LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.2.2016

 

ngy-tho-nguyen-tieu-2016

 

Tại miền Nam, Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký là văn bản chữ Quốc ngữ đầu tiên. Lâu nay cứ tưởng Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925 là văn bản Kiều chữ Quốc ngữ đầu tiên in ở miền Bắc. Không phải, ở miền Bắc phải kể đến Kim Vân Kiều tân truyện của E.Nordemann in năm 1897. Vài năm trước, NXB Hội Nhà văn có tái bản quyển Quảng tập viêm văn (Annam văn tập) cũng của tác giả này, in lần đầu vào năm 1898, ngoài bìa ghi rõ “Dáo học Ngô Đê Mân chích lục”. Có thể hiểu “dáo”: giáo; “chích”: trích. Ông Nordemann là ai? Nói tắt một lời, ngày 1.4.1892 tại số nhà 59, phố Rue des Eventails, Hà Nội, Hội Trí Tri được thành lập theo sáng kiến của một số thông ngôn và giáo viên tiểu học bản xứ, với mục đích ban đầu là cùng trau giồi kiến thức và ngôn ngữ Pháp. Trong số các sáng lập viên của Hội có ông Nordemann - giáo viên tiểu học, sau này là Chánh Sở Học chính Trung Kỳ. Trụ sở của Hội Trí Trí về sau Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội.

Có những điều lâu nay cứ tưởng là thế, tin là thế nhưng rồi đến một lúc lại cảm thấy trật lấc. Ngày kia, chừng mười năm trước có ghé sang Hội Nhà văn TP.HCM chơi. Lão nhà văn già bảo, về cuối đời sẽ viết lại cảm nhận của ông về Sài Gòn. Bèn hỏi, tại sao thế? Ông trả lời, ngày còn ở trong rừng chỉ qua sách báo, thông tin tuyên truyền cứ nghĩ “hòn ngọc Viễn Đông” thế này, nhưng khi đã sống lại phát hiện ra không hẳn, nó không thế này mà lại thế khác. Do đó, ông nhà văn lão thành này đã có những cảm nhận khác. Thế đấy. Nhận thức của mỗi người, có sự thay đổi cũng là lẽ tất nhiên. Hơn nhau, khác nhau ở chỗ là có dám trình bày lại lại sự thay đổi ấy hay không? Khó lắm.

Lâu nay, đã hiểu về chữ “chán chường” trong Truyện Kiều như giải thích của học giả Đào Duy Anh: “1. Đã trải qua nhiều rồi, không thích, không thú nữa, ví dụ: Quá chiều nên đã chán chường yến oanh; 2. Đã trải nhiều, không biết xấu hổ nữa; ví dụ Cổi xiêm lột áo chán chường”. Mà “chán chường” còn tạo nên cảm giác về một việc gì mà nình đã ngao ngán, chán ngán, đã bưa lắm rồi. Thế nhưng, ở thế kỷ trước, cụ thể những năm 1895-1896, năm ấn hành quyển Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của lại giải thích “chán chường” như sau: “no nê, vừa bộn, nhàm lờn. Chán chường: tỏ tường, bày ra trước mắt; thấy chán chường: thấy tỏ rõ; chán việc: nhiều việc, bộn việc; no chán: no rồi; ăn chán: ăn đầy bụng, hết muốn ăn; chán đồ ăn: chẳng thiếu chi đồ ăn; chán hê: nhiều lắm, dư ra; chán rồi: nhàm rồi; biết chán: biết dư, biết nhàm (tr.120).

Từ giải thích trên, có lẽ nhiều người đồng tình với với ý kiến của “nhà Kiều học” Nguyễn Quảng Tuân: “Cổi xiêm lột áo chán chường” là cởi lột áo xiêm bày ra trước mắt cho mọi người thấy. Nếu thế, câu thơ chỉ miêu tả hành động của Kiều chứ không ngụ ý cảm xúc của Kiều về việc làm đó. Giải thích như thế là đúng, vì lúc ấy, Kiều về tới Lâm Truy, bước vào “lầu xanh” và có một vài nhận xét đầu tiên. Nàng nhận xét từ mụ Tú “ăn gì to lớn đẫy đà làm sao” tới “Giữa thì hương án hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày“. Nơi đó, các cô gái hành nghề buôn hương bán phấn: “Cởi xiêm lột áo chán chường/ Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm/ Đổi hoa lót xuống chiếu nằm/ Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi”. Rõ ràng, lúc ấy Kiều chưa hề trải qua cảm giác " Đã trải nhiều, không biết xấu hổ nữa" như cụ Đào Duy Anh đã chú giải.

Đọc từ điển cũng có cái thú của nó đấy chứ?

Nhắc lại chi tiết nhỏ này bởi mấy ngày Tết vừa rồi về quê, nàng hỏi, anh có có đem sách gì theo đọc không? Tất nhiên có. Đó lá quyển Đồng âm dẫn giải và mẹo luật chính tả của Trần Văn Thanh, Việt Nam tu thư xuất bản tại miền Nam năm 1963. Nào ngờ, nàng nhăn mặt một cách kinh ngạc: “Thế à? Thế à?” cứ là như từ điển là loại sách không thể dùng để đọc giải trí. Nhiều người cũng có quan niệm đó, bởi loại sách này khô khan, chỉ dành phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập. Nghĩ thế thôi, cứ chịu khó lật từ điển đọc vài trang mỗi ngày mới vỡ lẽ ra nhiều điều lý thú chán!

Mới tối hôm qua, nàng bảo, anh phải siêng năng tập thể dục, ăn uống đầy đủ, chứ ốm tong, ốm teo, ốm như cà tong thì trông mất phong độ quá.  “Ốm” là “gầy”. Nghe câu “ốm như cà tong” nhưng thú thật “cà tong” là gì thì chịu chết. Nó cũng là một loại cò chăng? Nghĩ thế vì sực nhớ đến câu “ốm như cò ma”, bài vè Nam bộ cũng có câu: "dáng đi vất vưởng/ như thể cò ma"? Nó cũng là một loại như trái cà chăng? Nghĩ thế vì sực nhớ đến một loại cà dài ngoằng, ốm teo có cái tên cực kỳ oanh liệt là “cà dái dê”. Nó còn gọi “cà tím”, nướng lên, cho thêm một ít hành mỡ nữa rồi chấm nước mắm thì ngon tuyệt. Ca dao Nam bộ có câu:

Nên thì lập kiểng trồng hoa,
Chẳng nên đá kiểng trồng cà dái dê
Chẳng nên thiếp trở lộn về,
Dưỡng nuôi từ mẫu trọn bề hiếu trung

“Kiểng” là “cảnh”. Có cách giải thích là do kiêng âm "Cảnh" trong húy của Nguyễn Phúc Cảnh nên đọc thành "kiểng"; hoặc do con trai của vua Gia Long tên là Cảnh nên mới có biến âm đó. "Muốn làm kiểng lấy gái Sài Gòn/ Muốn ăn mắm cái, lấy gái đen giòn Bạc Liêu".  Cây cảnh/ cây kiểng; làm cảnh/ làm kiểng; cá cảnh/ cá kiểng; lính cảnh/ lính kiểng v.v… Lính cảnh không phải xông pha ra trận, đối mặt vơi hòn tên mũi đạn, chỉ ở hậu phương làm những việc phục dịch việc vặt, ngồi bàn giấy. Có một điều thú vị không rõ từ bao giờ “lính kiểng” lại trở thành “lính cậu?”.

Lòng vòng một hồi cũng không thể quên đi thắc mắc “cà tong” là gì?

Bèn tra từ điển Huình Tịnh Paulus Của, mừng quá, rành rành như vầy: “Con cà tong: Loài hươu, mang cao giò, chạy hay lắm”. Tóm lại, “cà tong, cà teo, cà nhom” là cao, gầy, mảnh khảnh, coi bộ ốm o. Mà thật ra, ốm (gầy) cũng chằng sao. Thời buổi này, chán gì người phải ăn kiêng, detox  để có được thân hình như y?

Về tình hình văn học nước nhà, trong thời điểm này có một vài sự kiện đáng chú ý: Ngày thơ Việt Nam năm 2016 đang triển khai ở các địa phương trong cả nước, nghĩ cho cùng, cũng là một phong trào “đến hẹn lại lên”. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy thơ trở lại với trong đời sống. Hôm trước, y viết tham luận bằng thơ sẽ trao đổi trong tọa đàm “Sức sống thơ ca của TP.HCM từ 2010 đến 2015”. Tọa đàm này diễn ra vào lúc 8g30 sáng ngày 20.2.2106 tại Hội Nhà văn TP.HCM. Y quan niệm không phải thay đổi hình thức mà vấn đề là thơ viết về cái gì? Viết cái gì? Đơn giản vậy thôi:

Nhân loại đã chơi xong ván bài binh xập xám
Thể nghiệm đông - tây xáo trộn lằng nhằng
Hình thức à? À, chỉ là hình thức
Phải làm sao níu lại vệt sao băng?


Ẩn số ấy, tôi hỏi tôi dằn vặt
Hồn vía thơ ở đâu trong chín cõi vô hình?
Mỗi con chữ trổ bông trên cánh đồng chữ nghĩa
Là khi tôi dám thanh lọc máu mình


Giọt máu ấy tượng hình như hòn lửa
Thấu thị buồn vui không riêng chỉ một người
Mai sau nữa trên đường dài vạn dặm
Sứ mệnh của thơ không cách biệt với Đời

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn comment:

Bây giờ thời của văn xuôi
Thơ như sương sớm lúc đời đang mơ.

Có lẽ Tuấn nói đúng. Thêm một sự kiện độc đáo nữa, cần ghi lại là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã lập kỷ lục: 100 ngàn bản in lần đầu tiên cho tác phẩm Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (NXB Trẻ). Theo Nguyễn Nhật Ánh: “Tâm hồn con người cũng cần có vitamin, và sách - nhất là sách viết về động vật - là loại vitamin tuyệt vời nhất. Vì nếu con người ta biết yêu thương một con chó, thì hiển nhiên người ta sẽ biết yêu thương con người; xã hội nhờ vậy sẽ bớt đi những chuyện đau lòng”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment