Giao diện Facebook Chồng Tây vợ Đông
Quái lạ, cái sự quan tâm nhiều nhất trong một hai ngày nay, lại là cái chết của con rùa ở Hồ Gươm. Rùa này, do sống lâu năm nên thường gọi Cụ Rùa. Cũng hơp lý thôi, hồ Gươm còn là nơi gắn liền với một truyền thuyết khởi đầu và kết thúc của cuộc chiến 10 năm đánh giặc Minh.
Lúc anh hùng Lê Lợi chuyên tâm tìm đọc sách binh thư, dốc hết tiền bạc hậu đãi khách khứa để chiêu mộ hào kiệt đánh đuổi giặc thì một ngày kia xẩy ra chuyện này: Người bạn của ngài Lê Lợi là Lê Thận, chèo thuyền ra sông đánh cá. Khi kéo lưới thấy nặng, lòng mừng thầm. Nhưng trong lưới không có gì ngoài một thanh sắt. Ông Thận quẳng đi mấy lần nhưng lần nào buông lưới vẫn chỉ một thanh sắt ấy. Thấy lạ, ông cầm lên xem. Sau khi gạt lớp bùn đi thì hóa ra đó là một thanh gươm sáng loáng, có khắc bốn chữ, nhưng chỉ đọc được hai chữ: “Thuận thiên” - tuân theo mệnh trời! Vậy tất có minh chúa ra đời giúp nước. ông Thận liền đem thanh gươm ấy trao cho Lê Lợi. Cũng trong ngày đó, đêm đã khuya, nhưng trên cây đa trước nhà Lê Lợi lại có tiếng chân rậm rịch và ánh sáng lấp lánh! Ngài thử trèo lên xem không ngờ lại thấy cái chuôi gươm nạm ngọc. Đem đóng vào lưỡi gươm kia thì thấy vừa như đúc. Lê Lợi khấp khởi mừng thầm: “Hẳn là trời đã trao cho ta gươm báu để diệt giặc cứu nước!”.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đầu năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi tức vua Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô tại điện Kính Thiên (Thăng Long) và lấy lại quốc hiệu là Đại Việt - trước đó Hồ Quý Ly lấy ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ, đã đổi quốc hiệu Đại Việt là Đại Ngu. Đất nước ca khúc khải hoàn. Nhân ngày đầu xuân, nhà vua đi chơi hồ Lục Thủy. Bỗng có con rùa vàng xuất hiện, nói với vua: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại chiếc gươm thần”. Lấy làm lạ, trên thuyền rồng, nhà vua rút gươm ra khỏi vỏ, tức khắc gươm bay về phía rùa vàng. Nó há miệng đớp ngang lưỡi gươm rồi lặn xuống hồ biến mất. Do truyền thuyết này, từ đó, hồ Lục Thủy có tên là hồ Hoàn Kiếm (hồ Trả Kiếm) hay còn gọi hồ Gươm.
Cụ rùa sống lâu năm ở cái hồ gắn với truyền thuyết hiển hách của dân tộc nên lúc cụ chết, dư luận quan tâm là điều dễ hiểu. Cụ rùa vừa chết vào ngày hôm qua, lúc khoảng 16g30. Theo Tuổi Trẻ Online post thông tin lúc 19:18 GMT+7: “Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã trực tiếp đến hiện trường”. Một người đứng đầu Thủ đô đã có mặt vào thời điểm đó, ắt không phải chuyện nhỏ. Sáng nay, Báo Thanh Niên cho biết: “Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm, sau khi phát hiện rùa đã chết, các nhân viên của BQL cùng với một số người dân đưa “cụ” vào bờ, vệ sinh và chờ làm các thủ tục để bảo quản và có thể xem xét nghiên cứu, ướp xác”.
Tóm lại, có thể cụ rùa được ướp xác, dù rằng các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi chán chê: “Việc xác định cá thể rùa hồ Gươm thuộc loài rùa nào thời gian qua vẫn gây nhiều tranh luận. Một số nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng đây là loài rùa mai mềm có tên quốc tế Rafeus Swinhoei, chỉ còn 4 cá thể: 1 ở hồ Hoàn Kiếm, 1 ở Đồng Mô (Hà Nội) và 2 cá thể còn lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về rùa, cá thể rùa hồ Gươm vừa chết là loại rùa quý hiếm, không thuộc loài rùa nói trên, là loài rùa mới, chỉ có ở Việt Nam”.
Do cụ rùa chết vào trước 1 ngày diễn ra sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nên thiên hạ tha hồ bình luận, suy diễn, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhà thơ Bùi Kim Anh có thơ rằng:
chỉ mong là lẽ ở đời
bởi chưng cao tuổi Cụ dời đi xa
linh thiêng tự ở lòng ta
đức tin còn mất cũng là tự tâm
cầu gì trong nỗi âm thầm
hỡi ôi hương khói trầm luân vọng về
Chưa hết, trước đây cũng vài ngày dư luận lại rộ lên thông tin trên đỉnh Fansipan có xây dựng một ngôi chùa. Việc xây chùa, có thật không? Sở dĩ nghi ngờ vì kiểm chứng lại từ các báo “chính thống” lại không thấy thông tin gì. Tại sao? Bèn hỏi người bạn mấy chục năm nay đã là giám đốc một công ty du lịch chuyên nghiệp, anh cười mà rằng: “Hỏi thế mà cũng hỏi. Lo làm thơ đi Q ơi”. Đọc lại tài liệu mà báo chí đã công bó trước đây, như Báo Lao Động có bài viết Triển khai dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan: Văn bản trái chiều hay là sự liều lĩnh?: “Sáng ngày 20.09.2014 tại chân núi Fansipan, nơi khu vực đang xây dựng nhà ga tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư đã diễn ra lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Bảo An, một trong những ngôi chùa nằm trong quần thể tâm linh Fansipan”. Vụ xây dựng cáp treo này, nói chung báo chí gọi là "Thảm họa cho Nóc nhà Đông Dương”.
Những ngày này đã có không khí Tết, nhiều người Việt đã về ăn Tết ở quê nhà. Quan tâm đến status của Chồng Tây Vợ Đông vì có bàiài viết post lên trang facebook cá nhân ngày hôm qua lúc 16:08. Và hôm nay lúc 18g05 đã có “138.355 người khác thích điều này. 76.565 lượt chia sẻ”. Tất nhiên, không thể không nhắc đến hàng trăm comment dưới bài viết. Khiếp chưa? Tác giả viết như sau:
“Con mang một nửa dòng máu Việt, nhưng con không được chào đón ở cửa khẩu quê hương. Câu chuyện này của bạn tôi, khi cô ấy đưa con về thăm ông bà ngoại, và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Nhưng ngay tại sân bay Nội Bài, hai mẹ con đã bị vòi "tiền uống nước" từ cán bộ cửa khẩu nếu muốn lấy visa nhập cảnh nhanh hơn. Vì không đưa "tiền uống nước" cho cán bộ Việt Nam, nên cô bé 2 tuổi rưỡi đã xếp hàng chờ cùng mẹ 1 tiếng đồng hồ để lấy visa, trong khi ở các sân bay khác, trẻ con luôn được ưu tiên làm thủ tục trước.
Mẹ xin lỗi con!
Sau những phút bịn rịn chia tay bố ở phi trường CDG Paris, con theo mẹ lên máy bay của hãng hàng không VNA về sân bay Nội Bài, Hà Nội. Con sốt cao từ hai hôm trước nên con khá mệt trên chuyến bay dài. Rồi máy bay cũng hạ cánh, theo chân mẹ con đi lấy hành lý và đến cửa khẩu nhập cảnh. Vì con chỉ có hộ chiếu Pháp, nên bố đã đặt làm giấy tờ cho con trên mạng internet, lấy visa ngay tại cửa khẩu Nội Bài.
Ở đó, hai mẹ con gặp một chú công an hải quan cửa khẩu, họ nói rằng "Xin cháu mấy chục đồng để uống nước" thì sẽ được cấp visa ngay, còn không thì xin mời xếp hàng đợi. (chục đồng ở đây là đồng euro hoặc dollar)Mẹ bảo họ mẹ không có tiền mặt ở đây, và thế là hai mẹ con được đứng đợi hơn một tiếng đồng hồ. Còn những người chấp nhận bỏ vài chục đồng cho họ uống nước thì được giải quyết ngay và luôn cho dù không hề có luật nào như thế.Con mệt và ngơ ngác, con muốn đi vệ sinh nhưng con vẫn phải xếp hàng, con không hiểu tại sao hai mẹ con phải đợi.
Mẹ xin lỗi con gái, mẹ vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tay cho những người tham lam kia. Vì thế dù vài chục euro là một số tiền không quá lớn, nhưng mẹ đã để con phải đợi cùng mẹ. Con gái thân yêu, đây là đất nước của mẹ và quê hương của con đấy. Mẹ rất xấu hổ nhưng đúng là thế.
Một đất nước mà đồng tiền đã vận hành đến tận xương tủy.
Một nơi mà con người nhìn nhau chỉ thấy tiền bạc và lợi ích thô bỉ.
Ở quê cha con được chào đón bằng những nụ cười thân thiện, bằng những ưu đãi dành riêng cho trẻ nhỏ.
Ở quê mẹ con bị chặn đứng bằng "chục đồng uống nước" trắng trợn.
May mắn là con rất ngoan, con mệt nhưng con không khóc lóc, con nằm dựa vào hai chiếc vali kiên nhẫn chờ tới lượt. Hai chiếc vali chứa rất nhiều quần áo cũ hai mẹ con đã xắp xếp hôm trước để mang về gửi tặng các bạn nghèo vùng cao.
Mẹ xin lỗi con!
Một vài lời gửi các anh chị cán bộ nhập cảnh ở sân bay Nội Bài:
Các anh chị thân mến,
Các anh chị chỉ biết nhìn vào bữa ăn hôm nay mà không nghĩ đến tương lai của xã hội cho con cái các anh chị ngày mai. Thái độ và sự vòi vĩnh của các anh chị chính là một phần của một lượng lớn khách du lịch không muốn quay trở lại Việt Nam. Một thiệt hại không thể đo đếm được ngay lập tức. Chúng tôi là những người con của đất nước này, chúng tôi về chơi vì đó là quê hương, là gia đình, là bạn bè thân thương. Còn khách du lịch, họ đến, họ mang công việc, mang lợi nhuận đến cho các anh chị, thế giới này rộng lớn và đẹp vô cùng, họ có tiền, họ có rất nhiều lựa chọn. Không Việt Nam thì sẽ là Thái Lan, Lào, Campuchia, ở đâu chào đón thì họ sẽ tới nhiều hơn. Còn khi bị đối xử tệ, họ sẽ cười khẩy, chấm cho cái cần câu cơm của các anh chị 1 sao và nhờ sự lan truyền trên internet, nó sẽ thành lời cảnh báo chân thực nhất làm nản lòng những ai có ý định du lịch Việt Nam.
Chắc các anh chị đều biết sử dụng Facebook, hãy vào "Noi Bai International Airport" và nhờ ai đó biết tiếng Anh dịch hộ những đánh giá 1* Đây là một ví dụ: "Janet Chan - 1 star. Bribery happens at this airport. The customs are definitely greedy and always ask for money! Uncivilized!". "Janet Chan - đánh giá 1*: Hiện tượng nhận hối lộ ở sân bay. Hải quan quá tham lam và luôn xin tiền! Thiếu văn minh!".
Hãy nhìn sang những nước láng giềng và tự hỏi tại sao họ phát triển hơn chúng ta? Vì những người cán bộ nhà nước của họ khôn ngoan hơn các anh chị, họ biết rằng "vài chục đồng xin xỏ" ngày hôm nay có thể làm họ rủng rỉnh vài tuần nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai họ và cả con cháu họ. Vì những người cán bộ nhà nước của họ biết xấu hổ, nhục nhã, không tham lam vô liêm sỉ.
Hãy động não suy nghĩ đi các anh chị.
(Nội Bài 13/1/2016)”.
Câu chuyện này, có thật hay không? Biết hỏi ai bây giờ? Mà nếu có, biết đâu lại gặp câu trả lời: “Hỏi thế mà cũng hỏi. Lo làm thơ đi Q ơi”. Đành lòng vậy. Cam lòng vậy. Cứ như thế, để còn thấy đời vui.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|