Tối hôm qua, ngày 28.11.2195, chính thức diễn ra lễ khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du” kỷ niệm 250 năm ngày sinh (1765-2015) Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du tại Quảng trường trung tâm, UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Đã có thông tin về Đường hoa Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Chủ đề: “TP.HCM - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển”. Thực hiện trên tuyến đường Nguyễn Huệ, đoạn từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ đến cuối đường Nguyễn Huệ. Mở cửa từ ngày 5.2.2015 đến ngày 12-2-2016.
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội chiều ngày 27.11.2015, Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Vấn đề không phải là giữ môn Sử hay “tích hợp” vào môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng, điều cốt lõi vẫn là cách biên soạn sách lịch sử dạy trong nhà trường như thế nào? Cần phân biệt rõ, học sử của một dân tộc hay sử của một đảng? Trên Báo Tuổi Trẻ, nhà văn Dạ Ngân thở dài: “Các em phải thuộc những thắng lợi luôn luôn là vẻ vang ấy và không chỉ có vậy, còn phải thuộc những liệt kê trong đó mà chúng tôi gọi là cách học sử đếm xác và đếm súng” (Báo TT ngày 17.11.2015).
Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa được tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015”. Người dân cả nước biết nhiều đến Tam Kỳ còn một phần do nơi này đã xây dựng tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, diện tích 15.3 ha tại khu vực núi Cấm thuộc xã Tam Phú. Tổng mức đầu tư hơn 411 tỷ đồng.
Nhà báo Hà Thạch Hãn có bài thơ To nhất để làm gì? đã post trên Báo điện tử Tuoitre Online:
"To nhất để làm gì đất nước tôi ơi!
Ai đo đếm xi măng để làm điều vinh hạnh
Bao bà mẹ còn tảo tần trong đói lạnh
Tượng đài kia đổi được mấy mảnh đời
To nhất để làm gì đất nước tôi ơi!
Mẹ Thứ mất chắc không cần rực rỡ
Không cần xênh xang mấy tầng gạch vữa
Trên quê hương khó nhọc lâu rồi
To nhất để làm gì đất nước tôi ơi!
Mỗi bước ta đi quân thù dòm ngó
Biển ngoài kia vẫn chưa yên sóng gió
Thêm tàu to mới là chuyện thức thời
To đẹp để làm gì đất nước tôi ơi!
Đến khắc thơ cũng sai vần, chính tả
Chỉ lòng dân mới đúc thành tượng đá
Bốn trăm tỉ này bia miệng mãi không thôi..."
Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Đắk Nông vận động kinh phí xây tượng đài 146 tỉ đồng”. Xây dựng tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 - 1936). Tổng kinh phí hơn 146 tỉ đồng. Công trình này nằm trọn trong khuôn viên rộng gần 6ha trên đồi Đắk Nur (phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa): "Theo báo cáo thu ngân sách nhà nước tỉnh Đắk Nông đưa ra tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa tháng 12.2014, trong năm 2014 tỉnh thu ngân sách đạt 1.354 tỉ đồng (kế hoạch là 1.400 tỉ đồng). Như vậy, kinh phí 146 tỉ đồng chi cho việc xây tượng đài N’Trang Lơng bằng 1/10 ngân sách của tỉnh thu được trong một năm. (TT số ra ngày 23.11.2015).
Bài báo này, có những ý kiến comment như sau: “Tôi chỉ mong sao có một ngày đọc được một mấu tin "Huyện A đang vận động và cố xin kinh phí để xây một bệnh viện mới tầm cỡ, có sức chứa 50.000 giường bệnh, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại tương đương bệnh viện ở Singapore"; "Huyện miền núi B đang cố gắng vận động kinh phí xây cầu bắt qua con suối N và trải nhựa cho các tuyến đường từ các buôn làng xa xôi tới trường học, bên cạnh đó trong năm tới huyện sẽ cố gắng xây trường mới với nhiều lớp học khang trang xóa bỏ các lớp học tre nứa cũ". Nếu được vậy không chỉ dân ở Huyện A, huyện B mà bà con trong cả nước ai ai cũng phấn khởi. Nhưng ngày đó có lẽ...”; “Tôi thật không hiểu tại sao bây giờ người ta xem tiền ngoài ngân sách như là tiền từ trên trời rơi xuống, muốn xài sao cũng được! Tỉnh Đắc Nông còn nghèo lắm. Dân đang lầm than, khốn khổ lắm lãnh đạo ơi. Sao cứ thích xây tượng đài, Trung tâm Hành chính hoành tráng (hàng trăm - vạn tỷ đồng) thế?”…
Những ngày này, bãi biển Cửa Đại, (TP.Hội An) lại tiếp tục sạt lở với tốc độ kinh khiếp: chỉ trong một đêm đến sáng biển đã lấn sâu vào bờ 20m.
