NGUYỄN VỸ: Một kỷ niệm với nhà báo HỒNG TIÊU - Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai

Mục lục
NGUYỄN VỸ: Một kỷ niệm với nhà báo HỒNG TIÊU
Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai
Tất cả các trang

Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai


nha-bao-hong-tideu

Nhà báo, nhà thơ Hồng Tiêu (1902 - 1985) - bạn đời của nhà văn Bà Tùng Long, thân phụ nhà văn Nguyễn Đông Thức


Qui Nhơn có trường Trung học “College Com. Plémentair Franco-Indigène”, một trong ba trường Trung học ở Trung kỳ và một trong chín trường Trung học ở toàn cõi An nam. Qui Nhơn là một hải cảng mà đến năm 1924 vẫn không có một tiệm bán sách báo. Không có một người đọc báo, không có một tờ báo nào của Hà Nội hay Sài Gòn đến đây.

Có một lần, năm 1924, một ông nhà báo ở Sài Gòn tên là Hồng Tiêu, phụ bút hay chủ bút gì đó của một tờ nhật báo ở Sài Gòn đi du lịch ra Trung kỳ, có ghé mấy hôm ở Qui Nhơn. Thật là một biến cố quan trọng, một việc hi hữu, một chuyện vô cùng mới lạ làm xôn xao cả thành phố. Nhất là trong đám học trò trường Collège. Tuấn nghe các bạn kháo nhau: “Có một ông chủ bút nhà báo Sài Gòn tới Qui Nhơn mày ơi!”. Tuấn nô nức đi xem cho biết mặt. Một ông nhà báo chắc là một ông thần, ông thánh, ít nhất cũng giỏi bằng Khổng Tử, ông Mạnh Tử chứ đâu phải người thường. Tuấn càng nôn nao khi nghe mấy đứa bạn khoe với Tuấn rằng tụi nó đã được thấy mặt ông chủ bút nhà báo Sài Gòn và nghe ông nói chuyện hay lắm. Tụi nó khen ngợi ông ghê lắm và nói lại cho Tuấn biết rằng ông chính là người tỉnh Quảng Ngãi, ông học giỏi lắm, nói toàn là văn chương, thơ phú không ai bì kịp. Ông có người anh ruột tên là ông Bút Trà, cũng là ông nhà báo và đang làm chủ bút tờ báo gì lớn lắm ở Sài Gòn. Hai anh em đều là những tay cự phách, ít nhất học cũng đã đỗ bằng tiến sĩ, phó bảng. Tụi học trò lại cho Tuấn biết rằng ông Hồng Tiêu có viết một quyển sách thật hay nhan đề là Lá thư rơi đọc nghe mê và hay hơn chuyện Lục Vân Tiên mà mẹ của Tuấn thích ngâm tối ngày. Tuấn rủ một bạn học cùng lớp và cùng tỉnh đến chỗ nhà ông trợ bút Hồng Tiêu ở trọ. Hai đứa đều rất hăng hái nhưng cứ do dự và sợ, tuy không biết tại sao mà sợ. Sau cùng Tuấn bảo “Sợ cái gì. Tụi mình đến nói với ông là tụi mình học trò quê ở Quảng Ngãi, đến chào mừng ông và xin ông diễn thuyết cho mình nghe. Nếu ông đuổi mình đi ra thì mình đi ra, chứ hổng lẽ ổng bỏ tù mình sao?”.

Lần đầu tiên nghe nói đến ông chủ bút tờ báo ở Sài Gòn thật ra tụi học trò sợ lắm. Nhưng tò mò, Tuấn và thằng bạn là Nguyễn Thiệu nhất định đi xem thử cho biết mặt “Ông chủ bút nhà báo Sài Gòn” như thế nào. Hai đứa mặc áo đen dài, quần mới giặt sạch sẽ nhưng không dám mang guốc, sợ vô phép. Dọc đường, Thiệu hỏi Tuấn:
- Chắc ông chủ bút giỏi lắm, Tuấn nhỉ?
- Ừ, ông làm chủ bút tờ báo ở Sài Gòn thì ông phải giỏi hơn mấy ông giáo sư, đốc học của tụi mình chứ.
- Ổng làm ra sách nữa, hay lắm.
- Ừ, tao nghe nói mà chưa đọc sách ổng.
- Tao sợ đến ổng rồi ổng hỏi về văn chương, mình trả lời không được mắc cỡ chết, mày ơi!
- Ông giỏi như thần như thánh còn mình là học trò thì mình hỏi ổng chứ hổng lẽ ổng lại hỏi mình?
Trò Thiệu vẫn cứ nhút nhát không dám gặp ông chủ bút nhà báo.

Ông chủ bút Hồng Tiêu ở trọ một căn phố hẹp ngay đường chính, giữa thành phố và bên cạnh một tiệm thợ hớt tóc. Trò Tuấn và trò Thiệu vừa đến cửa thì trò Thiệu sợ quá, bỏ chạy mất. Tuấn hơi ái ngại nhưng cứ liều bước vô nhà. Cánh cửa để mở sẵn, Tuấn thấy ông mặc áo quần Tây. Ông ngồi viết gì nơi bàn viết kê sát vách tường. Trên vách tường có dán những câu bằng nét chữ đậm:
Thì giờ là tiền bạc
Người có học phải có chí
Thánh hiền có học mà nên
Văn chương phong nhã, là tiên trên đời
Tuấn nghĩ thầm ngay rằng ông chủ bút nhà báo là bậc tiên thánh, cho nên ông viết ra những câu văn chương thật là thâm thúy. Trò Tuấn lễ phép chấp hai tay trước ngực, cúi đầu thưa:
- Dạ bẩm ông!
Ông chủ bút Hồng Tiêu kéo ghế đứng dậy đến gần trò đưa tay ra vỗ vai trò, ra chiều thân mật. Ông hỏi:
- Trò đến thăm tui hỉ? Trò học lớp mấy?
- Dạ thưa ông, tui học lớp đệ nhất niên.
- À, trò giỏi quá, hỉ.
Trò Tuấn không dám nói câu gì, chỉ cứ làm thinh ngó ông chủ bút Hồng Tiêu. Ông cười dễ thương, không phải nghiêm khắc như mấy ông giáo sư và đốc học trong lớp. Ông lại hỏi:
- Quê trò ở đâu?
- Dạ, bẩm ông quê tui ở Quảng Ngãi.
- Vậy à? Tui cũng ở Quảng Nghĩa. Dân Quảng Nghĩa mình học giỏi lắm, trò ráng học hỉ!
- Dạ.
- Trò định học rồi lớn lên làm nghề gì?
- Dạ, tui chưa biết làm nghề gì.
- Học cho giỏi, rồi đừng thèm làm quan! Ra làm báo, làm văn sĩ như tui nè.
Trò Tuấn thấy ông chủ bút Hồng Tiêu thật dễ thương mới bạo dạn hỏi:
- Bẩm, ông làm báo có khó không?
Ông chủ bút Hồng Tiêu cười:
- Khó chứ, dễ sao được!
Tuấn đánh bạo hỏi tiếp:
- Bẩm ông, tui học toán dở lắm, cứ bị ông giáo sư cho zéro hoài, như vậy sau tui lớn lên có làm báo được hông?
- Được. Không cần giỏi toán nhưng phải giỏi văn chương. Trong lớp trò làm luận có khá hông?
- Dạ, mấy cô học trò con gái cứ nhờ tui làm gà bài luận cho họ, rồi họ cho tui kẹo thèo lèo.
Ông chủ bút Hồng Tiêu cười ha hả, rồi vỗ vai trò Tuấn.
- Vậy thì trò này tài quá hỉ. Trò ráng học giỏi rồi lớn lên viết văn cho đàn bà con gái đọc được đó. Tên trò là chi?
- Dạ thưa ông, tên tui là Tuấn.
Ông chủ bút nhà báo liền chỉ cho Tuấn mấy câu ông viết dán trên tường:
- Nè! Trò Tuấn nhớ mấy câu danh ngôn đây! Thì giờ là tiền bạc, Tây cũng nói: Le temps, c’est l’argent. Người có học phải có chí, không có chí học sao nên được, phải không hỉ? Thánh hiền có học mà nên, văn chương phong nhã là tiên trên đời! Phải không, hỉ?
Trò Tuấn nở một nụ cười ngây thơ:
- Dạ, phải.
Nói chuyện khá lâu, xong trò Tuấn kính cẩn chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào:
- Thưa ông, tui xin về.
- Ừ, trò này dễ thương quá hỉ!
Tuấn sung sướng hãnh diện được thấy mặt ông chủ bút nhà báo Sài Gòn, biệt hiệu là Hồng Tiêu, quê ở Quảng Ngãi.
Hôm sau vào trường, Tuấn khoe khắp lớp là được ông Hồng Tiêu, chủ bút nhà báo Sài Gòn, vỗ vai và bắt tay.

Tuấn cứ nhớ mãi những câu châm ngôn của ông Hồng Tiêu viết trên vách tường phòng trọ của ông. Tuấn rất cảm phục ông chủ bút tuy trò chưa bao giờ được đọc tờ báo của ông, hoặc một tờ báo nào khác ở Sài Gòn. Ngay hôm sau, trò nghe có một cuộc nhóm họp của mấy anh học trò lớn ở lớp đệ nhị và đệ tam niên, ở nhà trọ một chú lái ghe trên bến sông. Tuấn lò dò đến xem, thấy có một anh tên là Trọng cũng quê ở Quảng Ngãi, học đê tam niên, hô hào học trò góp tiền để vô Sài Gòn lập một tòa báo và mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút. Câu chuyện làm báo làm nôn nao dư luận học đường hơn một tuần lễ, tuy chưa ai biết mặt mũi một tờ báo ra sao cả.

Hăng nhất là nhóm anh Trọng, gọi là nhóm mấy anh học trò lớn, thường tụ họp với nhau sau bữa cơm tối tại nhà trọ anh này, và bàn tán xôn xao đến 11, 12 giờ đêm. Tuy bị coi như là còn con nít, trò Tuấn vẫn say mê, đêm nào cũng tới dự thính, ngồi nghe mấy anh lớn bàn cãi, tính toán, làm chương trình, sắp đặt như một việc to lớn sắp sửa thực hành. Nhưng đến khuya, sực nhớ lại bài vở ngày mai chưa học, bài luận chưa làm, cuộc nhóm họp tự nhiên giải tán. Rồi ai về nhà nấy, thắp ngọn đèn dầu lửa liu hiu trên bàn, ngồi cắm đầu cắm cổ xuống sách Géométrie plaue của Brachet hay Grammarre của Claude Augé, vừa học vừa ngủ gục cho đến gà gáy sang.

Rốt cuộc, mấy trò mơ mộng làm báo thường học không thuộc bài, vào lớp bị các ông giáo sư cho ăn trứng vịt đã đời. Cũng không trò nào dám viết thư về xin tiền cha mẹ để vô Sài Gòn lập tòa soạn báo mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút.

 

nha-bao-Hong-Tieu-R_n

Hai anh em nhà báo Bút Trà - Hồng Tiêu (phải) - ảnh tư liệu của Nguyễn Đông Thức


Trò Tuấn kể chuyện mở nhà báo ở Sài Gòn và chuyện trò được gặp ông chủ bút Hồng Tiêu cho mấy cô học trò lớp nhất nghe. Cô Anh hỏi:
- Làm báo là làm gì, anh Tuấn?
Tuy chỉ được nghe lỏm, trò Tuấn cũng làm ra vẻ thạo, trả lời:
- Làm báo là viết bài luận đăng lên tờ báo, như ông Hồng Tiêu vậy đó.
Cô Trâm hỏi:
- Viết như vậy, thì ai cho đề bài, và viết rồi ai chấm?
- Người ta tự đặt bài ra viết để đăng trên tờ báo cho thiên hạ coi, chứ ai mà dám chấm bài của họ.
- Mấy anh trên lớp đệ tam niên cũng muốn đặt bài luận để đăng trên tờ báo hả? Tờ báo là tờ như thế nào hả anh?

Tuấn không trả lời được, vì Tuấn chưa thấy tờ báo ở Sài Gòn như thế nào. Tuấn đã đọc hai tờ báo Việt Nam Hồn và Le Paria nhưng báo bí mật ở bên Tây gửi lén dưới tàu thủy đem về, Tuấn không dám nói ra.
Cô Anh lại xúi trò Tuấn:
- Sao anh không đặt ra một bài luận đem cho ông chủ bút Hồng Tiêu chấm, coi có đăng trên tờ báo được không?
Cô Thục lưng quần đỏ càng cho nước vào:
- Ừ, phải đó anh Tuấn viết bài luận đưa cho cái ông đó coi, chắc được!
Tuấn không bao giờ dám nghĩ đến việc viết một bài rédaction để đưa ông chủ bút Hồng Tiêu chấm, may ra được nhiều điểm thì ông ấy đăng trên báo. Nhưng bốn cô bạn lớp nhất cứ xúi dại trò Tuấn.
Cô Anh nói:
- Bài luận của anh làm trong lớp lần nào cũng được ông giáo sư chấm tám điểm trên 10, không lẽ ông chủ bút ở Sài Gòn cho 1 hay 2 điểm sao? Anh cứ làm đi, tụi tui đem tới nộp ông chủ bút đó cho.

Tuấn bị mấy cô kích thích, liền về nhà viết một bài: Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai. Tuấn viết cả một buổi tối thứ bảy, gạch sửa lung tung trong quyển vở nháp. Sáng chủ nhật dậy thật sớm, ăn một tô cháo gà 1 xu rồi cầm bài luận chạy đến nhà trọ các cô. Bốn cô cũng đã dậy rồi. Cô Lào con bà chủ trọ đang cầm chổi quét sân, thấy Tuấn lấp ló ngoài cổng liền cười và cất tiếng gọi:
- Anh Tuấn!
Cô Thục có lưng quần đỏ và cô Anh rửa mặt gần lu nước dưới gốc cây khế. Cô Trâm đứng trong hè chải tóc, xức một chút dầu dừa cho tóc láng. Một con gà cồ gáy o o nơi góc sân.
Các cô trông thấy trò Tuấn đều tủm tỉm cười. Cô Anh vừa lau mặt vừa hỏi:
- Anh làm bài luận để đăng báo rồi phải không anh?
Tuấn cười, gật đầu:
- Bài tôi dở lắm, tôi làm cho mấy cô coi chơi, chứ tôi không dám đưa ông chủ bút Hồng Tiêu đâu. Nghe nói có mấy anh lớn ở lớp trên làm bài đưa ổng coi, ổng lắc đầu chê không được.

Cô Lài bỏ chổi chạy vô nhà cùng với ba cô kia chụm đầu lại xung quanh bàn nghe Tuấn đọc bài luận Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai. Mái tóc xức dầu dừa của cô Trâm phảng phất bên cạnh Tuấn một mùi thơm dễ chịu. Gió sớm ngoài sông thổi vào mát mẻ dịu dàng. Sóng bể xa xa hồi hộp, nhịp nhàng với hơi thở của bốn cô bạn trẻ.

Tuấn đọc say sưa… Bốn cô nghe say sưa… Tuấn thức khuya viết bài luận lâu đến 4,5 tiếng đồng hồ là ít, thế mà đọc không đầy mười lăm phút đã hết. Nhưng cô nào cũng thích, trầm trồ khen hay. Tuấn nở hai lỗ mũi. Vừa có bà bán cháo gà đến theo thường lệ. Sáng hôm ấy, bốn cô mua năm tô để một tô tặng Tuấn. Mặc dù Tuấn đã ăn ở nhà no rồi, các cô cũng ép Tuấn làm một tô nữa. Tuấn thấy tô cháo có miếng huyết gà, vài miếng thịt với một lớp nước mỡ màu vàng lềnh bềnh trên mặt lẫn tương ớt đỏ ngon quá. Tuấn cứ tự nhiên không làm khách.

Nhưng xong việc cháo gà, bốn cô làm cho Tuấn thất vọng. Không cô nào dám đem bài luận đến nhà trọ ông chủ bút Hồng Tiêu. Cô nào cũng mắc cỡ, cô nọ đẩy cô kia đi. Rốt cuộc Tuấn thân hành đi vậy.
Nhưng Tuấn lại bị thất vọng lần thứ hai, lần này nói đúng hơn là tuyệt vọng. Đến nơi nhà trọ người ta bảo: ông chủ bút đã đi ra Huế lúc 3 giờ sáng rồi. 3 giờ sáng là lúc Tuấn chỉ mới viết xong bài luận.
Tuấn thui thủi trở về nhà trọ của bốn cô bạn học trò lớp nhất. Thấy nét mặt Tuấn buồn, các cô cũng buồn. Các cô buồn, Tuấn lại càng buồn hơn. Tóc không chải, Tuấn ngồi ủ rủ trên vỉa hè, tay cầm quyển vở nháp có bài Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai. Tự nhiên Tuấn mắc cỡ, đút quyển vở trong lưng quần dưới lớp áo dài đen, chào bốn cô bạn lớp nhất rồi lê đôi guốc cùn ra bờ sông, dọc theo ven bờ đi lang thang.

Xuống đến Cầu Tàu, trước nhà giây thép, Tuấn ra ngồi trên bãi cát, nhìn sóng biển ùn ùn từ ngoài khơi bò vào táp lên chân trò. Trò ngồi một lúc, thò tay vào túi lấy ra một khúc bút chì đen. Tuấn viết luôn trong quyển tập còn nhiều giấy trắng

Mãi đến trưa, Tuấn mới đi bách bộ về nhà. Dọc đường, gặp anh Trọng, học trò lớp đệ tam niên, người anh lớn đã cổ động hùn tiền mở tòa báo ở Sài Gòn. Tuấn nói chuyện bài luận cho anh Trọng nghe. Anh ta bảo:
- Mầy đưa tao coi, nếu thấy được thì tao sẽ gửi vô tòa báo ở Sài Gòn cho.
Tuấn cười:
- Thiệt hỉ?
Anh Trọng nói với giọng người lớn:
- Thiệt, chứ tao nói chơi mầy nè? Biết chừng đâu bài luận của mày sẽ được đăng trên mặt báo Sài Gòn!
Tuấn đưa hết quyển tập nháp cho anh Trọng. Ảnh cầm coi, ra vẻ ta đây thông thạo lắm:
- Mầy viết nháp tèm lem thế này thì ma nó đọc cho mầy, chớ ai mà đọc! Phải viết sáng suốt, rõ ràng, đừng viết tháu mới được chớ!
Nói thế nhưng anh Trọng vẫn chịu khó đọc. Xem chừng anh ấy say mê cái chuyện làm báo nên anh sốt sắng lắm. Đọc xong anh bảo trò Tuấn:
- Mầy về viết lại cho sạch sẽ rồi đưa tao, ngày mai tao gửi giùm vô tòa soạn Sài Gòn cho.
- Tòa soạn là tòa gì hả anh? Ai biểu anh gửi vô tòa đó làm chi?
Anh Trọng cười sặc sụa:
- Thằng này ngu như con bò! Tòa soạn là tòa báo đó. Tao biết chỗ ở tòa soạn báo Sài Gòn, ông chủ bút Hồng Tiêu có dặn tao khi nào muốn viết thư cho ổng thì gửi vô chỗ đó ổng sẽ nhận được. Tao cứ gửi bài luận của mày cho ổng coi. Biết đâu chó ngáp phải ruồi, hì hì!
Anh Trọng cười hì hì ra vẻ anh cả. Trò Tuấn cũng cười hì hì tỏ ra đồng ý. Về nhà, Tuấn chép lại sạch sẽ, lấy thước gạch một đường ngang dưới đầu đề Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai. Rồi ngay tối chủ nhật ấy, trò đem cái bài luận đưa cho anh Trọng. Chiều hôm sau, tan giờ học về nhà, anh Trọng mới rủ trò Tuấn đi với anh ra nhà dây thép để mua con tem dán trên phong bì gửi vô ông chủ bút toà soạn báo Sài Gòn.

Thật ra một việc lớn lao vô cùng và liều lĩnh vô cùng. Trò Tuấn chạy đi nói với bốn cô bạn lớp nhất cái việc vĩ đại đã xảy ra, đưa đến cho trò một hy vọng mênh mông như trời như biển.
Anh Trọng có nói:
- Nếu ông chủ bút tòa soạn đăng bài của mày trên mặt báo thì ổng sẽ gửi tờ báo đó về đây cho tao, tao sẽ đưa cho mầy coi.
- Còn nếu ổng không đăng?
- Không đăng thì thôi chớ sao? Tao đã bảo mày là chó ngáp phải ruồi. Tao đọc thì tao cho là được, mà ông chủ bút ổng giỏi hơn tao, tao sợ ổng chê dở.
- Bốn cô học trò lớp nhất khen là hay.
Anh Trọng trố mắt ngó Tuấn:
- Mầy có đưa bài luận của mầy cho bốn đứa nó xem hẻ?
- Họ biểu tôi viết chứ tôi đâu có muốn viết. Họ xúi tui viết cho họ đọc.
- Mấy đứa con gái đó biết gì mà mày nghe lời tụi chúng nó? Tụi con Trâm, con Anh, con Thục, con Lài đó phải hông?
- Phải.
- Trời ơi, thằng Tuấn này! Hèn chi học trò lớp nhất chúng nó đồn mày cứ làm gà bài luận cho mấy đứa con gái rồi tụi nó mua kẹo thèo lèo cho mầy ăn, có không?
Tuấn nhe răng cười, không trả lời. Trọng hỏi tiếp:
- Tụi con Trâm, con Anh xúi mầy viết bài luận Đi chơi trên núi Phương Mai đó hả?
Tuấn gật đầu, Trọng lại hỏi:
- Mầy thường chơi với mấy đứa nó à?
- Ừ.
- Chơi gì?
- Chơi nói chuyện chớ chơi gì?
Trọng chỉ ngón tay vào mặt Tuấn:
- Mầy coi chừng, chớ mấy ông giáo sư thấy mầy cứ lê la với tụi con gái, mấy ổng phạt mầy chủ nhật phải tới lớp viết pensum thấy mồ tổ nghe không mầy!
- Miễn là tui học thuộc bài, tui làm đủ bài thôi chứ.
- Mầy liệu hồn, ông giáo sư toán và ông giáo sư lý hóa ghét mầy như ghét cứt, mầy biết chớ?
- Ghét thì ghét, tui hổng sợ.
- Mầy nói bá láp ba xàm. Học trò mà không sợ thầy thì học sao nên?
- Ông chủ bút Hồng Tiêu biểu tui ráng học văn cho giỏi để lớn viết văn cho đàn bà con gái xem.
Trọng vỗ vai Tuấn cười ha hả:
- Ông chủ bút biểu mầy thế, thật hả?
- Thật, tui nhớ câu đó hoài, tui hổng quên đâu.
Trọng cười sặc sụa:
- Thôi vậy thì tao chịu thua mầy. Mầy chờ bài luận của mầy đăng trên mặt báo, mầy sẽ đưa cho tụi con Trâm con Lài với con Thục lung quần đỏ, chúng nó đọc chúng nó khoái hỉ!
Nhưng Tuấn chờ mãi và Trâm, Anh, Lài, Thục cũng chờ mãi. Một tháng, hai tháng, ba tháng chẳng thấy mặt mũi tờ báo ra sao và bài Một buổi chiều dạo trên đỉnh núi Phương Mai cũng theo làn gió biển bay tuốt luốt ra khơi, không thấy bay về.
Gần nghỉ hè, Tuấn hỏi Trọng:
- Anh Trọng ơi, bài luận của tui hổng được đăng lên tòa soạn nhà báo ở Sài Gòn sao? Lâu quá hổng thấy gì hết vậy hỉ?
Trọng cười tàn nhẫn:
- Chắc là bài của mầy dở quá, tòa soạn cho vô giỏ rác hay vứt trong cầu tiêu rồi.

Tuấn thui thủi ra Cầu Tàu ngồi khóc một mình…


Nguyễn Vỹ
(Tuấn - Chàng trai nước Việt)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com