Đọc lại Số đỏ, chắc hẳn ai lại không phì cười trước cảnh ngộ đáo để: Trong lúc Tuyết, một cô gái tân thời đang tung tăng trong vườn hoa, có chàng thi sĩ lẽo đẽo theo sau: “đôi mắt lờ đờ, cái thân thể ốm o lẩn trong bộ Âu phục quần chân voi, cứ đăm đăm chiêu chiêu nhìn Tuyết”. Và… ngâm thơ: “Chẳng được như hoa vướng gót ai/ Lòng ta man mác tả tơi thay/ Vội vàng nhặt lấy bông hoa nát/ Ðể áp cho lòng nỗi đắm say!”. Lúc ấy, Xuân Tóc Đỏ đi bên cạnh Tuyết, chẳng lẽ im lặng để mặc cho “tình địch” sử dụng thơ chiếm lấy trái tim trinh nguyên của nàng ư? Không, Xuân Tóc Đỏ cũng há mồm ra đọc thơ, xem ra hiệu quả lắm, nếu không, sức mấy Tuyết thốt lên khen: “Giời ơi, anh là một bậc kỳ tài! Thật là xuất khẩu thành chương”?
Nhắc lại chi tiết này, dù dẫn chừng từ tiểu thuyết trào phúng, nhưng rõ ràng, Vũ Trọng Phụng đã lấy xây dựng tình tiết từ cuộc đời thật. Nghĩa là, tỏ tình bằng thơ trước đây phổ biến và nay, chưa chắc đã mất đi.
Một trong những câu thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời” - chính là thơ tỏ tình dành cô nữ sinh Phùng Thị Cúc, 17 tuổi học trường Thăng Long (Hà Nội). Sau này, cô sẽ là nhà điêu khắc lừng danh năm châu bốn biển: Điềm Phùng Thị. Từ những vần thơ thời thanh niên, mãi vài chục năm sau, khi gặp lại, cả hai đều đã lập gia thất, trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, Lưu Trọng Lư kể: “Hôm ấy Nguyễn Tuân dắt Cúc lại ngồi bàn với tôi và vợ tôi là Mừng, Tuân cười xì xì: “Đây rồi, đối mặt thì ngâm gì thì ngâm đi”. Tất cả chúng tôi cùng cười với nhau vui vẻ, tưởng chừng như cuộc sống chẳng có điều gì xẩy ra, có khi như thật mà như đùa vậy”.
Vâng, cuộc sống nó vốn thế, cứ diễn ra mọi điều, có thể lúc mình không toại nguyện, nhưng về sau, ngẫm lại, biết đâu lại hay.
Nghĩ rằng, đọc một bài thơ nếu biết thêm cảm hứng của tác giả bắt đầu từ hình bóng nào ắt cũng thú vị. Ông Hồ Dzếnh bảo rằng: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, có lẽ chữ “đẹp” ở đây chính là cảm hứng, sự hưng phấn của nhà thơ lúc đang đeo đuổi người tình chăng? Mà một khi đang đeo đuổi, đang tán tỉnh, đang lên bờ xuống ruộng, đang hồn xiêu phách lạc, đang “như đứng trên lửa, như ngồi đống than”, đang thầm thương trộm nhớ thì cảm xúc thơ mới dạt dào như sóng vỗ. Những bài thơ nồng nhiệt yêu đương ấy, người nhận sẽ xiêu lòng chăng?
Chưa chắc.
Khi đang là sinh viên năm thứ hai, y đã chết mê chết mệt với một nữ sinh viên khóa trước, được giữ lại trường, học tiếp làm giảng viên. Trời, nghe giọng nói Mỹ Tho mà cứ ngỡ như uống nước dừa xiêm. Làm thế nào để bày tỏ tình cảm? Chỉ có thơ. Một trong những bài thơ y viết cho nàng năm tháng ấy, Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, sau này nhiều người yêu thích: “Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân/ Có phải tôi về nên mùa này mưa vội?/ Qua kênh Chợ Gạo một chiều bão nổi/ Đôi mắt tôi chìm trong đôi mắt của em…”. Còn nhớ, buổi chiều hôm đó trời mưa tầm tả, y và bạn học Trương Nam Hương đã đi chung chiếc xe đạp sườn ngang lên nơi nhà nàng đang ở trọ để trao thư. Con đường Phạm Viết Chánh ấy, làm sao có thể quên?
Khi đến nơi, ướt như chuột lột, mặc tiếng gọi đến khản giọng nhưng cửa nhà vẫn im ỉm đóng. Đành bỏ bài thơ vào bao ni lông cho khỏi ướt, rồi ném luôn vào trong sân. Vài ngày sau, tình cờ gặp nhau, nàng bảo: “Em trả lại bài thơ cho anh đây. Em đã đính hôn rồi. Anh ấy cũng bộ đội xuất ngũ như anh”. Chính câu cuối cùng khiến y tự ý thức phải rút lui. Chẳng lẽ lại tán tỉnh một đồng đội, dù chưa gặp mặt nhưng cũng đã trải qua chiến tranh như mình? Vì thế, trong bài thơ Bài ca từ biệt mới có câu: “Tôi mường tượng dáng em về yểu điệu/ Lúc con sông bẽn lẽn áo vu quy/ Chim chóc ơi bay về đây uống rượu/ Chia sớt cùng tôi men đắng buổi chia ly…”.
Bẵng đi một thời gian dài, ngày nọ có một bạn đọc nam đến Báo Phụ Nữ TP.HCM tìm gặp y. Thật ngạc nhiên khi anh đưa Thiệp cưới và mời dự. Ngạc nhiên quá, y có quen biết gì đâu. Sau một lúc trò chuyện, anh cho biết đã chép bài thơ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương nhằm “thay lời muốn nói”. Không ngờ, cô bạn gái gật đầu cái rụp. Một phần do thơ, còn một phần do nội dung nói đúng tâm trạng của chàng trai miền Trung yêu cô gái Tiền Giang. Anh kể: “Vợ sắp cưới của tôi tâm sự là bị “đốn ngã” bởi mấy câu này: “Đừng ví tôi như sỏi đá miền Trung/ Tình yêu đến ai không nghe cỏ hát?/ Tôi vội vã vì trong ruột đất/ Mẹ tôi gieo hạt lúa phải còng lưng”. Cô ta bảo đọc xong thương… tôi quá”.
Thế đấy, có những bài thơ đã viết, chính tác giả thất bại, trái tim giai nhân không run rẩy, xúc động mảy may nhưng lại ép-phê người tình của kẻ khác. Đúng. Làm sao có thể “thống kê” đầy đủ bao nhiêu người trải qua nhiều thệ hệ đã mượn thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Nguyễn Nhật Ánh… để thổ lộ tâm tình? Và bao nhiêu người đã nhờ vần thơ ấy mà nên duyên vợ chồng?
Trong vòng hơn 20 năm đã in đến chục tập thơ, từ Trong cõi chiêm bao đến Thơ tình của Quốc, qua đó, có bao nhiêu bài thơ đã viết riêng cho những ai đó? Khó có thể đếm hết, dầu rằng vẫn còn nhớ như in từng nhan sắc ấy. Nhưng rồi, y nghiệm ra rằng, thơ không là gì cả. Những bài thơ ban đầu được gửi đi, có thể vọng về một tín hiệu nào đó, nhưng thơ không là tất cả. Ngoài thơ, tình yêu còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Nhiều lắm. Đôi lúc, người thơ không đáp ứng nổi, chẳng gì to tát, có thể chỉ là món quà ngày sinh nhật, câu nhắc chúc mừng ngày lễ Valentin, 8.3 chẳng hạn, nhưng rồi lơ đễnh, đễnh đoảng, lơ tơ mơ với thơ nên lại quên khuấy. Thế là bao nhiêu công sức tỏ tình bằng vần điệu du dương trở thành công cốc.
Đến một lúc nào đó, bản thân nhà thơ cũng không còn viết những bài thơ tỏ tình như thời trẻ nữa. Đơn giản, họ đã “yên bề gia thất”. Một lời hẹn hò, tỏ tình hết dám thốt ra; một chút say nắng cũng không; làm sao dám tung tăng, bay nhảy như thời trẻ? "chỉ cần nghe gió hát trên môi/ mây trời bay thấp thoáng/ bóng hồng khác lại khiến anh choáng váng/ săn đuổi theo bằng cảm xúc huy hoàng/ như lần đầu tiên/ như lần thứ nhất/ cũng đắm say đầu mày cuối mắt". Đã hết dám rồi. Hôm nọ, y bảo nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Bây giờ Q sống nhẹ nhàng lắm. Nếu cái gì của mình ắt của mình, bằng không chẳng gì phải dằn vặt, đớn đau, thổn thức, mất ăn mất ngủ như trước. Tuyệt quá, phải không anh?”. Ông nhà văn Tình nhỏ làm sao quên cười mà rằng: “Thế, liệu còn có thơ?”.
Mà thôi. Thời tuổi trẻ đã xa rồi.
Đọc lại những bài thơ đã viết, chẳng thể lý giải vì sao, lúc ấy, thời điểm ấy, với người này, người nọ mình phải buột miệng thốt lên đau đớn: “Anh đi tìm trong bụi bặm lao xao/ Một tình yêu đang rụt rè bước đến/ Mọi sự vật anh đều nhìn lơ đễnh/ Đi giữa đám đông mà thắp đuốc tìm người/ Chẳng nhìn thấy ai trong dục vọng chợ đời /Anh tìm được anh bơ vơ như trẻ lạc”.
Tự dưng, thương quá.
Thương lấy tuổi trẻ và tình yêu vô tội của chính mình.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|