LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.11.2015

 

d9d21968-7f7d-4e9e-92b7-ea46aa2666da1

 

“Cái đất nước mình, nó thế”. Cái tặc lưỡi, câu chép miệng kiểu cà rỡn, tếu táo, than phiền, trách móc của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có thể trở thành một thứ slogan còn tồn tại lâu dài. Mà nó chính xác. Có tính khái quát. Ai nghĩ sao, hiểu sao cũng được.

Đã xuất hiện hàng loạt cụm từ mới, chẳng hạn, “anh hùng bàn phím”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tầm nhìn nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét trước khi hạ cánh”, “đánh chuột đừng để vỡ bình, “di chuyển nhúc nhích, không gọi là ù tắc”, “từ chức là từ chối nhiệm vụ được giao”, “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”, “đường cong mềm mại”, “cong mềm mại chứ không phải cong hình ghi đông xe đạp”, “bán vé số đủ ăn”, “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”, “dân trí thấp, không thể tuỳ tiện trưng cầu ý dân”, “tôi coi đây là một trận đánh lớn”, “không phong tướng, anh em tâm tư”, “cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”, “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”, “nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh”. "cứ vi phạm mà kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc", “nếu sâu bọ lằng nhằng thế này không cách gì phát triển được”, "phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu", "bút sa... hoa hồng nở", "bịt mắt bắt tham nhũng", "chuyển trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp”, đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế", "bộ máy nhà nước béo phì", "trên bảo dưới không nghe", "trên nói một đằng dưới triển khai một nẻo", "người ứng cử đại biểu Quốc hội phải khám tâm thần", "tứ đại ngu", v.v… và v.v...

Còn có thể liệt kê thêm nhiều nữa. Những cụm từ, những câu nói trứ danh này đều có tích có tuồng. Sau này, các nhà ngôn ngôn ngữ học, muốn giải thích tường tận ắt phải đi truy tìm lại hoàn cảnh ra đời của nó. Nó hoàn toàn Việt  Nam, không hề vây mượn gì từ điển tích, điển cố nước ngoài. Hầu hết các câu thành ngữ đều gắn liền với sự việc cụ thể nào đó, có điều về sau, không ai biết đến nguyên cớ ra đời của nó đó thôi. Chẳng hạn, “nhất quận công, nhì ị đồng”, “phép vua thua lệ làng”, “treo đầu dê, bán thịt chó”. “gương vỡ lại lành” v.v…

Riêng cái câu bông phèn “cái mặt nhìn thấy ghét”… Tưởng nói vui, tất nhiên chỉ cho vui, nói xong rồi bỏ, chẳng ai có thù oán ai đến độ giữ mãi trong lòng bởi cuộc đời còn quá nhiều chuyện phải lo toan. Ai cũng đau đáu cơm ăn áo mặc. Chỉ duy có ông quan chức đứng đầu tỉnh không nghĩ thế. Ấy mới sinh chuyện. Cả tuần nay, mạng xã hội liên tục có ý kiến cười cợt, dè bĩu, chê trách phép úng xử chung quanh một chuyện rất buồn cười.

Rằng, trên facebook nọ, cô giáo viên nọ “phát biểu cảm tưởng” về một người thuộc hàng “đày tớ của dân”: “nhìn cái mặt kênh kiệu, xa dân”. Người khác đồng tình bèn like. Đơn giản như đang giỡn, đang đùa cợt mà cũng có thể đang tức giận nên nó mới xuất hiện trên status. Nhưng rồi lại trở thành lớn chuyện khi có văn bản phạt mỗi người 5 triệu đồng với lý do “nói xấu” quan chức. Điều bất ngờ, kỳ quặt, không thể tưởng tượng nổi là có đến 16 cơ quan ở tỉnh nọ cùng vào cuộc để xử lý. Theo thông kê của báo Lao Động - cơ quan ngôn luật của Tổng Liên đoàn Viêt Nam, số ra ngày 23.11.2104: “Chê một câu, 16 cơ quan cùng vào cuộc”. Xin liệt kê như sau:

Cơ quan thứ nhất, Phòng Tham mưu Công an tỉnh (PV11); thứ 2, Đảng ủy khối Dân chính đảng; thứ 3, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh; thứ 4, Sở Thông tin truyền thông tỉnh; thứ năm, Trường THPT tỉnh, nơi tác giả câu nói đó đang là giáo viên dạy tại trường; thứ sáu, UBND thành phố thuộc tỉnh nọ ra công văn về việc sử dụng mạng xã hội; thứ bảy, Phòng GDĐT thuộc cấp thành phố ra công về việc nghiêm cấm “like”, “share” trên facebook; thứ 8, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối; thứ 9, Sở GD&ĐT; thứ 10, Sở Công thương; thứ 11, Đảng ủy khối doanh nghiệp; thứ 12, Công ty Điện lực  tỉnh; thứ 13, Văn phòng UBND tỉnh ra công văn giao Cổng thông tin điện tử tỉnh (cơ quan thứ 14) và Báo của tỉnh đảng bộ (cơ quan thứ 15) phải nhanh chóng đăng tải kết quả xử lý lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian sớm nhất. Và cuối cùng, cơ quan thứ 16, là kho bạc nơi thu tiền những người bị phạt vì tội “nói xấu” quan chức cấp tỉnh. Ôi, cái thời gì lạ lùng quá. Người ta thèm tiếng khen hơn là nhìn nhận lại, tự hỏi vì sao bị chê. Mà nghe cúng chê, ắt phải huy động cả một máy chính quyền "xử trảm " cho bằng được.

Bài báo viết tiếp: “Trên đây là con số thống kê “sơ sơ” của chúng tôi, qua những văn bản đang cầm trong tay… Nhiều địa phương khác có tham gia hay không, chúng tôi chưa kiểm chứng được”. Thành ngữ tiếng Việt có câu “dùng dao mổ trâu cắt tiết gà”, hoàn toàn có thể áp dụng trong trường hợp này. Chưa hết, chiều ngày 24.11.2015, Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp khẩn để giải quyết dứt điểm vụ chê chủ tịch tỉnh trên trên facebook. Phải dứt điểm trong ngày 25.11.2015. Đọc xong những thông tin này, chỉ có thể thở dài một tiếng. Một tiếng thở dài.

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn

Mặt sắt còn bia miệng thế gian

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân nó dễ làm quan

Thơ của Tản Đà. “Mặt sắt”, trước đó, Nguyễn Du đã có câu “trông lên mặt sắt đen sì”. Ngẫm mà buồn. Đã buồn, cho buồn luôn thể. Thử liệt kê thêm một vài chuyện khác, nhằm minh họa cho câu nói của ông Hoàng Ngọc Hiến? Ừ, cứ cho là thế. Thông tin này không hề bịa, báo Cảnh sát toàn cầu thuộc Bộ Công An, ngày 5.11.2015 có bài viết với tiêu đề: Tôn Ngộ Không bị nhốt ở Đà Nẵng (?!): "Trước đây tôi đọc thì tôi chưa nghĩ, chưa biết ngọn núi Ngũ Hành. Bây giờ xem phim "Tôn Ngộ Không" thì tôi hình dung cũng có thể trước đây - cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè ở trong ngọn núi Ngũ Hành ở Ngũ Hành Sơn". Đó là phát biểu của ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Hải Châu - Đà Nẵng tại kỳ họp lần thứ 14 khoá 8 (2011-2016).

Buồn cười quá đi chứ? Vậy cười lên một tiếng cho vui. Bởi nghĩ cho cùng, cũng chỉ chuyện vặt. Không đáng có ý kiến. Cái này mới choáng hơn: Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được đào tạo ĐH chính quy với hai ngành y đa khoa và dược học. Văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 19.11.2105. Đã nghe nhiều tiếng cười trên các mạng xã hội về quyết định táo bạo này. Bèn cười theo. Vừa định há mồm ra cười, sực nhớ đến những lời mắng của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh: "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.

Thật ra, có những câu nói không thể bỏ qua, làm ngơ, tặc lưỡi: Thôi, “bỏ qua đi Tám”, cười khì một tiếng là xong mà phải tỏ thái độ. Thái độ đó chính là trách nhiệm công dân trước vận mệnh của dân tộc. Chứ không phải cúi đầu cắm mũi vào những chuyện “ruồi bu kiến đậu”, vớ vẩn, ấm a ấm ớ rồi cãi nhau ngậu xị như mổ bò. Cãi như chém chả. Mới đây thôi, ngày nọ, tháng kia, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm hữu nghị nước ta và oang oang đọc thơ, khẳng định, "Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung - Việt". Nhưng chỉ qua ngày hôm sau, câu nói trên chưa ráo bọt mép thì tại Đại học Quốc gia Singapore lại tuyên bố: "Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại" và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình”. Đúng là trở mặt, lật lọng. Lá mặt lá trái vốn là bản chất của "thật thà như thể lái trâu", ông bà mình nói đố mà sai.

Hôm qua, ngày 26.11.2014, Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam: "Tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”. Trước sự việc nghiêm trọng này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã phát biểu một câu “để đời” rất đáng lưu ý: "Gặp nhau thì nói tốt, hết gặp lại cho làm bậy”. Câu nói này rất cần sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ của mọi người nhưng rồi dư luận chung như thế nào? Đọc lại bài thơ trào phúng của nhà thơ Cử Tạ, in trên báo Văn Nghệ TP.HCM số ra ngày 23.2.1979 "Tập Kiều chủ nghĩa bành trướng", lúc Trung  Quốc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc:

Triều đình riêng một góc trời

Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương

Ma dẫn lối, quỷ đưa đường

Một dây một buộc ai giằng cho ra?

Phải rằng, nắng lóa đèn lòa

Lần lần theo bóng trăng tà về Tây?

Bây giờ sự đã dường này

Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi

Sự đâu sóng gió bất kỳ

Thiệt đây mà có ích gì đến ai

Gớm cho những miệng dông dài

Nói rồi rồi lại ăn lời như không

Bốn bề bát ngát xa trông

Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê

Nói ra trở mặt tức thì...

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment