THƠ Suy nghĩ về Thơ LE MINH QUỐC: Từ TNXP đến thơ

LE MINH QUỐC: Từ TNXP đến thơ

 

Tháng 5.2010, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) 0, thànhphần ban giám khảo có: nhạc sĩ Tôn Thất lập, Trương Quang Lục, Nguyễn Văn Hiên, nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Trần Ngọc Châu, nhà thơ Lê Thị Kim, Thanh Nguyên, Lê Minh Quốc. Sau đây là phát biểu nhà thơ Lê Minh Quốc trong lễ trao giải tại Lực lượng TNXP TP.HCM (8A Hàm Tử, phường 1, quận 5).


TNXPRR

 

Không thể chối bỏ một suy nghĩ, một sự tự hào đã được lưu giữ trong ký ức của một thế hệ: Chỉ sau 1975, đến nay đã có một nền thơ của TNXP. Cụ thể, TNXP tại TP.HCM. Trước đó, đã lực lượng này đã hình thành từ năm tháng chiến tranh trong cả nước. Nhưng, chỉ sau 1975 mới hình thành một lực lượng viết xuất thân từ TNXP và “ma lực” hấp dẫn của TNXP cũng đã lôi cuốn theo cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ khác, kể cả đại chúng yêu thơ.

Nói cách khác, chính TNXP đã khơi dậy và cưu mang; là chất liệu và kinh nghiệm sống để văn nghệ sĩ và người yêu thơ hoặc “thâm canh”; hoặc “cỡi ngựa xem hoa” tìm đến. Và họ đã có những sáng tác vừa phục vụ TNXP và cũng vừa phục vụ đại chúng. Mà dù tài năng thế nào thì họ vẫn là “người ngoài cuộc”, liệu chừng họ có thể phản ánh hết được từ chân tơ đến kẻ tóc trong đời sống của anh em TNXP?

Với suy nghĩ này, thú thật, tôi hào hứng khi đọc những sáng tác thơ của anh em đội viên từng gắn bó, một thời gắn bó năm tháng tươi đẹp nhất đời mình với TNXP. Bởi họ là “người trong cuộc”. Cái nhìn của họ bao giờ cũng gần với hiện thực. Dù vần điệu thơ, nhịp thơ, cấu trúc thơ của họ còn thô ráp, mộc mạc nhưng chắc chắn ở đó vẫn lấp lánh từng giọt mồ hôi, tâm tư và trí tuệ của chính họ. Như thế, há chẳng phải là điều đáng quý sao?

Vỡ đất hoang nông trường thành lán trại

Chai rộp bàn tay biển lúa chín vàng

(Sắc áo mênh mông)

Và rộn tiếng cười con gái

Đọc chung lá thư tình mới

Các anh chị vĩnh hằng trong tuổi trẻ của mình

Bên đồng đội đến thăm

Tóc trắng

(Bài thơ dành đọc trước Khu Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP TP.HCM)

Hiện thực hay mơ mộng? Cả hai đấy chứ. Nếu không là người trong cuộc làm sao có thể nhìn thấy một khoảng khắc đến nào lòng:

Họ nằm xuống biên cương

Hồn nhiên như đang ngủ

Trên chiếc võng đời mình

(Bài thơ dành đọc trước Khu Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP TP.HCM)

Thơ vốn kiệm lời, cần “ý tại ngôn ngoại”. Chỉ đôi dòng, người đọc đã thấ hiện lên những gương mặt chết trẻ. Phải yêu, phải thương lắm mới có thể nhìn thấy một cái đẹp mới từ TNXP:

Nhìn em bước, ngỡ như vừa

Từ con kinh mới về chưa gội sình

(Nghe hát Em đi qua cầu cây)

Bóng ai in xuống dòng sông

Chiếc cầu im ắng mà lòng xôn xao

(Chiếc cầu Thanh niên)

Thật lạ, cảm xúc trong thơ của họ có lúc đã khiến tôi ngạc nhiên. Bởi nó thật và thật đến không thể chối cãi được. Ai đời, sau một lần về phép trở về đơn vị, họ đã có suy nghĩ:

Bồi hồi khi trở lại

Như được về quê hương

(Sài Gòn - Đakkr’Lấp)

Nếu không yêu đồng đội, yêu ngày tháng gian khổ đầy tình người thì làm sao có thể viết được như thế? Tôi đố “người ngoài cuộc” có được câu thơ giản dị mà sâu lắng đến thế. Tôi đố “người ngoài cuộc” có được câu thơ quê kiểng như thế này:

Bấm đốt ngón tay mấy mùa rẫy đi qua

Vườn cà phê đầu mùa hoa trắng muốt

Chị cười

rớt giọt nước mắt

Cầm giọt nào anh ánh niền tin

(Người chị)

Hình ảnh “bấm đốt ngón tay” vừa quen mà cũng vừa lạ. Gợi nhớ đến hình ảnh cô bé trong thơ Nguyễn Bính, để biết mưa khoan hay nhặt: “Em ngửa bàn tay trước mái hiên/ Mưa chấm bàn tay từng ngón lạnh”. Quê kiểng quá đi chứ. Giản dị quá đi chứ. Giản dị ư? Thì cũng có lúc họ triết lý đấy:

Cô đơn buông xuống hồ thành sen

Nỗi buồn xuôi suối hóa cánh đồng

(Scarlet áo xanh)

Triết lý nào mà không bắt đầu từ hiện thực, từ ước mơ của mỗi người? Tôi đã tìm thấy ở đó những khát vọng vừa hiện thực nhưng cũng vừa mơ mộng:

Cánh đồng xưa mọc lên bao nhà máy

Đô thị vươn mình hẹn những mùa vui

(Nhị Xuân mùa sinh sôi)

Đọc thơ của TNXP điều thú vị nữa là còn thấy hiện lên hình ảnh của những con người. “Bấm đốt ngón tay” có phải “người chị” ấy là nông dân chính hiệu không? Và đây có phải là những “tiểu thư” Sài Gòn chính hiệu không?

Đi Thanh niên xung phong đã mấy năm trời

Chặt nứa, trồng thơm, đào kênh, lên liếp

Mồ hôi mặn… con đê dài kinh khiếp

Nhưng đâu dài bằng cái chuyện vòng vo

(Mời em vào quán cà phê)

Có thể nói qua cuộc thi thơ lần này, tôi nhận thấy kinh nghiệm sống của anh em TNXP đã phản ánh khá bề bộn trong thơ. Nhưng vẫn là kinh nghiệm của một thời đã xa, đã qua. Hiện thực của TNXP bây giờ có gì khác thời của các anh Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Phạm Trường Phục, Ông Văn Chiến, Lê Văn Lộc, Lã Văn Cường…? Khác như thế nào, công chúng yêu thơ vẫn tiếp tục đòi câu trả lời ở anh em TNXP lẫn văn nghệ sĩ yêu dấu TNXP.

Khi chấm giải cho cuộc thi thơ này, chúng tôi - Lê Minh Quốc, Lê Thị Kim, Thanh Nguyên - cũng vừa xong cuộc bỏ phiếu chọn hội viên mới của Hội Nhà văn TP.HCM. Cầm kết quả trên tay, riêng tôi, tôi nghĩ đến ngày được bỏ phiếu chọn những người đoạt giải sẽ trở thành hội viên của Hội. Đành rằng vào Hội hay không cũng không phải mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Nhưng có thế, phải như thế anh em TNXP mới chuyên nghiệp hơn. Hiện thực đổi mới từng ngày của TNXP đang đòi hỏi một lực viết chuyên nghiệp hơn và tiếp tục phản ánh lại hiện thực đó. Nếu không, chính chúng ta vẫn còn mắc nợ lực lượng TNXP dài dài…

 

L.M.Q


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com