Cụm từ “gia đình trị”, “con vua thì lại làm vua” đã trở nên phổ biến trở lại.
Từ công trình 17 tầng ở số 8B Lê Trực có thể bao quát toàn bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội, tòa nhà Văn phòng Quốc hội. Tổng chiều cao tòa nhà khoảng 60 m, trong khi đó Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ 21,6 m. Vụ việc này đã xử lý. Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam (số 21.11.2105), nhà thơ trào phúng Tú Châm có bài thơ Cắt ngọn:
Nhà cứ việc xây… xây cao mãi
Xây rồi cắt ngọn… có làm sao?
Phép nước - Ô kìa, đùa dai nhỉ!
Cái cần phải cắt… cắt thì đau
Cắt ngọn làm sao bắt được sâu
Phải đào tận gốc mới bền lâu
Cái kim trong bọc… giờ to nhỉ
Hay mắt quan tham đã loạn màu?
So với trước đây, trên báo chí chính thống, thơ trào phúng đã “mạnh dạn” hơn nhiều lắm.
Ngày 28.11.2105, Công an tỉnh Bình Thuận công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén (53 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Bị xử chung thân vào ngày 31.8.2000, tính luôn thời gian tạm giam đến ngày được cho tại ngoại, ông Nén bị giam 17 năm 5 tháng 5 ngày. Với oan sai trầm trọng của ông Nén, báo chí đồng loạt sử dụng cụm từ “người tù thế kỷ”.
Thông tin chỉ có thế thôi ư? Tất nhiên là còn. Y không dủ thời gian, nhiệt tình, cần cù chu đáo và tài liệu như ông Đoàn Thêm để có thể thực hiện những tập sách cần thiết như Việc từng ngày. Nam chi tùng thư ấn hành tại Sài Gòn trước 1975. Chỉ ghi loáng thoáng đôi nét như một cách giết thời gian. Những thông tin này rồi sẽ tan loãng đi thôi. Một thời đại, con người ta đã sống, làm sao có thể quên? Rồi cũng quên đi thôi. Mai này,chỉ còn lại những tình cảm thiêng liêng, có giá trị bất biến, chẳng hạn tình mẹ con, tình chồng nghĩa vợ, tình yêu non sông đất nước… Vì suy nghĩ thế nên chép lại bài tập làm văn của em nữ sinh Bùi Như Mai, lớp 11C A 3, Trường THPT Trần Đại Nghĩa:
“Những ngày gần đây, Sài Gòn cứ mưa tầm tã, mưa dầm dề, mưa như tiếng nỉ non, day dứt của đất trời mãi không thôi. Mưa mãi như thế, nên đường Sài Gòn dần biến thành sông. Giữa cảnh trời đất mù mịt ấy, chúng ta thấy được nhiều cảnh tượng ấm áp và cảm động đến lạ. Trong đó có hình ảnh một người mẹ, giữa cơn mưa âm ỉ, nước ngập quá bánh xe, ra sức lội nước và đẩy chiếc xe chết máy về phía trước, cố gắng giữ cho đứa con của mình được khô ráo. Hình ảnh ấy khiến cho bất cứ ai nhìn vào cũng thấy sự bao la của tình mẫu tử.
Tình mẫu tử là tình yêu người mẹ dành cho đứa con của mình, kể từ khi đứa con ấy chưa tượng hình đến lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Tình cảm ấy là vô điều kiện, chẳng có người mẹ nào lúc chăm con lại nghĩ về việc sau này mình được báo hiếu như thế nào, chỉ cần con lớn lên khỏe mạnh là đủ. Khi còn trẻ các cô gái có thể đôi lúc yếu đuối, nũng nịu hay thậm chí choảnh chọe. Nhưng khi đã là mẹ thì tình mẫu tử sẽ cho các cô sức mạnh để cứng rắn, kiên cường vì con mà đứng ra nơi đầu sóng ngọn gió, bởi con là tất cả. Có thể nói, tình mẫu tử không phải thứ tình cảm giản đơn, mềm yếu mà là sức mạnh, là phép nhiệm màu của loài người.
Tình mẫu tử đến với những phụ nữ một cách tự nhiên. Giây phút họ biết rằng mình đang mang trong người một sinh linh bé nhỏ thì trong tim họ tự dưng sẽ nảy sinh cảm giác yêu thương và bảo vệ sinh linh ấy. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như cơm ăn áo mặc hằng ngày nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn. Khi con còn bé thơ, chập chững tập đi tập nói, thì mẹ sẽ đứng ra chở che cho con, cản những sóng gió cuộc đời, tặng con một tuổi thơ yên bình, ấm áp. Rồi khi con lớn lên từng bước vào đời, mẹ vẫn luôn ở phía sau âm thầm dõi theo von và dẫu con có đi xa đến đâu, chỉ cần quay đầu lại, mẹ vẫn luôn ở đó vì mẹ là nhà, là yêu thương.
Tình mẫu tử còn đồng nghĩa với tình bao dung vô hạn. Dù con có phạm sai lầm điều gì đi nữa, dù cả thế giới có quay lưng với con thì mẹ vẫn sẵn sàng ôm con vào lòng, tha thứ cho con tất cả. Chúng ta có thể thấy hình ảnh những người mẹ tóc bạc phơ, tấm lưng còng xuống vẫn cần mẫn tay xách nách mang các thứ vào trại giam thăm những đứa con lầm lỡ.
Tình mẫu tử còn là sự hy sinh. Chúng ta có thể thấy những tấm gương vượt khó, những học sinh vùng nông thôn nghèo đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học, nhưng mấy ai thấy rằng phía sau đó là những người mẹ chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bản lưng cho trời, chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học. Còn có bao nhiêu người phụ nữ ngoài kia, vốn có thể hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, sung túc nhưng vẫn lao vào lam lũ kiếm tiền để cho con có một tương lai tốt đẹp hơn. Sự hy sinh của mẹ chẳng ai có thể diễn tả hết bằng lời, như một nhà thơ đã viết:
Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá
Sao đong đầy hai tiếng: Mẹ ơi.
Tình mẫu tử không chỉ nuôi đứa trẻ lớn khôn và còn có giúp người phụ nữ trưởng thành hơn, dạy họ biết sống vị tha, vị kỷ, biết dẹp bỏ những yêu thích của mình để dành tất cả cho con, dạy họ sống điềm tĩnh, sống mạnh mẽ để làm gương, làm lá chắn cho suốt cuộc đời đứa con bé bỏng. Mẹ yêu con nhiều là thế, nhưng đâu phải lúc nào cũng hiểu lòng mẹ, cũng biết thương mẹ như thương con…
Trên đời còn nhiều người còn không tốt hơn thế nữa. Họ hỗn hào, họ vô ơn với bậc sinh thành. Chỉ cần một lời mẹ lớn tiếng cũng đủ khiến họ giận dỗi bỏ đi, làm người mẹ ở nhà lo lắng khôn nguôi. Nhưng bất hiếu với mẹ nhất là khi mẹ đã hy sinh tất cả, cố gắng mỗi ngày để lo cho ta mà ta lại chây lười, lại không chịu học hành, làm việc, chỉ biết ăn bám mẹ mà thôi. Những người như thế thật đáng trách biết bao. Còn có những người mặc kệ công sinh thành dưỡng dục của mẹ, chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà trách mẹ không lo được cho mình.
“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, những người trách mẹ như thế, không hề xứng đáng với tình cảm đấng sinh thành dành cho họ. Bản thân tôi cũng có lúc giận dỗi mẹ. Nhưng khi khôn lớn hơn một chút, tôi đã hiểu mẹ đã hy sinh cho mình nhiều đến chừng nào. Vì thế, mỗi ngày tôi luôn cố gắng học tập, phụ giúp mẹ thật nhiều. Có thể tôi không cho được mẹ sung sướng nhưng tôi chắc chắn có thể cho mẹ hạnh phúc mỗi ngày. Có thể mẹ không cho được con điều tốt nhất trên thế giới nhưng mẹ sẽ cho con điều tốt nhất mà mẹ có. Tình mẹ vĩ đại như thế, cho nên tôi hy vọng rằng bất kỳ người nào cũng sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc và sự yêu thương tương xứng từ những đứa con của họ.
Và: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?”.
Chấm bài văn này 9 điểm, cô giáo Nguyễn Thị Lâm ghi trong lời phê: “Cô thực sự xúc động trước những câu chữ mà con viết. Cảm ơn con. Và hãy sống thật xứng đáng nhé”. Đọc bài tập làm văn này chân thành, cảm động còn hơn phải đọc/ nghe hàng triệu triệu lời phát ngôn huếnh hoáng, vô hồn, giả dối đã quá đỗi quen thuộc trên nhiều diễn đàn, hội nghị…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|