THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: Thuở học trò chim bướm rủ nhau bay

LÊ MINH QUỐC: Thuở học trò chim bướm rủ nhau bay

 

Phùng Khắc Khoan (1528-1613), trong lời tựa tập thơ Thị ngôn chí có viết: “Cái gọi là thơ thì không phải láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút, mà là để ngâm ngợi tính tình, cảm động mà phát ra ý chí nữa. Chí mà ở đạo đức thì tất phát ra lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng núi ngõ hang thì giọng thơ liên tịch, chí ở phong vân tuyết nguyệt thì thích vẻ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm thơ ưu tư, chí ở niềm thương cảm thì làm ra điệu thơ ai oán”.

Khi được đọc những vần thơ học trò thì điều gì đây sẽ được “phát hiện”?


thuohoctrochimbuomrunhuabay


Có thể đó là tâm trạng của một thiếu nữ mới lớn với những ước mơ đầu đời thật trong sáng và tinh khiết như bạn Hoàng Thủy (lớp 12A PTTH Ninh Giang - Hải Hưng) đã thổ lộ:

Em muốn làm hoa đỏ

Tắm mình trong nắng mai

Hoặc dòng sông xanh biếc

Để soi bóng hình ai

Cái màu hoa đỏ rực ấy là một hình ảnh của ký ức không dễ gì phai nhòa được. Bởi một lẽ đơn giản, trong tình cảm của tuổi mực tím, thử hỏi ai mà không yêu hoa, không nhờ hoa gửi gắm những tâm trạng của mình? Bạn Phan Thị Diễm Phượng (trường THSP Mầm Non - Pleiku) đã kêu lên một cách hồn nhiên:

Hoa phượng ơi! Mi đừng vội nở

Cho ta tiếp nối tuổi học trò

Sung sướng khi điểm mười trên vở

Và buồn lòng lúc bị điểm… zero

Niềm sung sướng và nỗi buồn đó, chỉ những ai còn được tung tăng dưới mái trường mới cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. Trong sâu thẳm của ý nghĩa này, không có sự nhọc nhằn của cơm áo, không có sự phiền muộn lo toan, không có giả trá đầu môi chót lưỡi, không có sự gập ghềnh thất vọng. Chỉ có những bông hoa thắm rải dưới chân họ đang bước, và:

Bắt gặp bông hoa đỏ

Em nghĩ về cô giáo của em

(Nguyễn Đan Hạ - Đà Nẵng)

Đó là một tình cảm rất đẹp của sự tôn sư trọng đạo. Mỗi bông hoa đều gắn với một kỷ niệm. Có thể là:

Ngày xưa anh đã đến

Gốc phượng xác hoa đầy

Gió đi qua mái tóc

Cầm phượng hồng trao tay

(Ngô Văn Vĩnh - Cần Thơ)

Đôi khi, dù bông hoa ấy chưa được trân trọng trao tay - nhưng bằng tình cảm mới lớn họ cũng đã xao động rất đáng yêu:

Một sáng mùa xuân hoa mai nở

Màu vàng chúm chím đến là hay

Tình cờ… xao động khi ngoài ngõ

Dáng ai tha thướt nhẹ như mây

(Ngọc Đóa - Biên Hòa)

Phải chăng, chính nhờ màu vàng của hoa ấy đã làm cho họ… mau lớn (!). Tôi nói vậy không ngoa một chút nào đâu, ngay cả bạn Đào Hữu Phúc (Lớp 9 trường PTCS Lý Thường Kiệt - Đà Nẵng) cũng đã so sánh khi thấy:

Bông hoa nhài trăng trắng

Trắng như… áo nữ sinh

Hoặc bạn Triệu Thị Vê (Lớp 9 - thị trấn Mỏ Cày) khi nhìn đôi mắt của người em cũng thấy giống như hoa vậy:

Em tôi đôi mắt tròn xoe

Như hoa tươi thắm hay khoe nụ cười

Điều lạ lùng là khi cầm bông hoa, không ai có thể nghĩ đến điều ác. Hương sắc của hoa gợi cho họ nghĩ đến những ước mơ đẹp:

Em đến thăm anh mùa xuân ấy

Cành hoa đào nhỏ giấu trong tay

Và em nhìn anh đầy thắm thiết

Mơ một ngày kia vai sánh vai

(Thái Bảo - trường Bình Quới Tây)

Hoa đã tạo cho họ có được niềm vui. Nhưng ở lứa tuổi này, chính niềm vui đã làm cho họ thấy được sự tinh khiết của hoa - chính điều đó đã tạo cho thơ học trò những thi tứ mới:

Có niềm vui mới đến

Làm tròn cánh hoa lài

(Nguyễn Thị Thủy - Điện Bàn, QNĐN)

Đọc hai câu thơ đó, tôi thấy ngồ ngộ. Cứ như khi ta buồn thì hoa lài sẽ không thơm vậy. Điều nghịch lý ấy đã tạo thành một hợp lý trong tâm lý của người viết. Có những bông hoa nhờ mùi hương nên đã gây được mùi nhớ, như tôi đã trích dẫn ở trên. Nhưng cũng có những bông hoa mà khi nhìn lại gợi cho mình một… trách nhiệm. Đó là bông lúa. Bông lúa mộc mạc kia, ai dám nói là không thơm và quyến rũ, không tuyệt vời và tạo xúc cảm cho thơ? Bạn Võ Thị Ngọc Giang (Lớp 11 - trường PTTH Thalmann) đã xúc động khi viết:

Thoang thoảng hương lúa mùa đang trổ

Thì thầm nho nhỏ với riêng em

Đừng quên giọt mồ hôi cần mẫn

Rơi vào đất mẹ suốt ngày đêm

Từ lúc được nhìn hoa để có được cảm xúc như thế, tôi nghĩ rằng người viết đã có trách nhiệm. Trách nhiệm ấy đã tạo nên cảm xúc đáng yêu cho thơ. Đó là những nét riêng biệt mà thơ của tuổi học trò đã phản ánh được. Sự hồn nhiên tươi tắn ấy không dễ gì ta tìm được ở trong thơ “người lớn” vậy.

Nói như vậy không phải để “nịnh” các bạn. Nhưng thơ là một phạm trù rất khắc nghiệt của tâm trạng người viết. Mỗi bài thơ là một tâm trạng. Đã có tâm trạng nhưng chưa hẳn đã đẻ ra thơ hay. Cái đó còn tùy thuộc vào gì? Tài năng chăng? Cảm hứng chăng? Đừng quên thi sĩ Apollinaire (1880-1918) đã khuyên nhủ tất cả chúng ta: “Người thứ nhất ví phụ nữ với hoa hồng, đấy là một tài năng. Người thứ hai lại ví thế, đó là thằng ngốc…”. Đáng tiếc, trong số lượng thơ được đọc, tôi nhận ra rằng các bạn đã lặp lại quá nhiều điều mà người khác đã viết. Cảm xúc vay mượn ấy đã làm cho thơ thiếu sự sáng tạo, độc đáo riêng biệt buộc phải có khi làm thơ. Trong một bài viết ngắn, không cho phép tôi trích dẫn lại sự vay mượn ấy. Nhưng chắc rằng các bạn đã tự biết được.

Cứ làm thơ đi! Tuổi học trò chim bướm rủ nhau bay. Bay lên hoa hồng, hoa đào, hoa mai hoặc bất cứ hoa gì mà bạn yêu thích. Chim bướm không bay lên những nỗi buồn sầu não, tuyệt vọng mà tâm trạng của bạn không có (thế nhưng bạn cứ làm như… có!). Chim bướm bay vào vùng trời hòa bình và thương yêu. Cứ làm thơ đi!

 

L.M.Q

(nguồn: Báo Mực Tím - 1993)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com