LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.3.2016

scu-nho-minh-dang-tho-1R

 

Trên sân khấu tuồng, bao giờ cũng có thằng hề, thỉnh thoảng hắn “đế” đôi câu cho nhộn sàn diễn. Có thể câu “đế” ấy có chủ đích, đôi lúc tầm phào, lắm khi “thọc gậy bánh xe”, hoặc nhập vai ông to, bà lớn “cứ như thật” v.v… miễn sao khán giả cảm thấy sướng tai nên hào hứng, vỗ tay tán thưởng là được. Trong tập sách Hề chèo (NXB Văn Hóa - 1977), nhà nghiên cứu chèo Hà Văn Cầu, hề chèo có 3 loại căn bản: Loại hề đi hầu (hề áo ngắn) có hề gậy, hề mồi; hề tính cách; hề văn minh và hề cải lương. “Con người trong hề chèo trước đây thường là con người hết lối thoái, cùng đường, chửi vung lên cho hả, chửi đến mức không đoái đến bản thân mình” (SĐD, tr. XXX1). Tuy nhiên, lắm lúc các vở diễn, hề chèo lại quên béng thân phận của mình. Cứ tưởng mình là kẻ ăn trên ngồi trốc, có thế có quyền nhất cõi, do đó, mới xẩy ra lắm ngộ nhận phì cười.

Sống ở trên đời, đôi khi con người ta đang là vào vai hề chèo nhưng lại không ý thức được điều đó.

Ảo tưởng đó thôi. Mà nghĩ cho cùng, ảo tưởng mới chính chất men nồng nhiệt nhất của đời người, là chất liệu quý giá nhất của trần gian này. Không phải niềm tin hay lý tưởng. Niềm tin rồi có lúc mỏi mệt. Lý tưởng rồi có lúc nhận ra không phải là vậy. Vui sống ở đời, hồn nhiên vô tư và cảm thấy đáng sống hào hứng, cuồng nhiệt nhất là lúc còn có ảo tượng án ngự trong tâm hồn. Đến với nghệ thuật, con người ta cũng xây dựng cho nó những quy tắc nhằn vươn tới giá trị tốt đẹp nhất nhưng rồi, cuối cùng cũng ảo tưởng nốt. Nói thì nói thế, vẫn ghi lại những câu thật hay về nghệ thuật, dù nói về sân khấu tuồng, một loại hình nghệ thuật cụ thể nhưng ngẫm lại nó có thể mang tính khái quát chung cho sự sáng tạo của những ai muốn trở thành kẻ chuyên nghiệp với nghề. Mà kẻ chuyên nghiệp ấy, nghĩ cho cùng chỉ chàng Don Quijote. Đáng kính trọng, ca ngợi mà cũng đáng thương hại thay. Xin mở ngoặc, những câu trích này do Phan Lý Lệ Nhân sưu tầm, in trên tạp chí Non Nước số Xuân 2106. Đóng ngoặt.

"Câu đối của vua Minh Mạng (1820 - 1840) đề trước Duyệt thị đường:

- ÂM NHẠC TỊNH TRẦN, HÒA KỲ TÂM NHI DƯỠNG KỲ CHÍ

- NGHIÊM XUY TỀ HIẾN, THỦ KỲ THỊ NHI GIỚI KỲ PHI

(Âm nhạc cùng tấu lên, là nhằm điều hòa tâm hồn, bồi dưỡng ý chí

Cái tốt, cái xấu cũng được diễn ra là để giữ gìn điều phải, ngăn điều trái).

 

* Câu đối ở Từ đường Thanh bình (nhà thờ ngành hát bội ở Huế):

- HÀNH KỲ LỄ, TỐ KỲ NHẠC, CA TỰ THIÊN TU

- ĐÔN HỮU ĐIỂN, TỰ HỮU LUÂN, CƯƠNG THƯỜNG CHIÊU CHƯỚC

(Làm theo lễ, tấu theo nhạc, ca hát tự đây

Hòa có phép, hợp có khuôn, cương thường sáng chói).

 

- CỔ VŨ TUYÊN DƯƠNG, CÁ CÁ CỘNG ĐẮC TÂM ỨNG THỦ

- XINH CA XUẤT NHẬP, NHÂN NHÂN GIAO THÁO CỦ TUẦN QUY

(Trống múa vang lừng, mỗi người bụng nghĩ làm sao, tay đưa làm vậy

Ra vào nhịp hát, ai ai cũng theo đúng lề lối quy cũ).

 

- VẠN CỔ TỰ NGUYÊN ÂM DĨ VIỄN

- DO TẠI QUẦN TÀI TRƯỚC HẢO MINH

(Âm thanh cổ sơ ngày một khác xa, do nhiều tài năng trau chuốt để đi đến chỗ trong sáng).

 

* Câu đối của ông nghè Trương Hoài Thao tặng NSND Nguyễn Phẩm:

- CA XƯỚNG HỆ ĐA MÔN, TRỰC BẢ TRUNG LƯƠNG VI MỤC ĐÍCH

- VINH KHÔ THÀNH ẢO MỘNG, CHỈ TƯƠNG NGHỆ THUẬT TÁC SƯ TƯ

(Nghệ thuật hát diễn nhiều môn, mục đích tạo dựng con người trung lương.

Sướng khổ thành ảo mộng, đem nghệ thuật làm thầy cho cuộc sống).

 

* Câu đối của Đông y sĩ Đỗ Xuân Nghinh tặng Đoàn hát bộ bà Chánh Đệ:

- ĐỒNG TỨ NGŨ LỤC DANH, VIẾT THIẾT KỴ, VIẾT TAM QUÂN, KỲ CỔ HUYÊN TRUYỀN CHƠN KHÍ TƯỢNG.

- TRƯỚNG MÔN TAM TỨ BỘ, NHI TRƯỜNG THÀNH, NHI VẠN LÝ, Y QUAN LẪM LIỆT CHẤN OAI NGHI.

(Chỉ vỏn vẹn có 5, 6 chú hiệu, mà gọi là thiết kỵ, là ba quân, cờ trống vang rền, thật khí phách.

Với 3, 4 bức phông cảnh, mà xem như thành dài vạn dặm, cân đai áo mão, rõ oai nghi).

 

* Văn tế tổ ngành hát bộ tỉnh Quảng Nam:

- TỐ CHÂN DIỆN MỤC, TRỌNG GIẢ TINH KHÍ THẦN

- HẠ TỬ CÔNG PHU, CẦU HỒ THANH SẮC THỤC

(Biểu diễn chân thật, phải trọng tinh, khí, thần

Luyện tập công phu, để đạt được thanh, sắc thục).

 

- SẮC DUY SONG NHÃN HỰU SONG THẦN/ BIỀN TIÊN YỂU ĐIỆU THỊ THANH TÂN

KHỨ GIẢ HAO KHAI SONG CƯỚC HẠ/ LAI GIẢ HỒI HOÀN TỐNG THỊ XUÂN

Có sắc là đôi mắt phải có thần, nhanh nhẹn, uyển chuyển là vẻ đẹp thanh tân,

Bước đi phải như có hoa nở dưới chân, vòng lại vòng về đều mang vẻ xuân tươi tắn.

 

- PHÚ QUÝ, VINH HOA, ĐƯƠNG CỤC NHI HÀ PHÂN CHÂN GIẢ

- TRÍ NGU HIỀN PHÚ, ĐÁO ĐƯỜNG NHI LẬP KHÁN NGHIÊM CƯƠNG

(Phú quý, vinh hoa, phải thể hiện cho đúng cái thật, cái giả

Người hiền, người ngu, đến rạp xem mà có thái độ nghiêm chỉnh)


- QUAN VŨ THÍNH CA, NHỠN TIỀN TINH THẦN DỤC DƯỢC

- ĐẮC NGÔN VỌNG TƯỞNG, CẢM TÌNH CÂN NHƯ VŨ YỂM

(Xem múa, nghe hát bày ra trước mặt mà tinh thần sôi sục

Nghe được mà quên cả mình, tình cảm dạt dào như mưa lớn)


- THỐN THỔ THỊ TRIỀU ĐÌNH CHÂU QUẬN

- NHẤT THÂN KIÊM PHỤ TỬ QUÂN THẦN

(Mỗi tấc đất là triều đình, châu quận

Một con người là cả cha con, vua tôi)


- DĨ NHẤT NHÂN THÂN KIÊM THẾ SỰ

- TRẠO TAM THỐN TRIỆT TÚC BÌNH SINH

(Lấy thân mình gồm cả cuộc đời

Uốn ba tấc lưỡi đủ cả cuộc sống)

 

- THUNG DUNG ẨM TỬU, THIÊN BÔI TỬU BẤT TÚY NHÂN

- DŨNG LƯỢC DỤNG BINH, BÁCH CHIẾN BINH VÔ HUYẾT NHẪN

(Uống rượu thích thú, nghìn cốc rượu không làm say con người

Đánh giặc rất quyết liệt, trăm trận đánh không đổ tí máu).

 

* Câu đối treo trước rạp của Đoàn hát bộ Tân thành ban của NSND Nguyễn Lai, năm 1940:

- TÂN THỜI KHỞI CẢM XU TRÌ HẬU

- THÀNH SỰ DUY BẰNG TÁNG TRỢ ĐA

(Tân thời há dám chùn chân lại

Thành sự còn mong giúp sức nhiều)"

Những ngày này, vẫn đọc lai rai. Do chú tâm đến chuyện ngữ nghĩa tiếng Việt, vì thế, đọc luôn cả loại sách hướng dẫn viết làm sao cho đúng chính tả. Đọc xong mới rút ra kết luận: Rất khó viết đúng chính tả, dù các nhà ngôn ngữ học đã nhọc công, tận tình biên soạn, hướng dẫn viết đúng hỏi, ngã nhưng nói thật cũng cảm thấy rối như mớ bòng bong. Dù đã nắm được các quy luật nhưng than ôi cũng còn có ngoại lệ, chưa kể có những từ mà mỗi sách lại viết hỏi, ngã khác nhau.

Chẳng hạn, “duẫn” là tiếng Việt gốc Hán có nghĩa “Măng tre - Tre non - Cái cây ngang để treo chuông khánh”, cụ Đào Duy Anh giải thích trong Hán - Việt từ điển và viết dấu ngã. Thế nhưng vẫn có người sử dụng dấu hỏi, vậy “duẩn” là từ thuần Việt chăng? Nếu thế, “duẩn” nghĩa là gì? Thêm một thí dụ khác, phãng /phảng: “Công cụ có lưỡi bằng sắt to bản, được uốn cong ở phần cán, cán ngắn vừa tay cầm, dùng để phát cỏ ruộng” (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín). Nó viết dấu hỏi hay dấu ngã? Việt ngữ chánh tả tự vị (Lê Ngọc Trụ), Tự điển dấu hỏi, dấu ngã (Đào Văn Hội) viết dấu “ngã”, Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Từ điển từ ngữ Nam bộ (Huỳnh Công Tín) viết đấu “hỏi”; các ông nhà văn, nhà thơ Sơn Nam, Quách Tấn cho rằng dấu ngã; nhưng ông Nguyễn Hiến Lê lại có lúc thừa nhận nó dấu ngã nhưng lại “viết bậy” dấu hỏi v.v… 

Thôi thì, để viết đúng chính tả có lẽ cách tốt nhất là cứ kè kè quyển từ điển bên hông, hễ cần là tra cứu. Ai chê dốt thì chịu, như thế, chắc ăn hơn.

Chà, còn nhiều dẫn chứng khác nữa. Chẳng hạn, trong tiếng Việt có những tiếng hai từ đi chung với nhau nhưng từ sau, ta không rõ nghĩa. Trong Việt ngữ nghiên cứu, nhà văn hóa Phan Khôi gọi “tiếng đệm”; nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ gọi “tiếng đôi”. Có những tiếng tồn tại đến nay, không phải ai cũng rõ nghĩa: heo cúi, chùa chiền, hạch hỏi, đường sá, làng mạc, vườn tược, làm lụng, chơi bời, đất đai, tre pheo, gà qué, tiền nong, làm lụng, người ngợm, hút xách, chó má, hạch hỏi, phu phen, bếp núc, áo xống v.v…

Những từ đó, cả ông Phan Khôi và Lê Ngọc Trụ đều cho rằng nó có nghĩa, hoặc nó được “đệm” thêm dẫn đến một nghĩa khác có sắc thái khác. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhưng cách giải thích lại khác nhau. “Chim chuột”: Chim là ve vãn, mà đồng âm với chim là con chim. Đệm chữ "chuột" là con chuột vào để tỏ ý phiếm và cũng có ý hài hước. Chữ chuột này ở đây mất cái nghĩa là con chuột đi, chỉ là tiếng đệm (Phan Khôi); “Chim chuột”: Do câu “điểu thử cộng vi thư hùng” = chim chuột cùng làm trống mái với nhau; trai gái phải lòng nhau (Lê Ngọc Trụ);

“Chó má”:  Chó má: Người Tầy gọi con chó là "tu ma", cái thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tầy mà ra; có một số danh từ của Tầy giống của ta lắm” (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: “má” gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó” (dẫn theo Việt ngữ tinh nghĩa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).

“Tre pheo”, Đại từ điển tiếng Việt giải thích “tre nói chung”; ông Phan Khôi cho rằng “pheo là một thứ tre xấu”; ông Lê Gia trong Tiếng nói nôm na: “Pheo, do chữ “phiêu” là nổi lênh đênh. Tre pheo: Bụi tre cao, gió thổi lắt lay”.

Chỉ mới vài từ thôi, đã thấy rắc rối. Chính vì thế, có những câu thành ngữ, tục ngữ đến này mỗi người hiểu một phách là lẽ thường tình. Dùi đục chấm mắm cáy/ Bầu dục chấm mắm cáy; chân đăm đá chân chiêu/ chân nam đá chân chiêu; râu ông nọ cắm cằm bà kia/ dâu ông nọ chăn tằm bà kia; vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm/ vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm; cao chạy xa bay/ xa chạy cao bay; ra ngô ra khoai/ ra môn ra khoai; lo sốt vó/ lo sút vó; tai vách mạch dừng/ tai vách mạch rừng; ôm rơm rặm bụng/ ôm rơm nặng bụng v.v… Câu nào mới đúng và hiểu thế nào là đúng? Trước mắt cứ ghi ra thế. Sau này, có dịp thì tìm hiểu thêm, bằng không cũng là những gợi ý nho nhỏ cho ai khác thích thì tìm hiểu sâu hơn. Thì thế, cứ viết nhì nhằng cũng là một cách giết cho xong cái thời gian của chiều ngày chủ nhật vậy. Ừ, tiện tay, ghi thêm một ai giải thích mới về từ ngữ có tính chất thời sự:

Sáng 4.3.2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng có làm việc với Học viện Cán bộ TP.HCM: “Trao đổi với Bí thư Thành ủy, TS Nguyễn Việt Hùng - phó bí thư Đảng ủy, trưởng Khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM chia sẻ: “30 năm làm việc ở trường này, tôi có kinh nghiệm là đào tạo hệ tại chức thì chất lượng sinh viên thấp. Chúng ta đang lạc hậu với chính mình. Thời phong kiến người ta có trường hậu bổ. Tức là đào tạo xong mới về làm quan còn nay cứ bổ nhiệm xong rồi chuẩn hóa. Nên tại chức là tại cái chức mà đi học thôi”.

Một định nghĩa mới về “học tại chức” nghe lọt tai quá. Hèn chi trước đây, có câu: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. “Tại cái chức mà đi học” chứ đâu phải vì động cơ nâng cao trình độ, rèn luyện chuyên môn, mở mang tri thức… Vậy, lòng dạ đâu mà tiếp thu kiến thức? Lại nữa, trước kia có thành ngữ: Mua trấu bán tro; mua vôi củ, bán vôi bột; mua bò vẽ bóng; mua trâu bán chả v.v… có thể hiểu đại khái phê phán cách tính toán làm ăn, mua bán vụng về, kém cỏi, ngu ngốc nên bị thua đậm. Nay, có câu: “Mua ụ nổi, bán sắt vụn”, nếu nó phổ biến và tồn tại theo thời gian, vài đời sau nữa chắc gì ai đã nhớ là nó ra đời từ phi vụ “con tàu” Vinashin-Vinalines?

Vậy mới nghĩ rằng, các thành ngữ, tục ngữ đã hình thành từ xa xưa và tồn tại đến nay cũng vậy thôi, ta biết nghĩa đen, nghĩa bóng nhưng cụ thể nó ra đời trong hoàn cảnh cụ thể ra làm sao thì chịu.

Chiều rồi. Rồi cũng xong một ngày.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment