“sao lúc ấy không thể nào khóc?/ sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi/ từng mảnh linh hồn bay trăm nơi/ làm sao nhặt đủ?/ hình hài bạn như một kỷ niệm cũ/ khó quên/ thời gian đi qua đậm đặc bóng đêm/ tôi vẫn thấy bạn quay về nguyên vẹn/ bạn đó hả? vẫn nụ hồng rón rén/ bộ quân phục rộng thùng thình/ vẫn dáng chào kiêu hãnh tân binh/ hút thuốc lá sâu kèn/ bực mình quá thì chưởi tục/ rồi cười/ lúc ấy hồn nhiên như mây trời”.
Những câu thơ viết về Những liệt sĩ trinh tiết từ năm tháng đôi mươi với nón cối, dép râu, râu ria lún phún, môi còn hồng, da trắng bạch diện thư sinh đang vọng về tâm tưởng. Nhớ. Một nỗi nhớ mộng mị. Một tiếng lòng xa ngút. Một tình yêu của thời tươi trẻ. Tại sao nhớ? À, y đang đọc lại bản thảo Hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Mấy năm trước, đã nhắc hắn ta từng ngày để sau đó có được tập bút ký Những người không gặp lại nữa. Nay, thêm một quyển sách mà trong lời Tựa, y ghi nhận cho đến nay, vẫn là tập bút ký xuất sắc nhất; và có vị trí rất quan trọng trong các tác phẩm đã viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Dòng văn học “Đất bên ngoài Tổ quốc”, cụ thể Kampuchia đã có một Đoàn Tuấn bên cạnh những Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thành Nhân, Bùi Thanh Minh, Huỳnh Kim, Lê Minh Quốc… đã khắc họa lại bằng sự linh cảm, cảm nhận từ xương máu của cả thế hệ mình.
Tại sao quan trọng? Có phải vì tình đồng đội cũ mà nói thế chăng?
Chẳng phải đâu. Ở tập sách này Đoàn Tuấn đã tẩn mẩn ghi lại thói ăn nếp ở, hoạt động tác chiến, chặng dường hành quân, tình quân dân, kể cả phong tục, tập quán đất nước bạn qua cái nhìn của người lính đã sống ròng rã một thời trai trẻ. Những trang viết ấy, quan trọng ở chỗ nó còn là chất liệu thật, chưa nhìn qua lăng kính hư cấu, thăng hoa của thể loại văn học. Chỉ là những dòng viết từ trí nhớ, từ những trang nhật ký ngay từ thời ấy.
Đọc và cảm động. Đôi lúc, phải cắn răng vào môi để khỏi bật ra tiếng nấc. Nhớ lắm. Nhớ những gương mặt tân binh còn búng ra sữa, nhớ những gương dày dạn trận mạc, nhớ những ngày “Quần xăn đến gối/ Ào ào mưa xối/ Trên lưng vác cối/ Vai khoác A.K/ Đi qua rừng già/ Bước chân thần tốc/ Từ rừng rậm đến rừng thưa/ Mưa rơi chéo chéo lúc vừa hành quân/ Vai hằn quai súng qua lưng/ Gấu quần rách toạc luồn rừng Anlung”.
Và nay, sự tri ân đến chiến hữu đã hoàn thành. Khi đưa bản thảo này cho Hoàng Anh - vợ của nhà văn, đạo diễn Trần Quốc Huấn, chị gật đầu ngay. Hơn ai hết, chắc chắn những người đã là vợ của chiến sĩ lực lượng vũ trang bao giờ cũng dành nhiều tình cảm với đồng đội cùng thế hệ với chồng. Chị bảo, cùng với biên tập viên Nguyễn Hải Đăng đọc bản thảo, có lúc cả hai rưng rưng. Nhận xét này, quý lắm. Bởi vì rằng, khi Tuấn bắt tay viết nhiều năm liền, không ít kẻ biết chuyện khuyên chớ nên. Tại sao? Thời gian quân ngũ đã trôi xa, chiến tranh đã lùi, liệu chừng độc giả hiện nay có quan tâm, tìm đọc không?
Ơ hay, một khi nén nhang đã thắp lên, trước tiên phải là sự giao cảm với người đã khuất. Sự giao hòa giữa người viết và “những người muôn năm cũ/ những người không găp lại nữa” đã có mối quan hệ chí cốt mới là quan trọng nhất. Còn những người trẻ có cảm nhận hay không lại là chuyện khác. Họ có cảm nhận không? Tin rằng, có. Dứt khoát có. Cũng tựa như thế hệ y đã từng nhớ và ngưỡng mộ sự hy sinh: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nếu Quang Dũng không viết, thế hệ sau mấy ai còn biết đến sự lẫy lừng của Trung đoàn Tây Tiến? Điều này, lúc trà dư tửu hậu anh em các trung đoàn 95, 94, 29 thuộc Sư đoàn 307 đã nói đến, bàn đến.
Sực nghĩ, đôi khi, đồng đội thân thiết với nhau, nào phải cà kê dê ngỗng với rượu, bia dạt dào như mưa nguồn rót thẳng từ trời xanh xuống bàn nhậu. Say tòe loe bông bí. Say quên cả lối về. Mới là vui. Câu thơ của Tạ Ký: “Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu/ Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh”, nghe ra hào khí lắm. Có khác nhau chăng, sau đó, con người ta bắt đầu có cái gì cho trang viết mới là điều đáng nhớ. Bằng không chỉ là một cuộc nhậu vô thưởng vô phạt. Chỉ “chém gió” là giỏi. “Buôn dưa lê” là tài. Sáng mai tỉnh dậy, chẳng nhớ gì đến những phát ngôn, những dự định đội đá vá trời. Kể ra cũng tiếc cho chất men tạo cảm hứng lúc trải lòng tâm tình. Trong những lúc ấy, Tuấn lại khác, gần như lúc nào cũng hý hoáy ghi lại những gì anh em bồ tèo đã kể, đã nhắc.
Mọi việc trên đời này, hễ cứ sắp xếp thật khoa học, chỉnh chu, ngăn nắp, nề nếp thì mọi sự diễn ra như ý muốn? Đúng lắm. Nhưng y còn nghĩ đến một yếu tố khác nữa: tâm linh. Rằng, ngày nọ, tháng nọ, năm nọ, các cựu chiến binh của Sư đoàn 307 bàn nhau rằng, phải có tập sách viết về năm tháng đã trải qua trên quê hương Chùa Tháp. Nhất là cho người đã khuất. Ít ra trong năm này phải có. Mà đúng thật. Mọi việc cứ đâu ra đó. Chẳng phải do sự phù hộ mơ hồ nào đó chăng? Tuấn đã nghĩ thế. Và khi đặt dấu chấm cho bản thảo dày cả 450 trang in, hắn đã thắp lên một nén nhang trong tâm tưởng như ngày trước, bọn y đã từng đứng trước nghĩa trang Anlungveng: “Trên trời rời rạc mây bay/ Linh hồn ấm lạnh cỏ cây vỗ về/ Nằm yên mà tưởng nhớ quê/ Đêm đêm nức nở trở về trần gian/ Thắp cho em nén hương tàn/ Hắt hiu mộ chí giữa hàng thơ xanh”.
Tuấn nhớ lại: “Không biết ai đã chọn khoảng đất giữa C7 và D bộ để làm nghĩa trang. Nhìn đi nhìn lại, chắc có mỗi chỗ đó là an toàn hơn cả. Không sợ địch mò vào ban đêm. Không sợ địch tập kích. Tử sỹ vẫn nằm trong vòng bảo vệ của đồng đội. Nghĩa trang không có hàng rào, không có biển hiệu, không có cây to. Chỉ có những cây khộp non. Và cỏ. Mỗi khi đơn vị nào có người mất, ông Vẳng lại bảo tôi: “Nhớ chôn cất cho tử tế. Phải nhớ rằng, mình làm cho người sống chứ không phải làm cho người chết. Anh em nhìn vào. Chúng nó biết, khi hy sinh, được đơn vị đối xử tử tế. Như thế, mới dám chiến đấu, dám hy sinh”.
Và trong các trang viết thấm đẫm kỷ niệm, sự chết chóc, yi tin chắc nhiều người đồng tình bởi ai lại không có tâm niệm: “Tôi tin rằng, mình đối xử chân thành với các liệt sỹ, họ cũng sẽ biết. Môi trường quân đội ngày càng thấm sâu vào tôi. Trước đây, chỉ có những đồng đội đang sống, cùng sát cánh chiến đấu, giờ, giữa chúng tôi có thêm, có chung những đồng đội đã mất. Họ là những sợi dây vô hình, nối chúng tôi lại bền chặt hơn. Và Anlong Veng, và Campuchia, tên những địa danh đã trở nên thân thuộc như tên quê hương Việt Nam yêu dấu. Bởi ở đây, đã có một phần cơ thể chúng tôi nằm sâu trong lòng đất. Tan ra. Thành chất đất, thành nước, thành khí trời, thành cỏ cây, thành bướm, thành hoa của xứ sở này”. Tuấn nói đúng lắm.
Và cuộc họp cựu chiến binh năm nay, dù bận rộn với công việc này nọ nhưng y cũng phải cùng Trần Đào Hiền Nhân - cựu binh của C7, D8, E29 về Đà Nẵng. Phải đổi vé máy bay vì chờ sách in xong. Một món quà tinh thần mà mọi người đang nôn nóng chờ đợi. Không thể thiếu. Và lại gặp Vũ Đình Chiến - một y tá đại đội nhưng được người dân Khmer gọi “Lục Thum” (ông lớn). Tại sao?
Tuấn kể: “Trong phum, có một cô gái kia khá xinh. Một hôm, cô đi làm ruộng, thế quái nào, bị con đỉa chui đúng vào chỗ kín. Về nhà, buổi tối mới phát hiện. Gia đình cô không biết làm cách nào để lấy nó ra.Chắc nó đã chui sâu vào trong.Nhiều người trong phum nghe tin, kéo đến xem, cũng không ai có cách gì. Không thể dùng lửa. Nhỡ đỉa chưa chết mà người đã bị bỏng thì sao? Họ cũng không có dầu nóng để bôi vào. Cô gái chưa chồng, nên càng phải thận trọng. Dân cũng đã thử dùng rượu. Nhưng cái thứ rượu sara vắt từ men gạo thì nhẹ hều, đỉa nào thèm buông vòi. Trường hợp hiếm hoi này, trong phum, từ xưa đến nay, chưa ai gặp phải. Họ kêu ông trưởng phum. Trưởng phum nghe đâu cũng có vài ba vợ nhưng ông cũng chưa bao giờ sờ thấy con đỉa nào trong cái chỗ oái oăm ấy, ông vào tiểu đoàn trình bày thế. Đã gần 12 giờ khuya. Chắc từ tối đến giờ, cả phum chỉ loay hoay với con đỉa.
Làm cách nào bây giờ?
Dùng panh kéo ra thì không được. Con đỉa có năng lực tự co giãn, tự đàn hồi cực tốt. Kéo không khéo, còn dính lại vòi thì cũng bằng không. Mà cái vòi con đỉa bám sâu ngần nào, ai biết? Rất thông minh và nhanh trí, Chiến bèn lấy nước muối, làm vệ sinh cho cô. Sau đó, anh lấy bông, thấm cồn. Một tay dùng panh kéo đỉa. Tay kia dùng bông cồn dí vô. Bị bỏng đột ngột, con đỉa vội co vòi lại, cuộn tròn. Chiến chỉ việc dùng panh gắp ra. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Mặt Chiến đầm đìa mồ hôi, đỏ lựng như say rượu. Chẳng sao, trông càng đẹp”.
Kỷ niệm này hay quá đi thôi, phải không? Sau khi rời Đà Nẵng, lại một chuyến sang Kampuchia. Như một sự hoài niệm trở về “thăm lại chiến trường xưa”. Thầm ước rằng, sang đến nơi ấy, dù Palin, Pnong Pênh, Siêm Riệp, Cong Pong Thom… gì cũng đặng, phải đốt một quyển Mùa chinh chiến ấy. Khói sẽ bay bốn phương tám hướng. Ngọn khói lãng đãng, dịu vợi, thơ mộng và thành kính ấy, chắc rằng những xương cốt còn thất lạc của đồng đội cũ sẽ cảm nhận lòng thành. Lúc ấy, khói bay đi. Tàn tro còn ở. Sẽ chôn lại nơi này. Như ngày trước. Ngày còn tươi trẻ, bước chân vào cuộc chiến mà lòng còn hào sảng, “tiểu tư sản” rất thư sinh mặt trắng: “Lính tráng hành quân qua quán rượu/ Mặt đỏ như là đứa trẻ ranh/ Đứa trẻ đội thơ Bạch Cư Dị/ Đêm nay ném xuống sông Mê Kông/ Sông sẽ hóa thành dòng rượu ngọt/ Chờ em xuống giặt váy dài xanh...
Vậy mà lúc đồng đội ngã vào lòng đất, ở cánh rừng đông bắc, thế hệ y cũng đã từng chứng kiến giây phút bùi ngùi, cảm động đúng như Tuấn đã viết:
“Tôi đọc lời điếu. Mưa xuống. Mặc kệ. Cứ đọc. Anh em vẫn đứng. Đầy xúc động. “Đội tiêu binh. Chuẩn bị. Giương súng lên. Mở khóa an toàn nấc 1. Đặt tay vào cò. Bắn ba phát tiễn biệt đồng đội. Bắn!”. Đầu súng tóe lửa. Khói bảng lảng trong mưa. Những tiếng nổ vang lên. Lính tráng nhẹ lòng. Linh hồn liệt sỹ chơi vơi. Bề ngoài tỏ ra cứng cỏi, chứ thực lòng, đến tiết mục ném đất xuống quan tài, tôi vô cùng sợ hãi. Tôi không thể chịu đựng hay làm quen được với âm thanh của viên đất đầu tiên ném xuống tấm ván dương. Nghe khô khốc mà âm vang đau đớn. Ngỡ như có viên đạn bắn vào giữa trái tim mình. Lính tráng cũng ý tứ. Không đứa nào muốn mình là người đầu tiên ném viên đất xuống mộ đồng đội. Phải nhắc nhau mãi, mới có thằng liều lĩnh ném xuống. Cũng chẳng biết ai. Nhưng có thằng khởi xướng, thì những thằng khác cũng ném theo. Tôi để ý, thấy thằng ném đầu tiên thường là người của tiểu đội đóng quan tài. Chúng nó là lính vận tải trung đoàn, đi phối thuộc nên ít gắn bó với những kỷ niệm sống chết như những anh em trong cùng đơn vị”.
Sau chuyến đi này, sẽ là cuộc họp với anh em cựu binh của Sư đoàn 307 tại Sài Gòn. Chỉ nghĩ đến đó, ít nhiều đã thấy rạo rực và nhẹ lòng. Năm tháng tuổi trẻ đã đi qua, chẳng thể nào quay trở lại. Ngày này, tháng này, năm này, rồi những năm tới cũng là dịp gặp mặt nhau. Hiền lành và giản dị, Chẳng có gì phải ồn ào cả. Rồi mỗi người mỗi việc. Cứ như thế, chẳng mấy chốc mây trắng bay qua, tóc xanh hóa trắng. Đời sẽ già. Có lúc sẽ gật gù nhớ lại: “Chúng tôi đi và sống/ Thanh xuân mỗi một thời/ Những người lính hào phóng/ Đạp mìn chân cụt rồi/ Nhưng trên vai vẫn cõng/ Giọt lệ lẫn nụ cười/ Cho tôi được sống lại/ Ngày đầy tuổi hai mươi/ Kỷ niệm tan trong máu/ Nuôi dưỡng tôi thành người”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|