Lâm Bích Thủy: Về bút danh YẾN LAN, HÀN MẶC TỬ, CHẾ LAN VIÊN


 

Trong làng thơ Việt Nam, người ta hay nhắc đến một nhóm thơ của Bình Định. Nhóm thơ ấy gồm bốn chàng trai còn rất trẻ, mỗi người mỗi vẻ, thương nhau như anh em ruột thịt; quây quần bên nhau dưới ánh trăng vàng chập chờn bóng tháp Chàm cổ kính, liêu trai; cùng nhau đọc sách, ngâm thơ; cùng vui buồn với những cuộc dâu bể và sáng tác những vần thơ để lại cho đời. Về nhóm thơ này, trong cuốn “Phong trào thơ mới 1932 -1945” giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng, có cả Bích Khê và Hoàng Diệp. Ông vẫn giữ ý kiến của mình khi tái bản. Điều này, không đúng, nhà thơ Quách Tấn khẳng định: “Tứ linh chỉ có 4 người: Hàn, Yến, Quách, Chế. Mỗi người mang tên một linh vật. Hàn Mặc Tử là long, Yến Lan là lân, Quách Tấn là qui, Chế Lan Viên là phụng". Theo bác Quách, người đầu tiên dùng bút hiệu của nhóm Tứ linh trong thi đàn là Hoài Thanh.

 

-hoa-lan-vu-nu-moRRRi-nhat-d

 

Bút danh Yến Lan

Trong làng văn, ai cũng tìm cho mình một bút danh mang ý nghĩa khó quên; người thì lấy tên làng, tên dòng sông quê hoặc một kỷ niệm nào đó trong đời. Chắc chắn chỉ có ba tôi, người duy nhất lấy tên hai thiếu nữ yêu mình làm bút danh. Lúc ấy, thầy Lâm Thanh Lang (tên thật của Yến Lan) nổi tiếng người hay thơ, duyên dáng và đẹp trai. Các nữ sinh thường đọc thơ và truyện ngắn của thầy trên các tạp chí với bút hiệu Xuân Khai. Nói về bút danh Xuân Khai, bác Quách Tấn cho rằng:  “do câu thơ cổ “xuân khai hoa bản địa” mà ra”. Tài thơ và cách ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên của chàng Xuân Khai làm xiêu lòng nhiều thiếu nữ. Dáng người phong độ, gương mặt ưa nhìn, ánh mắt trong sáng, tất cả toát lên vẻ thông thái khiến các thiếu nữ ở thị trấn nọ đêm nhớ, ngày mong. Trong giờ học, có lúc thầy đang giảng, bỗng khựng lại; các học sinh nam phát hiện ra một thiếu nữ đang tình tứ liếc nhìn khiến thầy bối rối...

Lớp học của thầy, có hai thiếu nữ khá dễ thương; họ cùng tầm tuổi và vóc dáng. Cô tên Yến, cô tên Lan. Hai cô thương nhau như chị em ruột, đi đâu cũng có nhau. Cả hai đều thương thầm nhớ trộm, mê thơ và giọng đọc của thầy. Một hôm, không biết là vô tình hay cố ý, hai cô nói rõ to như để thầy nghe được: “Tao với mày chơi thân nhau như vầy, sau này có lấy chồng, chỉ lấy chung một người thật đẹp trai làm chồng, để chúng mình khỏi xa nhau” . Nghe lóm trọn câu nói của hai nữ sinh, thầy Lang tủm tỉm cười ý nhị! Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Tình bạn của họ bị chia xa. Cô Lan vẫn đều đặn một mình đến lớp thầy Lang học.

Tôi không biết ba tôi đẹp trai cỡ nào mà má tôi cũng hay nói tới điều này. Còn anh Quách Giao, con bác Quách Tấn nói với tôi rằng: “Ba em hồi trẻ đẹp trai lắm đó, thiếu nữ nào thấy cũng mê chứ không phải mình má em đâu”.

Tuy nhiên, cha cô Lan không thuận tình vì cho rằng nhà thầy không môn đăng hộ đối. Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà tỏa khắp nơi tìm. May có bà chị họ đi lễ Phật, gặp, lén báo tin về gia đình. Chàng thi sĩ họ Lâm khăn gói theo anh trai cô, vào tận chùa đón về. Và bài thơ “Phan Thiết” có 18 câu đã ra đời. Xin trích:

Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng

Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây

Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió

Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn

Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ

Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương

(4/1944)

Sau bước ngoặc này, cô Lan và thầy Lang gắn bó hơn. Hai người vẫn lén rủ nhau xuống bãi biển Qui Nhơn, ra Đập Đá bằng xe ngựa rất lãng mạn. Cha cô thấy họ quá quyết tình, đành chấp nhận để con gái cưng lấy chàng thi sĩ mà không màng đến nữa việc có môn đăng hộ đối hay không. Cô Yến ở Nha Trang nghe tin, gửi thư ra động viên, vun đắp cho hai người nên duyên vợ chồng và tế nhị rút lui lời thề lấy chung chồng năm xửa năm xưa!

Tội nghiệp, trong lần đi tản cư, chiếc thuyền chở gia đình cô Yến bị lật, làm chết hết! Biết tin, chàng thi sĩ Xuân Khai, nhớ lời thề ngây thơ của đôi bạn, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ông thay bút danh Xuân Khai ra Yến Lan

Bút danh Hàn Mặc Tử

Ông Hàn tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Khi mới bước vào làng thơ, ông lấy bút danh Minh Duệ Thị; bút danh này ít ai biết, ông đổi là Phong Trần. Nhìn vóc hạt thư sinh của ông, bác Quách Tấn chọc vui: “Anh người mảnh mai như cây sậy, làm sao chịu được Phong Trần mà ước”; và một bà cụ thâm nho ở Qui Nhơn khuyên: “Tên này không phù hợp với tính cách và dáng vẻ của ông, nên đổi lại đi.” Ông Trí bèn lấy chữ đầu của nơi sinh “Lệ Mỹ” và chữ đầu của quê cha “Thanh Tân” ghép lại thành “Lệ Thanh”. Ông rất vừa ý bút danh này.

Nhưng khi hỏi Quách Tấn thì được nghe: “Bộ anh ngó dễ thương mà hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ”, vậy tôi gọi anh là cô Lệ Thanh cho thêm duyên”. Ông Trí chẳng nói gì, ít lâu sau, bạn đọc thấy tên Hàn Mạc Tử trên các báo. Hàn Mạc có nghĩa là ”rèm lạnh”, ông cho là độc đáo, đến khoe với nhà thơ Quách Tấn... Bác Tấn cười mà rằng: “Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp Phong Trần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp Rèm Lạnh. Tránh lờ chui vào lưới, sao lẩn quẩn quá thế?” Ông Trí bực quá nói: “Vậy biết đặt thế nào cho vừa lòng anh?”. Bác Tấn bảo: “Nếu đã có rèm mà thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?”. Ông Trí bàn với bác Tấn một lúc, rồi lấy bút vạch thêm vành trăng non lên đầu chữ a ra chữ ă. Chỉ thêm một cái dấu thôi mà nghĩa khác hẳn. Từ “Rèm lạnh” giờ thành “Bút mực.”

Sau đó, ông Trí thích chí nói: “Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như bóng trăng”.

Bút danh Chế Lan Viên

Trên báo Văn Nghệ - Người văn, khi phỏng vấn Yến Lan: “Nghe nói, bút hiệu của nhà thơ Chế Lan Viên xuất phát từ tình bạn với ông?”, ba tôi trả lời: “Nói đúng hơn chữ “Lan Viên” là từ tên tôi và một bài thơ của tôi. Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) làm thơ từ lúc 12, 13 tuổi, đầu tiên lấy bút danh từ những địa danh ngoài quê hương Quảng Trị như: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Khoảng 1934, biết tôi sắp xa nhà xuống Qui Nhơn học. Đêm trước ngày ra đi Hoan có tới Chùa chơi với tôi. Thấy trời đã tối mà cha tôi vẫn thắp đèn dầu tưới lan, tôi xúc động làm bài thơ:

Rồi đây mỗi ngã một thân đơn

Con ngọn đèn xanh, cha mảnh vườn

Đêm lụi đèn tàn ai gạt bấc

Vườn lan ai ấy tưới thay con

Khi nghe tôi đọc hết bài thơ, Hoan xúc động rơm rớm nước mắt. Sau vài giây im lặng, Hoan chậm rải nói “Mình muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm bài thơ và tình bạn của chúng ta”. Rồi, Hoan đã thực hiện lời nói ấy. Các bài thơ đăng trên “Tiếng trẻ” sau này, Hoan đều lấy bút danh là “Lan Viên”. Đến năm 1936 Hàn Mạc Tử có bài thơ “Thi sĩ Chàm” tặng Hoan, ghi mấy chữ là “Tặng Chế Bồng Hoan”. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm nhân lúc đến thăm bạn, ở bên bờ đầm Thị Nại, nơi Hoan đang trọ học. Xem thấy dòng đề tặng ở trang sách, bèn góp ý với Hoan “Hoan nên ghép hai tên lại làm kỷ niệm”. Lúc ấy, bản thảo tập “Điêu tàn” vừa xong, Hoan lấy bút danh “Chế Lan Viên” và gửi cho Nguyễn Xuân Sanh, nhờ in ở Hà Nội. Từ đó trên thi đàn văn học Việt Nam, người ta thấy bút hiệu Chế Lan Viên".

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com