THƠ Suy nghĩ về Thơ Ngôn ngữ nghệ thuật của trường ca Việt Nam hiện đại

Ngôn ngữ nghệ thuật của trường ca Việt Nam hiện đại

Bài viết về thi pháp trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu (nguồn: Tạp chí Nhà Văn - Hội Nhà văn VN - số tháng 1.2011). Đọc để có thể chia sẻ cảm xúc, thi pháp Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc.

 

9anh_trinh_cua_con_kien


1. Ngôn ngữ nghệ thuật – một yếu tố quan trọng của thi pháp trường ca.

Hiện nay, khi nói đến một phương diện của thi pháp học, người ta hay nói đến ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Khi bàn đến những vấn đề thi pháp của Dostoevski, Bakhtin cũng đã dành một chương để bàn về “Ngôn từ của Dostoevski”. Có thể nói đây là một phương diện quan trọng của việc nghiên cứu tác phẩm văn học nói chung và nghiên cứu trường ca Việt Nam hiện đại nói riêng.

Việc nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật trong trường ca có thể có nhiều cách tiếp cận. ở đây chúng tôi tiếp cận từ góc độ người phát ngôn để phân loại. Người phát ngôn trong trường ca có thể là tác giả hoặc nhân vật. Tuy nhiên, với tư cách là một thể loại thiên về chất trữ tình, trường ca hiện đại nhiều khi không có nhân vật. Cho nên, ngôn ngữ thông thường của trường ca Việt Nam hiện đại là ngôn ngữ tác giả chứ ít khi có ngôn ngữ nhân vật. Như vậy, xuất phát từ góc độ người phát ngôn, trường ca có thể có các loại hình ngôn ngữ sau đây: Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ biểu cảm, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ phản tư.

2. Các loại hình ngôn ngữ trong trường ca Việt Nam hiện đại

2.1. Ngôn ngữ kể chuyện

Ngôn ngữ kể chuyện là một đặc điểm quan trọng của trường ca, vì nó thể hiện một đặc trưng của trường ca là đặc trưng tự sự. Đây là một đặc trưng được kế thừa của sử thi, và cho dù trường ca có xu hướng thiên về chất trữ tình, thì đặc trưng tự sự cũng sẽ không bao giờ mất hẳn. Vì thế, ngôn ngữ kể chuyện vẫn đóng một vai trò rất quan trọng để dẫn dắt trường ca.

Trong một bản trường ca, ngôn ngữ kể chuyện thường được đặt ở ngôi thứ ba. Kiểu ngôn ngữ này chiếm vị trí nổi trội ở giai đoạn đầu của trường ca Việt Nam hiện đại (1935-1875). Điều này làm cho trường ca gần với truyện thơ. Chỉ có khác là truyện thơ phải có cốt truyện, còn trường ca không nhất thiết phải có cốt truyện.

Đối với một số trường ca có cốt truyện giống với truyện thơ, như Du kích sông Loan và Nguyễn Văn Trỗi, thì ngôn ngữ kể chuyện của tác phẩm thật sự giống như ngôn ngữ của tiểu thuyết văn xuôi. Nó được kể bằng một giọng văn đôi khi rất hồn nhiên, ngây thơ và trần trụi:

Nhạn đang dở làm phân,
Bỗng chạy ù ra bãi, cuống đôi chân.
(Xuân Hoàng, Du kích sông Loan)

Rồi Anh đi khuất khuất dần
Nay Quyên nhớ lại, lòng ân hận hoài
(Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Trỗi)

Còn ở những trường ca không có cốt truyện thì vẫn có ngôn ngữ kể chuyện. Đó là vì trường ca vẫn đòi hỏi phải có một cái sườn sự kiện. Vì thế, trường ca vẫn phải có một ngôn ngữ kể chuyện để dẫn dắt các sự kiện. Một điều cần lưu ý là ngôn ngữ kể chuyện không hề được coi là ngôn ngữ tuỳ tiện của tác giả, mà nó phụ thuộc vào đối tượng kể chuyện. Và vì trường ca được định nghĩa như là một thể loại có tầm cỡ nội dung hoành tráng cùng với những cảm xúc lớn lao, cho nên đối tượng của trường ca cũng thường là những sự kiện hào hùng nhưng cũng có thể là bi tráng.

Như vậy, đối với những bản trường ca Việt Nam hiện đại thuộc giai đoạn đầu, thì ngôn ngữ kể chuyện thường là ngôn ngữ cảm thán, với những ngôn từ gây ấn tượng mạnh đến người đọc, có chức năng truyền cảm và thuyết phục. Khi đối tượng là lá cờ đỏ của nước Việt Nam mới, Xuân Diệu đã dành những điệp từ, điệp ngữ gợi những làn sóng tình cảm tự hào và cảm xúc hào hùng trào dâng để kể về sự xuất hiện của lá cờ trong “tráng khúc” Ngọn quốc kỳ như: Gió reo, gió reo, mây bay, mây bay; gió hát, gió ca.

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;
Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng,
Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo;
Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo.

Đúng là ngôn ngữ kể chuyện, nhưng là kể chuyện theo cách cảm xúc chứ không phải là kể chuyện thông thường. Cái ngôn ngữ kể chuyện đó mang đậm cảm xúc lớn lao của tác giả và tác giả luôn tìm những từ ngữ gợi cảm để truyền cảm xúc của mình cho người đọc. Những từ ngữ gợi cảm đó cho chúng ta thấy ngay quan điểm và tình cảm của tác giả đối với đối tượng kể chuyện. Đó cũng chính là đặc trưng truyền cảm của trường ca, kể cả trường ca có cốt truyện lẫn trường ca không có cốt truyện. Mở đầu trường ca Nguyễn Văn Trỗi, Lê Anh Xuân đã không thể giấu giếm tình cảm của mình đối với người anh hùng của dân tộc bằng những từ ngữ cứa vào gan ruột người đọc:

Tàu đi chiều xuống não nề
Tiếng kêu trên bến tái tê lòng người.

Những từ “não nề” và “tái tê” đã được dùng theo chủ ý của tác giả ngay từ đầu. Cho nên, nhìn chung, ngôn ngữ kể chuyện của trường ca thiên về tính chủ quan. Đó là đặc điểm chung của ngôn ngữ kể chuyện của trường ca hiện đại.

Đặc biệt, kiểu ngôn ngữ kể chuyện chủ quan đó càng được bộc lộ rõ hơn trong trường ca thiên về trữ tình. Trong trường ca thiên về trữ tình không có cốt chuyện, nhưng chúng vẫn có cái sườn sự kiện. Trong những trường ca đó, cái tôi trữ tình chiếm vị trí quan trọng. Vì thế, giọng điệu kể chuyện của tác giả mang tính biểu cảm trực tiếp hơn, cái nhìn chủ quan rõ nét hơn. Nhưng đó lại chính là những suy nghĩ chủ quan chân thật của tác giả-nhà thơ:

Đất đi qua biển thì mau
Người đi qua nỗi khổ đau thì dài

(...)

Quê ta ngày hội đất
Đất đi đến đâu quê hương theo đến đấy
Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đấy...
(Hữu Thỉnh, Trường ca biển)

Sứ mệnh ấy là gì?
nếu trái tim hoá đá chai lỳ
sứ mệnh ấy đội nón ra đi
nếu vô cảm trước những dòng nước mắt
sứ mệnh ấy đội nón ra đi.
(Lê Minh Quốc, Hành trình của con kiến)

Tuy nhiên, cái ngôn ngữ kể chuyện trong trường ca không phải lúc nào cũng tuân thủ một quan điểm chủ quan như vậy, kể cả ở những trường ca có cốt truyện lẫn ở những trường ca thiên về trữ tình phi cốt truyện. Mà đó là một kiểu ngôn ngữ độc thoại đa dạng, xen lẫn nhận định chủ quan của người kể với lời thuật khách quan, làm cho trường ca trở thành một thể loại phức hợp trong nghệ thuật diễn đạt ngôn từ thơ ca.

2.2. Ngôn ngữ đối thoại

Trong sử thi và truyện thơ, đối thoại là một kiểu thể hiện phổ biến của ngôn ngữ nghệ thuật. Tính chất cốt truyện chặt chẽ đã làm cho sử thi và truyện thơ được triển khai như một câu chuyện khách quan, có hệ thống nhân vật phong phú và đa dạng, có hợp tác và xung đột giữa các nhân vật. Và một khi có hợp tác và xung đột, thì đối thoại là một trong những hình thức diễn tả sự hợp tác và xung đột đó. Tuy nhiên, chất sử thi hào hùng lại quy định người kể chuyện phải thể hiện quan điểm và tình cảm chủ quan dành cho các nhân vật và sự kiện. Đam San là một sử thi được kết cấu dựa trên các đoạn đối thoại khách quan xen lẫn những đoạn đánh giá của người kể chuyện, nhưng đối thoại giữa các nhân vật chiếm phần lớn câu chuyện.

ở trường ca hiện đại, đối với những tác phẩm có cốt truyện được kết cấu gần giống với truyện thơ, hệ thống nhân vật được xây dựng khá chặt chẽ và vì thế đối thoại giữa các nhân vật được diễn ra theo diễn biến câu chuyện. Điển hình cho loại tác phẩm này là Du kích sông Loan và Nguyễn Văn Trỗi.

Nhưng khi cốt truyện không còn có ý nghĩa bắt buộc, thì nhân vật và đối thoại giữa các nhân vật có còn tồn tại nữa không?

ở những bản trường ca không có cốt truyện nhưng vẫn có cái sườn sự kiện và mang tính tự sự, đôi khi cũng có các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Đây là sự tiếp nối truyền thống của sử thi và truyện thơ, nhưng, khác với truyện thơ, đối thoại của trường ca hiện đại phi cốt truyện không nhằm mục đích triển khai và dẫn dắt câu chuyện (vì thực tế nó không có câu chuyện để mà dẫn dắt), mà là để gợi mở, bộc lộ và nhấn mạnh thái độ và tình cảm của tác giả. Chính vì thế, các nhân vật trong những trường ca đó cũng chỉ là những nhân vật ước lệ. Và đối thoại như thế, trên thực chất cũng chỉ là độc thoại. Đây là một đoạn đối thoại như thế trong Khối vuông rubíc:

“Tôi xoay những ô vuông. Đôi khi, những đồ vật đã che khuất chúng ta.
- Còn sự thành đạt ?
- Đôi khi, nó cũng là một thứ đồ vật.
- Như một chiếc áo đẹp, một căn phòng đầy đủ tiện nghi?
- Nó làm ta thấy dễ chịu.
- Thấy mình hơn những người khác
- Hơn cả những đồng đội của mình đã chết?”

Trường ca biển của Hữu Thỉnh có chương mở đầu được đặt tên là “Đối thoại biển”. Đó là cuộc đối thoại giữa người lính và biển cả khi người lính bắt đầu ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Đây là một cuộc đối thoại giữa một nhân vật người thực với một sự vật được nhân cách hoá, nó giống như một màn chào hỏi, một cuộc đón tiếp dành cho người lính mới đến vùng đảo xa để bảo vệ biên cương đất nước. Tuy nhiên, cuộc đối thoại tưởng tượng đó thực chất chỉ là một cuộc độc thoại của tác giả, như Trần Đình Sử đã nói, đó chỉ là “sự phân thân giản đơn của cái tôi trữ tình của tác giả”(1).

Có thể nói, nếu như trong truyện thơ, và một phần trong trường ca hiện đại có cốt truyện, khi đọc đối thoại chúng ta có thể đoán trước được sự việc và hành động kế tiếp của nhân vật, thì ở trường ca hiện đại phi cốt truyện, đối thoại luôn làm cho khoảng cách giữa tác phẩm với người tiếp nhận được kéo dài ra. Chúng ta không thể đoán được diễn biến sự việc qua những đoạn đối thoại mang thực chất độc thoại mở của những trường ca như Khối vuông rubíc, Trường ca biển, hay Hành trình của con kiến...

Như vậy, ta có thể coi những đoạn đối thoại trong trường ca hiện đại phi cốt truyện như là một kiểu ngôn ngữ độc thoại gián tiếp của tác giả. Đây là điều làm cho trường ca khác biệt với truyện thơ.

2.3. Ngôn ngữ biểu cảm

Trong văn học, ngôn ngữ biểu cảm là ngôn ngữ bày tỏ tình cảm và cảm xúc của tác giả hay của nhân vật. Nếu như ngôn ngữ kể chuyện là sự thể hiện của đặc trưng tự sự, thì ngôn ngữ biểu cảm là một sự thể hiện của đặc trưng trữ tình. Vì thế ở đây sở dĩ chúng tôi quan tâm đến ngôn ngữ biểu cảm của trường ca là vì trong trường ca, đặc trưng trữ tình đang có xu hướng lấn át, tình cảm và cảm xúc cũng đang có xu hướng nổi trội so với yếu tố tự sự, vì thế trong trường ca Việt Nam hiện đại, ngôn ngữ biểu cảm cũng là một hình thức diễn đạt nghệ thuật chủ chốt, ít nhất là ngang bằng với ngôn ngữ kể chuyện.

Hơn nữa, theo định nghĩa, trường ca là một tác phẩm thơ ca có nội dung hoành tráng và có cảm xúc lớn lao, thì trường ca lại càng cần đến ngôn ngữ biểu cảm để thể hiện những cảm xúc lớn lao đó. Vì thế, trong trường ca Việt Nam hiện đại, ngôn ngữ biểu cảm là một hình thức nghệ thuật quan trọng bên cạnh ngôn ngữ kể chuyện.

Trong trường ca, cảm xúc của tác giả phụ thuộc vào đối tượng miêu tả của trường ca. Khi trường ca là những tác phẩm ngợi ca đất nước, ngợi ca lãnh tụ, thì cảm xúc được thể hiện bằng ngôn ngữ biểu cảm trang nghiêm, hào hùng. Đó là những bản trường ca viết về các sự kiện trọng đại của đất nước thời kỳ cách mạng của Xuân Diệu (Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông); là những bản trường ca viết về Bác của Tố Hữu, Lê Đạt, Lê Huy Quang (Theo chân Bác, Bác, Hồ Chí Minh); là những bản trường ca viết về những người anh hùng như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Hùng, Rin (Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Nguyễn Văn Trỗi, Bài ca chim Chơ-rao); là những bản trường ca viết về những người mẹ Việt Nam anh hùng, về người lính và người thanh niên xung phong... Đây là những bản trường mang đậm tính sử thi-tự sự của giai đoạn trước 1975 và trong những năm đầu của giai đoạn sau 1975.

Trong những bản trường ca nói trên, khi nói về các sự kiện và con người vĩ đại của Việt Nam, các tác giả như muốn dốc hết tâm can và nhiệt huyết của mình vào các con chữ của ngôn ngữ nghệ thuật. Kho từ vựng mỹ từ của tiếng Việt đã phải được huy động đến tối đa để diễn đạt tình cảm của nhà thơ và của cả dân tộc trước những sự kiện lớn lao trong một bản trường ca ngắn như Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông của Xuân Diệu: oanh liệt, huy hoàng, ánh vừng dương, ngọn sóng triều ngùn ngụt, vầng chói sáng, hùng vĩ, vinh quang, sáng muôn năm..., hân hoan, thiêng linh, bừng lên Bắc Đẩu, gầm sóng dội, triều ánh sáng, tưng bừng, chói lọi...; dấu chấm than xuất hiện với tần suất cao. Đó là cảm xúc của dân tộc, và cũng là tinh thần cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Đối với Bác Hồ, các tác giả đã dành những từ ngữ gợi lên những tình cảm thân thương sâu lắng từ đáy lòng: Muốn oà nức nở bên em nhỏ/ Nước mắt ta đành nuốt, lặng im (Tố Hữu, Theo chân Bác). Có khi nhà thơ phải mượn các hiện tượng tu từ ẩn dụ, hoán dụ để biểu cảm tấm lòng của mình đối với Bác: Đất/ Trời/ rung/ khóc Người dữ dội// Một tuần mưa.../ Một tuần mưa.../ Một tuần mưa...; Buổi sáng mất Bác Hồ/ tôi gội mưa/ dọc đê Sông Hồng/ dòng dòng nước mắt (Lê Huy Quang, Hồ Chí Minh).

Song trường ca không chỉ có những ngôn từ biểu cảm “ca ngợi”. Trong xu hướng đa dạng hoá trường ca, khi trường ca đi vào cuộc sống đời thường với những con người bình thường như “con sâu cái kiến”, thì cảm xúc lại được thể hiện bằng ngôn ngữ thông tục. Đặc biệt, qua trường ca Hành trình của con kiến, Lê Minh Quốc dường như là người đầu tiên muốn kéo trường ca từ địa hạt cao cả xuống địa hạt của cái bình thường. Ngôn từ biểu cảm của anh thực sự là ngôn từ giao tiếp hàng ngày, với những từ ngữ thuộc khẩu ngữ rất đời thường. Mở đầu trường ca này, Lê Minh Quốc đã bày tỏ tấm lòng của một người đi tìm sự thật để làm thơ bằng những ngôn từ thô ráp, rất đời thường: Mím môi trợn mắt/ Gồng người vượt dốc/ thở hồng hộc/ hì hục/ mệt nhọc/ ...; mặt đạo mạo/ đi láo nháo/ tìm sục sạo bở hơi tai /.../ lại đôn đáo/ ...

Thế rồi trong suốt bản trường ca, tác giả bộc bạch những suy tư về cuộc sống đời thường bằng ngôn ngữ đời thường. Có những lúc tác giả bộc bạch bằng những ngôn từ trang nghiêm, trau chuốt: Thơ đòi hỏi sự tinh khiết của ngôn ngữ/ Có thể là sương hồng trên cánh sen/ Hoặc giọt nước mắt nũng nịu môi em/ ..., nhưng ngay sau đó lại là những từ ngữ rất thông tục, đời thường: thập thò trước cửa/ (...)/nhùng nhằng lăn trên phố/ Chợt gặp thơ hở rốn với quần jean/ ... Và đến chương cuối cùng thì Lê Minh Quốc lại quay về với giọng biểu cảm thơ ban đầu, với lối diễn đạt ngôn từ như một bài vè dành cho trẻ con, với lối nói hình tượng, ẩn dụ, ngạn ngữ: sau những trò múa may quay cuồng trên sân khấu/ vẽ nhọ bôi hề/ thọc gậy bánh xe/ ba que xỏ lá/ đá cá lăn dưa/ xập xí xập ngầu/ xỏ xiên ba rọi/ ném đá giấu tay/ trở cờ lật lọng/ ...; õng à õng ẹo/ theo đóm ăn tàn/ xúng xa xúng xính/ ...

Lê Minh Quốc còn dùng cả những ngôn từ thô tục thậm chí cả những lời chửi đổng xen vào để biểu đạt tâm trạng, bực bội bởi cái màu đen: Tôi xoay những ô vuông. Bố khỉ cái màu đen cứ lởn vởn trong tâm trí; Nhưng nó cần quái gì! Miễn nó và bạn nó cùng ăn kẹo...; ...tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo (Thanh Thảo, Khối vuông rubíc).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lối diễn đạt, biểu cảm bằng ngôn ngữ đời thường chỉ là một bút pháp chủ ý của Lê Minh Quốc để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của tác giả, chứ không phải là tác giả thiếu vốn ngôn từ trong diễn đạt. Đằng sau cái bút pháp đó chúng ta thấy ẩn tàng một tâm hồn thơ thanh tao. Tâm hồn đó được thể hiện khi nhà thơ dành tình cảm và dành thơ cho “mẹ”, cho “em”:

may mà còn có em
hơn cả thế, may còn có mẹ
không gì vui hơn quay về còn có mẹ
chỉ ánh mắt bao dung, chỉ cái nhìn lặng lẽ
đã đẩy lùi mọi tai ương
ra khỏi cửa...

Những câu thơ như thế có khá nhiều trong Hành trình của con kiến, và đó là những câu thơ biểu cảm tuyệt vời của Lê Minh Quốc, đủ để làm cho nhiều người phải ghen tị với anh, một nhà thơ của cái đời thường.

Có thể nói, ngôn ngữ biểu cảm là một thế mạnh của trường ca trữ tình. Nó cũng là một hình thức biểu đạt nghệ thuật góp phần khu biệt trường ca với truyện thơ, qua đó khẳng định tư cách thể loại của trường ca Việt Nam hiện đại.

4. Ngôn ngữ phản tư

Khi cuộc sống đang còn đặt ra cho các nhà văn nhà thơ nhiều câu hỏi không dễ giải đáp, thì tác giả tự đặt ra những câu hỏi như là tự vấn, được gọi là “phản tư”. Sau 1975, khi chiến tranh đã qua đi, các nhà thơ bắt đầu có thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống, về nhân tình thế thái. Những suy tư, bộc bạch, những câu hỏi được đặt ra trước muôn vàn vấn đề nan giải của đất nước. Những điều này đã được các tác giả đưa vào văn học nói chung và trường ca nói riêng. Và thế là xuất hiện một kiểu diễn đạt mà chúng tôi tạm gọi là ngôn ngữ phản tư, tức ngôn ngữ tự vấn, được coi là một kiểu diễn đạt phù hợp với đặc điểm suy tư triết lý trong một số trường ca hiện đại giai đoạn sau 1975.

Nói suy tư triết lý chỉ là một cách đặt tên cho một xu hướng, thực tế các nhà thơ của chúng ta không phải là những nhà triết học. Họ chỉ là những người muốn cho thấy mình có trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc. Họ bộc bạch những suy tư về những vấn đề thuộc nhân tình thế thái của những người dân đất Việt.

Như chúng tôi đã nói, mầm mống suy tư triết lý đã xuất hiện ngay từ những trường ca của những năm cuối thập kỷ 1970. Và trên cơ sở đó các nhà thơ đã bắt đầu sử dụng ngôn ngữ phản tư. Nói một cách khác, ngôn ngữ phản tư là ngôn ngữ tự vấn. Trong Những người đi tới biển, sáng tác ngay sau 1975 (xuất bản năm 1977), Thanh Thảo đã đặt một câu hỏi cho mình và trong đó đã bao hàm câu trả lời, đó là câu hỏi về lẽ sống của con người Việt Nam. Đó cũng là đặc điểm của ngôn ngữ phản tư:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Trong Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã đặt ra những câu hỏi cho thơ và cho người lính:

Thơ không phải những dây bìm trang trí
Kéo nhoè đi những rễ cây tứa nhựa
Bão động rừng sao thơ chỉ rung rinh?
Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được
Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn
Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?

Tuy nhiên, trong những bản trường ca ở giai đoạn này, giai đoạn mà chất sử thi vẫn còn hiện diện như là một sự kế thừa còn lưu lại của sử thi, thì những câu hỏi chưa mang tính day dứt như sau này. Những câu hỏi đó liên quan đến lẽ sống, đến lý tưởng sống của con người cộng đồng thời chiến tranh, nên tự chúng đã hàm ý câu trả lời. Nhưng đến giai đoạn sau, giai đoạn của trường ca thiên về trữ tình, thì những câu hỏi mới đặt ra một cách nhức nhối, nhiều khi không có câu trả lời. Đó là những câu hỏi trong trường ca Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc.

Trong Hành trình của con kiến, Lê Minh Quốc đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về nghề viết, về sứ mệnh cầm bút, về thơ. Nói về sứ mạng nghề viết, nhà thơ đã có những câu hỏi rất day dứt:

nghề của anh là nghề biết viết
thế nào là biết?
thế nào là viết?
thế nào anh - anh biết viết những gì?

Đặc biệt, có lẽ Lê Minh Quốc là người duy nhất có những câu hỏi của cái tôi bơ vơ nhuốm màu hiện sinh tự vấn về mình rất nhức nhối và nghiệt ngã:

Tôi chẳng biết từ đâu tôi đã đến
Đến làm gì trong cái cõi người ta?

(...)

Tôi chẳng biết về đâu. Chẳng biết
Lửng lơ làm hạt bụi giữa không gian...

Có thể nói, Lê Minh Quốc là người khởi xướng loại thơ tự vấn. Cùng với các nhà thơ khác, ông đã đưa ra một loại ngôn ngữ phản tư, góp phần đổi mới trường ca theo chiều hướng nội tâm hoá, qua đó khẳng định tư cách thể loại độc lập của trường ca.

Tóm lại, chúng tôi muốn nói rằng ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc xác định đặc trưng thể loại của trường ca. Ngôn ngữ trường ca có sự vận động từ đơn giản đến phức hợp, tiến tới tương xứng với “nội dung hoành tráng và cảm xúc lớn lao” của trường ca, góp phần xác định những đặc điểm mới của trường ca, khẳng định vị thế độc lập của trường ca hiện đại với tư cách là một thể loại.

 

Nguyễn Thị Hậu

(Nguồn:Tạp chí Nhà Văn - Hội Nhà văn VN - số tháng 1.2011)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com