Tiền giấy 30 đồng phát hành năm 1985
Gió dựa thân tường, lưng gió phẳng;
Trăng nhìn cửa sổ, mắt trăng vuông.
Tâm thế ấy, thong dong tĩnh tạo lắm. Sức mấy, y có thể đạt đến. Còn lâu. Biết quá mà, trong đầu y chỉ túc trực câu hỏi: Cần danh hay cần tiền?
Nói dối lòng mình làm gì chứ. Rằng thưa, y cần cả hai, nhưng nếu chỉ chọn một, dứt khoát y chọn tiền. Dạo này, trên cơ quan truyền thông rộ lên về chuyện “đạo thơ”. Cũng vì cái danh. Người này “thuổng” thơ của người nọ. Tranh cãi ì sèo. Đòi kéo nhau ra tòa. Thiên hạ có nhiều ý kiến khác nhau. Tưởng chừng như bầu trời sắp sập. Khiếp quá. Phải nói thật rằng, lâu nay, có còn mấy ai quan tâm đến thơ nữa đâu. Nhân xẩy ra vụ thưa kiện, nay, thơ bỗng dưng “có giá” hơn không? Chắc là không. Trong thế giới quái quỷ này, thơ đang đứng ở đâu trong lòng bạn đọc. Đã có những bài thơ nào tạo ra hiệu ứng xã hội trong đời sống này. Đã có những vần thơ nào đã khiến con người ta nhìn lại vai trò công dân, tự chọn lựa một thế đứng, cất lên tiếng nói của chính suy nghĩ tự đáy lòng trong sự xô bồ của nhiều giá trị hoặc bị đánh tráo, hoặc “mạ vàng” hoặc đã lỗi thời? Tìm đi. Đốt đuốc giữa ban ngày, tìm đi, có tìm thấy không?
Y không biết.
Có điều, biết chắc chắc rằng, tiền là điều có thật. Vì thế, những ngày ngay, quay lại đọc những quyển sách đã viết về tiền như Ngân hàng Việt Nam quá trình phát triển và xây dựng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biên soạn (NXB Chính trị Quốc gia - 1996), 100 năm tiền giấy Việt Nam của Tạ Chí Đông Hải, Đặng Văn Khoa (NXB Trẻ và Hội Tem TP.HCM - 1994), Tư duy kinh tế Việt Nam chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989 của Đặng Phong (NXB Tri Thức - 2008). Đọc xong và ghi chép, âu cũng là một thói quen.
Năm 1975:
Sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống ngân hàng của Sài Gòn cũ được tiếp quản. “Toàn bộ số tiền ta thu được là 150 tỷ đồng; trong đó, tiền các loại trong kho của Ngân hàng Quốc gia là 125 tỷ, quỹ lưu dụng 7,8 tỷ, tổng số tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân thu được trên 19 tỷ”. Ngày 6.6.1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/PCT- 75 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Như vậy, ngay sau ngày thống nhất, có tuy cùng tên gọi nhưng Nam - Bắc có hai hệ thống ngân hàng.
- 6g sáng ngày 22.9: Thu đổi tiền Sài Gòn cũ, phát hành tiền ngân hàng Việt Nam theo tỷ lệ 1 đồng ngân hàng VN = 500 đồng tiền Sài Gòn cũ. Dù vậy, loại 50 đồng tiền Sài Gòn cũ vẫn còn được sử dụng. Chính vì mức quy định như trên nên dẫn đến tình trạng nhiều gia đình giàu có phải chuyển tiền của mình cho người khác đứng tên đổi giúp... Lưu ý: Đơn vị tiền tệ của đồng tiền mới ở miền Nam giống như đơn vị tiền tệ ở miền Bắc (đồng, hào...). Như vậy về danh nghĩa, đơn vị tiền tệ giữa hai miền đã có sự gống nhau. Căn cứ theo Quyết định số 12/QĐ ngày 21.9 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, mức đổi tiền quy định như sau:
- Không quá 100.000 đồng tiền của chế độ cũ đối với nhu cầu sinh hoạt; từ 200.000 đến 500.000 đồng và tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với những hộ và cơ sở kinh doanh. Số tiền còn lại trong bảng kê khai được quy ra tiền mới, gửi vào quỹ tiết kiệm hoặc tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
Đợt đổi tiền này kết thúc vào ngày 30.9.1975. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước VN, tổng số tiền Sài Gòn cũ đã thu về là 486 tỷ.
Năm 1976:
Ngân hàng Quốc gia tại miền Nam chỉ tồn tại ngắn ngủi đến tháng 7.1976. Sau kỳ họp Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (Quốc hội khóa VI), khai mạc ngày 24.6.1976, đã thông qua các Nghị quyết đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy; bầu các cơ quan và chức vụ lãnh đạo cao nhất nước... Theo đó, Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam được hợp nhất vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành một hệ thống ngân hàng thống nhất. Tuy nhiên vẫn sử dụng 2 loại tiền Nam - Bắc.
