LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.8.2017

 

20375944_1100050560131620_5066929320254476822anh-ny-1RR_n

Từ trái Đoàn Tuấn, Trần Đào Hiền Nhân, Võ Đình Chiến


Hôm nay, ngày 1.8. Sinh nhật của y đó. Ngày này có ý nghĩa gì không? Chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngày như mọi ngày. Ngày sinh ra và ngày mất dấu trên trần gian này, có gì là ghê gớm lắm đâu. Mỗi một người dù muốn, dù không cũng phải đi, đi và đi. Đi mãi cho đến tận cùng hơi thở chính mình. Đến mở ra những hỉ, nộ, ái ố rồi cuối cùng là đi và đi cũng chẳng gì cả. Trống rỗng. Rỗng không. Vô hình hài hình tướng.

Vừa đi Kampuchia về. Thăm lại chiến trường xưa. Nơi ghi dấu của một thời tuổi trẻ. Vẫn say đắm đứng nhìn hàng cây thốt nốt. Bao giờ cũng vậy. Có lẽ một trong những hình ảnh khó quên nhất là vào buổi chiều nhạt nắng, từ doanh trại nhìn xa xa, lại thấy người Khmer trèo lên cây lấy nước thốt nốt. Không cho men vào trong ống tre đã treo lên cây thốt nốt trước đó, nước ngọt lịm; nếu có thêm men, nước dậy mùi rượu. Uống từng hớp một. Say lâng lâng. Dễ chịu. Mê đắm.

Từ lúc rời quân ngũ, đã qua lại đôi lần. Lần này, cảm động hơn nhiều bởi đi cùng bạn bè bồ tèo đã sống chung chiến hào từ thuở tóc xanh mà nay đã lốm đốm bạc. Thời gian vó ngựa. Ngày tháng trôi nhanh. Tóc trắng dần. Mà kỷ niệm cũ vẫn nguyên vẹn. Thế mới biết những gì đã cảm nhận thời trẻ bao giờ cũng đọng lại trong ký ức lâu hơn cả.

Lần trước, đi chung cùng cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp của VTV để thực hiện bộ phim tài liệu Ký sự biên phòng. Ấy là những ngày vào đầu tháng 9.2008. Cảm nhận gì? Rằng thưa: “Một ngày trên chiến trường/ Chỉ gặp cây thốt nốt/ Nó cũng mang quân hàm/ Mãi mãi là binh nhất”. Ùa vào trong hai con mắt đang ngơ ngác mở ra là hàng cây thốt nốt đứng vững chãi ngàn năm trên đất nước Chùa Tháp. Năm tháng của tuổi trẻ đã hiện về rõ mồn một như mộng mị. Loáng thoáng trong đầu là những địa danh Svay Rieng, Pray Veng, Stung Treng, Siem Reap, Preh Vihear, Anlung Veng...

Y sực nhớ đến một dòng suối cạn trong đêm trăng sáng có một gã con trai mười tám tuổi, vai khoác súng AK thong thả đi cùng cô gái Khmer gốc Chàm. Nàng thỏ thẻ xin một ít xà phòng để gội đầu, gã chưa kịp tặng để thay lời tỏ tình thì ngay trong đêm đã có lệnh hành quân. Từ đó, biền biệt xa cách mãi... Cũng là lần thứ nhất trong đời, y biết đến hương vị đầu đời của nụ hôn thơm vị đường thốt nốt từ một vùng đất bên ngoài Tổ quốc. Lần ấy và lần này, sang lại chiến trường xưa, gặp thiếu nữ nào uyển chuyển trong xà - rông hoa văn sặc sỡ, lại cứ tưởng đó là nàng. Thật và mộng lẫn lộn khiến y có cảm giác bồng bềnh như đang sống giữa đôi bờ hư ảo.

Dọc theo biên giới từ Trảng Bàng (Tây Ninh) sang đất bạn đã mọc lên khá nhiều sòng bài; rồi khi đến Pnong Penh, lại thấy những hình ảnh tương tự. Y và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp lang thang trên những con đường mịt mù bụi đỏ để tìm lại những nghĩa trang ngày xưa mà đồng đội y đã nằm lại thiên thu. Nhưng bất lực. Cảnh cũ người xưa đã mất dấu. “Nằm yên mà ngủ nghe em/ Thịt xương tơi tả đã mềm đất đai/ Không còn nguyên vẹn hình hài/ Tiết trinh thì vẫn là trai dậy thì/ Một ngày biên giới chân đi/ Đạp mìn nhìn lại thấy gì nữa đâu/ Hồn bay lên cõi trời cao/ Thịt xương chằng chịt rơi vào hư vô”. Y thắp giữa trời một nén nhang để tưởng nhớ tuổi trẻ và đồng đội của mình đã xa khuất.

Có một điều gì rờn rợn tâm linh. Khi về đến Pnong Penh, bọn y tình cờ gặp một người đàn bà tên là Chan Thou. Chị quê ở Pray Veng, năm tháng chiến tranh thời trước, gia đình chị là nơi bộ đội Việt Nam thường lui tới. Chị nhớ nhất là các anh Viết, Gia, Lập... Trong một lần đi công tác cả ba anh đều bị địch phục kích, giết chết. Gia đình chị đứng ra lo mai táng. Khi quân tình nguyện thế hệ y có mặt tại Kampuchia, cả nhà chị dắt díu lên Pnong Penh sinh sống.

Một ngày kia, từ nhiều nguồn thông tin gia đình liệt sĩ Viết từ Việt Nam liên hệ được chị và ngõ ý muốn chị cách đưa hài cốt ba liệt sĩ quy cố hương. Chị nhận lời, đơn giản chỉ vì khi Khmer đỏ lên cầm quyền, dòng tộc của chị có đến 43 người bị giết, mất xác. Chị thấm thía nỗi đau tột cùng này nên tất tả quay về quê cũ và tìm mọi cách đưa ba hài cốt ấy sang đến đồn biên phòng Tây Ninh. Chị bảo: “Sau khi làm việc này, đời sống của tôi thay đổi đến mức không thể tưởng tượng được. Từ một người không đủ ăn, đủ mặc đến nay tôi đã có một tài sản lớn. Đó là do anh linh bộ đội Việt Nam phù hộ”.
 

Y cũng nghĩ như thế. Trần Tuấn Hiệp cũng nghĩ như thế. Và anh đã đưa chi tiết này vào bộ phim Ký sự biên phòng.

Lúc vào chiêm bái và quay phim cùng VTV tại Angkor Wat, Angkor Thom, y không cầm được nước mắt. Năm tháng chiến tranh, đồng đội y có thời gian trực tiếp cầm súng bảo vệ di tích này, nhưng rồi vĩnh viễn không bao giờ họ được đến lại nơi này. Họ đã ngã xuống vì mìn KP2, 45.2A, vì lồng ngực thanh tân đã hứng trọn quả B.40 trong một ngày nhạt nắng, trong một chiều mưa trút gió. Và y tự hỏi: “Nụ cười của đá có vui/ Từ trong điệu múa ngậm ngùi điều chi?/ Lời tôi khấn nguyện bay đi/ Vọng vào vách đá dội về nỗi đau/ Tôi gai ốc đến ngàn sau/ Rùng mình ngửa mặt nhìn vào hư không/ Đá sừng sững, đá lặng câm/ Đá mềm mại tựa tôi cầm tay ai/ Bất ngờ tôi hóa cụm mây/ Xin em hãy đỡ tôi bay lên trời…”.

Lên trời để làm gì? Chỉ nghĩ đơn giản là thoát ra khỏi tầm đạn bay. Hòn tên mũi đạn. Được trở về nguyên vẹn. Còn nhớ ngày ấy, Đoàn Tuấn có viết câu thơ nói hộ cho nhiều người lính: “Không cần vé vẫn lên tàu đi B/ Sang K, C cũng chẳng cần hộ chiếu/ Những con đường chiến tranh nóng bỏng/ Lính chỉ mong: hết giặc trở về”. Ngậm ngùi thay, có những người không thể về. Không thể về được nữa.

Không một ai có thể cho biết, bây giờ đồng đội  y đã nằm ở chốn nào giữa quần thể văn hóa đã được nhân loại vinh danh? Y hỏi đá. Đá lặng câm. Tượng Bayon bốn mặt. Bốn mặt cũng lặng câm. Sực nhớ đến tứ tuyệt của Chế Lan Viên: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”. Cõi ẩn hình ấy, với y chỉ có thể là máu và xương của người lính Việt đã đổ thấm đẫm nơi này. Máu ấy, không bao giờ khô đi trên mặt tượng Angkor.

Sực nhớ đến năm tháng nhiều mộng mị, mới hai mươi, ăn khỏe như voi, sức lực đủ bẻ gẫy sừng trâu vì thế đã có cảm nghĩ rất đời, rất lính khi chiêm bái những tượng nữ thần Apsara đã thấy, đã nghe: “Vọng lại từ xa xăm/ Tiếng khóc cười nức nở/ Sấm sét đùng đùng nổ/ Rách ngang dọc vòm trời/ Nàng tiên căng da thịt/ Đứng múa giữa mưa rơi/ Ai đập đầu vào đá/ Đi về trong luân hồi/ Những nàng tiên mệt lả/ Có bao giờ nghỉ ngơi/ Tiếng gươm khua rát mặt/ Vó ngựa hí vang trời…”.

Ngày xa xưa ấy, khi ở Preh Vihear, y đã sống với những mùa nắng mưa, đã nhìn thấy ngôi sao mọc lờ mờ trong tầm đại bác... Lần nọ, đi qua những đền đài nhìn thấy các tượng nữ thần ấy, sau khi quấn điếu thuốc rê sâu kèn, Hoàng An giấu đốm lửa vào trong lòng tay, rít một hơi dài và bảo: “Ước gì đó là người thật Quốc nhỉ?”. Y cũng nghĩ thế và sau phiên gác, trong giấc mơ đã có cảm giác lạ lùng nhất trong đời, đã rùng mình như chết đuối giữa sông dài. Rồi, An đã nằm lại ở nghĩa trang Preh Vihear với trái mìn KP.2 cắt ngang người trong một chiều mưa bão bùng truy kích, không kịp trối trăn. Đó là ngày 28.12.1980.

Thật không thể ngờ, những con đường những địa danh mình đã đi qua nay đã khác hẳn đến mức không thể nhìn ra được. Một hình ảnh còn lại khi xe lăn bánh vào thị xã Battambang vẫn sừng sững tượng Dambang Kranhoung -  ông vua cầm cây gậy thần như thuở nào. Y giật mình tưởng như chỉ mới xa nơi này ngày hôm qua đấy thôi. Phố xá sạch sẽ và nhiều cửa hàng mọc lên. Y lại sống trong cảm giác vừa quen vừa lạ như ngày mới mười tám xuân xanh, vẫn là một câu hỏi đau đáu trong suy nghĩ: Tại sao trên đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo lại sinh ra những tên đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary?

Câu hỏi này, lần này, y lại hỏi Đoàn Tuấn và bạn bè đi cùng. Chẳng thể tìm ra câu trả lời. Ngay tại Angkor Wat, tập bút ký Mùa chinh chiến ấy (NXB Trẻ) của Tuấn được gửi cho đồng đội ở một cõi hư vô. Ngay sát bờ sông. Một dòng chảy lặng lờ, êm đềm, thanh bình khiến cõi lòng xao xuyến không nguôi. Lửa cháy bập bùng. Cháy bén ngọn. “Chiến trường ngày cũ rưng rưng/ Một thời trai trẻ đã từng dọc ngang/ Mùa chinh chiến ấy - hóa vàng/ Quê chung thắp một nén nhang quê người”. Lòng nhẹ nhàng. Thanh thản. Những câu thơ lại vụt ngang qua nắng trưa, nghe vọng lại lào xào trong gió, từ cành biếc, từ rêu xanh, từ tiếng lòng gần gũi: “Ở đây có núi có rừng/ Xương cốt đồng đội đã từng nằm đây/ Mùa chinh chiến ấy chưa phai/ Hóa vàng cùng với đất đai quê người”.

Ước gì, những người lính quân tình nguyện, trong đời được một lần về thăm lại chiến trường xưa. Có đi mới cảm nhận được hết niềm sung sướng, nỗi đau đớn, sự bi thảm, niềm lạc quan đã dậy men, đã tươi xanh kỷ niệm trong đời. Trước kia, thế hệ y sang chiến trường K từ hướng Đức Lập, từ đường 14B. Và ngày về cũng vậy. Do đó, Đoàn Tuấn mới cảm nhận một gai ốc đến lạnh cả sống lưng: “Xe đang chay. Bỗng sững người dừng lại/ Ngắm nghĩa trang xa tít tận chân trời/ Cả thân hình chợt nóng bừng tê dại/ Hóa khói trầm nghi ngút mãi không nguôi”. Một tứ thơ chân chất. Xúc động. Cực hay. Sáng tạo. Và cũng đã khái quát được tâm thế của người lính khi trở về lại thiếu đồng đội cùng trang lứa đã từng chung sống ở chiến trường.

Và chuyến sang K lần này, thú thật, vốn háu ăn nên y rất thích những món ăn đã từng ăn ngày xa xưa ấy. Chỉ là những con cá đồng, sông, suối được phơi khô. Mà hỡi ôi, không chỉ vì kỷ niệm mà sự khoái khẩu ấy còn do yên tâm về an toàn thực phẩm. Thế đấy, đôi khi đi xa, điều sung sướng lại là món ăn chẳng cao sang gì, miễn là con cá, ngọn rau, miếng thịt chưa bị phun lên hóa chất, chất tăng trọng. Chỉ mong mỗi ngày được đưa vào miệng thực phẩm sạch. Sao khó quá đi mất. Nghĩ đến đó, lúc xe chạy về đến cửa khẩu Tây Ninh, y không khỏi nén tiếng thở dài…

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment