Cầu Ghềnh ngày xưa. Ảnh: Panoramio
Có mấy thông tin cần ghi lại:
“Theo thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ 35 ngày 20.3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở khoảng 600 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai đã đâm vào mố số 2 của cầu Ghềnh. Cú đâm mạnh đã làm nhịp 2 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 3 thì đầu nam rơi xuống sông, đầu bắc rơi gác lên mố cầu số 1. Sự cố làm cắt đứt đường lưu thông huyết mạch trên tuyến đường sắt bắc - nam. Riêng chiếc sà lan bị lật úp trên sông” (Báo Thanh Niên ngày 21.3.2016).
Nhân sự kiện này, đọc lại Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (NXB Đồng Nai - 1998). Tập sách này do Ban Chỉ đạo Lễ Kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai biên soạn, vì thế đáng tin cậy. Cầu Ghềnh, còn gọi cầu Gành dài 223m, do Hãng Eiffel thiết kế vào năm 1903, cùng lúc với cầu Rạch Cát, thuộc thành phố Biên Hòa - là 2 cây cầu bắt qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố. Ngày 14.1.1904, đoạn xe lửa Sài Gòn-Biên Hoa thông xe, ít lâu sau tàu chợ chạy hàng ngày. Dần dà, tuyến đường xa hơn, đến năm 1936, đường sắt mới nối thông Sài Gòn - Hà Nội. Hãng Eiffel cực kỳ nổi tiếng này, còn để lại trúc sư Gustave Eiffel (1832 - 1923, người thiết kế tháp Eiffel), cùng với 2 công trình kiến trúc cầu khác ở Việt Nam là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Tràng Tiền (Huế).
Tại sao báo chí đưa tin cầu Ghềnh, nhưng tập sách trên lại viết cầu Gành? Nguyên do tại làm sao?
Câu hỏi thú vị này, học giả An Chi trả lời: “Trước nhất xin nói về quan hệ “bà con” giữa “ghềnh” và “gành”. Họ là ruột thịt nhưng cụ Gành là bậc tiền bối còn thằng Ghềnh thì chỉ là đứa sinh sau đẻ muộn. Chuyện này có thể thấy được qua mối quan hệ từ nguyên giữa các vần ANH ↔ INH ↔ ÊNH – mà chúng tôi từng nói đến - trong đó ANH > INH > ÊNH”. Và: “Gành - một một từ Việt gốc Hán “chỗ lòng sông thu hẹp và nông khiến cho dòng nước bị dồn lại nên chảy xiết” (Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín). Ngày nay, trong tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân thì nó đã biến thành ghềnh (trong thác ghềnh) nhưng trước đó thì nó là ghình như còn có thể thấy trong phương ngữ Nam Bộ:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
(Nhiều tác giả đã không ý thức được về đặc điểm của phương ngữ nên đã tự động đổi ghình thành “ghềnh” nhưng “ghềnh” thì đâu có vần “ngon lành” với “đinh” ở câu trên). Trở lên chúng tôi đã nói về diễn tiến “gành > ghình > ghềnh”, để qua đó mà khẳng định rằng gành là bậc ông bà chứ ghềnh thì chỉ là hàng con cháu mà thôi. Gành là một cái tên cúng cơm xưa hàng trăm năm mà dân chúng trong vùng đã đặt cho cây cầu xấu số đã gãy đổ. Vậy các nhà báo, nhà truyền thông có nên sỗ sàng đổi tên của nó thành “Ghềnh” hay không?”.
Để có câu trả lời, ông An Chi dẫn bài báo “Cầu Ghềnh dấu tích trăm năm” (Báo Tuổi trẻ online ngày 18.8.2011: “Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai Lưu Văn Du cho biết qua tìm hiểu người dân ở cù lao Phố vẫn gọi là “Gành” chứ không phải “Ghềnh”. “Ghềnh” có thể sau này người ta phát âm trại ra chứ dân cù lao dứt khoát gọi là “Gành”. Theo ông Du, ở dưới vùng hạ lưu của cầu Ghềnh có những gành đá nên người xưa có thể từ đó mà gọi là “Gành”. Tuy nhiên, đến nay “Gành” hay “Ghềnh” vẫn chưa tìm thấy một dữ liệu nào để khẳng định chuẩn xác.” Ông giám đốc Bảo tàng còn dè dặt khi nói “vẫn chưa tìm thấy một dữ liệu nào để khẳng định chuẩn xác” nhưng dữ liệu ở ngay cửa miệng của người dân chung quanh chứ ở đâu. Xin hãy đọc, cũng trong bài báo đã nêu:
“Khi nghe chúng tôi hỏi gọi cầu Gành với cầu Ghềnh thì từ nào chuẩn xác, vợ chồng ông Chín (là người được hỏi han - AC) cười: “Dân cù lao hồi xưa tới giờ gọi cầu Gành không à. Gành là gành đá nổi lên ở gần cầu thời đó nên dân mới gọi như vậy. Nói với dân cù lao mà gọi cầu Ghềnh thì người ta cười chết!”. Ta nên nhớ rằng, ở đây, Gành không còn là danh từ chung nữa, mà là danh từ riêng, là địa danh. Đối với địa danh, nhân danh, ta không thể tự tiện hoặc sỗ sàng thay thế nó bằng biến thể ngữ âm (của nó)”.
Phải nghiêng mình một lần nữa thán phục ông An Chi. Giải thích rõ ràng, đâu ra đó. Học thêm một chữ. Hiểu thêm thêm một chứ. Tự nhiên, thấy trong lòng vui thêm một chút. Rồi ghi thêm thông tin này nữa:
Nhà thơ Hoài Khanh đã qua đời 2g30 ngày 23.3.2016, ông tên thật là Võ Văn Quế, quê quán tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1957, ông đã in tập thơ Dâng rừng. Sau đó là các tập thơ: Thân phận, Lục bát, Gió bấc - trẻ nhỏ - đóa hồng và dế. Về văn, ông có tập truyện Trí nhớ hoang vu và khói. Ít ai biết, ông còn là người chủ trương nhà xuất bản Ca Dao. Phạm Công Thiện thỉnh thoảng rích thơ Hoài Khanh khi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1966). Có lẽ, đoạn thơ hay nhất của ông, nhiều người nhớ nhất vẫn là:
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường - tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị qua đời tại nhà riêng ở TPHCM vào lúc 4g sáng 24.3.2016. Gần đây, một loạt sách của ông được tái bản, xuất bản như Những bài dã sử Việt, Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861 - 1945, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, và Thần người đất Việt. Trước đó, GS Lý Chánh Trung (ngày 13.3.2016), nhạc sĩ Thanh Tùng (ngày 15/3), Trần Lập (ngày 17.3.2016) cũng qua đời.
Ngày 24.3.2016, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần IX được công bố. Đáng chú ý là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay cũng chính thức tôn vinh vị danh nhân văn hóa là nhân vật tiếp theo được rước vào Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ XX: danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.
Sáng nay, đọc bài Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Kỳ bí bia đá trấn thủy của tác giả Ngọc Phan - Hoàng Phương in trên Báo Thanh Niên. Chi tiết này hay: “Với mục đích khai thác vùng Thiên Hộ, Phụng Thớt, năm 1895 Trần Bá Lộc (tức Tổng đốc Lộc) huy động dân phu vùng Cái Bè, Cai Lậy đào một con kinh chạy từ Rạch Ruộng đến Bà Bèo dài 47 cây số. Dân gian kể lại, khi phóng kinh Tổng đốc Lộc cầm ống nhòm ngồi trên chiếc ghe lườn trải chiếu bông, bắt dân kéo theo tầm ngắm của ông ta, rồi căn cứ vào dấu sậy đế, đưng, lác rạp xuống do ghe lướt qua mà cắm bông tiêu, chia từng đoạn ra đào. Kinh được đào bề ngang khoảng 3 - 4 thước”.
Một kiểu đào kinh độc đáo của người xưa ở Nam Bộ. Đọc Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu (NXB Hương Sen - 1972), ta còn biết thêm một chi tiết quan trọng không kém lúc cha ông ta dào kênh Vĩnh Tế năm 1822: “Để cho con kinh được ngay, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cặm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, người ta cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí”. Trong suốt 5 năm tiến hành việc đào kinh, nhân lực đào kinh đã lên đến 80.000 người! Năm 1824, công trình hoàn thành, dòng kênh dài gần 98.300 m, bề ngang 50 m, sâu 6 m nối liền Châu Đốc đến cửa biển Giang Thành (Hà Tiên). Sự kiện vĩ đại này được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí: “Từ đây đường sông mới lưu thông, việc biên phòng, việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”.
Trở lại với bài báo trên: “Khi con kinh hoàn thành vào tháng 7.1897, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xuống dự lễ khánh thành; dân gian gọi là kinh Tổng đốc Lộc. Từ năm 1918 - 1924, thực dân Pháp nhiều lần dùng xáng múc mở rộng nên còn gọi là kinh Xáng. Đến năm 1947, kinh Tổng đốc Lộc được đổi thành kinh Nguyễn Văn Tiếp, tên vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Mỹ Tho”.
Chiều rồi. Dừng tay thôi, không gõ phím nữa. Tuy nhiên cũng nên thòng thêm chi tiết này, đọc quyển hồi ký Xứ Đông Dương của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, lại thấy có một chi tiết lạ lùng về nhân vật Tổng đốc Lộc: “Ông ta muốn được chôn đứng gần sông, nên đã cho đào trước nhà một cái hố vừa với khổ người”. Tại sao? Rất tiếc viên Toàn quyền Đông Dương chỉ cho biết đến đó.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|