Năm 1978:
Ngày 25.4: Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về việc thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ ở miền Bắc và miền Nam. Ngân hàng Nhà nước phát hành loại giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng và tiền kim khí 1 hào, 2 hào, 5 hào. Đổi tiền lần này HĐ Chính phủ ra Quyết định số 88/CP quy định:
+ 1 đồng tiền ngân hàng mới = 1 đồng tiền ở ngân hàng miền Bắc.
+ 1 đồng tiền ngân hàng mới = 0,80 đồng tiền ở ngân hàng ở miền Nam.
+ Tiền ngân hàng cũ có mệnh giá từ 1 đồng trở lên không kê khai đổi trong thời hạn quy định sẽ không còn giá trị. Các loại tiền lẻ từ 0,5 đồng trở xuống được tiếp tục lưu hành theo giá trị ghi ở đồng tiền.
+ Việc kê khai được tiến hành trong vòng 6 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
- Ngày 3.5: 38 tỉnh thành và thành phố trong cả nước đã đổi tiền theo đúng kế hoạch đã định. Kể từ 12 giờ ngày 6.5.1978, cả nước chỉ lưu hành một loại tiền thống nhất. Đợt đổi tiền này thu về 2.694,7 triệu đồng quy ra tiền mới. Lưu ý: Tờ giấy bạc CHXHCN Việt Nam ra đời. Đây là lần đầu tiên cả nước cùng đổi tiền mới. Đặc điểm của loại giấy tiền mới này là in hình Quốc huy, Quốc hiệu nước CHXHCN Việt Nam và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đổi tiền lần này, Ngân hàng Nhà nước có cho lưu hành loại giấy tiền 30 đồng.
Năm 1981:
- Ngày 22.1: Ngân hàng phát hành các loại giấy bạc 100 đồng, 30 đồng và 20 đồng.
Năm 1985:
- Ngày 13.9: Lệnh thu - đổi tiền. Trong 5 ngày (từ ngày 14.9 đến 19.9), toàn lãnh thổ Việt Nam tiến hành thu đổi tiền. Ngân hàng Nhà nước phát hành các loại giấy bạc: 500 đồng, 100 đồng, 50 đồng, 30 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng. Quy định như sau:
+ 10 đồng mới = 10 đồng cũ.
+ Việc thu đổi chỉ thực hiện với các loại tiền có mệnh giá từ 20 đồng trở lên; các loại tiền từ 10 đồng trở xuống được phép tiếp tục lưu hành theo giá trị quy đổi ra tiền mới.
+ Mức tiền được đổi tối đa là 20.000 đồng tiền cũ, số còn lại được đổi ra tiền mới ghi vào biên lai và chuyển gửi ngân hàng.
Đợt này tiền cũ thu về 57.468 triệu đồng. Lưu ý: Ngân hàng Nhà nước phát hành thêm loại tiền giấy có mệnh giá 100.000 đồng, có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh in nổi và in chìm, có dây bảo hiểm là tờ giấy bạc in theo công nghệ hiện đại nhất từ trước đến thời điểm đó.
Năm 2003:
- Ngày 17.12: Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam loại tiền giấy được sử dụng bằng chất liệu polymer. Tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng.
Đọc những thông tin về tiền, bỗng dưng trong đầu lại nhớ mấy câu thơ trong bài Cậu bé và cô bé của Bi Maurice Careme, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch từ bản tiếng Nga:
-Nếu tớ được là con trai,
Cô bé có lần đã nói,
Từ lâu tớ đã bỏ đi
Sang châu Phi chơi cho khoái…
-Còn nếu tớ là con gái,
Cậu bé liền đáp lời ngay,
Thay cho chỉ mầu tớ sẽ
Xâu kim bằng tia nắng mai…
Rồi hai người dần khôn lớn,
Cùng nhau nên vợ nên chồng,
Với nhau sáng trưa chiều tối
Họ toàn nói chuyện tiền nong…
Nếu ai đó, có thời gian tìm đọc lại ca dao, tục ngữ, thành ngữ, thơ ca hò vè chắc chắc sẽ ra quan niệm của người Việt về đồng tiền. Một khi đã có tiền, không cần phải đôn đáo đầu này đầu nọ kiếm tiền. Nằm khèo ở nhà đọc sách, có phải thú hơn không? Có những câu thật hay, chắc rằng, đọc qua một lần ắt nhớ nhưng rồi, tiếc là không rõ tác giả:
Gió dựa thân tường, lưng gió phẳng;
Trăng nhìn cửa sổ, mắt trăng vuông.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|