LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.8.2105

images.jpg_internet

(Ảnh:Internet)


Mấy hôm nay, vẫn thế. Tuy nhiên, lại đâm ra lười viết Nhật ký. Có lẽ lý do chính vẫn là đối mặt với quá nhiều những vấn đề thời sự gay góc. Mà không muốn mất thời gian phải suy nghĩ vào đó. Không muốn tự mình phải gieo vào trong đầu những chuyện quá đỗi nhố nhăng, lăng nhăng, tàn độc ngoài sức tưởng tượng. Một xã hội lạ lùng quá. Con người đã trở thành quỷ dữ. Tại sao? Có câu trả lời nào không? Chỉ tạm liệt kê vài vụ án gây rúng động dư luận trong thời gian gần đây:

Ngày 2.7.2015, tại Nghệ An, vì mâu thuẫn cá nhân, Vi Văn Hải giết chết 3 người lớn, 1 trẻ em.

Ngày 7.7.2015, tại Bình Phước, vì cướp tài sản, trả thù, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến giết chết 4 người lớn, 2 thiếu niên.

Ngày 7.8.2015 tại Quảng Trị, vì cướp tài sản, Hồ Chí Bảo giết 2 người chết, 1 bị thương.

Ngày 8.8.2015, tại Vĩnh Long, vì tâm thần, Nguyễn Thị Vân đâm 1 trẻ sơ sinh.

Ngày 12.8, tại Yên Bái, vì mâu thuẫn cá nhân, Đặng Văn Hùng giết chết 3 người lớn, 1 trẻ em.

Ngày 14.8. 2015, tại Bến Tre, vì va quẹt xe, Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Tèo dùng dao cắt cổ 1 người chết.

Kinh khiếp chưa?

Đã có nhiều bài báo đề cập đến vấn đề “Người Việt ngày càng xấu xí”. Do đâu, người Việt ngày một tàn ác hơn? Mấy năm trước khi sang Kampuchia, sau khi chiêm bái các đền cổ, chùa chiền, vẫn là một câu hỏi đau đáu trong suy nghĩ: Tại sao đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo lại sinh ra những tên đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary? Tại sao một đất nước giàu tinh thần hiếu hòa, tương thân tương ái “bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống như chung một giàn”; “lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn trao”; “một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”, “thương người như thể thương thân”… lại có thể nhẫn tâm giết người như ngóe?

Xã hội Việt Nam ngày trước, nếu tức giận ai đó, con người ta chỉ lao vào đánh nhau là cùng. Bằng chứng có câu: "Chưa đánh được người, mặt đỏ như vang; đánh được người mặt vàng như nghệ". Nay, giết luôn cho bỏ ghét. Y chọn lấy cụm từ "Nhìn thấy ghét", chính nó đã phản ánh được thực trạng vận hành của một xã hội kỳ quặc, chỉ với ánh nhìn, bị cho là "nhìn đểu" chẳng hạn, có thể mất mạng như chơi. Vậy hóa ra câu: "Lời nói đọi máu" đã trở nên lạc hậu, chưa cần cãi cọ, chưa cần nghe các âm thanh ngứa tai là đã nhảy vào ăn tươi nuốt sống. Tra trên google "giết người vì nhìn thấy ghét" có "Khoảng 553.000 kết quả (0,51 giây)". Một môi trường sống như thế, con người ta sẽ đi về đâu?

Rồi hầu như trong các mối quan hệ xã hội đã khác trước. Ngay với trẻ con - những cô cậu thiên thần như tờ giấy mới, giấy trắng tinh khôi cũng bị lôi vào guồng máy chung. Thế mới đau. Lâu nay, ai cũng thừa biết rằng ngày khai trường của trẻ em thiêng liêng biết chừng nào, nhưng nay thế nào? Trong chuyên mục Cà phê sáng của báo Pháp luật TP.HCM số ra ngày 18.8.2015 có bài: Khai trương hay khai trường?:

"- Tớ đố ông câu này nhá: Bài học thuộc lòng nổi tiếng Tôi đi học, nhà văn Thanh Tịnh mô tả thời điểm nào?

- Dễ ợt. Bộ ông không nhớ đến câu: “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Rõ ràng, nhà văn viết lúc các em tựu trường sau mấy tháng nghỉ hè.

- Ông nói đúng, nhưng bây giờ đã… lạc hậu lắm rồi!

- Ơ hay? Lạc là lạc thế nào? Hông lẽ sau mấy chục năm thì có ai đó phát hiện ra sự nhầm lẫn về văn cảnh, rằng bài này mô tả cảnh đi học… hè?

- Ông không biết gì sất. Sáng 17-8, học sinh cả nước bước vào năm học mới. Thế nhưng phải chờ đến ngày truyền thống 5-9 thì các em mới được dự lễ khai trường.

- Chà, vậy làm sao các em có được cảm xúc tươi mới, hồi hộp, xúc động của ngày đầu tiên đến trường? Lúc ấy, có lẽ từ thầy cô đến các em cũng phải tập “diễn kịch” thôi! Phải “tập diễn” sao cho đúng với cái cảm xúc đã trôi qua từ tháng trước. Làm vậy khác nào chuyện giả tạo!

- Vâng. Sự giả tạo có thể diễn ra ở nơi khác nhưng ở môi trường sư phạm quyết là không. Không gì buồn cười cho bằng lúc ấy, các bài diễn văn, mi cờ rô hếnh hoáng, cờ xí náo nhiệt cứ như thể ngày đầu tiên đón học trò tựu trường! Tội nghiệp, các em phải tham dự một sự giả tạo ngay tại ngôi trường của mình. Đáng buồn quá đi chứ!

- Vậy có thơ rằng:

Tựu trường nhập học đã lâu

Mãi ngày sau, mãi tháng sau… khai trường!

Khai tâm lại tưởng… khai trương

Một kiểu khai trường thật chẳng ra sao!".

Đúng. Ai cũng thừa biết, "chẳng ra làm sao" nhưng rồi nó vẫn cứ tồn tại. Mà thôi, chuyện vặt. Còn nhiều, rất nhiều trái khoáy khác nhưng vẫn cứ trêu ngươi tồn tại. Khi chứng kiến những thay đổi lớn lao, lạ lùng này đã khiến con người ta đôi lúc tự hỏi, mình đang sống ở đâu, sống trong xã hội như thế nào? Vậy, biết tin vào điều gì, tin vào cái gì để có thể vui sống mỗi ngày? Khi đã hỏi như thế, chỉ có cách tin vào chính mình, tin vào những sự hướng thiện đang có, dù nhỏ nhoi vẫn còn tồn tại đâu đó trong cuộc đời này. Đành tự nhủ với chính mình: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Tin là thế.

Có tin thế, mới có thể làm chu đáo công việc của mỗi ngày. Bằng không, con người ta dễ dàng ngao ngán buông xuôi, bước qua một ngã rẽ. Ở ngã rẽ đó, sẽ nhìn thấy cuộc sống này u ám quá, tăm tối quá ắt lên tiếng phản biện, than phiền. Rút cuộc ai gánh lấy sự thở than đó trước nhất, nếu không là chính mình? Mà cũng phải vậy thôi, đó là trách nhiệm của Kẻ Sĩ đấy chứ? Vâng, nhưng y đứng ở ngoài. Vì hèn, vì nhát, vì quá yêu lấy bản thân, không dám đọc, phân tích, lý giải nhiều thông tin đã tiếp nhận bởi sợ sự va đập làm tổn thương lấy chính mình.

Cuối cùng, lại tìm một lối thoát khác. Ấy cũng là một sự lựa chọn khi y hèn nhưng lại đổ vấy rằng thì đã già rồi, chẳng ham hố, quan tâm gì đến việc đời nữa.

Thì đã sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment