“Tình vui trong phút giây thôi/ ý sầu nuôi suốt đời…”. Nghe âm vang ca khúc của Vũ Thành An phổ từ thơ Nguyễn Đình Toàn. Nếu chỉ là thơ, có lẽ đã không phổ biến nhiều và bám sâu vào trí nhớ đến thế. Thỉnh thoảng lại nhớ. Nhớ, chỉ có thể do một từ. Từ ấy là gì? Chỉ có thể là “nuôi”. Cách dùng từ mới mẻ, đột ngột và tự nó đủ sức ngân vang.
Sực nhớ đã lâu lắm rồi, thời sinh viên mới trường và kiếm cơm bằng nghề viết báo. Bấy giờ, nhà báo Đoàn Thạch Hãn sau khi ngồi bóc lịch trong nhà pha đúng 10 năm vì dính dáng đến vụ án Hồ Con Rùa, anh được tự do và chưa có nghề ngỗng gì. Chẳng nhớ, do cơn cớ gì, lại thường gặp anh luôn. Chỉ cà phê cà pháo, và hát hò những ca khúc cũ. Phải nói rằng, anh Hãn có giọng ca thần sầu quỷ khốc. Nhớ nhiều. Hát rất hay.
Vào một ngày đẹp trời, vừa có xúng xính nhuận bút, cả hai nổi hứng chơi sang bằng cách gọi một chiếc xích lô dạo chơi phố xá Sài Gòn. Chiều râm mát. Nắng nhẹ. Vòm me xanh. Cứ thế, đi từ đường này qua ngõ nọ, bỗng anh Hãn cất tiếng hát: “Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng/ nâng sầu thành hơi ấm, hơ dịu tình đau...”. Đang nhẩn nha đạp xe, anh chàng xích lô buộc miệng bình luận: “Ông nhạc sĩ viết về bọn nghiện ma túy thấm thía quá”. Anh Hãn ngưng bật, hỏi ngay: “Ông vừa nói gì?”. Vẫn là câu vừa nói. “Tầm bậy. Trật lấc. Nhạc viết cho người yêu đó. Cô ta có nghiện gì đâu”, lúc ấy, y nhìn thấy anh Hãn đỏ mặt tía tai giận dữ. Thế là đôi bên cãi cọ ì sèo. Bất phân thắng bại. Ai cũng cho mình có lý. Hoảng quá, y bèn giảng hòa bằng cách bảo dừng xe, vào quán cà phê bên đường để “hạ hồi phân giải”. Vào quán, cả hai lại cãi tiếp.
Cuối cùng, anh chàng xích lô đuối lý bởi anh Hãn thừa sức phân tích về ca khúc đó.
Thật ra, khi nghe một ca khúc, mỗi người có cảm nhận khác nhau là lẽ thường tình. Sẽ nhớ mãi, sống lâu trong trí nhớ, nếu nó còn gắn với kỷ niệm của người hát/nghe hát. Bởi chỉ cần nghe thoáng ca từ, giai điệu thì lập tức bao nhiêu kỷ niệm cũ lại ùa về, gợi nhớ mồn một. Rõ nét. Nhìn chung con người ta còn có tâm lý, một khi đã thích ca khúc đó, nhất là tình ca thì họ lại tò mò muốn biết nhan sắc đã tạo nên cảm hứng cho người nhạc sĩ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên các tập sách có tính cách “bật mí” đó luôn được người đọc quan tâm.
Có thể nói, bằng sự sáng tạo, người nghệ sĩ có thể vượt qua sự lãng quên, kể cả cái chết. Chất men hiệu nghiệm nhất để làm nên sự sáng tạo là gì? Thưa, tình yêu. Lúc ấy, trái tim rung lên lên những nhịp đập như vó ngựa điên cuồng. Như thuyền xé gió ra khơi. Nhưng cũng có thể chỉ lặng lẽ như nắng ngã qua truông của một ngày trút gió. Đau đớn. Bàng hoàng. Rồ dại. Và gì nữa? Chẳng rõ. Nhưng chắc chắn, thơ nhạc được viết lúc ấy sẽ có bóng dáng của người tình thầm thương trộm nhớ trong từng phút, từng giây. Viết như một lẽ sống. Không một âm mưu. Không một thủ đoạn. Không một toan tính. Viết, như thầm gọi tên của một người trong khắc khoải ngày mơ đêm nhớ… Từng con chữ, từng giai điệu đi vào đời sống này như một lẽ tự nhiên.
Nếu Beethoven không gặp Giucciardi; nếu A.Dumas không gặp Mélanie; nếu Apollinaire không gặp Linda; nếu Hàn Mặc Tử không gặp Thương Thương, Mộng Cầm; nếu Phạm Thái không gặp Trương Quỳnh Như; nếu thuyền không gặp bến; nếu mây không gặp gió; nếu nước không gặp lửa v.v… Đại khái thế, nếu mọi sự lặng yên, lặng lẽ, lặng im không gì gặp nhau thì liệu công chúng có dịp nào để lắng nghe, chia sẻ nỗi lòng thầm kín của người nghệ sĩ, của thiên nhiên bốn mùa thay lá? Tác phẩm ấy viết cho một người. Nhưng khi bước xuống dòng đời lại hóa thành của mọi người. Mọi người tìm thấy tâm trạng của chính mình qua tác phẩm đó.
Thế thì, khi thưởng thức một tác phẩm, ta biết ơn người đã sáng tạo ra nó. Đành rồi. Nhưng còn phải biết cám ơn chất men kỳ diệu đã làm nên sự sáng tạo ấy. Nó cách khác phải cám ơn những bóng hồng trong thơ nhạc đã từng được công chúng yêu mến.
Trước đây, Hà Đình Nguyên là nhà báo kỳ cựu của báo Thanh Niên. Trên dưới hai mươi năm sống bằng nghề cày từng trang bản thảo như một gã nông dân cày sâu cuốc bẫm, anh đã gặp gỡ khá nhiều người nổi tiếng và được họ thổ lộ nhưng buồn vui sâu kín, đã giấu kín trong lòng. Và anh đã viết thành tập sách Những bóng hồng trong thơ nhạc (NXB Thời Đại).
Từng nghe “Thúy ơi, Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…” (Y Vân); “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”; (Thanh Sơn): “Em tôi hay đứng nhìn trời xanh xanh, mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ. Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây. Bao đêm thầm đếm trên tời đầy sao sáng…” (Lê Trạch Lựu); “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua?…”. (Phạm Trong Cầu); “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế …” (Trịnh Công Sơn)... đôi lúc, công chúng băn khoăn tự hỏi: nhan sắc nào đã tạo nên chất men cho ca từ và giai điệu ấy?
Hỏi, để mà thương người nghệ sĩ đã có một khoảng thời gian đã đắm đuối tình si trong nỗi niềm của sự tuyệt vọng. Họ, người nghệ sĩ ấy đã gánh trên vai cây Thập Tự Giá của một (hoặc nhiều) Cuộc Tình - có thể tình phụ, tình quên, tình đơn phương, tình đớn đau gai nhọn… Và dù tình gì đi nữa thì họ đã nói hộ cho nỗi lòng của chính chúng ta đấy thôi. Vì thế, họ hóa thành “người ơn” đã nuôi dưỡng mỹ cảm của ta và không những thế, ta còn phải cám ơn chất men đã làm nên thú đau thương hóa thành giai điệu phiêu bồng đâu đó trong trí nhớ lúc quên, lúc nhớ…
Sáng nay, vừa nhận được tập sách Chuyện tình không tên (NXB văn hóa Văn nghệ) của nhạc sĩ Vũ Thành An cũng là chủ đề trên. Có điều hấp dẫn khác còn ở chỗ do chính tác giả kể lại. Ai là người đã tạo nên cảm hứng bất tuyệt cho Tình khúc thứ nhất, Anh đến thăm em đêm ba mươi và hàng loạt tình khúc Không tên? Hãy nghe chính tác giả tâm tình: “Đại từ Em được An dùng trong những lá thư là để nói chung đến những bóng hồng đã đi qua đời An. Có thể là người tình, có thể người trở thành vợ, có khi chỉ là người em gái, bạn gái… Bây giờ các bạn đó đang sống bình yên. Do vậy nếu nhắc đến tên tuổi cụ thể của các bạn đó có thể sẽ gây xáo trộn ít nhiều cho cuộc sống gia đình của họ. Điều này thì An hoàn toàn không mong muốn nên các bạn thông cảm cho”.
Và có phải khi sáng tạo một tác phẩm cụ thể, thì cảm hứng ấy luôn bắt nguồn từ một nhan sắc cụ thể? Nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ: “Nhiều người thường nói đùa: “Nếu An có 50 bài không tên nghĩa là An có 50 người tình?”. Thật sự không phải như vậy! Không phải 50 người và cũng không phải… chỉ một người. Tuy nhiên trong mỗi bài hát thì chỉ liên quan đến một người mà thôi”. Sự hư ảo chỉ gọi qua mỗi từ “Em” được kể lại trong 14 tình thư có sức hấp dẫn riêng. Bởi lẽ nó gắn liền với ca khúc đã được nhiều thế hệ yêu thích.
Từng nghe ca từ: “Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu?/ Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?”. Không ít người, trong đó có y nghĩ rằng, “mặn nồng” ấy phải là một sự “gắn bó” từ phần hồn lẫn phần xác? Mà cũng phải thế thôi, chứ nếu chỉ “mắt liếc tình đưa” thì làm sao có thể tạo nên dấu ấn ghê gớm để bật ra tiếng lòng du dương thanh âm? Khi đọc tập sách Chuyện tình không tên, mới thấy suy luận này… trật cù chìa.
Tác giả cho biết: “Tất cả chỉ dừng lại ở những cái nắm tay, cao lắm những nụ hôn thôi, và… chỉ có thế”. Lời bộc bạch này, qua tình thư còn cho thấy tính cách của người nhạc sĩ tài hoa. Y nghĩ, có gì đó gần với nhân vật từ thời Tự Lực văn Đoàn, nhờ thế, ông mới đem lại cho người nghe sự mỹ cảm của một thời: “Anh đến thăm em đêm ba mươi/ Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi/ Anh nói với người phu quét đường/ Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Cách tỏ tình dịu dàng thơ mộng ấy, nay đã mất rồi chăng? Không đâu. Vẫn còn đấy thôi. Ít ra là trong ca từ đi cùng năm tháng…
Cách tỏ tình ấy, đáng yêu quá đi mất. Lại nao nao cảm động khi nghe được tiếng lòng của một thời: “Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ/ Rồi sẽ tan như bụi mờ/ Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho / Thả gió bay đi mịt mù…” (Phạm Duy). Kỷ vật trao cho nhau. Còn hay mất? Thế hệ của cậu, dì y ở Xứ Quảng, lúc yêu nhau, cứ như theo y biết là các chàng hay tặng cho các nàng chiếc nón bài thơ, nói cách khác chính là nón Huế. Đọc đâu đó, có chi tiết về trường hợp Nguyễn Văn Trỗi, lúc mới làm quen với chị Quyên, anh có mua tặng chị em Quyên hai chiếc nón lá. Đây là loại nón làm ở Huế với sự khéo léo của nghệ nhân, khi đưa nón lên ánh sáng thì ta sẽ đọc được những câu thơ mượt mà đằm thắm trong vành nón. Trong lúc Quyên đang vô tư, cô em gái đã “phát hiện” ra hai câu thơ mà anh Trỗi muốn gửi gắm cho Quyên:
Bước chân ra đất thần kinh
Mua về chiếc nón tâm tình tặng em
Quà tặng ấy, nói như Vũ Thành An “làm bằng chứng yêu em”. Trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam viết không nhiều nhưng hầu như truyện ngắn nào cũng đọng trong lòng ta một nỗi bồn man mác lãng đãng, mơ hồ, khó gọi thành tên. Đôi khi chỉ là: “Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi xanh ở trên cành, Nga bảo Thanh: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa. “Bao giờ anh lên tỉnh?”. “Ngày mai thôi. Kỳ này được nghỉ ít. Nhưng mai kia, tôi sẽ về ở đây lâu hơn”. Lòng Thanh dịu lại. Nga đến bên bể múc nước rửa hoa, rồi xếp bầy lên trên quả trầu. Bà cụ nhìn cô, âu yếm: “Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con?”. Nga thưa: “Anh con hái đấy ạ” và nàng nhìn Thanh mỉm cười”.
Mẩu đối thoại ngắn, có thể trợt ra ngoài trí nhớ chăng? Không đâu. Cách tỏ tình của ngày xa xưa ấy hiền lành. Trong trẻo. Đáng yêu quá đi mất. Và nay? Cũng chắc khác gì đâu, chỉ ẩn hiện ở cách biểu hiện khác mà nội dung cũng không gì khác. Tại sao? Đã tình yêu, thời đại nào đi nữa thì sự rung động vẫn tinh khôi, vẫn y chang như cái thuở vừa mới khai thiên lập địa.
Khép lại tập sách Chuyện tình không tên, Vũ Thành An tâm tình cùng đại từ “Em”: “Chỉ riêng về tình yêu anh đã trải qua nhiều mối tình nhưng không có mối tình nào đem lại hạnh phúc. Và cuối cùng, không điều nào mang lại hạnh phúc mà chỉ đem đến nỗi sầu”. Câu nói này dành cho một hay nhiều người? Y tự hỏi và nhìn ra ngoài trời. Trời đang mưa. Trong mưa vọng về câu thơ đã cũ, viết đã lâu: "biết làm sao gìn giữ giấc mơ/ dâng lên em một món quà ấm cúng/ gia tài tôi còn lại những câu thơ/ em cầm lấy hay là em ném xuống?”. Không vọng lên câu trả lời. Mưa. Ngoài trời đang mưa. Thôi thì, hãy hát lên: “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu/ Ta tìm một tiếng yêu, thấy toàn là sầu đau”, chính là “suy tư về một bài hát cho chính đời anh”, Vũ Thành An tâm tình.
Bùi ngùi quá đỗi.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|