LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.11.2015


tuong-mo-NGUYEN-DINH-VUONG

 

Chiều qua, lên Tân Bình. Kẹt xe kinh khiếp. Quay về nhà, lại đọc cái gì đó. Khi cầm quyển sách trên tay, thông thường bạn đọc chỉ nhớ đến tác giả. Ít ai có thể biết đàng sau trang sách là những ai. Những ai đã góp phần tích cực làm nên một diện mạo văn hóa từ tập sách đó. Mấy ai còn nhớ đến các ông chủ nhà in, cơ sở ấn loát như Tân Dân, Mai Lĩnh, Khai Trí, Phạm Quang Khai, Lá Bối, Sống Mới, Ðồng Nai, Nguyễn Ðình Vượng, Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Ðăng... Chẳng ai nhớ? Không phải thế đâu. Những gì đã xuất hiện, đã làm nên diện mạo văn hóa của một thời, làm sao có thể “xóa sổ”? Dù muốn, dù không nó vẫn còn tồn tại đâu đó trong ký ức đời người.

Đêm qua, đọc lại giai phẩm Văn số Tưởng mộ Nguyễn Đình Vượng, phát hành ngày 25.4.1974.

Dù không viết một chữ nào, chỉ là “bà đỡ” cho sáng tác của các cây bút văn chương, Nguyễn Đình Vượng không mất đi, sau khi chết. Nghĩ cho cùng, cái chết đó là “thọ”. Thọ hơn rất nhiều người dù thuở sinh thời lên ngựa xuống xe, tả phù hữu bật, võng lọng xênh xang, vênh váo nghị trường, mua quan bán tước… sau khi mất chẳng còn gì lưu lại cho đời.

Anh Vượng! Còn đâu giấy nữa anh

Mà sao in gấp được thông hành

Để sang mặt phải vùng nhân thế

Hơi đất từ đây thở nhịp lành

Sầu xuân cỏ liền trời xanh

Ngọc châu Văn dựng xây thành từ đây

Cành mai trắng mộng còn đây

Lòng trang giấy lại gác mây lệ nhòa

Bài thơ này, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đọc hai lần: Chiều ngày 1.4.1974 tại tòa soạn báo Văn (38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn 2); sáng mồng 3.4.1974 tại nghĩa trang Mạc Đinh Chi. Một người không thuộc giới sáng tác, khi mất, thi sĩ hàng đầu trong thời điểm đó có Thơ vĩnh biệt, chẳng là một vinh dự đấy sao? Chưa hết, nhà văn Vũ Bằng, bậc trưởng thượng làng văn trận bút ngày đó đã đọc điếu văn lúc hạ huyệt.

Ông Nguyễn Đình Vượng sinh năm 1912 tại Hà Nội mất lúc 12 giờ đêm ngày 31.3.1974. Có thể tóm tắt đôi nét đã làm nên chân dung độc đáo của một con người mê in sách đẹp, sạch lỗi chính tả, chỉ thuần túy văn chương: Ngày 1.1.1964 ông ra tạp chí Văn, nặng phần sáng tác, Trần Phong Giao giữ chức Thư ký tòa soạn. Tháng 3.1968, ông cho ra mắt nguyệt san nữa lấy tên Tân Văn, chủ yếu nghiên cứu, lý luận văn học; sau này còn c1o thêm Văn Uyển, in tác phẩm mới của tác giả trẻ hoặc đã thành danh. Cuốn tiểu thuyết Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền in năm 1957, đánh dấu sự ra đời Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, kế tiếp là Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan. Logo của nhà xuất bản này chỉ mỗi chỉ V.

Tạo nên thương hiệu của chữ V này là sự khó tính, cẩn trọng trong ấn loát. Nhà văn Con sáo của em tôi, kể: “Ông Vượng khó mà giàu vì ông khoái được tiếng in đẹp. Có khi sách đã in xong, đã may, chỉ cần sai hay hư kỹ thuật một trang thôi, ông bắt tháo tung, in lại cahier có trang sai. Tuổi Ngọc bộ mới, số 6, có trang đổ bát chữ, thợ typo vắng mặt, thợ máy tự ý sửa và cho chạy. Rồi xin tôi thông cảm. Tôi thông cảm ngay. Ông Vượng biết chuyện. Ông bắt hủy bỏ, sắp chữ lại, in lại, ông chịu thiệt… Tiếc là báo đã… phát hành lúc ông nằm nhà riêng dưỡng bệnh. Ông kêu thợ, la lối, đòi đuổi và bảo tôi: “Duyên Anh, toa in ở đây hai số nữa thôi, toa kiếm nhà in khác đi, moa không bằng lòng toa vì toa dễ dãi với thợ của moa, làm hỏng nhà in”.

Tạo nên thương hiệu của chữ V này là cái tình. Nhà văn Thương nhớ mười hai cho biết: “Đời bao giờ cũng có nhiều người tốt; nhưng ở vào thời buổi bây giờ, có những người bạn đối với những người bạn, có những chủ nhiệm, chủ xuất bản cư xử tốt với anh em văn nghệ như anh đối với chúng tôi - tương đối không có nhiều. Riêng tôi còn nhớ mãi một cử chỉ đẹp của anh đối với cá nhân tôi: tôi không có tiền, viết thư mượn anh một số để tiêu. Tôi ghi nếu anh bằng lòng, ba ngày nữa tôi đến lấy. Nhưng không đợi ba ngày, ngay hôm sau anh đi xích lô đến nhà tôi - cách trụ sở Văn bốn cây số - để đưa cho tôi số tiền hỏi mượn. Mà lúc ấy lại giữa trời trưa nắng, mà anh Nguyễn Đình Vượng lại thụ bệnh rồi, mặc một cái áo len chưa đủ, phải khoác một cái khăn lông ở cổ cho đỡ lạnh”. Đọc chi tiết này ắt biết lúc ấy, nhà văn Vũ Bằng ở Khánh Hội (Q.4).

Tạo nên thương hiệu của chữ V này là biết chơi, chơi với anh em văn nghệ bất vụ lợi. Ông để lại di ngôn: “Tôi làm tờ Văn, xuất bản sách, không vì mục đích làm giàu. Vui anh em thôi. Trong mọi trường hợp cần nói rõ, chỉ cần các anh em nhớ nói rõ cho Văn là một diễn đàn tự lực, chưa từng tìm kiếm cho nó một ân huệ đặc biệt nào. Chẳng phải tôi không biết cách tìm kiếm. Chỉ là tôi không thích thế”.

Đời người, chỉ cần làm được vậy, đã là đủ.

Phải nói thật rằng, tìm một người làm sách tư nhân như cỡ ông Nguyễn Đình Vượng thời buổi này, khó lắm. Nói như vậy, khắt khe quá chăng? Sau năm 1975, khi mà các nhà xuất bản tư nhân đã không còn tồn tại, nếu có chăng chỉ là sự “liên kết” giữa tư nhân và NXB thuộc nhà nước, nếu phải kể đến một người nữa, có tâm sáng khi làm sách như ông Vượng ắt phải kể đến ông Nguyễn Thắng Vu (1935-2010) người Quảng Bình - Tổng biên tập, Giám đốc NXB Kim Đồng. Cả hai đã ra người thiên cổ. Mà lại thọ.

Còn nhớ có lần cùng anh Phan Kim Thịnh đến thăm ông Khai Trí  tại nhà riêng. Lúc ấy, ông Khai Trí mới từ nước ngoài về, sau đó ông cũng “liên kết” với một vài nhà xuất để in sách. Có thể đến các tuyển tập thơ về mẹ, danh ngôn Đông Tây v.v… do ông thực hiện. Hỏi, ông có nhận xét gì về những người làm xuất bản trong nước, khác thời của ông ra sao? Với câu hỏi này, thoạt nghe, ông cười rổn rảng như vốn có, sau đó, lại trầm ngâm bảo rằng, đại khái, làm sách, viết sách, in ấn sách là làm văn hóa. Nhưng không hiểu vì sao hiện nay con người ta quan hệ làm ăn, quan hệ bè bạn, đối đãi với nhau không thiệt lòng như trước. Dù làm sách nhưng cũng chỉ là “quan hệ thời vụ”, không gắn bó lâu dài. Có lợi cho nhau, đến với nhau, như một sự mua bán, tiền trao cháo múc; sau đó, nếu không có lợi gì thì mạnh ai nấy đi, đường ai nấy bước. Chẳng tình nghĩa gì. Đó  cũng là lần trước nhất nghe nói đến cụm từ "quan hệ thời vụ". Nói xong, ông thở dài sườn sượt và bảo: “Đừng ghi lên mặt báo. Phiền lắm”. Nay, ông Khai Trí đáng kính trọng đã ra người thiên cổ. Mạo muội ghi lại đôi dòng như nhắc về kỷ niệm về một người đã đầu tư vốn thực hiện tờ báo Thiếu Nhi trước 1975 tại miền Nam. Thế hệ cầm bút của y cũng từ “cái lò” đó mà ra.

Thoáng đó, đã hết buổi sáng ngày thứ Bảy. Viết lan man đôi dòng về người sáng lập ta tạp chí Văn cũng bởi nhớ rằng, trong quyển Bên lề sách cũ, cụ Vương Hồng Sển từng "cẩn chí":“Dầu sao dời vật đổi, tôi nguyện không quên ơn người để chữ lại”.

Thời tiết mấy hôm nay cũng thế. Nhiều chuyện ồn ào, bán tán ầm ĩ trên mạng xã hội. Thú thật, cũng chẳng quan tâm gì thêm. Chỉ nhận ra rằng, hôm ngày 6.11.2015, trên đường từ nhà đến NVH Thanh Niên tham gia chương trình sách cũ “Nghề chơi cũng lắm công phu”, lúc đi ngang đường Hai Bà Trưng quẹo sang đường Phạm Ngọc Thạch tự dưng lại nhớ đến mấy câu thơ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Thời học trung học ở Trường Tây Hồ (Đà Nẵng), y có học môn Âm nhạc do tác giả Bông hồng cài áo (phổ thơ Thích Nhất Hạnh) dạy đúng 1 buổi. Sau đó, không còn được học nữa, đơn giản chỉ vì ông bỏ Đà Nẵng vào sinh sống tại Sài Gòn, tham gia phong trào đấu tranh độ thị miền Nam. Bài thơ Nói với người đã khuất viết vào ngày mồng Một Tết năm Canh Tuất (1970) in trên báo Đối Diện số 20, có đoạn:

Hôm nay giỗ thầy

má bảo con lên thăm mộ thắp nhang

nhưng sao ngài ngại

quân cảnh bố ráp ngã ba Cai Lang

cảnh sát dã chiến hành quân Hoàng Diệu

kiệt 7, kiệt 8

tự vệ đen thui

kiệt 9, kiệt 10

cướp cò súng nổ

bỗng thấy lạnh người và hết muốn đi

dù giấy tờ hợp lệ…

Những ngã ba Cai Lang, Hoàng Diệu, kiệt nay kiệt nọ rất gần nhà y đó thôi. Rồi có lúc đi ra đường lại vọng về buốt óc một câu thơ của Nguyễn Duy: “Một người đi chật hết một con đường”. Nhớ lại câu thơ văn xuôi, như nói thủ thỉ thì thầm, đọc đã lâu lắm rồi, nay, tự dưng lại nhớ ắt cũng chẳng phải ngẫu nhiên.

Thế đấy. Đấy là đời.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment