LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.11.2015

tungleminhquoc_sinh_nhat_80-1

Nhà thơ Lê Minh Quốc làm MC trong sinh nhật 80 của nhà thơ Thanh Tùng (nguồn: Trần Hoàng Nhân - Báo Thể thoa & Văn hóa ngày 17.11.2015)

 

Chộp lấy những con đường Hải Phòng
Dốc ngược chúng lên và nốc
Lấy mình làm cốc
Nốc những mối tình chưa xong
Rượu cất bằng nước mắt
Ông ngồi gắp cuộc đời
Nhắm toàn mồ hôi
Cuộc đời ném ông ra đường như giẻ rách
Chính ra ông phải giết người
Nhưng ông ngồi khóc
Khóc rất buồn cười
Nước mắt rơi toàn chữ
Dao thi ca đâm phụ nữ
Thơ làm trận bão tàn hung
Một trái tim thú dữ
Vật chết thơ đi hỡi thi sĩ Thanh Tùng
Ông vừa đi vừa hốt hoảng
Nhồm nhoàm nhai những đám mây Hải Phòng
Đêm đói quá nằm mơ ăn hải cảng
Và Hải Phòng ông đã uống xong…

Bài thơ này hay. Ấn tượng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết  ngẫu hứng ngay trong đêm mừng sinh nhật 80 tuổi của nhà thơ Thanh Tùng. Như năm trước, lần này nhận lời làm MC cho chương trình, y đề nghị khách tham dự viết bài thơ ngẫu hứng vào sổ tay. Cuốn sổ này, Lan Hương- con gái của Thanh Tùng đang giữ. Giữ lại một kỷ niệm thơ khó quên về thân phụ. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” hoàn toàn sai lè lè. Con gái thương bố, lo cho bố không thua gì con trai, thậm chí còn chu đáo hơn là khác. Tổ chức sinh nhật cho bố, hạnh phúc nhất thuộc về người con. Một khi làm điều gì đó cho đấng sinh thành vui, há chẳng phải là một cách trả hiếu và cũng là hạnh phúc mình đó sao? Năm ngoái, cô con gái in tập thơ Thời hoa đỏ như món quà sinh nhật và cũng là cuộc tri ngộ cùng các thi hữu. Đến tham dự rất vui, hào hứng, và nhất là cảm động về tình cha con. Nói đến Thanh Tùng, khó thể quên bài thơ Thời hoa đỏ (Đình Bảng phổ nhạc):

Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Ai lại không nhớ về ngày tháng đó? Ôi, cái ngày vạm vỡ dại khờ. Điên cuồng ngốc nghếch. Trong trắng thiên thần. Mỗi một ngày chứa chan lộc biếc. Tình thơ nhung lụa. Mãi mãi thế chăng? Không bao giờ. Con người ta lớn lên. Khôn ngoan hơn. Kinh nghiệm hơn. Nhưng thật ra cũng là môt cách tình táo hơn. Đáng tiếc nhất lúc tuổi trẻ lại tỏ ra tỉnh táo quá. Đọc lại câu thơ của Thanh Tùng, lại nhận ra có bóng dáng của chính mình ngay trong từ con chữ:

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Chỉ tiếc, đừng nên trách. Sự lựa chọn nào cũng có lý của nó. Trong đêm sinh nhật 80, anh đọc bài thơ mới nhất “Mùa thu ở Quảng Yên”:

Trời rót xuống bao nhiêu say
Em rót vào bao nhiêu nhớ
Những chào mời xiết một vòng ôm
Làm sao mà chứa nổi
Chân trời treo đầy tiếng sóng
Vẽ những đường hồi hộp của biển khơi
Cây vẽ lên tôi ảo giác
Tôi sẽ thành tan nát
Nếu không kịp trốn vào đâu!
Bông lau tím lật qua chiều đông tái
Cho tôi quên cả lối đi về
Em sôi nổi đến làm tôi ngần ngại
Có bao giờ tôi dám ước mơ đâu!

Bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã phổ nhạc. Tiếng hát ngập căn phòng. “Thơ viết về mẹ của Lan Hương đấy”. Anh nheo mắt, nghiêng tai nói nhỏ, nghe rưng rưng. Hình bóng của người tình, người vợ một thời vẫn còn lãng đãng đâu đó trong trí nhớ. Vợ anh qua đời vào năm 1989 vì bệnh tim, để lại hai người con, một trai, một gái. Năm đó, Lan Hương được khoảng 15 tuổi, anh không kết hôn lần nữa. Hình ảnh người vợ như lửa giấu trong tro, có lúc, lại ngun ngút cháy và câu thơ lại viết. Lại một cảm xúc day dứt. Rười rượi buồn. Đôi khi, một niềm đau, một nỗi vui lại là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ. Nhà thơ Thanh Tùng đề nghị con gái ngâm tặng mình một bài thơ chị sáng tác về mẹ:

... Mẹ mất rồi, con giấu mình với nỗi cô đơn
Mẹ yêu ơi, con vẫn biết con sinh ra từ cô đơn của cha, từ cô đơn của mẹ
Nên mỗi chiều về ngắm bóng cha con như nhìn thấy mẹ
Ánh mắt cha thầm nhắc cùng con câu thơ ngày cũ
Cả đời mẹ vẫn đi kiếm đi tìm
Nhưng chỉ thấy những điều tiếc nuối
Tiếc nuối ơi giờ mẹ ở đâu..."

Sống trên đời, ai lại không yêu mẹ? Chính tình yêu đó giúp mỗi chúng ta trở nên hướng thiện hơn. Và trong sinh nhật, Thanh Tùng lại nhắc về mẹ, một bóng hình xa khuất nhưng vĩnh viễn tồn tại trong tâm thức. Một ký ức không phai. Tình mẫu tử bền chặt muôn đời. “Muốn lăn vào lòng mẹ/ Như những ngày còn thơ / Tiếng mẹ run như sóng/ Tiếng mẹ mềm như tơ/ Mẹ cười hay mẹ khóc/ Chỉ thấy mắt ta mờ”…Câu thơ của Thanh Tùng - một chàng thi sĩ đã 80 xuân đã khiến nhiều người cảm động khôn nguôi.

Và có điều lạ, bao giờ anh cũng hồn nhiên, ngơ ngác giữa trần thế, tại căn cớ làm sao? Chỉ có thể tại… thơ đấy thôi. Anh sinh ra ở Nam Định. Lớn lên và sống tại Hải Phòng, thời trai trẻ anh là công nhân bốc vác. Những giọt mồ hôi nhọc nhằn, mặn chát áo cơm ấy, chính là nguồn cảm hứng của thơ và thơ đã tạo cho anh sự yêu mến trong lòng bạn đọc từ nhiều thập kỷ trước. Nói như Trần Mạnh Hảo: “Thanh Tùng từng ăn Hải Cảng”. Con người đó, “chính ra ông phải giết người” nhưng thơ đã đến. Mọi sự đã thay đổi. Bây giờ, sống tai Sài Gòn, anh lại mải mê, đắm đuối với thơ. Trong cuộc vui, Thanh Tùng cho biết đang bắt tay viết trường ca Đất phương Nam như một cách tạ ơn vùng đất đã cưu mang anh những năm tháng cuối đời.

À, bạn bè của y cũng ngộ. Lúc đã say, họ có thể, đúng dậy, vừa nốc rượu, vừa đọc liên tu bất tận những câu thơ chợt đến trong đầu. Thanh Tùng là một trong số đó, dù bây giờ, anh đã bước sang lứa tuổi: “Bông lau tím lật qua chiều đông tái”. Mà nhà thơ làm gì có tuổi, chỉ có cảm xúc và tình yêu mới neo họ ở lại với bến bờ của thơ, phải không anh Thanh Tùng?


L.M.Q

 

SINHNHAT-80-CUA-NHA-THO-THANH-TUNGTừ trái: Ất Hợi, Kỷ Hợi, Đinh Hợi trong sinh nhật 80 của nhà thơ Thanh Tùng (Ảnh: Đinh Thu Hiền)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment