BÀI THƠ THẦN - TƯƠNG TRUYỀN CỦA DANH TƯỚNG LÝ THƯỜNG KIỆT
Có lẽ, thói quen của nhiều người là mỗi ngày, thỉnh thoảng lại “leo” lên Facebook. Có lúc thoáng qua như chuồn chuồn đạp nước, có khi “ăn dầm nằm dề”. Rồi, đọc status của ai đó, cao hứng thì “nhảy vào” bình luận một đôi câu. Đọc, có thể nhận ra tính cách của con người đó. Sống thế nào, tư cách thế nào, có thể che giấu ở đâu chứ một khi đã thể hiện bằng dòng chữ viết thì khó lắm. Gần đây, dư luận phản đối dữ dội việc sách Giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1 thay đổi bản dịch bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt.
Sự ra đời của bài thơ này tuyệt đẹp. Tháng Chạp năm 1076 đánh nhau với giặc Tống, vị danh tướng đời nhà Lý "sợ quân minh có ngã lòng chăng, bèn đặt ra một chuyện nói rằng có Thần đọc cho bốn câu thơ" (Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim). “Thế là Thần hiển linh đọc thơ, “phối hợp tác chiến” đúng vào thời điểm khi người mở cuộc phản công đánh quân xâm lược. Văn chương chưa hoàn toàn tách khỏi lĩnh vực huyền thoại, nhưng huyền thoại đẹp biết bao! Câu chuyện không thật mà vẫn nói rất nhiều sự thật. Thơ của người đã biến thành thơ của thần, mặc dầu người ở đây sinh thời vẫn nổi tiếng ghét mê tín dị đoan và về sau uy danh lừng lẫy chẳng kém gì thần” (Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược - Viện văn học - NXB KHXH 1981).
Với hoàn cảnh ra đời của bài nổi tiếng này, rõ ràng, Lý Thường Kiệt chứng tỏ là người rất am hiểu về binh thư. Ông đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tấn công bằng quân sự và nghệ thuật binh vận bằng thơ ca, nghệ thuật động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ... Trong lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, bài Thơ thần của Lý Thường Kiệt được xem là “Bản tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất của Tổ quốc ta:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Đã có nhiều bản dịch, chẳng hạn:
Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự,
Sách trời định phận rõ non sông.
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Bây hãy chờ coi, chuốc bại vong.
(Ngô Linh Ngọc dịch)
Sông núi nước Nam, Nam đế chủ,
Cõi bờ định rõ tại thiên thu.
Cớ sao nghịch tặc dám xâm phạm?
Bay liệu, rồi đây chuốc bại hư.
(Bùi Văn Nguyên dịch)
Và đây là văn bản của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam công bố trong tập Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB KHXH - 1971):
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Trong công trình nghiên cứ mẫu mực, đầy đủ nhất về Lý Thường Kiệt, học giả Hoàng Xuân Hãn dịch:
Sông núi nước Nam, vua Nam, coi
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Bay sẽ tan tành chết sạch toi
Nhiều thế hệ học sinh đã quen thuộc với bản dịch đã in trong tập Lịch sử Việt Nam vừa nêu trên. Gần đây, những nhà làm sách giáo khoa lại thay bằng bản dịch khác:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ
(Lê Thước - Nam Trân)
Trao đổi về một vấn đề học thuật là chuyện bình thường, tuy nhiên, người trao đổi, tranh luận phải có kiến văn, có tinh thần cầu thị và nhất là phải biết lễ phép. Lễ phép với tiền nhân. Lễ phép với người đang đối thoại. Quái lạ, có nhiều người vỗ ngực xưng tên, hùng hùng hổ hổ mắng sa sả tác giả bản dịch trên. Xin thưa, lũ hậu sinh chúng ta chữ nghĩa không đầy lá mít, không đầy nắp hến nếu so với trình độ Hán học của cụ Lê Thước - Nam Trân. Họ là những nhà Hán học cự phách. Vấn đề đặt ra bản dịch đó, có gì sai sót, chứ không phải đọc không thuận tai như đã từng quen thuộc bản dịch trước rổi quay ra phỉ báng hai nhà giáo đáng kính trên.
Một tác phẩm tiếng nước ngoài, có nhiều bản dịch là lẽ thường tình. Một khi công chúng đã công nhận, chấp nhận bản dịch đó thì chẳng việc gì phải thay đổi cả. Với các kiệt tác trứ danh như Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) hoặc Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo) v.v… đến nay khó có thể có bản dịch nào vượt trội hơn, được yêu thích hơn bản dịch của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ. Thế nhưng, người khác muốn dịch lại lần nữa cũng là lẽ thường tình, “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Vấn đề là nhà làm sách Giáo khoa chọn bản nào cho học sinh?
Trong trường hợp thay đổi bản dịch bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, sự bất cập đó thuộc về nhóm biên soạn. Thú thật, chẳng rõ nguyên cớ ra làm sao họ lại thay đổi bản dịch đã quen thuộc? Để làm gì? Hay “thừa giấy vẽ voi” chăng? Rồi cũng chẳng rõ ra làm sao Bộ GD-ĐT lại có sáng kiến đẻ ra môn “Công dân với Tổ quốc” nhằm gộp 3 môn "Sử - Đạo đức công dân - An ninh quốc phòng" vào với nhau. Điều này có nghĩa môn Sử không còn là môn học độc lập! Đối mặt với dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể", Hội Khoa học lịch sử Việt Nam quyết định sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Môn sử phải là môn bắt buộc và môn độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông” vào ngày 15.11.2015 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (ở Hà Nội). Cuối cùng, số phận của môn Sử sẽ được (hay bị) “xử” thế nào, ta hãy chờ xem.
Trở lại với sự tranh luận vừa qua. Ý kiến này đáng ghi nhận khi bàn về câu thứ 4: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Tác giả Đặng Ngọc Hùng - Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận cho biết: “Rõ ràng, câu thứ tư trong bản dịch “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!” không làm toát lên hết chiều sâu, tính minh triết của nguyên tác. "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" có nghĩa là “Chúng bay sẽ thấy [chúng bay] tự chuốc lấy thất bại”; ở đây bại kết hợp với hư là thất bại đến mức thảm hại, tan nát, không còn gì.
Câu thứ tư của nguyên tác, như đã nói, có ít nhất hai nghĩa:
Một, chúng bây tự chuốc lấy thất bại. Đây là nghĩa chính, sát với nguyên tác. Xâm lược là hành động đi ngược lại sách trời, trái với chân lý nên ắt phải tự chuốc lấy bại vong. Đặt vào ngữ cảnh bài thơ, thất bại ở đây là do trời phạt, vì dám làm trái sách trời. Thâm ý của cha ông ta là ở đây! Tôi xin nói thêm, cái thần của nguyên tác nằm ở chữ thủ (取). Chữ này thuộc bộ hựu (bên trái là chữ nhĩ 耳 - lỗ tai). Theo Từ điển từ nguyên tiếng Trung của Nguyễn Mạnh Linh (Nhà xuất bản Hồng Đức 2008), ngày xưa, khi quân đội đánh nhau, bên thắng trận thường chặt đầu hoặc cắt tai kẻ bại trận mang về làm bằng chứng lập công. Trong giáp cốt văn, chữ thủ giống hình một tay cầm cái tai đã bị cắt. Do đó thủ có nghĩa là lấy, bắt được, tìm lấy, chuốc lấy. Vậy “thủ bại hư” có nghĩa là chính tay (mình) làm cho (mình) thất bại. Hay biết chừng nào!
Hai, “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, đây là nghĩa suy theo lô gíc. Chúng bây sang xâm lược nước Nam thì người Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn từ bao đời, với bản năng tự vệ, sẽ đánh lại chúng bay để bảo vệ sơn hà xã tắc.
So sánh giữa hai nghĩa, nghĩa thứ nhất vừa sát với nguyên tác, vừa minh triết: chúng bay tự chuốc lấy bại vong (tự mình làm cho mình thất bại), thể hiện tầm thế chính nghĩa cao vời và tư tưởng quyết chiến nhưng chuộng hòa hiếu của cha ông ta. Ngẫm kỹ, cho đến ngày nay, để cho kẻ thù “thủ bại hư” vẫn là một ý hay, sâu sắc, thậm chí vẫn hiện hữu trong đường lối ngoại giao mà Việt Nam đang theo đuổi: nước nào đi ngược lại Công ước quốc tế, chính nghĩa, nhân tâm thì sẽ bị thế giới cô lập, lên án, thậm chí trừng trị. Có khi không đánh về vật chất mà kẻ thù vẫn bại, đó là tư tưởng độc đáo của Đại Việt” (nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM Online post Thứ Hai, ngày 9/11/2015 - 20:01).
Nhân đây xin gợi ý thêm, có lẽ các bản dịch trên chưa nêu rõ, làm nổi bật ý nghĩa chữ "đế" chăng? Thiển ý, đó mới là "nhãn tự" của bài Thơ Thần. Đọc những bài tranh luận của người am hiểu vấn đề và nhất là thể hiện văn ngôn điềm đạm, nhún mình, bao giờ cũng thấy thích. Dù người có kiến văn uyên bác, học lực uyên thâm nhưng cách viết hằn học, trịch thượng thì đọc cũng mệt. Đọc ý kiến của những người chẳng biết họ học hành thế nào, kiến thức ra sao nhưng chỉ rặt mạt sát, châm chích, gân cổ gào toáng lên, nói năng hùng hùng hổ hổ như thể “mục hạ vô nhân” thì còn gì chán ngán hơn? Lâu nay, đã có nhiều chuyên đề bàn luận, đúc kết về tính cách của người Việt, có lẽ thái độ tranh luận hiện nay cũng đang dần dần hình thành thêm một tính xấu đấy.
Tiếc rằng, trong thời điểm này, ít thấy ai nhắc lại tư tưởng quân sự của Lý Thường Kiệt: Ngày 27.10.1075, một đạo quân do phó tướng Tôn Đản chỉ huy đã vượt biên giới đánh thẳng lên Ung Châu (Nam Ninh - Trung Quốc). Còn đạo quân thứ hai do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã bí mật, thần tốc vượt đường biển đánh chiếm Châu Khâm và Châu Liêm. Trong cuộc hành quân sang đất Tống, để dân Tống biết được việc làm chính nghĩa của ta, Lý Thường Kiệt đã cho phân phát bài văn: “Lộ bố”:
“Trời sinh ra dân chúng, vua có đức thì tin yêu. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân. Nay vua Tống ngu hèn, không theo khuôn phép thánh nhân, nghe cái kế tham tà của An Thạch, bày ra phép “thanh miêu”, “trợ dịch” khiến trăm họ hao kiệt, lầm than, để thỏa mãn cái mưu nuôi béo thân mình.
Số là muôn dân đều dựa vào trời, bỗng sa vào sự độc hại của thói tham lợi. Bề trên cố nhiên phải thương xót. Nhưng việc từ trước, thôi không nói làm gì.
Bản chức vâng mệnh quốc vương, chỉ đường Bắc tiến, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có cái ý phân biệt quốc thổ, chứ không phân biệt chủng dân. Phải quét sạch cái bẩn thỉu hôi tanh để ca thuở đẹp của ngày Nghiêu, để hưởng hội lành của tháng Thuấn.
Nay ta ra quân cốt cứu vớt muôn dân. Hịch văn truyền đến để mọi người đều nghe. Ai nấy hãy tự suy xét, chớ có mang lòng sợ hãi” (Theo bản dịch của Trần Văn Giáp - Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1 - NXB KHXH -1997).
Trong tập sách trên có giải thích: "lộ bố": bài văn viết trên vải trương ra trước công chúng, trên đó nêu tội ác của địch, hoặc chính nghĩa của ta"; Vương An Thạch: Tể tướng thời vua Thần Tông nhà Tống; "thanh miêu": chính sách của triều đình bỏ tiền cho dân vay khi lúa còn non, sau thu lại, dân phải trả lãi; "trợ dịch": là chính sách cho dân nộp tiền để miễn sai dịch".
Hậu sinh khả úy. Chúng ta đang sống trong thời đại oanh liệt của khí phách Lý Thường Kiệt đấy chăng?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|