LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.1.2016

 

bai-hoc-thuoc-long-ao-moi-1R

 

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong

Đi xuống phố những ngày này, lại nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Bính. Hà Nội, Sa Pa, Nghệ An, Ba Vì… đang rét buốt, lại có tuyết rơi. Trong lòng cảm thấy chộn rộn, chẳng rõ vì lẽ gì, ấy là cảm hứng thường trực của những ngày sắp Tết. Dành lấy thời gian sắp xếp lại sách vở đang bề bộn. Rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Lẽ ra đặt sách lên kệ, lại lật vài trang, thấy hay hay, thế là ngồi đoc luôn một mạch. Đến lúc đọc xong, thời gian đã trôi qua cái vèo. Tóm lại, chẳng sắp xếp được già cả. Thì đó, vừa lật quyển Sông Hương số tháng 9.2014, đọc bài viết Đà Linh, tôi nhớ… của Phùng Tấn Đông. Cả hai, y đều quen, vì thế, tò mò đọc thử xem sao. Trong đó, Đông có nhắc đến câu đối:

Con rồng đá đá anh Hùng ra Bắc;
Cái bóng đè đè em Diệu qua Tây.

Hùng là Nguyễn Đức Hùng, tên thật của Đà Linh; Con rồng đá là tên quyển tiểu thuyết của Vũ Ngọc Tiến; Diệu là Đỗ Hoàng Diệu, tác giả quyển Bóng đè. Cả hai quyển này đều do NXB Đà Nẵng cấp giấy phép, thời Đà Linh là “chủ xị”. Sau vụ đó, Đà Linh bị buộc phải rời khỏi nhiệm sở, ra Hà Nội về NXB Lao Động rồi qua đời; Đỗ Hoàng Diệu có chồng, định cư ở nước ngoài. Hai tập sách trên một thời ầm ĩ, tạo tranh luận ồn ào nhưng rồi, nay, chẳng mấy ai nhớ đến nữa.

Trong quyển Thuở mơ làm văn sĩ, in từng kỳ trên tuần báo Thiếu Nhi năm 1971, của nhà văn Nhật Tiến cho biết: “Căn cứ vào dư luận độc giả, cuốn được khen nồng nhiệt nhất vào thời kỳ đó là cuốn "Đất" của nhà văn Ngọc Giao. Tác phẩm này diễn tả cuộc đời vợ chồng anh Xã Bèo khốn khổ, sống chết cho mảnh đất của mình. Tôi xúc động nhất là cái cảnh chị Xã Bèo còn đau chưa khỏi mà vẫn phải theo chồng ra ruộng. Rồi anh chị thay nhau làm trâu kéo cầy để để vỡ mảnh đất của mình cho kịp ngày gieo mạ. Đó là một hình ảnh chua xót của người nông dân Việt Nam sau tám mươi năm Pháp thuộc, nhưng đấy cũng là hình ảnh hào hùng, kiên nhẫn, chịu đựng của một thế hệ mới đang ra công khai dựng lại từ đầu với hai bàn tay trắng và với sự bền bỉ, nhẫn nại chỉ có ở những con người quê mùa, chất phác”.

Trong quyển Lược sử văn nghệ Việt Nam (NXN Vàng Son - Sài Gòn 1971), nhà văn Thế Phong ca ngợi hết lời. Cuốn tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao in năm 1940, nhà văn Tam Lang viết Tựa: “Đất ở đây, trong những dòng chữ cháy bỏng này sẽ tiết ra, sẽ dựng lên cả một cuộc đời già lửa, uất nghẹ của những con người được sống, thiết tha sống, thấy lẽ sống chỉ khi nào được bám chặt vào đất, ghì lấy đất…”. Mới đây, năm 2012, Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Ngọc Giao, Phương Nam Books vừa phối hợp cùng NXB Văn học phát hành gần 1.000 trang di cảo của nhà văn Ngọc Giao để lại sau gần nửa thế kỷ. Bộ sách gồm 3 tập: Bến đò rừng (truyện ngắn), Đốt lò hương cũ (ký), Mưa thu (truyện dài). Tiếc là không tái bản tập Đất. Mà hầu như độc giả hôm nay chẳng mấy ai nhớ, biết đến tiểu thuyết này của Ngọc Giao, dù rằng đã có một thời được dư luận chú ý.

Mấy hôm nay, đã mua nhiều báo Xuân, báo Tết. Đọc nhẩn nha mỗi ngày, không gì phải vội.

Trong đời người, có nhiều điều để nhớ. Vết nhớ ấy như một một cụm tuyết trắng, đôi lúc loang ra trong tâm tưởng và gợi lên môt chút rét nhè nhẹ. Lạ thay, cũng từ đó, tự trong lòng lại ấy ấm áp thêm một chút. Y muốn nhắc lại nỗi nhớ của những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học. Những bài học ấy không có gì to tát, chỉ là những câu chuyện có tính cách luân lý nhưng rồi mấy ai có thể quên. Đó là những chủ đề về công ơn cha mẹ, tình thầy trò, bổn phận học trò, yêu thương loài vật… Thật ra những bài học về chủ đề ấy, thời nào cũng cần, và không hề trở nên “lạc hậu” - nếu đứa trẻ sinh ra đời được giáo dục để trở thành môt người có ích cho xã hội. Mỗi thế hệ, có một  cách để nhớ về trang viết đã đọc, đã học ngày tuổi thơ.  Có một lần, đã khá lâu rồi, y có hỏi nhà văn Sơn Nam, vì sao ông lại viết được truyện ngắn cực hay: “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Ông cười nhè nhẹ: “Q có nhớ đến câu này không? “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân : Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi gỗ cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...”. Từ thời đi học, được đọc những bài văn ấy, tôi đã thích và nhớ mãi nên mới có nhận xét ấy”. Y hiểu, ý ông nhấn mạnh, ngoài yếu tố giáo dục dạy nhân cách làm người còn là “hơi văn”, “nhịp văn” nữa. Nghĩa là, văn viết cho học trò, dù in trong sách giáo khoa nhưng cũng phải chỉnh chu, du dương và “đâu ra đó”, không thể cẩu thả. Vâng, y tin rằng, nhiều thế hệ đã thêm lòng yêu mến văn chương chính là từ những bài học khai tâm đó.

Vừa đọc tờ báo Xuân nọ, đồng nghiệp Lại Văn Long - tác giả truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện từng đoạt giải Nhất của cuộc thi nọ đã chừng mươi năm trước, có kể lại kỷ niệm thời thò lò mũi xanh qua một  tạp bút. Trong đó, anh ghi lại dăm câu của bài học thuộc lòng thuở tiểu học. Một vài bạn đọc ở nước ngoài, qua trang web của y, biết y có nhiều sách giáo khoa in trước năm 1975 tại miền Nam nên nhờ chép lại giúp và cho biết cụ thể hơn. Từ tư liệu đã sưu tập, y biết rằng bài học thuộc lòng này có tựa Áo mới của tác giả Phước Nghĩa, in trong tập Việt ngữ lớp 3, nhóm Lửa Việt biên soạn, NXB Cảnh Hồng (173 Cô Giang Sài Gòn- Đ.T: 93716) ấn hành năm 1973:

Chiếc áo hàng bông đã rách rồi,
Mẹ cho con áo mới đi thôi.
Con xin gìn giữ không làm bẩn,
Chỉ mặc vào trường chẳng mặc chơi.

Chiếc áo may xong đã mấy ngày,
Vạt dài thườn thượt, rộng hai tay.
Con nhìn chiếc áo buồn rơi lệ,
Mẹ bảo: trừ hao kẻo chật ngay.

Bà mẹ nghèo chu đáo quá đi thôi. Đọc câu thơ cuối, lặng người một lúc, một nỗi niềm xa xăm từ ký ức của thuở lên năm, lên bảy đã ùa về... Như một cơn gió lạnh hắt hiu. Nhớ ơi là nhớ ngày còn học ở Trường Nam tiểu học. Nhớ nhất lúc ra chơi, bao giờ cũng đến dãy hàng rào sát đường Thống Nhất (nay Lê Duẩn) mua lấy chiếc bánh cam. Bánh chiên giòn, tròn gần bằng trái cam, bên trong có nhưn đậu xanh nhuyễn nhừ, ăn ngon lắm. Vị ngọt ấy còn theo mãi đến giờ. Một quyển sách đã in ra đời, nếu có duyên dẫu trăm năm sau vẫn còn có người tìm đọc. Bằng không thì thôi. Những quyển sách giáo khoa của một thời, “ối dào, sách dành cho bọn con nít”, thế mà đến nay nhiều người vẫn còn nhớ như in đó thôi, dù rằng họ đã già khú đế.

Những ngày gần cuối tháng
Em nhìn mẹ lo âu
Ngại ngùng em thăm hỏi
Mẹ em chỉ lắc đầu

Một hôm em thoáng thấy
Tay già lật từng trang
Quyển sổ dày chữ số
Lẩm nhẩm tính giá hàng

Em reo lên: “Thưa mẹ,
Con đang làm toán đây
Mẹ giao con tính sổ
Cộng, trừ… nhanh như bay”

Đây là bài học thuộc lòng Tính sổ của tác giả Hoàng Oanh, in trong Quốc văn bộ mới lớp nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên biên soạn, NXB Việt Hương in tại miền Nam 1970. Thế đấy, bài học học thuộc lòng dành cho học trò, đâu cần phải là những vấn đề gì lớn lao, to tát đâu. Thế hệ của y nhớ đến, thế hệ sau chắc gì đã được đọc? Nhưng chắc chắn một điều: tình cảm mẹ con trong hai bài thuộc lòng trên đời nào cũng có, giá trị nhân văn ấy bất biến.

Mà thôi, chuyện chữ nghĩa còn thể bàn dài dài. Cái ồn ào của hôm nay, có thể chỉ là tro lạnh của ngày mai. Vẫn biết là thế, nhưng rồi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, người cầm bút vẫn cứ lầm lũi bước đi, trên từng trang viết. Tinh thần đó, từ năm 1967, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã “tuyên ngôn”:

Và nếu ai đó ngắm nhìn
dừng chân và cảm mến
con người trong tôi
tức là tôi thành công
Nếu tôi thất bại
và chẳng ai chìa tay cho tôi
tôi đút tay vào túi, thật sâu
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie
Em vẫn đẹp như thường

Có những cái viết ra, hoàn toàn bình thường, chẳng cao siêu gì nhưng rồi vẫn còn có người nhớ đến. Có những cái tưởng là ghê gớm lắm, nhưng rồi chỉ cần qua một mùa bầu bán, thay đổi nhân sự là đã cũ rích như cái giẻ rách. Có những câu tuyên bố đùng đoàng sấm vang chớp giật, tưởng chưng như có thể “thay trời đổi đất, sắp đặt lại gang san”, nhưng rốt cuộc “ba voi không được bát nước xáo”.

Báo Đời sống & Pháp luật số Xuân 2016, thuộc Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, có bài Chiêm nghiệm thông điệp mừng năm mới của các nguyên thủ thế giới. Đọc xong, y bình chọn lấy một câu tâm đắc nhất: “Gặp núi thì mở đường, gặp sông thì xây cầu”. Người nói câu này là Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-Hye. Câu nói ấy, ai nói cũng được nhưng rồi có nghe ai nói đâu, chỉ nghe quá nhiều câu cao siêu, trừu tượng quá mà cũng có thể dù biết tỏng chẳng ai thèm tin nữa nhưng họ vẫn cứ nói trơn tru như cháo chảy. Mà việc phá núi, xây cầu cho dân, vì dân, thời buổi nào, sắc tộc nào cũng cần bởi nó thiết thực, sát sườn với cuộc sống mỗi ngày. Tính ưu việt của một thể chế chính trị không nằm ở đó thì ở đâu?

Ủa? Sao y lại “lên gân” quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự đến thế?

Bình tĩnh đi cưng. Xìu xìu lại đi. Ừ, thì xìu vậy. Ối chà chà, sắp Tết rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment