LÊ MINH QUỐC:Nhật ký 24.11.2105


kieu-250-nam-1-R

Sáng nay, làm MC cho chương trình ra mắt ấn bản Truyện Kiều của Hội Hiều học Việt Nam tại NXB Trẻ. Thật lạ lùng, trong văn học Việt Nam tự cổ chí kim, chỉ có một kiệt tác, dù khen, dù chê, lập tức sẽ có dư luận phản hồi ngay lập tức. Đó chính là Truyện Kiều.

Đại thi hào Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều thời gian nào? Sách Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết,  Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh về. Nhưng sau này, giới nghiên cứu văn hóa không hoàn toàn đồng ý như thế, nêu ra ba ức thuyết: Truyện Kiều được Nguyễn Du viết trong những năm còn ẩn dật ở quê nhà (tức vào khoảng năm 1796-1802); trong thời gian ra làm quan với triều Nguyễn (tức vào khoảng năm 1802-1809); sau khi đi sứ nhà Thanh về (tức là sau năm 1813). Qua nhiều cuộc tranh luận từ năm 1943 đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.

Về kiệt tác Truyện Kiều hiện nay vẫn chưa có bản in nào đúng hoặc gần đúng nhất với nguyên tác của Nguyễn Du. Tương truyền, sau khi viết xong Truyện Kiều, Nguyễn Du đặt tựa là Đoạn trường tân thanh có đưa cho Tiến sĩ Phạm Quý Thích xem. Phạm Quý Thích có nhuận sắc, khen ngợi hết lời, làm thơ đề từ, đổi tên sách thành Kim Vân Kiều tân truyện và cho khắc ván in ở phố Hàng Gai (Hà Nội), bản in này gọi là bản Hoa Đường vì Phạm Quý Thích người làng Hoa Đường. Bản in đầu tiên này, nay văn khố nước nhà không còn lưu giữ. Đến nay, bản in cổ nhất còn lưu giữ được là bản Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Liễu Vân đường khắc in năm 1781. Sau đó các nhà Thịnh Mỹ đường, Quan Văn đường, Phúc Vân đường... cũng dựa vào bản Nôm đầu tiên mà in lại. Các bản khắc in này được gọi chung là bản “Phường”.

Ngay từ khi mới được in ra, Truyện Kiều đã trở thành một “sự kiện văn học” vô tiền khoáng hậu. Ai ai cũng đọc. Ai ai cũng thích. “Không những chỉ bậc văn nhân tài tử đọc truyện lòng vui sướng, trí thảnh thơi; mà cho đến những người ngu phu bỉ phụ truyền miệng nhau đọc cũng thích thú, vui vẻ khoa tay múa chân” (Nguyễn Văn Thắng - Tựa Kim Vân Kiều án, bản in năm 1830). “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” (Mộng Liên Đường Chủ Nhân). Trong dân gian có câu: “Làm trai  biết đánh tổ tôm/ Uống chè Chính Thái xem nôm Thúy Kiều” đã cho thấy việc đọc Truyện Kiều phổ biến sâu rộng biết chừng nào!

Với một kiệt tác như thế, nhà vua cũng thích đọc là lẽ thường tình. Ông vua giỏi thơ nhất triều Nguyễn là Tự Đức cũng tường lãm. Có giai thoại kể rằng, khi đọc đến câu: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”thì nhà vua cáu tiết phán: “Giá tên này còn sống thì phải nọc ra đánh ba mươi trượng!” Lại nữa, vua Tự Đức ghét cay ghét đắng Truyện Kiều vì trong đó ít nhất Nguyễn Du đã lôi mình ra mà mắng (!?). Lý do: Tự Đức tên thật Hồng Nhậm, tên cúng cơm là Thì mà trong Kiều lại có những câu liên quan đến chữ “Thì”. Tất nhiên khi đọc hoặc khi viết, người ta phải ngắt câu, hoặc viết hoa: “Ra điều trên bộc trong dâu/ Thì, con người ấy ai cầu làm chi.../ Tha ra, Thì cũng may đời/ Làm ra, Thì cũng là người nhỏ nhen...”. Rõ ràng đây chỉ là chuyện vui lúc “trà dư tửu hậu” như hàng trăm, hàng ngàn mẩu chuyện tương tự khác mà người đọc đã “vận dụng” Truyện Kiều vào trong đời sống.

Thế nhưng có một điều chắc chắn là Tự Đức đã viết bài “tổng từ” và sửa chữa lại đôi chỗ trong văn bản Truyện Kiều và cho khắc in ở kinh đô Huế, gọi là bản “kinh”. Bản “kinh” có 3.258 câu; bản “phường” có 3.254 câu. Thế thì, đâu là bản đúng với nguyên tác Truyện Kiều? Đó chưa kể đến các bản chép tay lưu hành trong dân gian. Ngoài ra, tựa sách mỗi nơi khắc in lại ghi cũng khác nhau: Kim Vân Kiều tân tập, Kim Vân Kiều quảng tập, Thúy Kiều truyện tường chú, Kim Vân Kiều truyện, Kim Túy tình từ, Truyện Thúy kiều v.v... Mãi đến sau năm 1954, hầu hết các bản in đều thống nhất lấy tên là Truyện Kiều.


Về lai lịch Truyện Kiều thiết tưởng cũng nên biết qua một vài chi tiết: khi đi sứ Trung Quốc hoặc trước đó, Nguyễn Du có đọc bộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện (20 hồi) của Thanh Tâm Tài Nhân viết về một nhân vật có thật, sống vào đời Minh. Từ cốt truyện này, Nguyễn Du đã viết lại thành truyện thơ Nôm bằng thể thơ lục bát Đoạn trường tân thanh (Tiếng đau lòng mới). Bộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện tầm thường, ngay cả ở Trung Quốc cũng không mấy ai biết đến. Nhưng từ khi Truyện Kiều trở thành kiệt tác trong văn chương nhân loại, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc mới để ý đến bộ tiểu thuyết này và họ thừa nhận giá trị của hai tác phẩm khác nhau một trời một vực, một bên là ngọc và một bên là ngói.

Như đã nói trên, hễ đã “đụng đến” Truyện Kiều ắt có tranh luận, bút chiến.

Lần đầu tiên, tháng 9.1924, tạp chí Nam Phong cùng Hội Khai Trí Tiến Đức phối hợp tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du rất long trọng, Phạm Quỳnh đọc diễn văn  khai mạc. Bài này in tạp chí Nam Phong số 86, trong đó có câu trứ danh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu này hiện được khắc tại mộ Phạm Quỳnh. Ngay sau đó, trên tạp chí Hữu Thanh số 21, chí sĩ Ngô Đức Kế có bài phản biện Luận về chánh học và tà thuyết cực kỳ gay gắt. Thế là “cuộc chiến” về Truyện Kiều đã tạo nên dư luận văn học và chính trị, lôi cuốn sự tham dự của nhiều học giả thời đó.

Gần đây nhất, tháng 9.2015, Hội Kiều học Việt Nam công bố văn bản Truyện Kiều nhằm kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Lập tức một “làn sóng” phản ứng dữ dội cho rằng, trong các câu chữ, chú thích có nhiều bất cập, khó có thể chấp nhận được. Vì lẽ đó, NXB Trẻ, đơn vị in ấn, phát hành đã có quyết định táo bạo, cương quyết: tiêu hủy toàn bộ số sách đã in. Khi nhìn tận mắt clip “xử trảm” bản Kiều có sai sót, không ít người cảm thấy chạnh lòng.

Tuy nhiên, động thái tích cực này cần ủng hộ bởi một ấn phẩm ra đời trong dịp UNESCO công nhận Người là Danh nhân Văn hóa của nhân loại thì khó có thể chấp nhận sự sai sót. Mà việc làm này cũng hợp lý thôi. Thời đi học, nói thật, y ngưỡng mộ văn hóa Pháp vì có lần thầy giáo kể rằng, khi thực hiện bộ Tự Điển Bách Khoa Larousse, ông Pierre Larousse (1817-1875) cực kỳ cẩn trọng, nếu sách đã in ra mà sai sót, dù một từ thì cũng hủy toàn bộ, in lại. Chính tinh thần cầu toàn này, Larousse đã trở thành sách tra cứu gối đầu giường của người hiếu học từ nhiều thế hệ. Việc làm của NXB Trẻ cũng cần nhìn theo ý nghĩa cầu toàn này. Để rồi sau đó, NXB Trẻ tiếp tục cùng Hội Kiều học Việt Nam tập trung, chỉnh sửa, nâng cao, hoàn chỉnh hơn nữa.

Cho đến nay, văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam là văn bản mới nhất. Nói như thế, vì từ nhiều thập kỷ nay, các nhà nghiên cứu đau đáu với linh hồn tiếng Việt, sự trong sáng của tiếng Việt đã không ngừng nỗ lực đi tìm nguyên tác của Truyện Kiều; hoặc gần với nguyên tác nhất. Công việc nặng nhọc này, đã có nhiều công trình đã ra đời nhưng rồi, vẫn chưa có một văn bản nào được công chúng lẫn giới nghiên cứu “tâm phục khẩu phục”.

Có lẽ cần ghi nhận công trình đồ sộ của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn: Tư liệu Truyện Kiều từ bảm Duy Minh Thị đến bản Kiều Mậu Oánh. Ta có thể hiểu, là từ bản in năm 1872 đến năm 1906. Với 9 bản Truyện Kiều ra đời trong khoảng thời gian đó, GS Cẩn làm công việc đối chiếu. Sau khi khảo sát 205.002 chữ, ông đã phát hiện ra có đến 1962 chữ khác nhau trong 9 văn bản đã khảo sát. Thế thì, chọn lấy từ nào, chữ nào trong sự khác biệt đó là gần với nguyên tác nhất? Thách thức này tưởng chừng như không khác gì lấy sức người vác đá lấp bể. Thế nhưng vì tình yêu tiếng Việt, nhiều người đã không bỏ cuộc. Đáng kính trọng thay.

Và bây giờ, công chúng mê Truyện Kiều lại có văn bản của Hội Kiều học Việt Nam. Nếu GS Nguyễn Tài Cẩn chọn bản Duy Minh Thị làm bản gốc, ở đây, GS Trần Đình Sử - Trưởng ban chỉnh lý văn bản Truyện Kiều của Hội cho biết đã khảo sát 12 văn bản Nôm, Quốc ngữ cổ để “phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng”. Chính xác là 412 chữ. Và lấy văn bản Kiều của Đào Duy Anh là bản gốc. Phải nói cụ thể, rành mạch từng chi tiết đến thế, vì lâu nay ai cũng biết rằng, một chữ trong Truyện Kiều, sự khác nhau từ mặt chữ, cách đọc đến cách cảm thụ đã là những cuộc tranh luận bất tận.

Vậy thì, bản Kiều lần này của Hội Kiều học Việt Nam cũng không đi ra ngoài thông lệ đó. Rồi sau này, chắc chắn sẽ còn có những công trình khác, tiếp tục đi tìm nguyên bản Kiều của Nguyễn Du. Việc làm này rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên cũng xin mạo muội nghĩ rằng, có lẽ phải thừa nhận một cách khoa học và hợp lý bên cạnh văn bản Kiều gần với nguyên tác nhất, vẫn tồn tại song song một văn bản Kiều khác theo trí nhớ của nhiều thế hệ đã đọc, đã cảm thụ. Có thể rằng, Nguyễn Du đã viết thế này, nhưng họ “lái” qua thế kia miễn thấy hay, thấy hợp cảnh hợp tình.

Sở dĩ như thế vì Tryện Kiều chính là linh hồn của dân tộc Việt. Do đó, không phải ngẫu nhiên, trên thế giới chỉ có một tác phẩm mà người dân nước đó dùng để bói, xem hậu vận, tương lai, tình duyên gia đạo v..v… chính là Truyện Kiều. Người đọc có thể không biết Nguyễn Du là ai, nhưng tiếng thơ đó là chính là tiếng lòng của họ. Nhà thơ Tế Hanh cho biết, có lần ông về huyện Nghi Xuân quê hương của thi hào. Ông hỏi thăm một bà cụ là ngôi nhà xưa của Nguyễn Du nơi đâu, bà cụ ngớ người ra: “Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên?”. Nhưng khi nói, đó là người viết kiệt tác Truyện Kiều thì bà cụ vội vã chỉ đường ngay và đọc luôn mấy đoạn thơ Kiều, kể luôn vanh vách về cuộc đời thăng trầm của Kiều.

Vì Truyện Kiều là tiếng lòng của một dân tộc nên sự “sáng tạo” văn bản Kiều lần thứ 2 từ cảm nhận của người đọc là lẽ tất nhiên. Và 2 văn bản đó (của dân gian và của Nguyễn Du) đã song hành lâu nay không là giá trị độc lập, riêng lẽ mà bổ sung cho nhau. Hiểu như thế mới thấy rằng việc đi tìm văn bản Kiều của Nguyễn Du hoặc gần với nguyên tác nhất là điều không thể.

Bản Truyện Kiều ra đời nhân 250 năm sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam nhắm đến mục tiêu: “Đây là văn bản Truyện Kiều vừa hướng tới tầm nguyên, vừa tôn trọn kinh nghiệm tiếp nhận tác phẩm trong gần hai thế kỷ”, chắc chắn sẽ còn mở ra những cuộc tranh luận nữa. Sự khác biệt trong thanh luận là lẽ thường tình - một điều cần phải có vì sự lành mạnh của học thuật - miễn là Hội Kiều học Việt Nam đã toàn tâm, toàn ý thực hiện hết khả năng của mình.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

L.M.Q
(24.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment