(Ảnh: Internet)
“Những ngày này, các vụ án giết người rúng động xã hội đang xét xử”.
Buổi sáng, thức dậy sớm, thanh tịnh tâm hồn, nhìn đời bằng con mắt trong veo, lướt qua vài trang báo, đọc dòng chữ đó, đột nhiên ly cà phê đắng tê đầu lưỡi. Mà ngày nào cũng như ngày nào, lạ thay, cũng nhan nhản các thông tin đen tối, những phát biểu hắc ám, những trò ma mị của tầng lớp ăn trên ngồi trốc, làm sao có thể nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan?
Và đám đông? Những con người lô nhô lóc nhóc chỉ là hạt bụi trôi theo dòng đời, trong đó có y, lại thế nào? Khó có thể có cái nhìn mọi vấn đề, chỉ gói gọn trong một vài vụ xử án hiện nay. Đã thấy gì? Đã cảm nhận những gì?
Thử hỏi, trong cuộc sống hiện tại, con người ta gần gũi, thân mật và có thể chia sẻ mọi điều chăng? Không hề. Cứ vác xác đi ra đường phố mỗi ngày, có lúc sẽ gặp lắm tình huống oái ăm. Kìa, có người vừa bị giật đồ, té ngã chỏng ngọng giữa đường, mặc kệ, dòng người thản nhiên đi qua, Không đoái hoài ngoái nhìn. Chẳng ai muốn ra tay nghĩa hiệp mà có thể họ cho “chuyện ruồi bu”. Biết đâu sẽ vướng vào phiền toái khác ngay sau đó. Mệt. Cứ né xa càng cho nhanh.
Thế nhưng, cùng một sự việc, nếu có sự tụ tập của đám đông, quả nhiên, có nhiều người lại bày tỏ thái độ khác. Người ta khen mình cũng ngoác mồm miệng ra khen; người ta chê mình cũng vỗ đùi đành đạch mà chê. Khen chê ấy, không phải độc lập suy nghĩ mà chỉ là sự bắt chước theo nhau.
Cả hai thái độ nói trên, nghĩ cho cùng chính là biểu hiện của sự vô cảm.
Thật chạnh lòng, khi chứng kiến một phiên tòa lưu động xử kẻ nghiện hút, ăn cắp tại khu phố nọ. Lúc kết thúc, bà mẹ của bị cáo thốt lên những lời chân thành xin lỗi bà con chòm xóm. Tâm tình ấy có được chấp nhận hay không? Phải được chứ. Thế mà, lập tức cả hàng trăm con người nhao nhao chế giễu bằng những lời lẽ cộc cằn, miệt thị. Vẫn biết, sự căm giận không sai, nhưng kẻ xấu phải nhận bản án tương xứng, há gì đám đông lại tiếp tục “ném đá” về phía bà mẹ? Sao nỡ gây thêm tổn thương lần nữa, khoét sâu vào nỗi bất hạnh của người mẹ có đứa con hư đốn?
Hẳn nhiều người người con nhớ vụ án kẻ giết người đã xử ở tòa án tỉnh nọ. Lúc Kiểm sát viên luận tội đề nghị áp dụng hình phạt tử hình, ngay lập tức phía gia đình bị cáo òa lên khóc lóc thảm thiết, đớn đau vì biết sắp vĩnh viễn mất đi một người thân. Ngược lại gia đình bị hại khua chiêng, gõ mõ, đánh trống ầm ĩ, đồng loạt vỗ tay hả hê lắm, sung sướng như vừa trúng số độc đắc, chỉ thiếu điều khui sâm-banh ăn mừng tại tòa. Gia đình bị hại từng đau đớn xé lòng vì đã mất người thân, nay phía thân nhân bị cáo cũng có nỗi buồn đau tương tự. Hả hê sao đành?
Còn gì bẽ bàng, thô lậu hơn trước những tiếng cười vô tư, khoái trá của đám đông lúc dự buổi xử án kẻ giết người vừa diễn ra tại Yên Bái? Có tội, ắt đến tội. Đó là công lý. Tuy nhiên, thỉnh thoảng đám đông lại nổ ra những trận cười bất tận, do bị cáo là người dân tộc Dao, không rành tiếng Việt, khi quan tòa hỏi một đằng, bị cáo trả lời một nẻo, chỉ thế. Bo chí tường thuật: “Nhiều đoạn bị cáo và người liên quan khai không đúng câu hỏi làm người dân phía dưới cười. Bị cáo thấy người dân phía dưới cười nên cũng cười theo”. Kẻ giết người không ghê tay, kẻ sát nhân không còn biết mùi tanh của máu, phút chốc trở nên tên hề đáng thương hại. Ai đã làm nên điều kinh tởm đó? Chính là sự vô cảm cảm của đám đông. Một đám đông không ý thức đang chứng kiến giây phút kinh hoàng đau đớn của người bị hại. Hóa ra cái ác, cái xấu không khiến người ta ghê gớm, kinh sợ mà chỉ dem lại sự cười cợt, nhộn nhạo?
Hành xử theo lối vô cảm ấy cũng không khác gì cái ác?
Có ai trong đám đông ấy nghĩ rằng, ngồi dưới hàng ghế theo dõi xử án thì người thân, bà con ruột thịt của nạn nhân đang đau đớn như thế nào? Làm sao gan ruột họ không quặn thắt, không đứt đoạn khi nghe thủ phạm kể lại quá trình phạm tội. Họ ứa nước mắt. Nuốt nước mắt vào lòng để khỏi bật ra tiêng khóc. Hỡi ôi, ngay lúc ấy lại rôm rã những tiếng cười. Tiếng cười ấy, vô cảm. Tiếng cười ấy, không có tình người. Trước nổi đau của người khác, “hiệu ứng” đám đông “lạc quẽ”, vô cảm ấy nói lên điều gì, nếu không phải là sự bất nhẫn của tâm lý bày đàn?
Vài năm trở lại đây, thú thật, y đã có thay đổi trong việc tiếp cận thông tin mỗi ngày. Né xa những gì đem lại sự hậm hực, bực bội, cáu tiết. Cuối cùng, chính mình phải gánh lấy nỗi nặng trĩu mây mù ấy. Chẳng việc gì phải thế. Chọn lấy cách uống thuốc an thần như trở về với một thế giới riêng tư là mở ra những sách và đọc. Đôi khi trang sách đã mủn, nát theo thời gian, chẳng ích lợi gì, nhưng rồi ít ra nó cũng đem lại niềm thư thái, sự an vui dẫu trong chốc lát.
Hôm nọ, nhạc sĩ Hà Quang Minh tặng cho quyển tạp bút Ăn nỗi nhớ (NXB Hội Nhà văn) của anh vừa in. Đọc một loáng là xong. Dừng lại với chi tiết này. Sở dĩ thế, vì anh có viết đôi nét về những con người không thuộc về đám đông. Đám đông xa lánh, không thèm chơi với họ: “Ở Hà Nội, thời thập niên 80, tôi còn nhớ mãi một từ mà tôi cho rằng đáng được liệt vào hàng “xuất sắc” là từ “leng keng” dành để ám chỉ những ai hâm hấp. Cái từ “leng keng” ấy nó có tính tượng thanh khủng khiếp và sự trừu tượng của nó khiến người ta liên tưởng đến những đầu óc lúc nào cũng ngớ ngẩn ăn nói lung tung, suy nghĩ như thể trong đầu luôn có cái chuông tàu điện”. Từ ngữ, cách nói ấy không dừng lại, sau đó, nó được thay thế bằng “lái tàu điện”, “đếm lá”… Hà Quang Minh viết tiếp: “Hãy hình dung một người cứ ngơ ngẩn vừa đi vừa ngửa cổ đếm lá trên vòm cây thì bạn đủ hiểu cái sự “hâm hấp” ấy nó rõ ràng ra sao”. Kể ra cũng là một cách mà Minh ghi lại lời ăn tiếng nói của một thời. Những kẻ “hâm hấp” ấy, trong Nam lại gọi “mát” (mượn tiếng Pháp “masse”, chỉ bộ phận dẫn điện bị chạm, “có vấn đề”), "mát dây điện", “chạm điện”, “té giếng”, "chập cheng", “dở hơi”, “tửng”, “hâm”, "hấp",…Gần đây, giới teen lại "đẻ" ra từ "dở hơi ăn cám lợn"!
Thời còn nhỏ, thỉnh thoảng được mẹ dẫn ra chợ Cồn. Xin nhắc lại, khoảng thập niên 1960 - 1970, ở chợ Cồn có cà phê Xứng cực kỳ nổi tiếng, bán ngay trong chợ. Bất cứ ai gọi, có người bưng ly cà phê nóng hổi đến tận nơi. Thuở ấy, chưa biết uống cà phên nên không rõ nó ngon như thế nào. Nổi tiếng thứ hai là một nhân vật điên điên khùng khùng, suốt ngày lang thang trong chợ. Anh ta ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ trong quần, dù quần áo đã cũ rích, rách nát, bẩn thỉu. Đi chân không. Tay cầm quyển từ điển dày cộm, đi và đọc, thỉnh thoảng dừng lại, ngửa mặt nhìn lên trời và nói hàng loạt câu tiếng Pháp. Nghe bảo rằng, anh chàng này du học ở Pháp, học rất giỏi nhưng do “ngộ chữ” nên thành kẻ “dở người” (?!).
Đâu phải ở Đà Nẵng chợ Cồn mới có, ở đâu đâu cũng có mẩu người đáng thương ấy. Nhà thơ Xuân Diệu kể lại trong bài viết Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung bộ, ông nhắc một về nhân vật độc đáo không kém: “Ông “Tốc-xi-măng” ở Quy Nhơn dở khờ dở dại, thích mặc một cái áo ka ki màu vàng như áo người đưa thư hay áo của người giữ ghi xe lửa. Mặc quần tây, đi giày rách, cầm một cái ba-tong, đội một cái mũ như mũ các thầy ký hỏa xa đi trên tàu; ông “Tốc-xi-măng” thích tự làm những cái lon, những mề dây để đeo; trẻ còn cứ chạy theo ông tưởng là ông cai, đội thật”.
Nhà thơ Xuân Diệu sinh năm 1916, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn. Từ đó, ta suy luận, khoảng thời gian Xuân Diệu đi học phổ thông, rồi tính cách nhân vật đươc miêu tả, rõ ràng ông “Tốc-xi-măng” là “cựu chiến binh”, bị đưa sang “mẫu quốc” làm “bia đỡ đạn” lúc Pháp đánh nhau với Đức năm 1918. Có thể suy luận thêm, “Tốc-xi-măng” không phải tên thật. “Tốc” tức “tốc kê” (toqué) nhằm chỉ người gàn gàn, hâm hâm. Lạ cho tiếng Việt, khi mượn tiếng nước ngoài nhằm chỉ một trạng thái tinh thần, nhưng có lúc (buồn tình chẳng hạn) lại gọi gọn chỉ mỗi từ “tốc”; hoặc nếu cao hứng lên gọi luôn “tốc tốc”.
Mẫu nhân vật này, chắc chắn nổi tiếng nhất vẫn là Trạch Văn Đoành. Một nhân vật khó quên của nhà văn Nam Cao: “Nghĩ đến cách mặc của hắn bao giờ người ta cũng nghĩ đến mùa đông. Bởi mùa đông mới thật có những người mặc chẳng vì ai, nhưng chỉ vì sự dễ chịu của mình. Đoành thuộc vào hạng ấy. Suốt một mùa, hắn chỉ mặc một cái ba-đơ-xuy sắc chó gio. Hắn mua hồi đi lính sang Tây. Có bảy mươi quan. Thế mà bền…Cái áo-đơ-xuy mất hết cúc rồi. Hắn đơm hai cái dải thật to được bắt giao nhau để thắt lại ở sau lưng. Chặt chẽ và gọn gàng không kém một cái đai”.
Tiếc là nhân vật dở hơi, dở ngợm dở người này ít xuất hiện trong văn học Việt Nam. Họ không xứng đáng hay nhà văn không có dịp quan sát? Mà thôi, những con người ấy, chẳng ai thèm quan tâm dẫu họ xuất hiện chình ình trong đám đông. Y lại thấy thương. Bởi họ chẳng hại ai, chẳng thèm hùa theo đám đông. Không “ăn theo nói leo”, thấy người khác “ăn khoai” mình cũng “vác mai đi đào”. Họ là họ, dù rằng, tội nghiệp lắm.
Trời đã chiều. Có email nào không?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|