Đọc sách báo xưa còn thú vị ở chỗ, đôi lúc gặp vài từ, vài chữ thông dụng một thời, nay chẳng mấy ai còn nhớ đến nữa. Lời ăn tiếng nói ấy, đọc to lên, dù chỉ mới hiểu nghĩa mang máng nhưng cũng có thể hình dung ra cái thời xa xưa ấy.
Vừa đọc một câu ca dao, tự dưng lại nghĩ về một chàng trai lam lũ, tráng kiện, có gương mặt khôi ngô, thông minh, lý trí mạnh hơn cảm xúc: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề/ Thăm em một chút anh lộn trở về/ Kẻo mà trăng lặn tứ bề núi non”. Rõ ràng, từ nhà chàng đến nhà nàng phải là một khoảng cách rất xa, có khi phải băng đồi lội suối. Sá chi. “Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo/ Ngũ, lục sông cũng lội; thất, bát đèo cũng qua”. Trai trẻ hiện nay, dù nông thôn hay thành thị khó có thể trải qua tâm trạng âu lo, thắc thỏm khi “trăng lặn tứ bề”. Nghe câu chia tay, nàng bèn làm mặt giận, lẫy: “Thăm em một chút anh lộn trở về/ Hay là lập kiểng, trồng huê nơi nào?”. Phụ nữ lúc đang yêu là chúa nghi ngờ. Anh đã có, đang tăm tia người khác rồi phải không?
Kiểng là Cảnh, có phải do người miền Nam kỵ húy Đông cung hoàng tử Cảnh - con cả của vua Gia Long? Chẳng nhẽ, ngay cả con vua mà dân đen cũng phải kỵ húy nữa sao? Đọc sách của Vương Hồng Sển mới biết, thuở trước, trong Nam không dám gọi Lê Văn Duyệt, phải nói trại ra “Lê Văn Dượt”. Thế mới biết uy quyền của ông Tổng trấn Gia Định ghê gớm biết chừng nào. Mà với người Việt, một khi dùng từ trại đi cũng là cách gây cười, hài hước. Bằng chứng, trong Hồ Gươm phú, Tú Mỡ viết: “Tòa nhà Khai Trí bên đền, trống bài điếm chát tom! Thái bường quá nhỉ!/ Vườn cảnh Bônbe trước mặt, khách phồn hoa nhộn nhịp, vui vẻ xiết bao!”. Thái bình trại ra thái bường, vui ra phết.
Thành ngữ có câu, đọc lên, mày râu phì cười, nữ nhi thẹn đỏ mặt: “Da bần quân tụt quần không kịp”. Trong Nam lại gọi trại qua tên khác: Muồn quân/ Buồn quân. Trong tờ báo Thông loại khóa trình, cụ Trương Vĩnh Ký có kể: Tục truyền thuở xưa, người đem quân đi mà hết lương đói lắm, quân gia buồn bực, may mà có trái cây ấy trông như viên đạn, sắc màu tím bầm, mùi ngọt ngọt, hái ăn đỡ đói. Vì vậy trong chữ kêu là ngộ quân”. Cách giải thích này, thú lắm. Cũng tựa như giải thích về trái loòng bong ở Quảng Nam, khi nó còn có tên Nam trân.
Y thích ca dao này của Nam bộ: “Ra về thấy kiểng thêm thương/ Nhành mai ủ dột, vách tường nhện giăng”. Nghe ra, tâm trạng quá đi mất. Thử hỏi, chàng trai ấy, từ nơi đâu ra về? Từ Hóc Bà Tó chăng? Là ở chốn nào? Chẳng ai có thể giải thích rành rọt, dù ai cũng ngầm hiểu cụm từ này chỉ nơi xa xôi hẻo lánh, khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi, đồng không mông quạnh ít ai lui tới. Lại nữa, “Ngó qua bên kiểng Tô Châu/ Thấy em dệt lụa trên đầu giắt trâm”. Tô Châu ở đâu?
Đọc sách báo cũ, đôi khi gặp một vài địa danh, tưởng ra xa lạ nhưng nào ngờ nơi ấy có thể mình đã từng lui tới. Địa danh, tự nó đã là một giá trị, có liên quan đến những sự kiện về văn hóa, lịch sử, kinh tế, con người… hiện diện từ quá khứ. “Đồng thời còn là những chứng tích về ngôn ngữ và có thể cả về văn tự mà các cộng đồng đã đặt, đã dùng và lưu lại trên địa bàn cư trú và phát triển của mình” (Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX - NXB Khoa học xã hội, 1981). Vì lẽ trên, địa danh còn có thêm một yếu tố quan trọng khác là đã thuộc về tâm thức, ký ức không thể xóa nhòa của con người sống trên vùng đất đó. Địa danh không chỉ là một tên gọi, còn là tinh thần từ sức mạnh của quá khứ, thôi thúc con người hiện đại biết sống, hướng về tương lai như thế nào cho phải đạo, ít ra không phụ lòng với quá khứ vô hình đã có.
Những ai đã từng sống lâu năm tại Sài Gòn, có còn nhớ đến Phiên An?
Từ thành Phiên An đến thành Gia Định là một câu chuyện dài. Khi viết Gia Định thành thông chí, một trong “Gia Định tam gia” là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), ở phần “Cương vực toàn thành” viết tỉ mỉ gồm các trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên. Căn cứ vào đó, ắt biết trấn Phiên An phía bắc giáp Biên Hòa, nằm trong khu vực địa lý từ sông Thủ Đức đến sông Bến Nghé, chuyển quanh xuống ngã ba Nhà Bè, thẳng ra cửa Cần Giờ. Ban đầu gọi Dinh phiên trấn, năm 1808 vua Gia Long đổi thành trấn Phiên An.
Trải qua thăng trầm lịch sử, tên gọi Phiên An biến mất.
Tất nhiên, sự thay đổi ấy mỗi thời đều có cái lý của nó, chỉ vất vả cho thế hệ sau, khi học/học sử về những sự kiện có liên quan đến thành/trấn Phiên An như vụ nổi dậy của Lê Văn Khôi chẳng hạn, khó thể hình dung ra một vị trí cụ thể. Nếu tên gọi không thay đổi, có lẽ sự nhận thức, nối tiếp về lịch sử thuận lợi hơn và cũng gần gũi hơn với các thế hệ sau.
Theo y biết, “hội văn nghệ” đầu tiên của Sài Gòn chính là Bạch Mai Thi Xã. Giữa thế kỷ 19 đã xảy ra cuộc bút chiến dữ dội giữa các nhân vật lừng lẫy: Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu… Địa điểm sinh hoạt của thi xã này ở chùa Cây Mai (còn có tên gọi Mai Sơn tự). Tự điển Sài Gòn - TP.HCM (NXB Trẻ - 2001) cho biết chùa này dựng vào năm 1816 và “Tháng 5.1860, Pháp đóng quân ở chùa để tiến đánh đại đồn Chí Hòa”; “Trước năm 1945, đường Nguyễn Trãi tiếp giáp với đường Hùng Vương được đặt tên Rue de Cây Mai” (tr.658).
Với tên gọi này, tự nó đã là nhân chứng của một giai đoạn hào hùng và bi thương của lịch sử. Những bài thơ bút chiến của một thời diễn ra tại chùa Cây Mai đã khái quát được tinh thần dấn thân, thái độ chính-tà rạch ròi của kẻ sĩ trước thời cuộc. Chính cuộc bút chiến này đã cho thấy miền Nam - “vùng đất mới” còn là nơi hội tụ những hào kiệt văn chương lừng lẫy. Nếu tên gọi của con đường này - một tên gọi đường bình dị, dân dã như tính cách người của vùng đất này - “Cây Mai” vẫn còn giữ nguyên như trước, có lẽ âm vang về quá khứ, về hồi ức của một thời sẽ có sức sống mãnh liệt hơn với người đương thời.
Dù vẫn biết tên gọi của nhiều địa danh đã thay đổi do nhiều lý do khác nhau nhưng nếu không xáo trộn, không thay đổi thì vẫn tốt hơn khi nhìn lại bề sâu, chiều dài của một vùng đất. Ý nghĩa tích cực nhất của lịch sử, văn hóa lúc “ôn cố tri tân” là gì nếu không là nguồn năng lượng tinh thần tiếp sức cho đời sau?
Này, tiếp sức năng lượng cho đời sau, có thể tìm qua sách bao cũ, được chăng? Tại sao không? Ai cũng biết, Sài Gòn có nhiều nơi trồng cây giá tỵ, tức cây tếch. Thử đố khó một câu: “Loại cây này du nhập vào Nam bộ tự thuở nào?”. Nghe câu đố ấy, chắc chắn nhiều người sẽ cầu cứu đến ông Google. Y cũng thế, nhưng rồi cuối cùng bó tay toàn tập. May quá, mày mọ tìm lại tờ báo Thông loại khóa trình số 3 (6.1888) do nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký chủ biên, mới biết tường tận. Đọc sách biết cái hay, lý thú, ích kỷ gì mà không ghi chép lại cho nhiều người cùng biết? Thì đây:
“Chính tên cây thường hay kêu dầu xiêm là cây giá tỵ (Le teck siamois). Cây nó dẻo, lại mịn thịt cũng có vân, xuống nước nổi là đà. Nó ở khô, ở ướt cũng bền. Bấy giờ, Tây cũng dụng mà đóng tàu. Nó được cái hay là nó không nhớt, lại đinh đóng vô thịt nó thì không hay bị sét. Đinh mà sét thì sau nó rã sét thì nó lỏng nó sút ra; mà đóng vô giá tỵ thì không hề sét, nên người ta dụng nhứt trong việc đóng tàu là vậy.
Annam biết nó mà đặt tên cho nó là giá tỵ là từ đời Gia Long, Minh Mạng về sau.
Làm thứ cây này thì phải có ý mới được: dạo rừng coi lựa rồi thì phải lấy rìu mà rong da gốc nó một vòng, rồi để đó cho nó héo, nó chết, nó khô lần, qua năm sau hãy đốn, hãy hạ nó xuống thì nó không có xé, có nứt hai đầu ra. Bằng đốn tươi nó đi thì làm sao nó cũng xé, cũng tách đầu nó ra chẳng khỏi đâu.
Nguyên đời quan Nguyên soái Gia có xin giống mà trồng, nên ông Lưỡi đen (tên Pinklào) là ông vua nhì (vannà) trong Xiêm mới cho ương cây cùng lấy hột, vào bao bì rồi sai quan Annam là ông Thái làm chức “Luổng phlỏng sặt thướng chào kròm sái” ở trong Bangkok đem ra cho quan Nguyên soái”.
Dù câu văn lủng củng nhưng đọc lại, khác nào được nghe người xưa kể câu chuyện cổ tích? Dám đồ rằng, chuối sứ là do quan ta đời Nguyễn đi sứ Thái Lan đem về mà có giống này. Không những thế, còn có vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dừa xiêm v.v… Cũng theo cụ Ký, ở miền Nam có loại ghe Tam Bản là do nói trại từ “sam” thành “tam”: “Sam bản là loại như ván thông, dùng mà đóng xuồng nhỏ nhỏ”. Do không hiểu như vậy, nên khi định nghĩa về ghe tam bản trong từ điển vẫn là: “loại ghe lớn hơn xuồng, đóng bằng ba tấm ván”. Ghe còn có nghĩa là nhiều. Bài ca chúc Tết thanh niên của cụ Phan Bội Châu có câu: “Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn/ Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan/ Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại/ Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi/ Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần”.
Khi đọc quyển Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn in năm 1897 của Paulus Của Huỳnh Tịnh đốc phủ sứ, thấy có nhiều câu khuyên chớ nên cờ bạc. Rồi lại hỏi, có phải người Việt cũng khoái hũ chìm với men say? Tự hỏi, bởi trong Thông loại khóa trình, thỉnh thoảng cụ Ký có cho đăng bài về cái tệ uống rượu. Chẳng hạn, “Một chén hãy còn phân tử tế/ Hai ve rồi lại nói câu mâu/ Mắt kia trợn trạc như mắt khỉ/ Môi nọ phều phào tợ môi trâu/ Lẽo đẽo nước trong mà độc địa/ Nuốt vào khỏi cổ lại nhức đầu”. Còn cờ bạc thì sao? “Đặt một chung ba nhiều kẻ muốn/ Tham vui chịu lận ít ai dè/ Tham giàu đòi thuở lâm nghèo ngặt/ Hào kiệt ghe phen phải sụt sè/ Trước mắt hư nên gương sẵn để/ Răn mình trước liệu kẻo nghiêng xe”.
Đấy, ai dám bảo những trang sách báo cũ với bài vở như trên đã lỗi thời?
Làm nên sự khác biệt từng vùng miền còn là thổ âm, thổ ngữ nữa. Nói thế, chẳng ai thèm cãi làm gì cho nhọc xác, hiển nhiên phải là vậy. Những ngày này, đọc lại ca dao trong sách xưa, lại càng nhận ra rằng, chính Nam bộ là nơi đã phá cách thể thơ lục bát quyết liệt nhất. Khó có thể tìm thấy nhiều như ở ca dao Trung bộ, còn Bắc bộ là càng không có, bởi thể loại này đã ổn định, định hình ngàn năm trong sự chỉnh chu trở thành sự mẫu mực.
Dứt tình thương cho bậu lấy chồng
Bậu lấy chồng rồi đừng qua đừng lại
Bậu gối tay qua đầu, bậu nghĩ lại thương qua
Hoặc:
Một vũng nước trong, năm bảy dòng nước đục
Một trăm người tục đôi ba chục người thanh
Biết đâu cao nấm ấm mồ, bậu ôm duyên chờ đợi Hớn Hồ mất công
Hoặc:
Anh tủi thân anh như trái chanh chai ngắt, như trái tắc bị đèo
Thương nhau đứt ruột ngặt nghèo khó phân
Lúc nào rảnh rỗi sẽ chọn nhón thêm từ các quyển Câu hát đối theo bạn cấy, Câu hát góp… in ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Âu cũng là một cách giúp bạn đọc mua vui, vì các câu như trên chẳng còn thấy phổ biến nữa. Trở lại sự phá thể, biến thể trong nhịp ca dao 6/8 đã phản ánh điều gì trong tính cách con người ở vùng đất phương Nam. Câu hỏi gợi ý này, biết đâu về sau có người chú tâm lý giải thì tốt quá.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|