trao đổi, đánh giá về bài thơ đó. Vì vậy, tập thơ in ra không xa lạ với bạn đọc và đã tạo được sự cộng hưởng cần thiết…

Nay sắp có thêm một hình thức khác: karaoke thơ.

Sáng kiến này thuộc về nhạc sĩ Phạm Đăng Khương. Trao đổi với tôi, anh nói: “Đã có karaoke ca nhạc, sao ta không làm karaoke thơ?”. Tại nhà riêng của anh, tôi thấy có một phòng thu âm, đầy đủ các dụng cụ kỹ thuật. Riêng về phim đã quay, anh cho biết hiện lưu trữ đến 1.500 GB và đang phân loại dần theo từng chủ đề.

Là một nhạc sĩ, nhưng do thích quay phim, Phạm Đăng Khương đã tự học và mua sắm tất cả những gì liên quan đến công việc của “phim trường” để thực hiện sáng kiến của mình. Anh tâm sự: “Do làm công tác thanh niên (hiện anh là Phó Giám đốc NVH Thanh Niên TP.HCM) từ nhiều năm nay, tôi biết trong giới trẻ có nhiều người không chỉ muốn thể hiện giọng hát mà còn thích đọc thơ, ngâm thơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ thơ để đọc. Vì thế, cách làm của tôi là thay vì sử dụng ca từ, tôi thay vào đó là thơ, tất nhiên phải có âm nhạc đóng vai trò “đệm”; phải có hình ảnh minh họa cho từng câu thơ nữa”.

Qua những sản phẩm anh đã thực hiện như các chương trình thu các bài thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… hoặc những nhà thơ hiện đại như Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương… tôi nhận thấy anh làm rất kỹ. Từng câu thơ được minh họa cụ thể và phù hợp, đáp ứng nhu cầu “thị giác” của người yêu thơ.

Hiện nay Phạm Đăng Khương đang tiến hành đăng ký bản quyền sáng kiến này và nghe đâu đã có một vài đơn vị sản xuất “đánh tiếng” muốn cùng hợp tác để có thể tung ra thị trường. Nghĩ cho cùng, đây cũng là một cách phổ biến thơ sâu rộng hơn bằng kỹ thuật hiện đại.

LÊ VĂN NGHỆ


- Xem nhà thơ Lê Minh Quốc đọc thơ ở đây:
CÒN LẠI NHỮNG MÙA HÈ
Sáng tác và đọc thơ: Lê Minh Quốc
Âm nhạc, đạo diễn, quay phim: Phạm Đăng Khương.

http://www.leminhquoc.vn/chuyen-trang-media-le-minh-quoc/viewvideo/2/media-le-minh-quoc/con-lai-nhung-mua-he.html

- Xem nhà thơ Trương Nam Hương đọc thơ ở đây:
MÀU HUẾ
Sáng tác và đọc thơ:Trương Nam Hương
Âm nhạc, đạo diễn, quay phim: Phạm Đăng Khương.

http://www.leminhquoc.vn/chuyen-trang-media-le-minh-quoc/viewvideo/1/media-ban-be/mau-hue.html

 

(Nguồn: Facebook nhạc sĩ Phạm Đăng Khương)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com