Am thờ ngoại cảnh. Ảnh chụp tại số 5 Lê Lợi (Huế)
Năm con khỉ Bính Thân, thế nhưng thiên hạ lại bàn luận về con rồng. Nguyên cớ thế này: ngay sau ngày đưa ông Táo về trời, NXB Hội Nhà văn cho ấn hành quyển Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng. Quyển sách này, Mai Sơn dịch từ nguyên tác “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu” của tác giả người Mỹ Monique Brinson Demery. Dư luận quan tâm vì ai cũng biết bà Trần Lệ Xuân (1924-2011), tức bà Nhu, là vợ của ông Ngô Đình Nhu - cố vấn chính quyền ở miền Nam Việt Nam thời Ngô Đình Diệm.
Liệu chừng, cụm từ “Bà Rồng”/ “Rồng Cái” có phản ánh được tính cách, số phận bà Lệ Xuân?
Trước nhất, có lẽ là ý kiến của Chị Đẹp phát biểu trên trang Facebook cá nhân: “Dragon lady dịch ra ‘bà rồng’ nghe thật kinh chứ, ngôn từ Việt Nam trước giờ chưa thấy gọi người đàn bà quyền lực nào là ‘bà rồng’ đâu. Nhớ chỉ có bà râu, bà râu oai hùng như bà Âu Cơ thôi à”. Ban đầu cứ tưởng Chị Đẹp dùng từ “bà râu” là tự bịa ra. Nào ngờ trong sinh hoạt cộng đồng của thanh thiếu niên ở miền Nam trước 1975, có ca khúc như vầy: “ Bà râu ơi! Bà râu ơi!/ Cháu muốn lên thăm bà trên núi/ Bà râu ơi! Bà râu ơi!/ Cháu muốn lên vuốt ve râu bà/ Bà oai hùng như bà Âu Cơ/Năm mươi con đang còn trên núi/ Bà oai hùng như bà Âu Cơ/Năm mươi con đang sống đất bằng”. Tất nhiên trường hợp bà Lệ Xuân không thể sử dụng cụm từ “bà râu”, những ý kiến khác đề nghị thay thế bằng bà La Sát, bà Chằn… nhưng cũng không thể.
Về từ “bà rồng/rồng cái”, quả thật nghe lạ tai quá. Nếu có “bà rồng” ắt phải có “ông rồng”? Người Việt chưa bao giờ dùng “ông rồng” để chỉ đấng mày râu quyền lực, có tính cách như "bà rồng". Thậm chí người Việt không dùng từ "bà" để chỉ bất kỳ con vật nào. "Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn" trong thơ Nguyễn Trãi, nều đọc Kinh dịch ắt hiểu chỉ về mặt trời, về thời gian. Hiểu đúng câu thơ là ngụ ý đất nước không có vua. Có câu hát xưa: "Ngồi buồn nói chuyện trên non/ Một trăm thứ cá có con không thằng/ -Thầy ơi chớ nói bao đồng/ Một trăm thứ cọp có ông không bà". Chỉ gọi "ông cọp", không ai gọi "bà cọp". Do đó, khi nghe cụm từ "bà rồng" thấy ngớ ngẩn lắm. Về từ “cái” trong “rồng cái” chỉ cần lật từ điển tiếng Việt sẽ biết nó có cả thẩy bao nhiêu nghĩa. Có ý kiến cho rằng: “Madame Nhu không phải là người phụ nữ đầu tiên người Mỹ gọi là Rồng Cái. Cái danh xưng này dường như xuất phát từ nhân vật hư cấu trong truyện tranh Terry and the Pirates những năm 1930. Con Rồng Cái biếm họa đó là người đàn bà quyến rũ ghê gớm. Ả được tạo ra từ những nét mực vẽ phác rất hung tợn làm nổi rõ xương gò má góc cạnh và cặp mắt láo liên. Ả chỉ quan tâm đến tiền bạc và quyền lực. Từ đó, bất kỳ người phụ nữ châu Á nào không phù hợp với hình dung phương Đông một phụ nữ nhu mì, phục tùng mà lại sốt sắng đều bị dán nhãn “rồng cái”. Nữ hoàng cuối cùng của Trung Hoa, Từ Hy, là một, cũng như Tống Mỹ Linh, người sẽ trở thành Madame Tưởng Giới Thạch, và Madame Mao. Ngôi sao điện ảnh Mỹ gốc châu Á đầu tiên của Hollywood, Anna May Wong, được chọn hoặc vào vai phụ khiêm tốn là một cánh hoa mỏng manh hoặc là con rồng cái quỷ quyệt và đầy mánh khóe trong các phim như The Thief of Bagdad và Old San Francisco”.
Thông tin này, chính xác đến đâu, y chưa kết luận, đơn giản chỉ vì không có điều kiện kiểm chứng.
Khi mọi người sử dụng từ “cái” trong “Bố Cái đại vương” nhằm tôn vinh anh hùng dân tộc Phùng Hưng - người có công đánh đuổi giặc nhà Đường phương Bắc, rõ ràng thời đó, Bố Cái được hiểu là “cha mẹ”. “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng” hoặc “con dại cái mang”. “Cái” là mẹ. “Tương tự, “cái” còn nhằm chỉ một sự vật có yếu tố to/lớn nhất. Thời nhỏ, mỗi lần mẹ nấu cơm, khi nước cơm sôi thường bảo: “Con lấy cho mẹ đôi đũa cái”. “Đũa cái” là đũa lớn nhất trong một/ nhiều bó đũa. "Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân đứng lại em than đôi lời", đường cái là đường lớn, đường chính; rễ cái, sông cái, thợ cái, cột cái v.v... là hiểu theo nghĩa đó; trong năm ngón tay/chân, ngón to nhất được gọi ngón cái; người trùm thiên hạ, có tính cách thủ lĩnh là “anh hùng cái thế” v.v… Tất nhiên, “cái” còn mang nhiều nghĩa khác nữa, nhưng ở đây không bàn đến vì ngoài phạm vi của nghĩa “bà rồng/rồng cái” dịch từ nguyên tác của quyển sách viết về bà Trần Lệ Xuân.
Một vấn đề cực kỳ lý thú được đặt ra, không rõ tự bao giờ “cái” còn nhằm chỉ về giới tính như “đực/cái”?
Sở dĩ, y quan tâm đến vì suy luận có lẽ ngay từ thời điểm đó, “cái” đã mất đi hoặc ít ra cũng không còn được ghi nhận như ý nghĩa có vai trò là “mẹ”, “to/lớn” nhất nữa. Khi nghe câu hỏi: “Con cái anh nếp tẻ thế nào?”, rõ ràng “cái” ở đây hàm nghĩa chỉ về giới tính để hỏi con cả/con trưởng, con thứ, con út; bằng không sẽ có cách hỏi khác: “Vợ con anh thế nào?”. Rõ ràng, “cái” theo nghĩa là mẹ, là to/lớn đã biến mất. Mà quái thật, không rõ có phải do từ sự “xuống cấp” này hay không mà rõ ràng có một điều dễ dàng nhận ra: từ “cái” một khi dùng gắn liền với người phụ nữ thường hàm ý xấu, mang sắc thái tiêu cực. Con cọp tất nhiên là dữ, nhưng phải là “dữ như cọp cái” mới đáng sợ; con ngựa đã từng tạo được thiện cảm qua ý niệm “mã đáo thành công”, nhưng khi một người đàn bà bị gán “ngựa cái” thì hàm nghĩa lại khác hẳn, gợi lên sự lăng loàn, trắc nết; khi nghe nói đến là “giặc cái”, “quỷ cái”, “chó cái” thì sao? Thì cũng không khác gì khi ta nghe đến “rồng cái”. Chẳng hay ho, tốt đẹp gì. Chỉ là sự khinh miệt, rẻ rúng, xem thường người phụ nữ.
Trong vốn từ tiếng Việt, từ xưa đến nay “cái” chưa bao giờ đi với “rồng” trở thành “rồng cái” nhằm chỉ người đàn bà: “Ả chỉ quan tâm đến tiền bạc và quyền lực”. Vì lẽ đó, khi dùng nó để chỉ một nhân vật điển hình như bà Trần Lệ Xuân, thiên hạ phản ứng cũng phải thôi. Mẫu người đó, lật lại lịch sử chỉ mới thấy có “Bà chúa Chè” Đặng Thị Huệ, chẳng hạn. Nhưng nó cũng không trở thành cụm từ mang tính khái quát với ý nghĩa vừa nêu trên. Tại sao như thế? Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều triều đại không xuất hiện nhiều người đàn bà đã đóng vai trò như bà Trần Lệ Xuân hoặc dù có, nhưng không có tính cách và số phận như vậy. Nói cách khác, mẫu người đàn bà như trường hợp bà Trần Lệ Xuân không phổ biến, chưa từng lặp đi lặp lại, do đó, chưa có cụm từ nào dùng để chỉ khái quát mà khi sử dụng thì ai ai cũng thừa nhận. Sự thừa nhận này giống như khi ta dùng cụm từ “Thị Nở”, “chị Dậu”, “Chí Phèo”… để chỉ một mẫu người nào đó. Với bà Trần Lệ Xuân rõ ràng chưa có cụm từ nào, không thể dùng “bà rồng/rồng cái” gì sất, như đã phân tích trên vì nó hoàn toàn xa lạ trong tâm thức người Việt.
Mà này, nói đi cũng phải nói lại, một khi đã xuất hiện cụm từ “bà rồng/rồng cái” nhằm chỉ “người đàn bà thép”, có quyền lực, có khả năng tham gia chính trường và có tham vọng thay đổi nó bằng mọi thủ đoạn, mọi tài trí thông minh, quyết đoán, độc ác hơn người thì biết đâu, từ cách sử dụng có tính cách “tiên phong” đó, dần dà về sau sẽ được mọi người chấp nhận?
Mà cũng có thể lắm chứ. Cứ quan sát cách sử dụng lời ăn tiếng nói đã hình thành trong khoảng mươi năm trở lại đây, ta thấy có biết bao từ, cụm từ mới đã ra đời và rơi rụng dần. Không gì phải phê phán, dù cảm thấy khó chịu vì cụm từ đó nếu không đáp ứng được yêu cầu nội tại của hàm nghĩa vừa nêu trên (ít ra qua trường hợp bà Trần Lệ Xuân), tự nó sẽ mất đi. Thế thôi. Sực nhớ, ban đầu, khi nhà văn Nguyễn Công Hoan cao hứng nghĩ ra từ "Oẳn tà rroằn" nhằm chỉ kết quả của vụ ngoại tình giữa người đàn bà An Nam với ông tây đen mũi lõ: “Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống "Oẳn tà rroằn" không biết chống gậy” - ban đầu có lẽ người ta chỉ thấy buồn cười. Nhưng rồi trải qua bao biến đổi, thay đổi về ngôn ngữ, nó vẫn “sống” sờ sờ, vẫn đồng hành cùng thời đại chúng ta đấy chứ?
À ghi lại kẻo quên, mấy ngày ở Huế, thỉnh thoảng vào La Résidence (5 Lê Lợi) uống cà phê, thấy ngoài vườn có am thờ và trên bệ khắc dòng chữ như sau: “Am thờ ngoại cảnh: Theo tín ngưỡng thờ cúng của đạo Phật và người dân Huế, “Am thờ ngoại cảnh” hiện diện ở hầu hết các gia đình ở Huế. “Am thờ ngoại cảnh” thường được đặt ở một góc vườn hoặc dưới một gốc cây cổ thụ trong vườn, tại đây có các vị thổ thần, thần cây và các thần linh ngoài trời được thờ cúng. Hằng tháng vào ngày trăng tròn và ngày cuối tháng, mỗi gia đình đều bày cúng hương, trầm, hoa quả, giấy tiền vàng bạc cầu mong được phù hộ để có được nhiều niềm vui, sức khoẻ và công việc làm ăn phát đạt”. “Am thờ ngoại cảnh” này, trong Nam cũng có và gọi đó là “bàn thờ thiên”? Còn nhớ, thuở nhỏ, trước nhà ông ngoại có trang thờ dì Nữ, em ruột của mẹ, mất lúc còn con gái. Đi đến những nơi nào nhìn thấy những am thờ ấy, lòng luôn nhẹ nhàng và dành nhiều thiện cảm.
Những ngày này còn có không khí Tết? Không rõ nữa. Từ Pilgrimage Village chuyển sang Vedana Lagoon, y hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Thế giới này có gì mà khiến y đắm đuối đến thế?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|