LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.2.2016

sang-mong-1-tet-2016

Sáng mồng 1 Tết Bính Thân (2016), từ trái: Lê Minh Tâm, Lê Minh Quốc, Lê Minh Tuấn


Ba ngày Tết vụt qua cái vèo. Chỉ nháy mắt là xong ngày xuân tuổi mới. Nắng ấm. Gió lạnh. Đường phố vắng. Những men say ngất ngưởng đã thoáng. Những nhố nhăng, bắng nhắng đã quên. Những hương vị của thời gian đã qua. Lại một mình cùng bàn phím. Chữ lại viết. Chữ lại đi. Từng con chữ tri âm. Chữ hái ra mây trắng. Chữ trôi về lãng du. Và cuối cùng là gì? Chẳng rõ nữa. Mồng 3 Tết, đưa ông bà. Sáng dậy sớm đã thấy sửa soạn bếp núc. “Ngày mai anh đi Huế rồi. Năm nay cúng sớm hơn mọi năm”. Thì ra thế. Nghe cô em dâu nói mà cảm động. Thì ra, cũng vì y đó thôi. Mọi năm thường là mồng 4 Tết. Ngoài sân đang đốt giấy vàng mã. Khói và tro bay loáng thoáng trong nắng. Hoa cúc vàng. Lá biếc xanh. Đà Nẵng trong tâm tưởng, trong mắt nhìn và tận trong sâu thẳm nỗi nhớ rõ rệt và đậm dấu nhớ không phai.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi,

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không phật, không tiên, không vướng tục.

Còn lâu y mới được ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ. Đó là người biết sống. Tâm thế y còn sân si lắm. Hỉ nộ ái ố vẫn đầy. Sức mấy có thể an nhiên tự tại nhìn ngắm cuộc đời một cách nhẹ nhàng đến thế. Còn phải vật lộn chán chê trong cuộc mưu sinh mỗi ngày. Làm sao có thể “thõng tay vào chợ”? Đi vào chợ là đi vào dòng đời với mọi sắc dục trần tục của một kiếp người. Chỉ các bậc thiền sư đi vào chợ mới có thể an nhiên như đang tu tâm dưỡng tính trên non xanh rừng thẳm.

Trăm năm trong cõi người ta”. Tiếng thở dài ngân vang thăm thẳm của 6 từ ấy đã vẽ ra một số kiếp, một phận người, một cuộc mưu sinh liên tục, dằng dai, không một phút nào ngơi nghỉ. Nếu thu gọn lại trong 1 từ, chỉ có thể là từ “chợ”. Thật ra cuộc chiến đấu kinh khiếp nhất không phải lúc đi giữa chợ bị sự tác động ngoại vật chi phối đến tâm, tính, tình mà chính là cuộc chiến chống lại chính mình. Chống lại những hằn học, ham hố, lăng nhăng, ba trợn ba trạo, ba que xỏ lá, đá cá lăn dưa, vẽ nhọ bôi hề từ phía bóng tối của tâm hồn. Làm thơ, vẽ vời chính là sự “thanh lọc”, “tẩy rửa” linh hồn để tìm về cái thuở vừa cất tiếng khóc oa oa chạm mặt cõi nhân sinh. Rồi bước chân đi vào trong “chợ”. Đi vào “trăm năm trong cõi người ta”. Tưởng chỉ “người ta” thôi ư? Không đâu, nơi đó còn có cả ngợm, người, tiên, thánh thần, ma ma Phật Phật … nữa. Rồi có lúc con người ta lại tự hỏi và tự tìm lấy câu trả lời: “Tôi là ai, từ đâu đến, và cuối cùng đi về đâu?”. Trong các câu hỏi vọng lên trong cõi hỗn mang trời đất, câu hỏi ấy là nhảm nhất. Sống là bước đi, là nhập cuộc. Sống đi. Lao về phía trước. Có lúc hài lòng, có khi thất vọng. Đời nó vốn thế. Vậy hà cớ gì phải bận tâm với câu hỏi chết tiệt kia? Nghĩ thế, bèn tự nhủ: “Làm thơ đi. Có phải nhẹ nhàng hơn không?”. Đúng thế.

Thời gian lầm lũi trôi qua

Sáng nay chợt thấy ối chà, chà xuân

Xuân là Tết. Tết, niềm vui ấy, dẫu ở độ tuổi nào đi nữa, con người ta vẫn còn nguyên vẹn sự háo hức và chờ đợi. Không gì thanh thản, hân hoan, rộn ràng cho bằng những ngày đợi Tết. Đợi một cảm giác đang đến trong từng phút giây, từng ngày. Thì ra, một trong những niềm hứng nhất, trong đó còn có cả sự chờ đợi nữa. Rồi sự chờ đợi ấy cũng đến. Tết đến. Rồi Xuân qua. Dòng chảy của thời gian ngàn đời vẫn thế.
Những ngày Tết, lại là dịp ngồi một mình và nghĩ về chính mình. Xoè tay ra thấy gì ngoài những đường mưu sinh ngang dọc đã hằn nếp? Thấy gì ngoài mây trắng đã đọng lại trên mí mắt? Thấy gì ngoài những ngọn gió thời gian đã thổi buốt óc? Thấy gì? Đôi khi con người ta chẳng thấy gì ngoài số tuổi đã chất chồng trĩu vai, chồn chân mỏi gối.

Sáng dậy sớm. Đi một vòng, đi lại những ngã đường đã từng đi. Lắng nghe dưới gót giày nhịp đi trên phố vọng lên tiếng gọi: “Q ơi”. Âm thanh ấy bao giờ cũng hiện diện rõ nét trong chính tâm hồn. Y mê đắm. Y đắm đuối nơi đã sống chỉ 18 năm nhưng lại trở thành cội nguồn. Về quê là gì? Là lúc con người ta nạp lại năng lượng. Năng lượng từ thiên nhiên, mái ấm, tình thân, bạn bè, từ giọng nói của vùng đất đã chôn nhau cắt rốn… Nạp lại năng lượng sống. Ý nghĩa của về quê đó chăng? Ai cũng có một nơi chốn để quay về. Cái lần cuối cùng ấy, ai cũng như ai. Chỉ ba tấc đất. Một nhúm tro. Vậy là xong một dấu tích một con người đã  từng có khoảnh khắc ngắn ngủi dẫm chân lên trái đất.

Ngày Tết qua nhanh. Sáng mồng 1, như mọi năm lên thắp nhang mộ ba, chị Ái. Trên đường về, ăn bê thui Cầu Mống. Tối lai rai cùng bạn bè. Ngày mồng 2, theo lệ cũ, anh em cựu chiến binh tập trung nhà Nghĩa, sau đó, lên nhà Bảo. Hôm nay, mồng 3 Tết rồi. Ở nhà. Mỏi mệt. Đã nghe những cuộc điện thoại, nhưng từ chối. Oải quá rồi. Thoáng nhớ mùi men đã chợn, đã ngấy. Ở nhà, đọc nhì nhằng cho nó lành. Đọc cái tin này, khiếp quá. Báo Thể thao & Văn hoá đưa tin lấy từ nguồn TTXVN: “Trong 3 ngày (từ ngày 28 đến sáng mùng 2 Tết), hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám cấp cứu cho 17.278 trường hợp do tai nạn giao thông (tăng 113% so với Tết Ất Mùi), trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (chiếm 1%). Tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau là 1.971 trường hợp (giảm 83% so với 3 ngày Tết Ất Mùi)”.

Chiều mai đi Huế.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment