LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.9.2015

 

trung-thu-nho-ban-TRAN-TAN-QUOC

 

Từ chữ “duyên” mọi sự gắn kết và mở ra một chân trời mới. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ’". Ngày kia, chừng mười năm trước, có người bạn gái tìm gặp và bảo: “Ba em vừa mất. Thuở sinh thời ông rất quý tập tài liệu này, thường đem ra ngâm ngợi, lấy làm tâm đắc. Em không ràng gì về thơ, nhờ anh giữ giúp, ít ra nơi chín suối ba em cũng vui vì nó đã không mất đi”. Tài liệu này, chắc chắn chỉ một mình y sở hữu. Không thể có bản thứ hai. Đó là hai quyển vở học trò, ngoài bìa có hình vẽ người nông dân đi cày, dưới in dòng chữ “Người cày có ruộng”. Kế tiếp là câu lục bát:

Cải Cách Điền Địa ai ơi

Người cày có ruộng xây đời ấm no

Lại có thêm câu: “Bộ Cải Cách Điền Địa và phát triển Nông - Ngư nghiệp thân tặng”. Tra từ điển mở wikipedia: Cải cách điền địa tại miền Nam bắt đầu từ thời Ngô Đình Diệm, sang thời Nguyễn Văn Thiệu mới ban hành Luật Người cày có ruộng, sắc lệnh số 003/60 ký ngày 26.3.1970.

Trong 2 quyển vở này có cắt dán hàng trăm bài thơ thất ngôn bát cú đã in trên báo Đuốc Nhà Nam. Nhật báo này, số 1 phát hành ngày 9.10.1958, số cuối cùng kết thúc ngày 3.9.1972, cả thẩy 1.119 số do nhà báo lừng danh Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm. Lật trang vở đầu tiên, cắt dán mẩu báo có nội dung: “Lúc thân sinh tôi chưa khuất, người bảo tôi chép bài thơ dưới đây để nhờ thi nhân trong nước họa lại… Trải qua mấy tờ báo do tôi chủ trương mà tôi vẫn chưa làm theo ý người. Nay bỗng nhớ đấng sinh thành đã trở về cát bụi 8 năm qua, tôi xin thực hiện ý muốn của người”. Bài thơ có tựa Mùa thu nhớ bạn, câu 6, ông Quốc quên vài chữ:

“Thu đáo trăng tròn chói sáng ê,

Đứng ngồi trông bạn vế đùi tê.

Dạo quanh bờ giếng trông bày ếch,

Đi quẩn vườn đào thấy bóng dê.

Vắng kẻ tri âm lời ú ớ,

… bản xàng xê.

Phải chi hội ngộ tình nhiều ít,

Thu mãn cô về sớm đến quê”.

Từ ngày 25.12.1969 đến ngày 5.11.1970, nhật báo Đuốc Nhà Nam liên tục in các bài thơ họa. Thơ nhiều đến độ, thỉnh thoảng đôi ba số lại thấy tòa báo nhắn tin “Cùng quý vị thi nhân: Thơ họa gửi đến nhà báo rất nhiều, có thể in cả năm. Vậy yêu cầu mỗi vị họa 1 hoặc nhiều lắm 2 bài thôi. Đành rằng chúng tôi có quyền chọn đăng song một người họa những 6 bài đều khá hết thì chúng tôi mới làm sao? Tưởng nên tập trung hồn thơ lai láng để cô đọng 1 bài xuất sắc là hơn”. Rõ ràng, thơ là thú vui tao nhã không thể thiếu của người Việt thuở trước.

Hôm nọ, đọc báo mới hay đồng nghiệp Trần Nhật Vy mới in tập sách Ba kỳ nhân của làng báo Việt Nam, viết về nhà báo Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, bà Bút Trà; trước nữa nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan cũng viết tập sách Trần Tấn Quốc - 40 năm làm báo, nếu có thêm tài liệu mà y đang giữ ắt hữu ích cho họ nhiều lắm. Những tài liệu đang có, nếu không khai thác hết, cách tốt nhất nên đem cho những người thật sự đang cần. Từng nghĩ như vậy, nên cách đây khá lâu đã tặng nhà báo Hoàng Hải Vân tập tài liệu quý liên quan đến nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo. Đó là loạt bài đăng trên nhật báo Hòa Bình ấn hành tại miền Nam do Trần Du làm chủ nhiệm, được cắt dán cẩn thận, viết về những ngày cuối cùng và cái chết của Phạm Ngọc Thảo.

Có những tài liệu, dù biết rằng quý nhưng không thuộc sở trường, không thuộc đối tượng nghiên cứu, vậy giữ làm gì?

Có những thứ mình bo bo giữ lại nhưng thật ra là mất, khi đem cho người khác, tưởng mất nhưng lại còn bởi người sử dụng biết cách gìn giữ, phát huy tác dụng cần thiết của nó.

Trở lại với hàng trăm bài thơ đã họa thơ song thân nhà báo Trần Tấn Quốc, lúc nào nhàn rỗi sẽ phân tích sâu hơn. Trước mắt, chép lại một, hai bài thơ của một nhân vật nổi tiếng không kém: Hồ Hữu Tường (1910-1980). Số báo ra ngày 30.12.1969, ông họa bài “Dân biểu thán”:

Lỡ làm dân biểu phải à ê,

Chẳng vậy, chỉ vì bởi chữ T.

Đáy giếng đành cam thân phận ếch,

Vườn hoa khôn tránh tiếng tăm dê.

Thương dân tức tưởi: lời ơ ớ,

Khóc nước bi  ca: giọng líu xê.

Gánh vác thì nhiều, ôi sức ít,

Một lần qua ải, chịu mình quê.

Số báo ra ngày 1.1.1970, ông có bài họa “Lý Toét ra thành”:

Ngôn ngữ quái gì ứ với ê?

Uống ăn cay đắng lại mùi tê.

Nhởn nhơ váy ngắm phơi đùi ếch,

Phất phới râu xồm cởn máu dê.

Nhạc tuýt xuống lên lời ớ ớ,

Vũ trường đảo lượn đít xàng xê.

Cao bồi nữ quái nhiều không ít,

Lý Toét âu đành chịu: “Tớ quê”.

Gớm cho các ông Tự Lực Văn Đoàn, nhân vật trào phúng đã từng xuất hiện trên Phong Hóa, Ngày Nay từ thập niên 1930 đến nay vẫn còn sừng sững ra đó. Xây dựng nhân vật điển hình, từ tranh châm biếm, hí họa, giỏi đến thế là cùng.

Những ngày này, Sài Gòn thường có mưa về buổi chiều. Bạn bè đã có những lời mời du hí nơi nọ nơi kia, tham quan danh lam thắng cảnh ở Nha Trang nhưng từ chối. Dường như ông Khổng Tử bảo rằng, khi song thân đã già, con cái chớ nên đi chơi xa, huống hồ gì mẹ y đang bệnh rề rề, bỏ đi chơi sao đặng? Chiều qua, nằm nhà đọc tập chí Thơ số 8.2015 do Hội Nhà văn Việt Nam gửi tặng hội viên. Chú ý đến bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên An về bài thơ Hoàng hoa của nhà thơ Bích Khê. Từ chi tiết, bài thơ khi đăng tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11.5.1939) có dòng đề tặng: “Kính tặng Đ. Thị Điểm”, Lại Nguyên Ân đã suy luận và “giải mã” được một số từ mà người đương thời khó cảm nhận. Chẳng hạn, Phan Khôi dẫn một đoạn thơ ở bài “Hoàng hoa” rồi chất vấn: “Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả!”.

Có thật vậy không?

Nay, ông Lại Nguyên Ân lý giải: “Nhắc đến Đoàn Thị Điểm ở đây chắc chắn là nhắc đến bản nôm “Chinh Phụ Ngâm”. Vậy là những tên đất như Yên, Hàm Dương, Tiêu Tương, Dương…, những tên chim tên hoa như Oanh, Quyên, Uyên, Đào, Phù dung, Hoàng hoa… - đều là “trích xuất” từ “Chinh Phụ Ngâm”. Ngay cái từ gọi “Chàng” cũng vậy. Ở đây chỉ không xuất hiện từ tự xưng “thiếp” trong khúc ngâm chinh phụ kia, vì đã được thay bằng “ta”; và như để tương thích với thời đại, ngay “chàng” cũng được đặt vào một chuyển hóa với “tình lang”. Đặt trong sự tương ứng rõ rệt với thế giới của “Chinh Phụ Ngâm”, sẽ chẳng khó khăn gì để thấy rõ toàn bài “Hoàng hoa” như là một khúc trữ tình của người chinh phụ đang ngóng chồng vào một buổi chiều thu. Nỗ lực nhiều nhất của nhà thơ ở đây, có lẽ không phải là tạo những hàm nghĩa tiềm ẩn hay tân kỳ, mà chính là tạo ra một nhạc điệu”.

Hoàn toàn chính xác. Tri kỷ với người xưa, được thế, có mấy ai?

So bài thơ đã in trên Tiểu thuyết thứ Năm và khi đưa vào tập thơ Tinh huyết, Bích Khê đã bỏ đi một số câu, vì thế Hoàng hoa trở thành bài thơ tình cá nhân, hoàn toàn thoát ly không khí chính trị, thời sự theo ghi nhận của ông Ân: “Bài “Hoàng hoa” được công bố năm 1939, năm mà  những tin tức về cuộc thế chiến thứ hai đang khởi lên từ châu Âu đang gia tăng độ ám ảnh lên dư luận tại Việt Nam. Tức là, ở một phía nào đấy, bài thơ này động đến một trong những lo âu vẫn chưa thôi đeo bám trong hồn dân Việt, tính đến thời gian ấy. Và thời gian đã cho thấy ám ảnh kia là thực, như chúng ta đã biết”.

Có những bài thơ đã in báo, nhưng lúc tuyển lại, in thành tập, sự chỉnh sửa của chính tác giả có thể làm bài thơ đó hay hơn; hoặc ngược lại.

Trưa rồi. Nghĩ ngơi thôi. Lại cầm lấy 2 tập vở của người bạn gái đã tặng như nhờ giữ giúp, nhìn trang giấy vàng ố, tự dưng bùi ngùi. Lật trang bìa, thấy có in Bản cửu chương và vài câu lục bát, ghi lại để thấy tập vở học trò của một thời:

Cải Cách Điền địa thưa anh

Cấp ruộng, cấp đúng, phát nhanh người cày

Anh về thôn xóm chung tay

Thi hành chính sách hăng say góp phần

L.M.Q
(29.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment