LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.9.2015

anh-chi-em-le-minh-quoc-2Anh chị em Lê Minh Quốc (thứ tư, từ trái) chụp tại Đà Nẵng năm 1968

 

Vừa đi Hà Nội về. Không ngạc nhiên với câu nói của một người dân Hà Nội: “Giá như nhà mình là cái thuyền thì tôi đã chèo đi nơi khác rồi. Tôi cứ tưởng nước mình hết chiến tranh thì thôi loa công cộng”. Y bịa ra chăng? Không, câu này in chình ình trên báo Thể Thao & Văn hóa số ra ngày 11.9.2015. Tất nhiên, không chỉ có thế. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn dẫn đi ăn phở Thìn tại phố Lò Đúc. Không ngờ thời buổi này, trước lúc bước vào trong quán tìm chỗ ngồi, khách phải xếp hàng ngay tại cửa… trả tiền trước (!?). Rồi chẳng hiểu ra làm sao tờ báo nọ, tổ chức cuộc thi cực kỳ hoành tráng, các giải thưởng lên đến vài chục triệu đồng nhưng lúc có kết quả họ không thèm cung cấp thông tin cho báo bạn, qua đó các đồng nghiệp giúp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn. “Có qua có lại”, hỗ trợ thông tin là điều thường thấy ở báo chí trong Nam. Ở ngoài Bắc lại khác, lãnh đạo tờ báo nọ nói thẳng thừng, không cần thiết nhờ cậy gì cả, điều quan trọng nhất, chứng tỏ “đẳng cấp” nhất là tìm mọi cách, tất nhiên phải chi tiền gấp nhiều lần miễn chương trình của mình được… truyền hình trực tiếp (!?).

Còn nhiều chuyện nữa. Mà thôi. Chẳng thiết kể lại làm gì. Mình chỉ là khách, đến chơi dăm hôm rồi về, chuyện người ta, kệ họ, can cớ gì mà ý kiến ý cò?

Có lẽ hấp dẫn nhất cho những chuyến đi chơi xa, vẫn là dịp được thưởng thức đặc sản nơi đó. Lần này, ra Hà Nội mấy anh bạn đồng nghiệp là nhà báo Đinh Trọng Tuấn, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, nhà biên kịch Đoàn Tuấn… đãi cho món cơm nắm ăn với muối vừng. “Có một làng chuyên nấu cơm nắm phục vụ cho cả Hà Nội. Bà cụ này thường xuyên bán ở sân 51 Trần Hưng Đạo, thuở còn sống, nhà thơ Huy Cận thích ăn lắm”. Tuấn bảo bảo thế. Địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo không khác gì 81 Trần Quốc Thảo ở Sài Gòn, đó là nơi tập trung các cơ quan chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Văn nghệ sĩ vốn khó tính trái nết trong việc ăn uống, mà họ đã “chịu” cơm nắm của bà cụ này ắt phải ngon. Mà ngon thật. Nắm cơm nhẹ tênh, cắn vào một miếng, ngập chân răng đã thấy bùi bùi, từng hạt mới vừa quyện chặt lấy nhau đó, vội vàng rời ra. Ngồi trong một quán sang trọng, máy lạnh nhìn qua cửa kính thấy cõi nhân sinh nhốn nháo, bận rộn ngược xuôi trên hè phố lại nhớ loáng thoáng mấy câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo:

Thời gian mòn cối giã vừng

Lòng tay mòn nhẵn qua từng nắm cơm

Vai mòn đòn gánh bóng trơn

Người rao cơm nắm bước mòn tuổi xanh

Hà Nội đã thay đổi nhiều. Vẫn còn đó cơm nắm:

Thơm về đồng đất phù sa

Thơm về đồi núi thơm qua luống cày

Thơm về mùa trĩu bông sây

Thơm về Tiên Tổ tháng ngày nắng mưa

Nghìn năm hay vạn năm xưa

Muối vừng cơm nắm lon dưa vại cà

Món quê thơm thảo mặn mà

Vẫn len lỏi chốn phồn hoa phố phường

Vừa rồi, đọc bài báo của đồng nghiệp Trần Hoàng Nhân, anh viết về lá é. Một quán giữa Sài Gòn, “chuyên trị” các món ăn có lá é. Nghe lạ tai quá. Nghe ngộ nghĩnh, thân mật, dân dã và quê mùa nên dễ có cảm tình: “Đặc biệt lá é trắng giã với muối hột thành món muối é, khởi thủy chỉ có ở Phú Yên, sau này một số tỉnh Tây nguyên cũng làm theo. Muối é dùng làm thức chấm tuyệt hảo, có thể thay thế các loại thức chấm khác. Muối é được dùng trong các bữa ăn gia đình ở Phú Yên phổ biến như mắm tôm Tây Ninh vậy”.

Không chỉ có lá é trắng, còn có lá é quế. Đọc lại quyển Việc làm nhà quê tại Phú Yên của ông bạn già Trần Huiền Ân, mới biết lá é quế dùng ăn phở, tuyệt ngon. Và không chỉ có thế: “Hột é tí xíu màu đen mượt, đem phơi khô, khi cần dùng cho vào nước ngâm, phần cơm mỏng chung quanh hột nở ra màu trắng đục, bên trong có một chấm đen, trộn với nước đường làm thức giải khát. Ở thôn quê khi có đám hát bội, bài chòi… người đi xem ghé lại các bàn hàng nước uống nước hột ư, hột é, mỗi ly có rắc thêm giọt dầu chuối cho thơm” (SĐD, tr. 369). Nhờ đọc đoạn văn ngắn này, giật mình sực nhớ thời thơ bé đã từng uống nước hột é. Chẳng nhớ rõ lúc đó, các cô cậu thò lò mũi xanh ở Quảng Nam có gọi là nước hột é là món “trứng ếch” như Trần Hoàng Nhân cho biết học trò Phú Yên thường gọi đùa?

À, thời tiểu học, ai lại không từng ép lá thuộc bài trong vở? Chắc chắn mấy ông nhà văn đã kể lại chi tiết này trong tác phẩm viết cho tuổi mới lớn. Bằng chứng năm 1970, nhà văn Nguyễn Thái Hải (tức Khôi Vũ) đã có cuốn truyện dài Chiếc lá thuộc bài. Chưa đọc thấy nhà văn nào kể lại chuyện thời ấy, mỗi lần đi học, thường mua lấy cái bánh tráng ngọt trước cổng trường. Cái bánh mỏng, dẻo ngọt, màu hơi xỉn vì do bột được hòa chung với đường bát, loại đường thô, rẻ tiền, mỗi lần ăn xé ra một ít, nhấm nhí cái ngọt tan dần dần trong lưỡi. Không dám ăn nhiều, sợ hết. Vì thế, cái bánh ấy được xé ra thật nhỏ và giấu trong các quyển sách giáo khoa, trong vở. Cũng là một cách để dành ăn dần. Sung sướng nhất, tưởng đã hết, nhưng một lần nào đó, tình cờ lật sách học bài lại nhìn thấy còn sót mẩu bánh tráng mỏng ngòn ngọt ấy, mừng lắm. Rồi có lúc hai đứa bạn chơi trò oẳn tù tì, ai thắng thì được lật trước quyển sách giáo khoa, lật hú họa, may mắn thì tìm được miếng bánh tráng nhỏ tẹo giấu trong đó. Cứ thế, cứ oẳn tù tì cho đến lúc hết tìm thấy gì thì thôi.

Vái ông Tơ một chầu bánh tráng

Vái bà Nguyệt một tán đường Dinh

Đôi ta gá nghĩa chung tình

Dù ăn cơm mắm, ngủ ngoài đình cũng ưng

"Đường Dinh" là đường gì? Có phải tên gọi như đường bát ở Quảng Nam mà ngày còn nhỏ, y từng mê tít đó không? Trong quyển Giang san Việt Nam - Đây: Non nước Phú Yên (NXB Tiền Giang -1966), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết: “Tại vùng Tuy Hòa, các thôn Ngọc Lãng, Đông Phước trước kia cũng làm đường đen, đem đổ vào khuôn lớn làm bằng chiếc mâm, đem tới bán ở chợ Dinh, tức chợ Tuy Hòa ngày nay” (SĐD, tr. 172). Đôi uyên ương trong câu ca dao trên rõ ràng là nghèo kiết xác, nghèo rách mồng tơi, ai đời hôn nhân cưới hỏi là chuyện trọng đại nhưng chỉ vái ông Tơ, bà Nguyệt mỗi “bánh tráng”, “đường Dinh”! Tự dưng thương thương trong dạ, bùi ngùi trong lòng rồi cầu chúc cho họ mãi mãi ý hiệp tâm đầu. Chắc chắc là thế, bởi nghe họ quả quyết sau đó, dù thế nào đi nữa, “Dù ăn cơm mắm, ngủ ngoài đình cũng ưng”. Ôi, tình ái của đời người, sao mà thiêng liêng đến thế.

Trở lại với quyển sách của Trần Huiền Ân, đoạn vừa trích dẫn có nhắc đến “hột ư”. Hột gì vậy? Thì ra đó là hột ươi theo cách phát âm của người Phú Yên, tại Quảng Nam gọi hột lười ươi, chẳng mấy ai gọi hạt đười ươi. Có lẽ, nhớ nhung nhất, gợi cảm nhất, bâng khuâng nhất của nhiều người hoài niệm vẫn là “mỗi ly có rắc thêm giọt dầu chuối cho thơm”. Những gánh chè bán rong ở miền Trung, thuở trước, sau khi múc xong chén/ly chè, người bán không quên rắc thêm vài giọt dầu chuối. Vài giọt dầu có màu trắng đục loang dần ra, đượm vào vị ngọt của chè và tỏa mùi thơm dìu dịu.

Và bây giờ chẳng còn thấy ai bán “nước đá nhận”. Nhớ lại chưa? Có lẽ nhiều người lắc đầu, không thể nhớ ra loại thức uống đã từng khiến các cô câu học trò mê tít thò lò. “Nước đá nhận” là thế nào nhỉ? Chiều nay, trời mưa tầm tã. Ngồi đọc nhẩn nha quyển Tiếng rao đêm của chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Trong đó, bà có kể lại: “Tuổi thơ của chúng tôi mà được cầm mà được cầm trong tay một ly đá nhận thì không gì thích thú bằng. Mà cũng lạ, đá bào nhuyễn, nhận thật chặt trong ly rồi xịt một ít xirô lên mặt đá, chỉ có thế thôi mà sao những đứa trẻ đứng quanh cái xe đạp háo hức đến thế. Những con mắt tròn xoe, những đôi chân bé bỏng khiễng lên một tí để có thể nhìn thấy từng động tác của người bán, và đôi khi còn rụt rè xin thêm chút xirô để mút cho đã. Mút chán rồi còn tiếc rẻ cho phần đá còn lại đã chẳng còn gì vào mồm và nhâm nhi cho đến hết, ăn xong chẳng hiểu là môi đỏ tự nhiên hay đã bị cái lạnh của đá mà bỗng xinh đến thế kia”.

Hóa ra không chỉ ở Sài Gòn thập niên 1960 mà ở miền Trung cũng vậy thôi, lũ "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cũng khoái “nước đá nhận”. Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nhớ chính xác còn ở chi tiết này: “Thường xe đá nhận được trang bị hai bên cái boọc-ba-ga (vốn là nơi để chở hàng hay chở người ngồi sau xe đạp) là hai cái thùng cũng bằng gỗ, trong đó, đựng vài ba chai sirô nhiều màu: xanh của bạc hà, đỏ tía của dâu, vàng của soda chanh, tím của lá cẩm”. Thật lạ, đôi khi một câu văn bình thường, không hoa hòe hoa sói, viết chân tình lại khiến người đọc thích thú, chỉ vì nó đã gợi nhớ lại một kỷ niệm, một tình cảm tuổi thơ mà mình đã lãng quên từ lâu. Đã lãng quên hình bóng của chính mình đã từng thấp thoáng và rõ nét trong  những câu thơ của Huy Cận:

Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ

Tim run run trăm tình cảm rụt rè

Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe

Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment